Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok và các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,... đã tạo cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận lượng lớn khách hàng thông qua hình thức video quảng bá trực tiếp. Những video Livestream này thường được mở vào buổi tối, khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày của người tiêu dùng. Từ mặt hàng quần áo cho tới mỹ phẩm, đồ gia dụng, hầu như sản phẩm nào cũng sẽ có mặt trên Livestream. Là một người đang kinh doanh sản phẩm, có bao giờ bạn cảm thấy ngưỡng mộ khi Livestream của các shop khác có hàng nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt chốt đơn ngay trong bình luận không? Nhiều người cho rằng, Livestream chốt đơn tốt vì hay, thế nhưng, hay ở đâu, thì lại không thể trả lời được. 

Trong bài viết này, WeStudy sẽ chỉ ra cho bạn những bí mật thuyết phục khách hàng để chốt nghìn đơn thông qua Livestream mà bạn chưa phát hiện ra nhé!!

Tại sao Livestream bán hàng lại hiệu quả?

Trước kia, Livestream bán hàng thường được coi là nơi tụ hội của những người kinh doanh online kem trộn, hoặc chỉ là hình thức ưa chuộng của một bộ phận các chị em phụ nữ đã có gia đình, quan tâm đến thời trang, sản phẩm gia dụng. 

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mọi hoạt động cộng đồng chững lại do đại dịch Covid-19, Tiktok bỗng trở thành nơi giao lưu và giải trí sôi động. Các doanh nghiệp, công ty, shop lớn, shop nhỏ,... đều chuyển hướng sang kinh doanh online và xây dựng nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đa dạng hơn. Livestream cũng theo làn sóng đó, bùng phát thành một công cụ giao lưu của đơn vị kinh doanh với khách hàng. 

Livestream bán hàng hiệu quả bởi vì:

Hình ảnh trực quan và trải nghiệm cụ thể nhất

Dù bạn không trực tiếp chạm vào sản phẩm, bạn cũng sẽ được thấy những người đang Livestream sử dụng sản phẩm. Ví dụ, với mặt hàng quần áo, mẫu Livestream thường sẽ mặc lên người để giúp khách hàng hình dung tốt hơn về thiết kế. Tương tự như vậy, các loại mặt hàng khác cũng được người Livestream xoay chuyển các góc độ, phân tích hướng dẫn sử dụng, và trải nghiệm trực tiếp trên Livestream. 

Nhà thiết kế thời trang phụ nữ trẻ châu Á sử dụng điện thoại di động nhận đơn đặt hàng và trình diễn quần áo trong phát trực tiếp

Những người Livestream kem trộn khiến nhiều chị em tin tưởng một cách bất chấp, đó chính là họ dùng loại kem đó lên da của mình. Một số người trực tiếp thực hiện công đoạn trộn kem và đưa ra những thành phần có tên rất mỹ miều. Với những người không có hiểu biết về mỹ phẩm và dễ dao động tâm lý, chỉ cần nhìn thấy trắng sáng tức thì, họ sẽ tin đây là sản phẩm tốt và cần mua ngay nếu không sẽ mất ưu đãi. 

Vì thế, sản phẩm xuất hiện trên Livestream không phải là sản phẩm trưng bày trên giá, trong tủ, mà là sản phẩm hoạt động đúng chức năng. Người Livestream không chỉ giới thiệu mà còn giúp khách hàng dùng thử sản phẩm đó. Khi người Livestream của đơn vị kinh doanh sử dụng tốt, thì người tiêu dùng cũng sẽ tăng niềm tin hơn. 

Giảm bớt thời gian tư vấn và cân nhắc mua hàng

Thay vì phải ngồi tư vấn chi tiết cho từng khách hàng trong tin nhắn, Livestream sản phẩm sẽ mang đến những thông tin cơ bản nhất về hình dáng, mẫu mã, tính năng, đối tượng phù hợp và ưu đãi về giá. Những thông tin này sẽ giúp khách hàng hình dung tốt hơn so với những con chữ trên màn hình. 

Để bán sản phẩm là áo sơ mi cho những người có vóc dáng khác nhau, bạn phải tư vấn liên tục, thậm chí là lặp lại vài người size M, hoặc size L. Nhưng khi mẫu Livestream mặc áo lên người, giới thiệu chiếc áo đó cùng các chỉ số vóc dáng, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hình dung và có quyết định mua nhanh chóng. 

Tiếp cận khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng

Nếu như trước kia, một bài đăng trên Facebook có thể tiếp cận 2.000 người nhưng chỉ có 100 người yêu thích và chỉ vài người nhắn tin tư vấn thì với Livestream, con số 2.000 người kia sẽ chân thực hơn. 

Những người xem có thể là người theo dõi tài khoản kinh doanh của bạn, cũng có thể đến từ những nút chia sẻ của khách hàng. Nhưng dù bằng cách nào, thì 2.000 người đó đang thực sự nghe bạn nói, chứ không chọn cách lướt qua. Đó là cái hiệu quả hơn của Livestream so với các bài đăng trên Facebook, Instagram,...

Xây dựng hình ảnh thân thiện và tương tác với khách hàng

Nếu như bạn e ngại với những người có vẻ ngoài lạnh lùng thì khách hàng cũng mang tâm lý đó với các thương hiệu. Không khó để thấy, thời gian gần đây, một loạt các thương hiệu như Grab, Baemin, The Coffee House,... đều đang có định hướng nội dung vô cùng thân thiện và gắn bó mật thiết với cá tính của khách hàng mục tiêu. Hay như trong các bài đăng của Brands Vietnam, các thương hiệu lớn và người tiêu dùng đều tương tác với nhau khá sôi nổi. Điều này đã giúp cho người tiêu dùng có thiện cảm và tình cảm sâu sắc hơn với các thương hiệu. 

Beauty blogger giới thiệu mỹ phẩm làm đẹp ngồi trước máy quay để quay video

Livestream cũng vậy. Thay vì giao tiếp với khách hàng qua những con chữ trên màn hình, Livestream giúp thương hiệu vừa bán hàng vừa tương tác trực tiếp. Khi nhìn thấy Livestream mặt hàng mình đang quan tâm, đa số mọi người sẽ chọn ấn vào và tự nhủ “Ồ cái này mình cũng thích, vào coi có đẹp không”. Tức là, cái chướng ngại phải hỏi giá, phải cân nhắc về hình ảnh thực tế, tính năng thực tế đã được loại bỏ qua Livestream. Vì thế, khi nghe tới mặt hàng, tâm lý người tiêu dùng cũng thoải mái nhẹ nhàng hơn và chỉ chờ một cái giá hợp lý để chốt mua. 

Bí quyết chốt đơn hiệu quả trên Livestream

Vậy phải làm thế nào để chốt được đơn với khách hàng? Thoạt nghe, Livestream mang đến hiệu quả vô cùng tốt, nhưng khách hàng cũng vô cùng thông minh. Sự tồn tại của Livestream dù thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là một công cụ tiếp cận được chuyển động hóa và giao tiếp tức thì. Điều quan trọng là những người kinh doanh phải biết cách khai thác tối đa hiệu quả nền tảng để thu lợi về cho mình. Đó cũng chính là bí quyết để chốt đơn cực đỉnh trên Livestream.

Bí quyết số 1: Mời chào với kịch bản

Nếu bạn Livestream không có kịch bản, video của bạn cũng sẽ bị bỏ qua như vô vàn những video khác. Bởi vì, khách hàng luôn muốn thấy những điều mới hơn về thương hiệu, về sản phẩm. Khi bạn không chuẩn bị kịch bản mời chào, bạn không chỉ dễ bị lạc hướng mà còn khiến khách hàng không nhận ra được sự nổi bật của sản phẩm. Đó là điều tối kỵ. 

Một kịch bản Livestream thu hút giống như bạn kể một câu chuyện với khách hàng vậy, có mở đầu, có giới thiệu và càng cần có những cao trào, những bất ngờ níu giữ chân họ để có được cái kết sâu sắc nhất. Để làm được kịch bản, bạn cần lưu ý các yếu tố sau:

- Khách hàng của bạn là ai? (nhân khẩu học, vị trí địa lý, cá tính, phong cách, sở thích,...)

Khi bạn trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ biết phải nói gì với họ. 

Ví dụ, bạn đang bán sản phẩm dầu gội khô, khách hàng bạn hướng tới là các bạn nữ thuộc nhóm Gen Z, phần mở đầu nên là một câu chuyện gắn với lợi ích của chai dầu gội đầu đó. Bạn có thể kể một câu chuyện cười, hoặc một kỷ niệm về mái tóc, mà chai dầu gội khô là cứu tinh. Việc bạn dùng sự đồng cảm sẽ khiến Livestream của bạn trở nên kết nối khách hàng hơn, trở thành nơi giao lưu chứ không chỉ là bán hàng nữa. 

- Giá trị bạn mang tới cho khách hàng là gì?

Điều gì khiến Livestream của bạn trở nên nổi bật hơn tất cả những Livestream khác và tại sao khách hàng nên mua ở Livestream này, đó chính là giá trị bạn cần trao tặng. Bạn hoàn toàn có thể coi giá trị đó là một “cú nổ” giúp cho Livestream trở nên bùng nổ. 

Thông thường, những yếu tố gây chú ý cho khách hàng trong Livestream sẽ có:

  • Số “9” ma thuật - đặt giá sản phẩm với những số 9 như 49K, 69K, 99K. 
  • Sale 30%, Sale 50% hoặc Freeship.
  • Tặng quà cho 10 người, 20 người may mắn khi chia sẻ công khai Livestream.

- Những điểm cần nhấn mạnh là gì?

Những điểm cần nhấn mạnh chính là những dấu ấn đặc biệt của sản phẩm mà bạn cần liên tục lặp lại trong suốt quá trình Livestream. Thời gian tương tác với khách hàng chính là khoảng nghỉ để khách hàng cân nhắc mua sản phẩm, do đó, bạn cần vừa trò chuyện, vừa liên tục nhắc lại các lợi ích của sản phẩm cũng như giá trị dành cho khách hàng.

Bí quyết số 2: Bạn là chủ và bạn là khách

Nghệ thuật Livestream có thể thuyết phục mọi khách hàng chính là: Bạn là chủ sản phẩm nhưng bạn cũng là một khách hàng, tức là phải xóa mờ đi ranh giới của thương hiệu và người tiêu dùng. 

Điều này được quyết định không chỉ bởi những nội dung bạn soạn sẵn trong kịch bản mà còn bởi ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của bạn. 

Gợi ý: Cảm xúc và sự ảnh hưởng đến giọng nói.

Khi trong vai trò người Livestream giới thiệu sản phẩm, bạn cần:

- Phát âm rõ ràng, ngắt nghỉ đúng nhịp: Livestream là hình thức video công chiếu trực tuyến, vì thế, điều kiện mạng sẽ không thể đảm bảo ổn định hoàn toàn ở mọi đầu kết nối. Do đó, để khách hàng ít bị lỡ thông tin và nghe được trọn vẹn các lợi ích của sản phẩm, ngoài việc lặp lại, bạn cần nói đủ nghe, rõ từng chữ, tránh nhanh quá hoặc chậm quá. 

- Nhấn nhá vào lợi ích, biểu cảm tự tin, kết hợp tương tác sản phẩm: Khi nhắc đến sản phẩm và lợi ích, bạn cần thể hiện thái độ dứt khoát cũng như tin tưởng vào sản phẩm được nhắc tới. Cách cầm sản phẩm cần nhẹ nhàng, đảm bảo không che đi chính diện sản phẩm. Đặc biệt, nếu bạn Livestream những sản phẩm có thương hiệu nhất định thì càng cần để bao bì của sản phẩm hiện rõ trong khung hình. Cảm xúc, trạng thái Livestream của bạn càng tốt, giọng nói càng biểu cảm thì càng thúc giục tâm lý muốn sở hữu sản phẩm của khách hàng.

Beauty blogger trình bày mỹ phẩm làm đẹp ngồi trước máy quay để quay video. 

Ngược lại, khi vào vai một người trải nghiệm sản phẩm ngay trong Livestream sau khi vừa giới thiệu, bạn cần thực sự hóa thân thành người tiêu dùng. Thay vì sử dụng những lời giới thiệu chắc chắn, những lời khen nhiệt tình, để tạo ra cho khách hàng cảm nhận “mình đang trải nghiệm”, bạn sẽ phải giống như một người bạn thân của họ.

Khi mặc chiếc áo lên người bạn cảm thấy thế nào? Đội mũ lưỡi trai có bị vải cọ đau trán không, có nới lỏng các nấc được không? Hay sử dụng kem dưỡng trên da có mỏng nhẹ không, chất kem ra sao? Những điều này, bạn cần kết hợp giữa ngôn ngữ gần gũi, quen thuộc như bạn bè trò chuyện cùng nhau, vừa phải kết hợp với các cử chỉ cơ thể, giúp cho người xem hình dung sinh động về sản phẩm. 

Xem thêm: Nghệ thuật thuyết phục bằng giọng nói.

Bí quyết số 3: Hãy khoác cho Livestream lớp áo đẹp

Ngay cả khi cha ông chúng ta dạy rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thì trước khi tìm thấy nét đẹp chất “gỗ” đó, con người vẫn bị dao động bởi sự đẹp đẽ mà họ nhìn thấy. 

Vì thế, khi thực hiện Livestream để phục vụ mục đích kinh doanh, bạn không thể mở như khi bạn Livestream để trò chuyện cùng bạn bè. Livestream kinh doanh cũng cần chuẩn bị thật cẩn thận như khi bạn bày trí để quay video quảng cáo, video Tiktok,...

Beauty blogger trình bày mỹ phẩm làm đẹp ngồi trước máy quay để quay video.

Một số lưu ý dành cho bạn gồm có:

  • Nền phía sau lưng bạn nên là nền trơn để có thể làm nổi bật sản phẩm. Càng nhiều chi tiết, người xem càng dễ bị lạc hướng. 
  • Sử dụng đèn Livestream chuyên dụng và set-up từ 2 - 3 máy hoạt động, trong đó, có nhiều nhất 2 máy để tiến hành Livestream và 1 máy để chốt đơn với khách hàng. 
  • Sử dụng linh hoạt người Livestream. Điều này có thể áp dụng đối với các thương hiệu, hoặc những người kinh doanh có cộng sự. Việc thay đổi người giúp khách hàng được đón một làn gió mới, trò chuyện với một người mới, thay đổi cảm xúc và kích thích sự tò mò về người mới cũng như cách họ dẫn dắt sản phẩm. 

Ánh sáng tốt, phông nền hỗ trợ không chỉ giúp sản phẩm thêm nổi bật, rõ nét trong mắt người xem mà còn tăng chất lượng của Livestream và sự chuyên nghiệp của bạn. Điều này làm gia tăng sự kỳ vọng của khách hàng đối với những lần Livestream tiếp theo. 

Hiện nay, bạn có thể Livestream kinh doanh trên Shopee Live, Facebook hoặc Instagram. Hình thức này trở nên phổ biến và không còn quá nhiều mới lạ. Vì thế, việc bạn chuẩn bị một kịch bản hoàn hảo với những ưu đãi bất ngờ, cùng chất giọng thu hút người xem sẽ là lợi thế chốt đơn trên Livestream.