Năm 2005, bài phát biểu “Stay Hungry. Stay Foolish” của Steve Jobs tại Đại học Stanford đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người, về tình yêu và sự mất mát, về những giá trị mà chúng ta học được trên con đường đời. Không tay, không chân, nhưng không hề lo lắng, Nick Vujicic đã trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng trên thế giới khi không ngừng đi và không ngừng truyền cảm hứng tới triệu triệu người. Điều gì đã khiến họ chinh phục được bản thân và chinh phục những người đang lắng nghe ở bên dưới? Có phải vì họ sử dụng những ngôn từ hoa mỹ, hay họ đã có những người hâm mộ từ trước? Hoàn toàn không phải. Bởi vì, nếu chúng ta thu hẹp lại phạm vi, những người thuyết trình cho chúng ta nghe cũng được coi là những nhà diễn thuyết. Họ hoàn toàn không nổi tiếng nhưng họ vẫn khiến cho ta phải gật gù đồng ý. Bí mật thu phục lòng người của những nhà diễn thuyết không phải sự chuẩn bị cao siêu nào mà nó vô cùng gần gũi, vô cùng quen thuộc. Cùng WeStudy khám phá những bí mật ấy nhé!!

Bí mật số 1: Nghệ thuật thu hút ở phần mở đầu và phần kết luận

Khi bạn làm một bài văn, bạn luôn rất cẩn trọng ở phần mở đầu, làm sao để biết người đọc biết mình viết gì và ở phần kết luận, người đọc nắm được cái cốt lõi nhất và là sự lắng đọng phía sau một loạt những phân tích. Một bài diễn thuyết cũng vậy. 

Những nhà diễn thuyết không viết phần nói của mình thành một bài văn, mà tạo ra một dàn ý dưới dạng The Outline Method - phân chia rõ ràng các luận điểm, trong luận điểm có lập luận và luận cứ rõ ràng. Và đối với mở bài, kết luận, họ sẽ khiến cho người nghe phải tò mò, háo hức. 

Trong bài phát biểu “Stay Hungry. Stay Foolish”, phần mở đầu của Steve Jobs vô cùng ngắn gọn, thế nhưng ông đã tạo ra các vấn đề khiến người nghe thích thú: 

I am honored to be with you today at your commencement from one of the finest universities in the world. Truth be told, I never graduated from college. This is the closest I've ever gotten to a college graduation. Today I want to tell you three stories from my life. That's it. No big deal. Just three stories.

Steve Jobs biography: The new book doesn't explain what made the Apple CEO  tick.

(Ông Steve Jobs - nguồn hình ảnh: Slate.com)

- Ông thừa nhận thẳng thắn rằng bản thân chưa từng tốt nghiệp Đại học, dùng sự chân thật của mình và tình huống để tạo ra sự đối lập của ông với các bạn sinh viên, từ đó nhấn mạnh một vấn đề mà tất cả cùng ngầm hiểu là: lần đầu tiên ông xuất hiện ở lễ tốt nghiệp khi chưa tốt nghiệp với vị thế một người thành công. 

- Ông nói rằng ông sẽ không nói gì nhiều mà chỉ kể 3 câu chuyện. Những bài diễn thuyết quá dài, quá lan man, quá học thuật thường khiến đa số sinh viên cảm thấy mệt mỏi vì đó là những điều họ đã biết hoặc không có mối quan tâm. Tuy nhiên, nếu đó là những câu chuyện, họ sẽ cảm thấy mình đang được lắng nghe với tư cách người được chia sẻ chứ không phải là rao giảng đạo lý. Chính vì thế, ngay tại mở đầu, tâm thế của sinh viên và Steve Jobs đã không còn sự xa cách. 

- Cuối cùng, Steve Jobs kết thúc 3 câu chuyện bằng một câu nói ngắn, gọn nhưng lại tác động đến tâm lý của thế hệ sinh viên trẻ: “Stay Hungry. Stay Foolish”. Những người trẻ yêu sự trải nghiệm và họ luôn mong muốn sự ủng hộ nhiều hơn là phán xét, vì thế, câu nói của Steve Jobs đã chạm tới trái tim của họ. 

Vì thế, đừng bao giờ bỏ qua phần mở đầu và kết luận. Hãy tập trung vào đối tượng nghe bạn nói, khai thác những yếu tố họ quan tâm, những cảm xúc của họ xảy ra trong thời điểm đó. Ví dụ, người nghe là sinh viên, họ sẽ quan tâm nhiều đến vấn đề cơ hội việc làm, động lực phát triển, nên mạo hiểm hay chọn an toàn, thất bại có đáng sợ hay không. 

Bí mật số 2: Ngôn ngữ hình thể quyết định thành công

Nếu bạn chú ý đến những bài phỏng vấn các thí sinh sau khi thi xong, họ thường nói họ khá là run và lo lắng, nhưng so với những hình ảnh của họ trong cuộc thi thì trông họ lại rất tự tin. Đó chính là thủ thuật khiến cho người khác đánh giá cao bạn hơn. 

Chuyên gia tâm lý học xã hội Amy Cuddy cho rằng, việc tạo dáng quyền lực (power posing) — đứng thẳng, đường hoàng, ngẩng cao đầu, ngay cả khi chúng ta không hề cảm thấy tự tin chút nào sẽ tác động đến lượng testosterone và cortisol trong não. Khi cortisol hoạt động một cách có ý nghĩa, nó sẽ là chất ổn định giúp làm giảm cảm giác căng thẳng khi đứng trước đám đông. Khi tâm lý của bạn được thoải mái hơn một phần nào đó, thay vì bị quấn vào lo âu, bạn hoàn toàn đủ năng lượng để bứt phá chính mình. 

Bởi vậy, khi diễn thuyết, bạn cần chú ý đến:

- Ánh mắt bao quát và nhìn những người nghe. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn và là nơi truyền tín hiệu rất tốt. Nếu bạn sử dụng ánh mắt kiên định, tự tin, bạn hoàn toàn có thể nắm giữ đôi mắt của người khác, khiến họ mở lòng và tin tưởng. Cách xử lý ánh mắt sẽ khiến tất cả người nghe cảm thấy bạn nhìn họ. 

Ánh mắt cần điều chỉnh lúc sâu lúc lướt, nhưng đừng nhìn thẳng vào duy nhất một đôi mắt. Khoảng thời gian giao tiếp ánh mắt chỉ nên rơi vào khoảng 2 - 3s và cần di chuyển vị trí giao tiếp để không bỏ sót nhóm người nghe nào. 

Hillary Clinton | Former Secretary of State Hillary Clinton … | Flickr

(Bà Hillary Clinton - nguồn hình ảnh Flickr)

- Biểu cảm gương mặt dao động theo những điều bạn muốn truyền tải. Khi kể một câu chuyện vui, người nghe muốn thấy bạn với gương mặt hài hước, tếu táo. Nhưng khi bạn nói về những vấn đề xã hội có tính suy ngẫm, gương mặt cần sự nghiêm túc, kiên định để tăng tính thuyết phục cho lời nói. 

- Sử dụng các động tác tay, động tác này xuất hiện theo nhịp điệu nhấn nhá của lời nói. Khi cần nhấn mạnh, hãy đưa tay thật dứt khoát, giúp người nghe có thêm ấn tượng về thông điệp đó.

Một tấm gương diễn thuyết về quản lý biểu cảm gương mặt mà bạn nên học theo chính là Barack Obama. Trong tất cả các bài diễn thuyết, các cử chỉ như ánh mắt, cảm xúc, hay mỗi cái đưa tay của vị cựu Tổng thống đều đúng lúc và phù hợp. Ánh mắt sâu sắc của Barack Obama khiến người nghe cảm thấy tín nhiệm và bị cuốn theo. 

Bí mật số 3: Người nói hay nói thay Slide

Nhiều người đã hiểu nhầm ý nghĩa của Slide powerpoint trong khi thuyết trình. Họ coi đó là một bảng phô nội dung, và cho toàn bộ thông tin hiện lên trên Slide. Thế nhưng, khi người ta đã có thông tin và mất thời gian đọc những dòng chữ bạn viết trên Slide, họ sẽ chẳng dành thời gian hay tâm trí để nghe bạn nói nữa đâu. 

Sai lầm này là sai lầm vô cùng phổ biến, từ giáo viên, giảng viên tới các sinh viên và cả những người đã đi làm. Nếu bạn chuyển toàn bộ thông tin lên Slide, thì chẳng khác nào đưa họ một tập tài liệu và muốn họ đọc ngay tại đó. 

Vì thế, hãy nhớ rằng: Slide là công cụ hỗ trợ. Bạn có thể thiết kế thật đẹp, cũng có thể thiết kế đơn giản nhưng nội dung trên Slide chỉ nên là những từ khóa hoặc những luận điểm cần phân tích, bàn luận. 

Mẫu trang trình bày tối thiểu

Để có được Slide phù hợp, bạn cần lưu ý:

- Sử dụng tính tương phản trong thiết kế để nổi bật các từ khóa, luận điểm. Ví dụ, nền trắng thì dùng chữ màu đen, màu đỏ đậm,... 

- Font chữ không chân, cỡ chữ nhỏ nhất là 18, và các tiêu đề cần để lớn hơn để nhấn mạnh. 

- Kết hợp các hình ảnh tương thích với nội dung để tăng tính sinh động. 

- Phân chia bố cục Slide hợp lý, có thể để mỗi luận điểm chiếm 2 - 3 Slides không tính phần hình ảnh. 

Bí mật số 4: Người nói hay là người nói tốt

“Thôi thôi giọng mình không hay mình không dám nói đâu?”. Vậy theo bạn, giọng không hay là như thế nào? Hay chỉ vì, giọng không hay do bạn bị nhầm lẫn với việc giọng nói không tốt. 

Chất giọng là thứ sinh ra đã có, là để phân biệt bạn với những người khác. Nhưng để nói hay, nói tốt thì bạn cần hiểu về kỹ thuật. Tỷ phú Warren Buffett đã nói rằng: “Một cách dễ dàng để phát triển giá trị của bản thân lên đến hơn 50% so với thời điểm hiện tại đó là trau dồi kỹ năng giao tiếp của bạn trên cả hai phương diện: các văn bản cũng như lời nói”. Doanh nhân, tỷ phú Richard Branson cũng cho rằng, để thành công, bạn nhất định phải là một người kể chuyện. Bởi vì nếu bạn không biết cách kể chuyện thì sản phẩm của bạn sẽ chẳng có mấy ai biết đến, cũng như không thể hiểu được giá trị của nó. Dễ thấy nhất của quan điểm này là khi đi phỏng vấn, nếu bạn không kể về mình một cách tốt nhất, thì chẳng ai tin rằng bạn có năng lực. 

Gợi ý: Thế nào là giọng nói hay?

Như vậy, nói hay nói tốt có những kỹ thuật mà nhiều người đang tìm kiếm. Những nhà diễn thuyết trên thế giới đều có chung những điểm sau mà bạn có thể học:

- Phát âm rõ ràng: Đây là yếu tố đầu tiên và cần thiết để người nghe biết bạn nói gì. Khi bạn đeo tai nghe hỏng để nghe nhạc, bạn sẽ vô cùng bức bối khó chịu. Những người nghe diễn thuyết cũng vậy, việc nghe không rõ nội dung không chỉ làm họ chán nản mà còn có phần mất thiện cảm với người diễn thuyết và cả chương trình. Vì thế, dù bạn sử dụng ngôn ngữ nào, trước tiên hãy nói cho thật chuẩn, thật rõ, tránh tình trạng nuốt âm, nói ngọng. 

- Nhịp điệu nhấn nhá: Đây là chìa khóa mở ra giọng nói biểu cảm - ước mơ của rất nhiều người. Có người cho rằng biểu cảm cần giọng hay, đó là sai về kỹ thuật, bởi giọng biểu cảm được tạo ra từ cảm xúc và sự thấu hiểu với nội dung mà mình định nói. Khi thấu hiểu, bạn sẽ biết bạn cần nhấn mạnh ở đâu, nhẹ nhàng chỗ nào, bao giờ thì quyết liệt, bao giờ thì hài hước. Những nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới vì họ thực sự kể chuyện chứ không phải là nhớ và đọc. Khi họ đặt cho bản thân tâm thế kể chuyện, giọng của họ sẽ thoải mái hơn và những cảm xúc cũng có không gian tự do để bùng phát. 

Nữ doanh nhân châu Á nghiêm túc thuyết trình trước nhóm đa chủng tộc bằng bảng lật

- Tốc độ vừa đủ: Khi nói, bạn cần chừa lại những khoảng trống để người nghe có thể dung nạp thông tin và xử lý nó. Bởi vậy, nếu bạn nói quá nhanh, các con chữ sẽ chỉ xô đẩy nhau trong trí não của người khác, khi quá chật chội, nó sẽ rớt ra ngoài một cách khó kiểm soát. Khi diễn thuyết hoặc thuyết trình, đừng nói liền một mạch, mà hãy tạo ra không gian tương tác bằng các câu hỏi để cho người nghe được nghỉ ngơi, đồng thời gia tăng kết nối và sự chú ý của người nói và người nghe. 

Những nhà diễn thuyết nổi tiếng thường không hay nói rằng họ đã làm cách nào để thu phục lòng người. Nhưng chúng ta có thể biết điều đó khi chúng ta rung động với một bài diễn thuyết, khi chúng ta tìm hiểu về những nhà diễn thuyết và dành thời gian để học cách nói sao cho hay, cho tốt. Bạn có thể tham khảo khóa học luyện giọng cùng NSUT Hà Phương để cải thiện kỹ năng thuyết trình, dẫn dắt chương trình của bản thân.