Sáng tạo là một thiên khiếu thường bị xem nhẹ, trong khi phần lớn những gì chúng ta đang tiêu thụ ngày nay đều là sản phẩm của sáng tạo. Những nhà làm phim, ca sĩ, nhà văn, vlogger, vân vân… nếu có danh từ chung nhất để nói lên họ là ai – thì đó là người sáng tạo. 

Kỷ nguyên công nghệ ngày nay đã khiến việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn rất nhiều – nhưng sự cạnh tranh cũng theo đó gia tăng. Nhờ có TikTok và Youtube, hai nền tảng tạo video nổi tiếng nhất, các nhà sáng tạo trẻ tuổi tha hồ thỏa sức vẫy vùng, và không hiếm những người đạt được thành công chói lọi dù tuổi đời vẫn đôi mươi. 

Tất nhiên có sự khác biệt rõ rệt giữa một tiểu thuyết gia và một nhà làm phim – dù cả hai đều là những người sáng tạo – nhưng ở họ vẫn tồn tại một vài mẫu số chung đáng chú ý như dưới đây. 

ẢNH: GELPI/ FREEPIK

#1. Thiên khiếu

Một số người được trời phú cho tài năng sáng tạo. Đó là cái mà chúng ta vẫn thường gọi là thiên khiếu, là quà tặng trời ban. Hiển nhiên một người sáng tạo cần phải có tài năng. Đây là yếu tố tiên quyết, là một phẩm chất cần có hơn là một điều kiện bắt buộc. Ta không thể ép bản thân trở nên tài năng, tất nhiên, vì quyền định đoạt không nằm trong tay ta.  

Trong văn học, địa hạt không bao giờ thiếu vắng những tấm gương, các bậc thầy như Shakespeare, Dickens hay Balzac – nổi tiếng được xem là các thiên tài sáng tạo. Âm nhạc rạng danh nhờ Mozart, Chopin; hội hoạ có Van Gogh, Picasso, Leonardo da Vinci,... Những cái tên vừa rồi được xem vào hàng tinh hoa, ngự trị trên đỉnh chóp của kim tự tháp sáng tạo.

Trong khi đó, đa phần chúng ta nằm đâu đó lưng chừng khoảng giữa, là những nhà sáng tạo đã qua thời a-ma-tơ nhưng vẫn loay hoay tìm đường lên đỉnh. Một người không có tài năng có thể lên tới khoảng giữa này, nhưng sẽ không bao giờ lên cao hơn được nữa. Điều này nói ra không phải để làm nhụt chí, mà để bạn hiểu và chấp nhận thực tế rằng chỉ một số ít những bộ óc kiệt xuất được sinh ra với trí sáng tạo vô biên, là chứng từ bảo đảm họ xứng đáng với vị trí độc tôn trong lĩnh vực. 

Được biết đến nhiều nhất như một hoạ sĩ, ngoài ra Leonardo da Vinci còn là kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, bác sĩ, kĩ sư, nhà phát minh, nhà giải phẫu và nhà triết học,... 
ẢNH: IDESIGN 

Tuy nhiên, vấn đề của tài năng là ở chỗ trong phần lớn trường hợp, đương sự không thể kiểm soát lượng hay chất của tài năng. Tài năng dường như tồn tại độc lập như một bản thể, tuôn trào bất cứ khi nào nó muốn, và khi đã cạn rồi, thế là xong. Dĩ nhiên có một vài người sáng tạo dễ khiến ta cảm thấy như họ có một suối nguồn cảm hứng vô hạn, có thể tuôn trào bất cứ khi nào họ muốn. Câu chữ họ viết cứ lai láng, lời lẽ bay bổng còn ý tưởng thì lớn lao, làm khuấy động lòng ghen tị trong ta theo một lối khá quen thuộc: “Mình sẽ không bao giờ làm được như họ – trừ khi sống tới cả ngàn năm.”

Tuy nhiên đó chỉ là số ít – số nằm trên đỉnh – còn lại phần đông chúng ta, những kẻ ngự trị phía dưới, đều nhọc nhằn như nhau. Sáng tạo không phải chuyện dễ dàng, và nếu bạn thấy bất lực vì tài năng hạn chế của bản thân thì cũng cần biết một sự thật là: hầu hết những người sáng tạo xung quanh bạn đều có trải nghiệm tương đương. 

#2. Sự tập trung 

Nếu được hỏi phẩm chất quan trọng kế tiếp đối với một nhà sáng tạo là gì, thì cũng dễ luôn: khả năng tập trung tất cả nguồn lực giới hạn của ta vào bất cứ việc gì quan trọng tại thời điểm đó. Không tập trung thì sẽ không có thứ gì giá trị được tạo ra cả, trong khi đó, nếu có thể tập trung một cách hiệu quả, ta có thể bù lại cho tài năng thất thường hay thậm chí sự thiếu vắng tài năng. Ngay cả một nhà soạn kịch thiên tài với cái đầu đầy ắp những ý tưởng cũng không thể viết nổi một chữ lên giấy – nếu ông ta còn mải tơ tưởng đến những việc đâu đâu hoặc giả dụ, đang đau đớn quá chừng vì sâu răng. Cái đau và cám dỗ cản trở sự tập trung. Ví dụ có phần vô tri vừa rồi chỉ để củng cố một chân lý rằng không tập trung thì không làm hoàn tất được cái gì cả. 

Victor Hugo từng bắt người hầu mang hết quần áo của ông bỏ đi và nhốt ông trong phòng để ông có thể tập trung phóng tác. 
ẢNH: RALPH BRUCE 

Tôi từng đọc cuốn Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo của David Ogilvy, trong đó có một câu như sau: “Người viết quảng cáo phải tự làm công việc trong căn phòng kín khoá trong. Các hội đồng có thể đưa ra hạn định, đội nhóm có thể cho ý tưởng, nhưng việc viết quảng cáo phải do đích thân anh ta làm một mình.” Tôi hiểu chủ định của Ogilvy trong câu nói này, ông muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung trong tiến trình sáng tạo. Mỗi nhà sáng tạo ít nhiều đều có một nơi chốn mà mình thuộc về, nơi đó dòng cảm hứng trong họ được khơi gợi triệt để, giúp họ phác thảo ý tưởng trong tình trạng “nóng phỏng tay”.

Người ta kể lại rằng Claude Hopkins đã viết cuốn Khoa học quảng cáo – “Kinh Thánh của quảng cáo” – một mình trong một căn nhà gỗ bên bìa rừng vào mỗi tối sau giờ tan làm. Dĩ nhiên, một số người có thể sáng tạo tại bất cứ đâu, trong bất cứ môi trường nào, nhưng nhìn chung trí tưởng tượng và khả năng tập trung của con người đạt mức cực đại khi họ được đặt trong môi trường lý tưởng của mình. Stephen King nói ông có thể vừa viết vừa nghe nhạc rock nặng đô còn J. K. Rowling viết Harry Potter và Hòn đá phù thuỷ phần lớn tại quán cà phê – nhưng với đại đa số chúng ta mà nói, đây không phải là khuôn mẫu thích hợp để noi theo. 

#3. Sự bền bỉ

Sau sự tập trung, thứ quan trọng nhất với người sáng tạo, chắc chắn rồi, sự bền bỉ. Trong thư từ cá nhân, bí quyết lớn nhất mà nhà văn Raymond Chandler đã có lần thú nhận là dù không viết gì cả thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Chủ định đằng sau việc làm này là Chandler tự ép bản thân vào khuôn khổ, rèn cho mình kỷ luật và sức chịu đựng cần thiết mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức lực nội tại của mình. Những tên nghiệp dư ngồi chờ đợi cảm hứng, trong khi người chuyên nghiệp đơn giản thức dậy và ngồi vào bàn làm việc. 

Charles Darwin, cha đẻ của Thuyết Tiến Hoá, tác giả cuốn Nguồn gốc muôn loài – giờ đây được xem là một trong những công trình khoa học vĩ đại nhất lịch sử loài người – chắc chắn là một trong những bộ óc sáng tạo nhất mà nhân loại từng chứng kiến. Nhưng Darwin đã mất tới hơn 20 năm trời để thai nghén đứa con tinh thần ấy. Bằng sức làm việc bền bỉ phi thường (5 tiếng/ngày - không nhiều cho lắm nhỉ?), vô số lần thử và sai, hàng loạt các góp ý từ những nhà khoa học khác – Nguồn gốc muôn loài mới ra đời.

Charles Darwin (1809 - 1882) đã mất hơn hai thập kỷ để hoàn thiện Nguồn gốc muôn loài.
ẢNH: BRITANNICA 

Nếu sống ở thời hiện đại, Darwin chắc chắn sẽ bị liệt vào hàng “nhác việc” vì số giờ làm việc trong ngày của ông còn không bằng một nhân viên văn phòng bình thường – nhưng điều quan trọng hơn thảy là ông duy trì được thói quen làm việc nghiêm ngặt và kiên trì bám sát nó. Có lẽ cần phải nói thêm, Darwin đã tỏ ra rất khó chịu khi người đời ca tụng tài năng của ông trong khi thứ ông muốn nhấn mạnh là khối lượng công việc đồ sộ mà ông đã trải qua. Nếu Darwin nghiên cứu ba hay bốn giờ mỗi ngày và cảm thấy mệt sau một tuần như vậy, có lẽ tới thế kỷ XX con người mới chịu thừa nhận tổ tiên của mình là giống loài mọi rợ chứ chẳng phải Chúa.  

Như vậy, sau tài năng và tập trung, điều cần thiết với một người sáng tạo là sức lực để tập trung hàng ngày trong dài hạn. Đó có thể chỉ là một dự án kéo dài hai, ba tháng, cũng có thể là một công trình dài hơi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng – nhưng dứt khoát đều cần tới sự bền bỉ. Nếu tập trung là ngồi vào bàn làm việc bốn, năm tiếng mỗi ngày, thì bền bỉ là duy trì được kỷ luật đó cho tới đích. 

Vẫn còn hy vọng 

Tin vui là, hai phẩm chất phía sau – tập trung và bền bỉ – không giống tài năng, có thể được trau dồi thông qua rèn luyện. 

Những người sáng tạo được trời phú cho tài năng để phung phí thường không để ý tới sự hữu hạn của nó. Nhất là khi họ còn trẻ, nguồn năng lượng còn dồi dào và cái tôi thích chinh phục mọi thứ, sáng tạo ra thứ gì đó mới mẻ, thời thượng không phải chuyện gì quá khó. Sự tập trung và bền bỉ có thể xuất hiện khi cần, nhưng không cần bỏ công tìm kiếm, vì tài năng đã gồng gánh tất cả. Nếu còn trẻ và tài năng thì giống như hổ mọc thêm cánh vậy. 

Dù sao, khi tuổi trẻ tàn phai, sức lực hao hụt dần, những tài năng như vậy sẽ nhận ra thứ từng dễ dàng với họ nay không còn dễ dàng nữa – cũng như một cầu thủ bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Dĩ nhiên, khi già đi người ta vẫn có thể giảm thiểu sự mai một tài năng tự nhiên – như cách Michael Jordan đắp thêm vào người 10 cân cơ bắp và ném xa nhiều hơn vì không thể bay nhảy như thời trẻ nữa. Tuy nhiên sự bù đắp này cũng có một giới hạn, và chắc chắn có tồn tại một cảm giác mất mát. 

Tài năng có thể khiến người sáng tạo đi nhanh hơn, nhưng sự tập trung và bền bỉ giúp họ đi đường dài và giữ họ đi đúng hướng. Những người sáng tạo tự nhận thấy mình không may mắn được phú cho tài năng vô hạn để phung phí – những người chỉ vừa đủ điểm – cần phải tự bồi đắp sức mạnh nội tại của mình. Trong chừng mực nào đó, họ phải để thói quen, phương pháp, kỷ luật lấp đầy khoảng trống tài năng. Các cách thức một người sáng tạo dùng để tự bổ khuyết bản thân sẽ dần trở thành một phần cá tính của người đó, làm cho anh ta trở nên khác biệt.