Giả sử xe bạn chết máy giữa đường và điện thoại thì hết pin như thể bạn đang ở trong phim Wrong Turn (Ngã rẽ tử thần), bạn nghĩ nơi nào sẽ dễ nhận được sự trợ giúp hơn: một vùng quê hẻo lánh hay một con phố tấp nập người lại qua? 

Hỏi gì kì vậy, chắc chắn là một con phố rồi, đường quê vắng vẻ có khi đợi hàng giờ chẳng có người đi qua ấy chứ. Nếu bạn nghĩ vậy thì bạn sai rồi, ít nhất là theo kết quả từ các nhà nghiên cứu, vì kết quả họ thu về là đáp án còn lại cơ. 

Khi bạn cầu cứu giữa con phố đông đúc, rất nhiều người đi qua nhưng ai cũng nghĩ sẽ có người khác tới cứu bạn thay họ thôi. Ai cũng nghĩ vậy nên không ai tiến tới ra tay cả. Đây là một tình huống rất phổ biến ắt hẳn bạn từng nghe qua, và “Hội đồng Tâm lý học” dành tặng nó cái tên là Hiệu ứng bàng quan

Ảnh minh họa: Getty Images

Hiệu ứng bàng quan không phải cách gọi duy nhất, người ta còn gọi nó bằng một số cái tên khác như Hiệu ứng kẻ ngoài cuộc hay HIỆU ỨNG GENOVESE. Nguồn gốc cái tên "Genovese" bắt đầu từ câu chuyện thương tâm dưới đây. 

Vụ án về Kitty Genovese 

Rạng sáng ngày 13 tháng 3 năm 1964, Kitty Genovese, một nhân viên pha chế 28 tuổi, bị cưỡng hiếp và đâm bằng dao tới chết bên ngoài tòa chung cư nơi cô sống thuộc khu Queens ở New York. 

Một bài báo trên tờ The New York Times ngay sau đó đã tuyên bố có tới 38 nhân chứng trong đêm hôm đó, và thực tế là hung thủ đã bỏ đi rồi quay lại tặng thêm Genovese vài nhát trong suốt 30 phút — mà không một ai nhấc máy gọi cảnh sát hay tìm cách cứu giúp cô gái xấu số. Thực chất thì sau đó người ta đã phát hiện ra bài báo này thổi phồng thái quá. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã vào cuộc. Họ muốn tìm hiểu lý do tại sao nhiều người chứng kiến như vậy mà không hề có động thái nào tỏ ý giúp đỡ Kitty. 

Kết quả mà họ thu về đã đặt nền móng cho một thuật ngữ mới được thêm vào từ điển tâm lý học chính là hiệu ứng bàng quan, hay hiệu ứng Genovese: khi càng có nhiều người chứng kiến một vụ việc cần sự giúp đỡ khẩn cấp thì khả năng có một ai đó thực sự ra tay càng thấp. 

Vụ việc về Kitty Genovese đã trở thành chủ đề chính trong sách giáo khoa tâm lý học Hoa Kỳ trong suốt 4 thập kỷ tiếp theo. Nó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh buộc FBI phải triển khai hệ thống gọi khẩn cấp 911 bốn năm sau đó. 

Latane và Darley tiến hành kiểm chứng 

Cũng vào thời điểm 911 ra đời, hai nhà tâm lý học Bibb Latane và John Darley đã tiến hành một thí nghiệm nhằm đào sâu hơn hiện tượng này. 

Trong thí nghiệm đầu tiên, hai nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia ngồi một mình trong phòng và hoàn thành một bảng hỏi về áp lực đô thị. Thực chất thì dăm ba cái bảng hỏi chỉ cho có lệ, mấu chốt của thí nghiệm là sự việc sau đó: khói (thực ra là hơi nước) bắt đầu tràn vào phòng qua một lỗ thông hơi nhỏ gắn trên tường. Chỉ mất 10 giây để tất cả nhận ra điều không ổn và trong vòng 2 phút, 50% đã đứng dậy đập cửa, con số này tăng thành 75% trong 4 phút sau đó. 

Thí nghiệm thứ hai thì thú vị hơn này, mọi thứ vẫn giữ nguyên, chỉ khác là các đối tượng được yêu cầu làm bảng hỏi theo nhóm 3 người. Khói bốc lên mù mịt, nhưng bạn biết điều gì đã xảy ra không? 62% tiếp tục làm bài trong suốt thời gian thử nghiệm, phần còn lại thì mất tới 6 phút để đứng lên hành động. 

Điều này có thể giải thích một cách khá đơn giản. Giống như việc bạn không dám giơ tay tự nhận mình chưa hiểu bài trong lớp chỉ vì sợ mình trông sẽ như một thằng khờ, các đối tượng trong thí nghiệm trên đã trải qua tình trạng tương tự. Thực chất là họ có nhận ra điều không ổn đấy, nhưng họ nhìn sang người bên cạnh và thấy họ vẫn ổn đấy thôi. Ai cũng nghĩ vậy, ai cũng dùng phản ứng của người kế bên để xác định phản ứng của mình, và vì không ai muốn mình trông như một gã khờ cả nên họ cứ chăm chăm làm bài tiếp. Các cuộc phỏng vấn sau thí nghiệm đã làm rõ điều này, khi tất cả đối tượng đều thừa nhận mình có hoảng sợ trong lòng, nhưng bởi vì người xung quanh vẫn rất bình thản nên họ cho rằng đó chỉ là do mình quá nhát cáy. 

Nhằm tăng thêm độ kịch tính, Latane và Darley quyết định thêm chút mắm muối vào thí nghiệm trên: không còn khói nữa, họ sẽ cho một người phụ nữ hét lên cầu cứu ở ngay phòng bên cạnh. Khi ngồi một mình, 70% người tham gia chạy ra khỏi phòng để tìm hiểu sự tình trong khi chỉ có 40% người làm vậy khi ngồi theo nhóm. 

Khi bạn đang đi đường mà một người bỗng đổ cái ruỳnh, khả năng bạn gạt chân chống xuống và tới giúp đỡ họ sẽ cao hơn khi con đường đó vắng vẻ hơn là một con phố đông đúc. Khi không có ai ở bên, trách nhiệm cứu giúp nạn nhân quy về bản thân bạn và chỉ bạn mà thôi. 

“Người Samari Nhân Đức” 

Một ví dụ cuối cùng để chốt lại bài viết này: thí nghiệm Người Samari Nhân Đức. Thí nghiệm này được thực hiện năm 1973 bởi Darley và Batson, với đối tượng tham gia là những sinh viên thuộc lớp thần học của Đại học Princeton. Kết quả thu về khá rùng mình.. 

Các sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị một bài thuyết trình về Người Samari Nhân Đức trong Kinh Thánh. Trong sách Phúc âm của Luke, Chúa Jesus kể với các môn đồ của mình về một người Do Thái không may gặp cướp và bị đánh đập tơi tả, cuối cùng bị bỏ lại hấp hối bên vệ đường. Một linh mục và một người đàn ông đi qua nhưng đều không ai ra tay giúp đỡ. Chỉ có một người Samari cuối cùng đã dừng lại và ra tay cứu giúp, mặc dù giữa dân Samari và dân Do Thái có mồi hiếm khích sâu sắc. Bài học nhân văn từ câu chuyện này tôi tin là bạn có thể tự rút ra được, còn giờ thì hãy quay trở lại thứ đã khiến tôi phải kể câu chuyện này. 

Sau khi trả lời một loạt câu hỏi liên quan tới câu chuyện trên, một nhóm các sinh viên được phổ biến rằng họ đã bị muộn trong buổi diễn thuyết ở một tòa nhà khác, trong khi nhóm còn lại thì được nghe rằng họ vẫn còn rất nhiều thời gian, nói chung là không phải vội. 

Trên đường di chuyển tới tòa nhà diễn thuyết, một diễn viên được cài cắm từ trước giả bộ bị ngã và kêu lên đầy đau đớn, mục đích là để xem phản ứng của hai nhóm sinh viên. Kết quả như sau: nhóm dư dả thời gian thì có tới 60% người dừng lại để giúp đỡ, trong khi con số này ở nhóm muộn giờ thì chỉ vỏn vẹn 10% (một số thậm chí còn dẫm lên diễn viên để đi nhanh hơn). 

Kết luận mà Durley và Batson đưa ra từ thí nghiệm này không khác gì nhiều so với những điều tôi vừa nói bạn nghe về hiệu ứng bàng quan, tuy nhiên có một câu của hai nhà nghiên cứu làm tôi rất băn khoăn:

 

“Đạo đức bỗng hóa xa xỉ khi tốc độ cuộc sống hằng ngày của chúng ta tăng lên.” 

 

Bạn có thể ngẫm nghĩ thêm về câu nói này. 

Tổng kết 

Để tổng kết lại bài viết, tôi sẽ kết thúc tại nơi mình bắt đầu là trường hợp của Kitty Genovese. Tiến sĩ Harold Takooshian đã viết trên tờ Psychology Today về vụ án: “Khi kẻ giết người bị bắt, và Trưởng Thám tử Albert Seedman hỏi hắn làm sao lại dám tấn công một người phụ nữ trước mặt nhiều nhân chứng như vậy, tên sát nhân chỉ bình thản trả lời: “Tôi biết họ sẽ không làm gì cả, mọi người không bao giờ làm vậy.” 

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì đây? Liệu bạn có nhấc máy gọi điện cho cảnh sát hay làm như những người tham gia trong thí nghiệm của Latane và Darley — ngó nghiêng xung quanh xem có ai tỏ ra nghiêm trọng không, và mím chặt môi lại rồi tự trao cho mình con mắt của một kẻ mù, chỉ vì ngại? 

Nguồn tham khảo 

#1. David McRaney (2011). Hiệu ứng bàng quan. Bạn không thông minh lắm đâu, tái bản lần 1, Nhà xuất bản Thế giới, 118-124. 

#2. Darley, J. M., and Batson, C.D., "From Jerusalem to Jericho": A study of Situational and Dispositional Variables in Helping Behavior". JPSP, 1973, 27, 100-108. 

#3. Udochi Emeghara (2023). Bystander Effect In Psychology

#4. Harold Takooshian (2014). The 1964 Kitty Genovese Tragedy: What Have We Learned?

#5. Maureen Dowd (1984). 20 YEARS AFTER THE MURDER OF KITTY GENOVESE, THE QUESTION REMAINS: WHY?