Hai người đàn ông, hai câu chuyện, một bài học. 

Câu chuyện thứ nhất 

Tua ngược lại những năm 1920 tại Mỹ, không ai là không biết cái tên Al Capone, người đã truyền cảm hứng cho vô số hình tượng ông trùm mafia trên màn ảnh sau này. Thời đó, gã gần như đã thâu tóm toàn bộ Chicago, hay đúng hơn là hủy hoại thành phố này — bằng buôn lậu rượu bất hợp pháp, mại dâm và giết người. 

Nhiều người tự hỏi tại sao Chính quyền không can thiệp và tống gã Capone này ngồi tù mọt gông luôn đi? Chà, Capone có một luật sư phải nói là thượng hạng, người mà gã thân mến gọi bằng biệt danh ‘Easy Eddie’ (Eddie dễ dãi chăng? Hay là việc gì đối với Eddie cũng dễ dàng?). 

Eddie là luật sư của Capone vì một lý do chính đáng — ông ấy rất cừ. Trên thực tế, kỹ năng pháp lý của Eddie đã giúp Big Al thoát cảnh tù tội suốt một thời gian dài. 

Để thể hiện sự cảm kích của mình, Capone trả lương cho Eddie rất hậu hĩnh. Không dừng lại ở đó, trùm buôn lậu còn tậu cho ‘cộng sự’ một biệt thự to tướng với hàng rào kẽm bao quanh, cùng đám tùy tùng gia nhân luôn luôn túc trực. Trong trường hợp vẫn chưa ấn tượng lắm thì, thửa đất này rộng đủ để lấp đầy một khu phố ở Chicago.  

Ông trùm Al Capone (trái) và luật sư 'Easy Eddie' của gã 

Từ đầu tới giờ ta vẫn chưa bàn bạc xem Eddie nghĩ sao về chuyện ông đang làm. Eddie, vốn đang bận đắm chìm trong đời sống thượng lưu mình được ban tặng, tự trao cho mình con mắt của một kẻ mù với những gì đang diễn ra xung quanh. 

Nhưng Eddie có một điểm yếu, mà thông thường một điểm yếu duy nhất thì phải đi cùng từ ‘chết người’. Đúng vậy, Eddie yêu gia đình mình vô cùng. Ông sắm quần áo đẹp cho đứa con trai nhỏ, đưa nó tới học những trường đẳng cấp nhất, cốt mong nó được hưởng nền giáo dục tốt nhất. 

Tiền ư? Không thành vấn đề. Và, mặc dù dính líu tới mafia, Eddie vẫn cố gắng dạy con trai cái nào đúng, cái nào sai, cái nào nên làm và cái nào thì không nên nhúng tay vô. Eddie, trên tất thảy, muốn cậu bé trở thành một người đàn ông tốt hơn cha nó. 

Tuy nhiên, bất chấp sự giàu có và tầm ảnh hưởng của mình, có hai thứ mà ông không thể trao tặng cho thằng bé — một cái tên hay và một tấm gương tốt. 

Một ngày nọ, Easy Eddie đi đến một quyết định khó khăn — ông muốn sửa chữa những gì mình đã làm. Ông sẽ đến gặp chính quyền và nói ra tất cả sự thật, tất cả những gì ông biết về Al Capone. Ông sẽ gột rửa cái tên hoen ố của mình, sẽ xóa đi vết nhơ vẫn làm ông nhức nhối bấy lâu. Để làm được điều này, Eddie của chúng ta sẽ phải làm chứng tại tòa — và ông biết cái giá phải trả sẽ rất đắt. 

Không lâu sau khi phiên tòa kết thúc, cuộc đời của Easy Eddie cũng chấm dứt trong tiếng súng nổ trên một con phố Chicago vắng vẻ. Trong túi của ông có một chuỗi tràng hạt, một cây thánh giá, một huy chương tôn giáo và một bài thơ được cắt ra từ một tạp chí. Bài thơ có nội dung như sau: 

“Đồng hồ cuộc đời tự lên dây cót nhưng chỉ một lần và không ai có khả năng

Để biết chính xác khi nào bàn tay sẽ dừng, dù muộn hay sớm 

Bây giờ là thời gian duy nhất nên hãy sống, yêu thương và làm việc chăm chỉ 

Và đừng đặt niềm tin vào thời gian, vì đồng hồ có thể sẽ sớm dừng chạy.” 

Câu chuyện số hai 

Anh hùng thường sinh ra từ nghịch cảnh, và hẳn thế rồi, Thế chiến thứ hai đã sản sinh ra vô số anh hùng. Thiếu tá Butch O’Hare là một trong số đó. Ông là một phi công chiến đấu thuộc Phi đội Tiêm kích 3 (VF-3) trên tàu sân bay USS Lexington. 

Một ngày nọ, toàn bộ phi đội của O’Hare được cử đi làm nhiệm vụ. Khi đã cất cánh, ông mới nhìn vào đồng hồ đo nhiên liệu và thật đen đủi — bình xăng sắp cạn. Với lượng xăng ít ỏi đó, O’Hare sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ và quay trở lại con tàu của mình. Tuy nhiên, phi đội trưởng ra lệnh ông phải quay về ngay, dẹp cái nhiệm vụ đi, vì vậy ông miễn cưỡng tách khỏi đội hình và quay trở lại hạm đội. 

Khi đang quay trở lại tàu Lexington, O’Hare nhìn thấy một thứ khiến ông lạnh sống lưng — một phi đội gồm 8 máy bay ném bom của Nhật Bản đang lao đầy tốc lực về phía hạm đội Mỹ. 

Các đồng đội của ông đã xuất kích và hạm đội hoàn toàn trống không, rõ ràng là không có khả năng tự vệ. Ông không thể đuổi theo phi đội của mình rồi bảo họ quay về kịp thời, cũng như không thể cảnh báo hạm đội về mối nguy hiểm đang ngày càng tiến tới gần hơn. 

Lúc này, O’Hare đưa ra một quyết định táo bạo: một mình ông phải xử hết đám này. 

Gạt tính mạng bản thân sang một bên, chàng phi công lao vào vòng vây của Nhật với những khẩu pháo cỡ nòng 50 gắn trên cánh rực lửa, đảo qua đảo lại trên không trung như rang lạc, dành tặng địch thủ một màn trình diễn còn hơn cả bất ngờ. 

Ông cứ ra rồi lại vào, cố gắng bắn trúng càng nhiều máy bay càng tốt cho tới khi hết đạn thì thôi. Không nản lòng, ông tiếp tục tấn công các máy bay khác, ông lao vào chúng, cắt cánh và đuôi máy bay để chúng không còn khả năng bay. Đối với O’Hare lúc này mà nói, thiệt hại càng lớn thì càng tốt. 

Cuối cùng, phi đội Nhật bực tức cất cánh theo hướng khác. 

Thở phào nhẹ nhõm, Butch O’Hare lết về sân bay, đằng sau là chiếc chiến cơ tả tơi đã biến dạng tới kỳ dị. Ông không cần nói quá nhiều về những gì vừa xảy ra, vì đoạn phim từ camera gắn trên máy bay đã thuật lại tất cả. O’Hare đã một mình tiêu diệt được 5 máy bay địch. 

Edward "Butch" O'Hare (1914 - 1943) 

Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1942. Hành động quả cảm trên đã giúp Butch O’Hare trở thành Á quân Thế chiến thứ hai đầu tiên của Hải quân và là phi công hải quân đầu tiên giành được Huân chương Danh dự. Một năm sau, con người nhỏ bé với trái tim vĩ đại trên thiệt mạng trong một trận không chiến, ở tuổi 29. 

Quê hương của ông chắc chắn không để ký ức về đứa con anh hùng của họ phai mờ, vì vậy vào năm 1949, sân bay Orchard Field gần Chicago được đổi tên để vinh danh O’Hare. 

Vì vậy, lần tới khi bạn đến Sân bay Quốc tế O’Hare, hãy dành chút thời gian ghé thăm đài tưởng niệm Butch trưng bày bức tượng và Huân chương Danh dự của ông. Nó nằm giữa Nhà ga 1 và 2. 

Vậy hai câu chuyện có liên quan gì với nhau? 

Butch O’Hare là con trai của Easy Eddie. 

*Nguồn tham khảo: Two Men, Two Stories, One Lesson.