Không có thời gian để sợ hãi
Kobe Bryant, chàng trai vừa tốt nghiệp trung học chính thức bước chân vào NBA (Liên đoàn Bóng rổ Mỹ) năm 18 tuổi, chính xác là 18 tuổi 158 ngày. Tại thời điểm ấy, ông là người trẻ nhất gia nhập giải đấu bóng rổ được xem là ‘khắc nghiệt nhất hành tinh’ này.
Kobe Bryant cao 1m98, nặng 86kg — có thể coi là người khổng lồ với người thường chúng ta, nhưng đứng trong NBA thì hai con số trên đưa tên ông liệt vào hàng ‘còm nhom’. Không ai tin chàng trai trẻ ấy sẽ làm nên trò trống gì. Kobe rất tài năng, ông “làm gỏi” đối thủ và tung hoành khắp các giải đấu trung học. Nhưng chừng đó chẳng thể khẳng định điều gì, vì NBA là một tầm cao khác. Đẳng cấp hơn, khắc nghiệt hơn, và cũng nhiều cám dỗ hơn.
Không ít cầu thủ từng làm mưa làm gió thời trung học, nhưng khi bước chân vào NBA bỗng mất tăm mất tích. Người thì không đủ năng lực để khẳng định bản thân, người thì phung phí tài năng trời ban vì nghiện ngập, cờ bạc, gái gú... Vậy nên chẳng ai tin Kobe Bryant sẽ tạo nên phép màu — nhưng họ biết đó cũng chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán — vì đôi khi những người mà ta tin không thể làm được gì đó sẽ làm nên những điều không thể.
Và Kobe Bryant là một người như thế. Có lẽ đến NBA cũng chẳng thể ngờ chàng trai “nhỏ con” kia sẽ thống trị làng bóng rổ trong suốt hơn một thập kỷ sắp tới, đem về cho họ nguồn doanh thu khổng lồ vì tên tuổi anh ta lan tỏa khắp mọi địa hạt nước Mỹ, và niềm cảm hứng đó vẫn không mai một cho tới tận bây giờ — khi một đứa trẻ đưa tay ném bóng vào rổ rồi bất giác thốt lên hai từ “Kobe!”.
“Kobe”, là câu thần chú của dân bóng rổ mỗi lần quả bóng xoáy lên không trung. Trong khoảnh khắc tiếng nói ấy vừa vọt ra khỏi miệng, người ném trái bóng sẽ mong chờ phép màu xảy đến, rằng trái bóng sẽ xoáy thật tít, tạo nên một vòng cung như cầu vồng và tiếng ‘sọt’ của lưới rung lên.
“VÀO RỒI!”
Có thể bắt chước nhưng đừng sao chép
Ngày mới bước chân vào NBA, Kobe Bryant với bước chân uyển chuyển, với cú ném ngả người và lối đánh xông xáo đầy uy lực không khỏi làm người ta liên tưởng tới bóng dáng vua bóng rổ Michael Jordan.
Thật kỳ lạ vì Kobe lẫn Michael cùng cao 1m98, nặng 98kg, cùng chơi ở vị trí hậu vệ và phong cách chơi bóng thì cứ na ná nhau. Nhưng vì Kobe sinh sau đẻ muộn hơn Mike, hiển nhiên ông sẽ được xem là ‘bản sao’ của vua bóng rổ.
Kobe biết điều này, và ông đã dành cả sự nghiệp để thoát khỏi cái mác ‘Michael Jordan thứ 2’ đó.
“Tôi không muốn trở thành Michael Jordan tiếp theo. Tôi chỉ muốn trở thành Kobe Bryant.”
- Kobe Bryant
Kobe cũng từng nói: “Không có bước đi nào nào là mới mẻ cả.” Dù đã thành công khẳng định cá tính chơi bóng của mình, ông vẫn dành sự tôn trọng cho đàn anh Michael vì ông đã học hỏi kỹ năng của Michael nhiều hơn ai hết.
Tất cả chúng ta đều vậy, chúng ta có thần tượng và ta lấy họ làm hình mẫu để noi theo. Đó là một phần của quy trình sáng tạo: ta bắt chước thật nhiều người, cố gắng trở thành thật nhiều người rồi cuối cùng, ta trở thành chính mình.
Vì vậy, sẽ không hề có một Jordan thứ 2 hay Kobe thứ 2 nào cả. Vì Jordan cũng như Kobe, chỉ có một mà thôi, và một là quá đủ rồi!
>>> Đọc thêm về cách Kobe Bryant đã 'đánh cắp' kỹ năng của Michael Jordan.
Là gã chăm chỉ nhất trong những gã chăm chỉ
Giới bóng rổ vẫn lưu truyền bức ảnh Kobe Bryant trong bộ pyjama đang tập ném bóng rổ vào mùa giải 1998-1999. Ông tập ném bằng tay trái, vì thời gian đó ông đang chịu chấn thương ở vai phải, vốn là bên tay thuận của ông. “Khi tôi đến đó, Kobe đã ướt đẫm mồ hôi với cánh tay phải bó bột và đang rê bóng ném bằng tay trái,” John Celestand — đồng đội của Kobe nhớ lại.
Huấn luyện viên Byron Scott của Los Angeles Laker, đội bóng mà Kobe Bryant gắn bó trong suốt sự nghiệp, nói với Business Insider rằng ông từng bắt gặp Kobe Bryant đang nhễ nhại mồ hôi trong phòng tập… 2 giờ trước buổi tập:
“Tôi nghe thấy tiếng bóng nảy. Đèn không bật. Lúc đó khoảng 9 giờ thì phải, mà 11 giờ buổi tập mới diễn ra cơ mà. Thật tò mò, tôi bước vào sân và thấy Kobe Bryant đang tập ném ở ngay kia — trong bóng tối. Và tôi đơ người mất khoảng 10 giây và tự nói với bản thân: “Đứa trẻ này sẽ làm nên chuyện đây”.
Và đúng là Kobe Bryant đã làm nên chuyện, thậm chí sớm hơn kỳ vọng là đằng khác. Trong khi Jordan huyền thoại phải mất tới 7 năm lăn lộn trong giải đấu mới giành được chức vô địch đầu tiên thì Kobe chỉ mất có 3 năm để làm điều đó. Nhưng Kobe Bryant không thỏa mãn với điều đó, vì ông vẫn luôn được xem là kép phụ, vì Shaq mới là cầu thủ giỏi nhất của Lakers, là người có công lớn nhất trong công cuộc ‘chinh phạt’ của đội bóng.
Shaq chia tay Lakers năm 2004 sau khi đem về cho đội bóng 3 chức vô địch chỉ trong 6 năm gắn bó. Kobe Bryant ở lại, nỗ lực vượt qua cái bóng của đồng đội cũ. Giờ dây, ông hiểu Lakers mà chỉ có mình ông là siêu sao thì không đủ, ông phải có những vệ tinh xung quanh, ông phải thúc đẩy đồng đội trở nên tốt hơn giống mình.
Kobe Bryant đổi số áo từ 8 thành 24, nhiều người nói rằng ông muốn hơn Jordan một bậc nên đã chọn số đó (vì số áo của Jordan là 23). Kobe chẳng quan tâm, ông chỉ chuyên tâm chơi bóng.
Sau này, Kobe thậm chí còn lên tiếng chỉ trích Shaq vì ông cho rằng nếu ‘gã béo’ tập luyện chăm chỉ như ông, họ sẽ giành được 10 chức vô địch thay vì 3. Shaq béo cũng không kém cạnh, ông chỉ phán một câu xanh rờn: “Chẳng có kẻ lười biếng nào lại được dựng tượng ở Los Angeles đâu!” Chà, một mẩu chuyện vui để bạn lấy sức đọc thêm những phần dưới đây ấy mà!
Chấp nhận thất bại
Trong trận chung kết mùa giải 2007-2008 giữa Los Angeles và Boston Celtics — hai đội bóng giàu thành tích nhất NBA và đã chạm trán nhau trên dưới 10 lần trong suốt lịch sử bóng rổ, chiến thắng đã không mỉm cười với Kobe Bryant.
Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, kết quả chung cuộc 131-92 được ấn định, Celtics lên ngôi vô địch ngay tại sân nhà trong sự hò reo kịch liệt của người hâm mộ. Kobe Bryant lặng lẽ bắt tay và chúc mừng đối thủ sau đó rời đi với đôi mắt đỏ hoe đẫm lệ. Ông đã thua, đúng vậy, thua thật nhục nhã ê chề, cách biệt tới 39 điểm — gần như là kỷ lục tại Chung kết NBA bấy giờ.
Bất chấp biết bao nỗ lực, bao mồ hôi công sức, Kobe Bryant vẫn không thể tự mình lèo lái Lakers đăng quang sau khi Shaq rời đi năm 2004, người ngay sau đó giành chức vô địch năm 2006 với Miami Heats.
Lúc ấy, Kobe Bryant tròn 30 tuổi, độ tuổi mà người ta xem như cột mốc đánh dấu sườn dốc bên kia sự nghiệp của một cầu thủ. Người ta nghĩ Kobe Bryant ‘may mắn’ được song hành cùng Shaq trong những ngày đầu sự nghiệp và 3 chức vô địch hưởng ké đó cũng là mãn nhãn rồi.
Và hãy hỏi tôi điều gì xảy ra tiếp đó đi? Kobe Bryant ngay ngày hôm sau, tức là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, lúc mà Boston Celtics vẫn đang bận rộn ăn mừng chiến thắng và các cầu thủ khác tranh thủ du lịch đó đây thì Kobe xuất hiện tại phòng tập và tập ném điên cuồng.
“Thua là thua. Không có chuyện thắng trong lòng người hâm mộ hay gì cả. Hoặc là bạn nâng được cúp vô địch rồi chúng ta cùng ăn mừng, hoặc bạn là một gã khốn. Đối với tôi, đó là hai phạm trù cách biệt.”
- Kobe Bryant
Cả đội Lakers đều biết năm nay sẽ không có kỳ nghỉ hè nào cả. Làm sao họ có thể yên tâm nghỉ ngơi cho được, khi mà vạt áo đội trưởng thấm đẫm mồ hôi như kia?
Họ lên ngôi vô địch 2 năm liền sau đó, và gặp lại Boston Celtics vào năm 2010. Vẫn là đội hình ấy, vẫn là những cái tên ấy, như thể trận thư hùng năm 2008 được phép tái diễn. Nhưng lịch sử đã không lặp lại, vì Kobe Bryant mới là kẻ thắng sau cùng. Ông vẫn khóc, nhưng là giọt nước mắt của hạnh phúc, vì ông biết ông không chỉ vượt qua Celtics mà còn vượt qua chính mình của ngày hôm qua.
Đối với Kobe mà nói, đó mới là chiến thắng trọn vẹn. Kobe kết thúc sự nghiệp với 5 nhẫn vô địch trong tay, còn người bạn của ông, Shaq, con số đó là 4.
5 thì lớn hơn 4.
Sống như một miếng bọt biển
Thật dễ để lầm tưởng Kobe Bryant và Michael Jordan, cùng là hai cầu thủ vĩ đại với tinh thần cạnh tranh quyết liệt là kỳ phùng địch thủ của nhau. Nhưng sự thật lại đả kích nhận định trên không thương tiếc vì trong bộ phim tài liệu The Last Dance, Kobe chia sẻ ông coi Jordan ‘như một người anh em’, và thú nhận mọi thành tựu trên sân bóng rổ của ông đều ít nhiều có bóng dáng của Michael.
Jordan trêu đùa Kobe chẳng khác nào một thằng bé phiền nhiễu, vì khổ nỗi Kobe toàn gọi điện cho ông lúc 2 giờ sáng chỉ để… xin lời khuyên. Những ngày còn thi đấu, Kobe xem Michael như tượng đài bất diệt, luôn khát khao học hỏi kinh nghiệm chơi bóng từ đàn anh. Khi cả hai lão tướng đã về vườn, Kobe vẫn nhắn tin Michael hỏi xin lời khuyên về kinh doanh, cuộc sống gia đình,... Có thể thấy, mối quan hệ của họ đã lan xa khỏi phòng tập, và qua câu chuyện này mới thấy Kobe Bryant ham học hỏi tới nhường nào.
Nhưng Michael Jordan không phải người duy nhất bị Kobe Bryant ‘làm phiền’. Trong lần phỏng vấn với Bloomberg, Kobe thừa nhận ông thích gọi điện cho các doanh nhân để hỏi ý kiến họ về chuyện kinh doanh, cách họ điều hành công ty và quan trọng hơn — ông muốn ‘đánh cắp’ cách mà họ nhìn thị trường vận động.
Như một miếng bọt biển, Kobe Bryant cứ lẳng lặng học tập, lẳng lặng tiếp thu giữa ngày rộng tháng dài. Ông ‘thẩm thấu’’ những kiến thức mình muốn và ngày càng trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Nỗi đau là bạn đồng hành
Xuyên suốt 1.346 trận đấu trong sự nghiệp, Kobe Bryant đã học được cách chấp nhận nỗi đau như một người bạn đồng hành. Nếu bạn thấy khó tin vì câu chuyện chơi bóng bằng tay trái với tay phải bó bột ở trên thì bạn sẽ còn bất ngờ hơn vì những điều tôi sắp nói tới đây.
Kobe từng chơi bóng với một mắt cá chân bong gân, một vai bị rách dây chằng, một chiếc răng bị gãy, một vết rách ở môi và một đầu gối sưng to tướng. Kỷ luật nghiêm ngặt đã tàn phá cơ thể Kobe Bryant không ít, nhưng cũng khiến tầm vóc ông trở nên thật vĩ đại.
Kobe từng nói rằng ông sẽ luôn chơi bóng như thể đó là lần cuối cùng, sẽ cắn răng chịu đựng đau đớn để phô diễn những kỹ năng thượng hạng vì ông biết mỗi trận đấu sẽ luôn là mới lạ với những người trên khán đài kia, những người chưa từng xem ông đấu bao giờ và có khi phải tích cóp hàng tuần trời để được đi xem ông chơi bóng.
Kobe Bryant nghĩ mình có trách nhiệm phải cho họ thấy màn trình diễn tốt nhất, phải làm hả hê con mắt họ và khiến họ hài lòng vì công sức họ đã bỏ ra để tới xem ông thi đấu.
“Rốt cuộc, sự vĩ đại không dành cho tất cả mọi người.”
Đó là câu nói mà tôi nhớ nhất về Kobe Bryant, nhân vật chính của bài viết này, người đã truyền lửa giúp tôi theo đuổi trái bóng cam, và cũng là tượng đài bất diệt trong lòng người yêu thích bóng rổ.
Rốt cuộc, sự vĩ đại không dành cho tất cả mọi người. Nó chỉ dành cho số hiếm những người xứng đáng, những người chăm chỉ, tận tâm, làm việc bằng cả con tim và khối óc, những người thách thức cả thế giới để khẳng định mình.
Sự vĩ đại có thể không dành cho tôi, người đang vật lộn viết bài này; cũng có thể không dành cho bạn, người đang bỏ thời giờ quý giá để đọc tới tận cùng bài viết này. Nhưng hãng khoan vì chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để trở nên vĩ đại, và vì trước hết chúng ta phải dành lời tri ân tới Kobe Bryant vĩ đại đã: Kobe à, ông tuyệt vời lắm!
*Kobe Bryant sinh ngày 23 tháng 8 năm 1978, qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2020 trong một vụ tai nạn trực thăng. Thời còn thi đấu, ông sử dụng hai số áo là 8 và 24, vì vậy cộng đồng bóng rổ toàn cầu lấy ngày 24 tháng 8 là ngày của Kobe, như một đạo luật bất thành văn. Đáng ra tôi nên viết bài này vào hôm đó mới phải, nhưng thật lòng xin lỗi vì đôi khi con chữ không phải cứ muốn là tuôn ra cho được. Chúc mừng sinh nhật muộn Kobe Bryant, và mừng ngày của ông. Rest in Peace!