John Wooden là một huấn luyện viên và cựu cầu thủ bóng rổ người Mỹ. Với biệt danh “Phù thuỷ xứ Westwood”, ông đã dẫn dắt UCLA Bruins vô địch quốc gia 10 lần trong khoảng thời gian 12 năm huấn luyện, bao gồm kỷ lục 7 lần liên tiếp—một kỷ lục có lẽ sẽ không bao giờ bị phá vỡ. Di sản của Wooden không chỉ dừng lại ở bóng rổ mà còn lan rộng sang các mảng khác như kinh doanh, chính trị, lãnh đạo, v.v. Cuộc đời ông, triết lý sống của ông luôn là những câu chuyện tràn đầy cảm hứng dành tới các thế hệ hậu bối. Như thường lệ, dưới đây là một vài trích dẫn nổi tiếng của ông về chiến thắng, thất bại và thành công.
Một định nghĩa về thành công
Tôi từng muốn nảy ra một thứ gì đó, hi vọng có thể khiến tôi trở thành một thầy giáo tốt hơn và đem đến cho những học trò của mình—dù là lớp thể dục hay lớp Anh văn—một điều gì đó để chúng nỗ lực phấn đấu chứ không phải chỉ là điểm cao trên lớp, hay bàn thắng trong một trận đấu thể thao.
Tôi bận tâm về chuyện này khá nhiều. Tôi muốn tạo ra một định nghĩa thành công của chính tôi, hi vọng nó sẽ giúp ích. Tôi biết Webster định nghĩa “thành công” ra sao: nó là sự tích luỹ các tài sản vật chất hay việc đạt được một chỗ đứng trên nấc thang xã hội hoặc địa vị cao, hay đại loại vậy. Có lẽ đó là những thành tựu đáng giá nhưng theo quan điểm của tôi, chúng không chứng minh là bạn thành công.
Tôi còn nhớ mình lớn lên ở một nông trại nhỏ vùng Nam Indiana. Cha tôi đã cố dạy tôi và các anh là đừng bao giờ tỏ ra mình giỏi hơn người khác. Phải luôn học hỏi từ người khác. Đừng bao giờ ngừng nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình—điều này nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nếu bạn quá mải mê vào những thứ bạn không thể kiểm soátt, nó sẽ tác động ngược trở lại vào những thứ bạn có thể kiểm soát. Thế rồi tôi tình cờ đọc được câu thơ đơn giản thế này:
“Dưới chân Chúa để xưng tội, một linh hồn tội nghiệp quỳ xuống và cúi đầu. “Con đã thất bại!” y kêu lên. Chúa đáp: “Con đã làm hết sức mình, đó là thành công.”
Từ những điều đó, và có lẽ một điều khác nữa, tôi đã tạo ra được định nghĩa riêng về thành công cho mình: Sự bình yên trong tâm hồn chỉ có thể đạt được thông qua sự thoả mãn khi ta biết rằng ta đã nỗ lực làm tốt nhất trong khả năng. Nếu bạn nỗ lực hết mức trong khả năng của bạn, cố gắng cải thiện tình hình của bạn, tôi nghĩ đó là thành công. Và tôi nghĩ không ai có thể phán xét bạn về điều này.
Bộ ba nguyên tắc
Tôi tin vào nghiệp dạy học. Ở đây có thật nhiều người trẻ tuổi, làm tôi nhớ đến các học trò của mình ở UCLA—hơn 30 luật sư, 11 nha sĩ và bác sĩ, rất rất nhiều giáo viên và các ngành nghề khác. Chứng kiến các em trưởng thành đem lại cho tôi một niềm vui sướng tột bậc. Tôi luôn cố giúp các em cảm thấy chúng đến trường để được học, đó là ưu tiên số một. Bóng rổ là ưu tiên thứ hai, vì nó giúp các em trang trải học phí, và các em cũng cần chút thời gian cho các mối quan hệ xã hội nhưng nếu để nó lấn lướt hai ưu tiên kia thì chẳng mấy, các em sẽ không còn gì cả. Đó là những điều tôi luôn cố gắng truyền đạt tới học trò của mình.
Đại khái, tôi có ba nguyên tắc quan trọng mà hầu như lúc nào tôi cũng tuân thủ. Một là—không bao giờ đi trễ. Không bao giờ được muộn giờ. Nếu đội bóng phải di chuyển đến đâu đó, các em vận động viên phải ăn mặc tươm tất, gọn gàng. Có thời tôi từng bắt các em phải mặc áo sơ mi, đóng vest và thắt cà vạt. Sau tôi thấy hiệu trưởng mặc quần jeans và áo cổ tim đến trường thì tôi mới thôi. Nhưng tôi rất kiên quyết về chuyện này. Tôi tin sự đúng giờ là tối quan trọng. Tôi tin ai cũng phải đúng giờ. Ví dụ, khi tập luyện, nếu bắt đầu đúng giờ thì sẽ kết thúc đúng giờ. Các em sẽ không cảm thấy là tôi ép chúng ở lại tập quá lâu.
Khi tôi phát biểu tại các buổi tập huấn, tôi thường bảo các huấn luyện viên trẻ tuổi—và ở các trại tập huấn thì, ít hay nhiều, họ luôn là những huấn luyện viên chân ướt chân ráo vào nghề. Phần lớn họ đều là người trẻ, và thường là mới kết hôn. Và tôi bảo họ, “Đừng bắt đầu buổi tập muộn bởi bạn sẽ phải về nhà muộn trong một tâm trạng không tốt, và điều này không tốt bởi, mới kết hôn thì không nên đem bực về nhà. Khi bạn già đi thì sự khác biệt là không đáng kể, nhưng còn trẻ thì nên chú ý.”
Một nguyên tắc khác mà tôi đặt ra là, không được có bất cứ một lời văng tục nào. Một từ thôi và bạn sẽ bị cấm cổ cả ngày. Nếu tôi thấy một cầu thủ trong đội chửi thề khi đang thi đấu, họ sẽ ra ngoài ngồi dự bị ngay lập tức.
Và nguyên tắc sau cùng là, không bao giờ được chỉ trích đồng đội. Tôi không muốn điều này xảy ra trong đội. Tôi thường nói với các em rằng tôi được trả tiền để làm điều đó. Đó là công việc của tôi. Vô cùng bèo bọt, nhưng tôi được trả tiền để làm điều đó.
Kim tự tháp thành công
Cuối cùng tôi nảy ra một mô hình kim tự tháp, mà tôi không có thời gian để thảo luận sâu ở đây. Nhưng tôi nghĩ điều đó đã giúp tôi trở thành một người thầy tốt hơn. Nó đại khái như sau: Kim tự tháp này được tạo thành từ các viên gạch. Những viên gạch nền là cần cù, nhiệt huyết và yêu thích điều bạn đang làm. Chúng sẽ đưa bạn cao dần lên đỉnh—và ta bắt gặp ở đó là niềm tin và sự nhẫn nại.
Tôi xin quả quyết với các bạn rằng bất kể làm gì các bạn cũng phải nhẫn nại. Bạn buộc phải có lòng kiên trì nếu muốn làm nên chuyện. Ta thường nói rằng thanh niên rất thiếu kiên nhẫn. Đúng vậy. Họ muốn thay đổi mọi thứ. Họ nghĩ thay đổi là tiến bộ. Khi già hơn chút, ta có xu hướng để mọi chuyện ra sao thì ra.
Và tôi tin rằng chúng ta phải có niềm tin. Ta phải thực sự tin là mọi chuyện sẽ xảy ra miễn là ta làm đúng những gì ta cần làm. Ta thường hi vọng mọi chuyện sẽ diễn tiến theo cách ta muốn nhưng ta hiếm khi làm những việc cần thiết để hiện thực hoá nó. Tôi đã tìm cách hoàn thiện kim tự tháp này trong khoảng 14 năm và tôi nghĩ nó đã giúp tôi trở thành một người thầy tốt hơn. Tất cả đều xoay quanh định nghĩa về thành công ban đầu.
[…]
Chúng ta thắng hay thua là do chính bản thân mình. Những chiếc cúp sáng loá trên kệ không giúp ta thắng trận đấu ngày mai. Bạn và tôi đều biết sâu thẳm bên trong, ta luôn có cơ hội thành công. Nhưng khi chúng ta không cố gắng làm hết sức, chúng ta chỉ đơn giản là chưa đáp ứng yêu cầu của việc cho đi tất cả; của việc chứng minh giá trị của lòng kiên trì; của việc tiếp tục chơi khi những người khác bỏ cuộc; của việc chơi hết mình, không từ bỏ.
Chính sự nỗ lực giúp ta giành được cúp. Đó là chiếc cúp của những ước mơ về mục tiêu phía trước; của niềm hi vọng khi ước mơ trong ta vỡ vụn; của việc nguyện cầu khi hi vọng trong ta tắt ngấm; và không sợ vấp ngã, không sợ thua cuộc, nếu ta mạnh dạn cho đi tất cả. Còn đòi hỏi gì hơn ở một người đàn ông đã cho đi tất cả những gì anh ta có. Đối với tôi, cống hiến hết mình đưa ta tới gần hơn với chiến thắng. Và vì thế, Số Phận hiếm khi sai, bất kể nó quanh co khúc khuỷu ra sao. Chính bạn và tôi tự tạo nên số phận cho riêng mình.
Điều này làm tôi nhớ đến một bộ ba khác mà bố tôi đã cố gắng truyền đạt cho chúng tôi: Đừng than vãn. Đừng phàn nàn. Đừng bào chữa. Hãy ra ngoài đó đi, và bất kể bạn đang làm gì, hãy làm hết khả năng của mình. Tôi cũng đã cố gắng giải thích rằng đừng bao giờ nhắc đến chiến thắng.
Ý tưởng của tôi là bạn có thể thua khi bạn ghi nhiều điểm hơn ai đó trong một trò chơi, và bạn có thể thắng dù bị ghi nhiều điểm hơn. Tôi đã từng cảm thấy như vậy vào nhiều dịp, nhiều thời điểm khác nhau. Và tôi chỉ muốn các em có thể ngẩng cao đầu sau mỗi trận đấu. Tôi muốn một người không đi xem trận đấu không thể nào biết được kết quả chung cuộc ra sao nếu chỉ nhìn vào sắc mặt của các cầu thủ đội tôi.
Một lần nữa, điều thực sự quan trọng là: nếu bạn thường xuyên nỗ lực hết khả năng của mình thì kết quả sẽ không bao giờ là quá tệ. Không nhất thiết là kết quả bạn mong muốn, nhưng là kết quả có thể chấp nhận được. Đừng thua cuộc trong sự nuối tiếc vì mình đã không gắng hết sức. Đừng nói “Giá như…” Đó là điều tôi trông đợi ở học sinh của mình.
Thời gian qua đi, tôi học được thêm nhiều điều. Kết quả có cải thiện đôi chút, nhưng tôi muốn tỉ số của một trận đấu chỉ là tác dụng phụ của nhiều thứ khác. Tôi nhớ Cervantes đã nói “Hành trình tốt hơn đích đến.” Tôi thích câu nói này. Tôi nghĩ rằng đôi khi đến đích rồi, ta có thể bị vỡ mộng. Nhưng hành trình đi đến đó, đấy mới là niềm vui.
Dưới cương vị huấn luyện viên bóng rổ tại UCLA, tôi coi các buổi tập là hành trình, và trận đấu là đích đến, là kết cục. Suốt các buổi tập trong tuần, tôi thích dạo lên khán đài, ngồi nhìn các em chơi bóng và xem liệu mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hay chưa. Một lần nữa, điều quan trọng là khiến các em cảm thấy hài lòng với chính bản thân các em vì biết mình đã nỗ lực chơi tốt nhất có thể.
Tham khảo: "The difference between winning and succeeding", John Wooden, 2001.