Cuộc đời của J. R. R. Tolkien, tác giả của bộ tứ huyền thoại giả tưởng Anh chàng Hobbit cùng Chúa tể những chiếc nhẫn, thực sự hấp dẫn và thú vị chẳng kém những tiểu thuyết của ông là bao. Từ những nốt nhạc thăng trầm trong bản tấu cuộc đời, nhà văn thêu dệt chúng thành cả một vũ trụ giả tưởng vượt thời gian. 

J. R. R. Tolkien, tác giả của 'Anh chàng Hobbit' và 'Chúa tể những chiếc nhẫn'; nhờ công trình sáng tạo vĩ đại của mình, ông được vinh danh là 'cha đẻ' của văn học giả tượng hiện đại. Ảnh: Variety

Trẻ mồ côi 

Sinh năm 1892 tại Bloemfontein, Nam Phi, Tolkien sớm cùng mẹ và em trai về Anh để thăm gia đình. Cha ông ở lại Nam Phi, mắc bệnh nặng và không qua khỏi. Bà Mabel đưa các con về quê ngoại ở Birmingham và tự dạy các con học. 

Nhờ có mẹ, Tolkien được làm quen với tiếng Latin từ rất sớm. Ông đọc lưu loát từ năm bốn tuổi và có thể viết rành rọt sau đó không lâu. Đồng thời, ông rất thích đọc sách, và đọc rất nhiều. Ngày đi học, ông “cắm trại” nhiều giờ ở thư viện, nghiền ngẫm những pho sách cổ điển dày cộm. 

Tới trung học, Tolkien theo học trường King Edward ở địa phương. Ngay năm sau, khi ông 12 tuổi, bà Mabel qua đời sau một thời gian dài giấu nhẹm các con về căn bệnh tiểu đường. 

Trước đó, bà đã giao quyền giám hộ Tolkien và em trai cho Cha Francis Xavier Morgan ở Tu viện Birmingham. Chín năm sau khi mẹ mất, Tolkien viết: “Mẹ tôi thật sự là một vị Thánh, không phải bất cứ ai Đức Chúa cũng dễ dàng ban cho món quà một người mẹ như vậy, Người trao cho chúng tôi một người mẹ sẵn sàng hy sinh để giữ lấy niềm tin cho chúng tôi.” 

Người tình trọn đời 

Ở tuổi 16, Tolkien gặp Edith Mary Bratt, lớn hơn ông ba tuổi, tại ngôi nhà trọ ở số 37 đường Duchess của quý bà Faulkner. 

Vì nghèo, Tolkien tích từng xu cho những buổi hẹn hò. Ông thường đưa Edith tới các quán trà ở Birmingham, thảo luận sôi nổi về ngôn ngữ, âm nhạc; tinh nghịch ném những viên đường nhỏ xuống vành mũ của những quý bà. Theo Humphrey Carpenter, nhà viết tiểu sử, tác giả cuốn sách J .R. R. Tolkien: A Biography

 

“Với hai con người có tính cách và vị trí như nhau, chuyện tình cảm chắc chắn sẽ nảy nở. Cả hai đều là những đứa trẻ mồ côi cần được yêu thương và họ nhận ra rằng mình có thể dành tình cảm đó cho nhau. Vào mùa hè năm 1909, họ quyết định yêu nhau.”

 

Tuy nhiên, khi nhận thấy Tolkien xao nhãng học hành, Cha Morgan đã cấm ông gặp gỡ, trò chuyện hay cả liên lạc với Edith cho tới khi 21 tuổi. Vâng lời cha, tới đúng sinh nhật thứ 21 của mình, Tolkien viết một lá thư tới Edith ngỏ lời cầu hôn, nhưng bà hồi âm rằng bà đã đính hôn với một người khác. 

Chân dung Edith Tolkien vào năm 1906. Ảnh: Tolkien Estate 

Trong tiểu sử đề cập việc Tolkien và Edith gặp lại nhau dưới cây cầu xe lửa, Edith tháo nhẫn đính hôn và nói rằng bà sẽ cưới Tolkien. Nhưng phải tới năm 1916, họ mới có thể làm lễ cưới bởi Thế chiến thứ nhất bùng nổ trên đất Anh. 

Không giống nhiều người cùng thời, Tolkien kiên quyết không xung phong nhập ngũ ngay lập tức mà ở lại Oxford để hoàn thành nốt chương trình học, sau tốt nghiệp với tấm bằng hạng nhất. Sau đó ông được phong hàm Thiếu uý trong binh đoàn Súng hoả mai Lancashire. 

Tolkien được giải ngũ về nước năm 1916; trong suốt những ngày nằm viện, Edith không rời ông nửa bước, điều này khiến Cha Morgan cảm động, thừa nhận rằng Tolkien đã đúng khi theo đuổi Edith. Sau đó không lâu, họ về chung một nhà.

Lily Collins, nữ diễn viên nổi tiếng qua các phim Love, RosieEmily in Paris, thủ vai Edith trong phim Tolkien (2019) 

“Bộ tứ bất tử”

Bộ tứ TCBS (viết tắt của Tea Club and Barrovian Society) gồm Tolkien cùng ba người bạn thân nhất khi học tại King Edward của ông: Geoffrey Bache Smith, Christopher Wiseman và Robert Gilson, được xem là nguyên mẫu chính của bốn Hobbit trong Chúa tể của những chiếc nhẫn

Khi bóng đen của Thế chiến thứ nhất phủ xuống nước Anh, Tolkien coi sứ mệnh của nhóm là thánh thiện, và có lẽ là sứ mệnh của đấng cứu thế. Ông tin chắc rằng tình bạn của họ—“Bộ tứ bất tử”—sẽ tồn tại ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. 

Ảnh cắt trong bộ phim tiểu sử Tolkien (2019). Ảnh: Fox Searchlight

Wiseman và Tolkien sống sót trở về, nhưng Gilson và Smith không qua khỏi. Ở tuổi 24, Tolkien mất cha, mẹ và hai trong số ba người bạn thân nhất của mình. Như nhà sử học nổi tiếng của thế kỷ 20, Sir Martin Gilbert, đồng thời là đồng nghiệp cũ của Tolkien tại Đại học Merton, Tolkien không bao giờ hồi phục sau trải nghiệm đau thương này, và, giống như rất nhiều người cùng thời, ông sống trong sự dằn vặt vì đã sống sót. 

Sau chiến tranh, Wiseman, vốn là một nhạc sĩ, viết nhạc rất ít. Mặc dù tình bạn giữa Tolkien và Wiseman không được như trước, Tolkien vẫn lấy tên Christopher làm tên cho người con thứ ba của mình. Những năm sau này, ông tỏ ra phẫn nộ khi nhiều người tìm kiếm trong tác phẩm của mình nét tương đồng với Thế chiến thứ hai: 

 

“Người ta phải thực sự kinh qua một cuộc chiến mới thấy được hết toàn vẹn sự bạo ngược của nó; nhưng khi những tháng năm đó đã lùi xa, dường như họ lại quên rằng những người trẻ tuổi cũng từng bị cuốn vào cuộc chiến năm 1914, một cuộc chiến cũng ghê tởm không kém cuộc chiến năm 1939 và những năm về sau.” 

“Trong một cái hố trên mặt đất…” 

Sau khi chiến tranh kết thúc, Tolkien vào làm giảng viên tại Đại học Leeds vào năm 1920 và vài năm sau trở thành Giáo sư tại Đại học Oxford. 

Bận bịu cả ngày trên giảng đường, ông dành buổi đêm để tiếp tục phát triển thần thoại và ngôn ngữ của mình. Rất nhiều các tác phẩm của ông như Mr. Bliss, Roverandom,... thực chất là những câu chuyện ông kể cho các con nghe trước giờ đi ngủ. 

J. R. R. Tolkien hay thường được gọi bằng chức danh Giáo sư, hoặc gọi bằng "Cụ" theo cách kính trọng của độc giả văn học. Ảnh: Pepperdine Libraries 

Một ngày nọ, khi Tolkien đang chấm bài thì thấy một thí sinh nộp tờ giấy trắng. Một cách tình cờ, ông viết “Trong một cái hố trên mặt đất có một người Hobbit sống.” 

Vốn tò mò, Tolkien quyết định cần tìm hiểu xem Hobbit là gì, nó sống trong cái hố nào, tại sao nó sống trong cái hố,... Từ cuộc điều tra sơ bộ này, ông nảy sinh ra một câu chuyện để kể cho các con, và thậm chí còn được duyệt đem xuất bản. Năm 1936, bản đánh máy chưa hoàn chỉnh của nó đã tới tay Susan Dagnall, biên tập viên tại Allen & Unwin. 

Cô yêu cầu Tolkien hoàn thành nó và trình bày toàn bộ câu chuyện cho Chủ tịch Unwin nghe. Ông này đem về cho cậu con trai 10 tuổi Rayner đọc, và dưới đây là bài phê bình của cậu: 

 

"Bilbo Baggins là một người Hobbit sống trong hang Hobbit của mình và không bao giờ thực hiện các cuộc phiêu lưu, cuối cùng, phù thủy Gandalf và những người lùn đã thuyết phục được anh ta đi. Anh đã có một khoảng thời gian rất thú vị khi chiến đấu với yêu tinh và chiến binh. Cuối cùng họ đã có được đến ngọn núi cô đơn; Smaug, con rồng canh giữ nó đã bị giết và sau một trận chiến kinh hoàng với lũ yêu tinh, anh ta trở về nhà – giàu có! Cuốn sách này, với sự trợ giúp của bản đồ, không cần bất kỳ hình ảnh minh họa nào, rất hay và sẽ thu hút tất cả mọi người trẻ em từ 5 đến 9 tuổi."

 

Cuốn sách sau đó được xuất bản dưới tên The Hobbit (Anh chàng Hobbit) vào năm 1937 và được xem là sách thiếu nhi, mặc dù Tolkien nói rằng cuốn sách này ban đầu không hướng tới đối tượng này. The Hobbit ngay lập tức đạt được thành công vang dội, và Unwin hỏi liệu Tolkien còn ý tưởng nào khác không. 

Một hiện tượng văn hoá 

Thuận theo chiều gió, Tolkien về nhà, chau chuốt lại tất cả bản nháp rồi đem gửi cho Unwin. Nhưng cuốn sách thứ hai này, Silmarillion, phỏng theo ý kiến phần đông độc giả, sẽ không đem lại thành công thương mại. Unwin đã lựa lời với Tolkien, nhưng hỏi lại liệu Giáo sư có sẵn lòng viết phần tiếp theo cho The Hobbit hay không. 

Tolkien thất vọng ra về, nhưng đồng ý tham gia thử thách cho “The New Hobbit”. 

Ông đã miệt mài 16 năm trời cho một thiên tiểu thuyết trường kỳ, và lúc này thì cậu nhóc Rayner 10 tuổi năm nào đã trưởng thành và nối nghiệp người cha. Nhờ sự tác động của anh lên cha mình, Unwin đã quyết định chịu khoản lỗ 1.000 bảng Anh để xuất bản một cuốn sách với tựa đề The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn), chia nó làm ba hồi trong thời kỳ 1954-55. Cả tác giả và nhà xuất bản đều không kỳ vọng nhiều vào thành công của nó. 

Bộ ba Chúa nhẫn của đạo diễn Peter Jackson cũng rất đáng xem, nếu không muốn nói là phải xem. Ảnh: Esquire 

Chúa tể của những chiếc nhẫn nhanh chóng được công chúng chú ý. Nó nhận về nhiều phản hồi hỗn hợp, từ “ngây ngất” cho tới “đáng nguyền rủa” và cả lưng chừng khoảng giữa. Đài BBC chia nó làm 12 tập phát sóng radio trên Kênh Ba, được xem là kênh “trí tuệ”. Doanh số sách tăng vọt khiến Tolkien hối tiếc vì đã không nghỉ hưu sớm hơn. 

Ngoài ra, những năm 1960 tại Mỹ là thời kỳ có nhiều thay đổi và hỗn loạn. Mỹ vẫn đang tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sự lên ngôi của phong trào “hippie”, làn sóng phản văn hoá cuộn trào; công chúng quay lưng lại với các chuẩn mực truyền thống để tìm kiếm những điều mới mẻ, những thứ phản chiếu rõ nét qua sự phổ biến của ma tuý, tình dục bừa bãi, sự thống trị của rock-n-roll. Những người như vậy dần tụ hợp lại dưới cái tên “Cộng đồng thay thế”. Tới những năm 70, Chúa tể của những chiếc nhẫn được xem là Kinh Thánh của cộng đồng này. 

Lúthien và Beren 

Sự thành công của cuốn sách đã tạo ra những cảm xúc lẫn lộn trong tác giả. Một mặt, Tolkien rất vui sướng vì bỗng dưng giàu sụ. Mặt khác, ông tiếc nuối vì một số người không sử dụng tác phẩm đúng định hướng ban đầu (một số người quả thực đã nảy ra ý tưởng đọc Chúa tể những chiếc nhẫn và chơi LSD đồng thời).

Ngoài ra, Tolkien chịu phiền hà không ít bởi những người hâm mộ dừng lại trố mắt trước nhà mình và đặc biệt là những người gọi vào 3 giờ sáng chỉ để hỏi liệu Frodo có thành công hay không, hay Balrogs có cánh phải không. Vậy nên ông phải dọn nhà, đổi số điện thoại, và cuối cùng cùng vợ chuyển tới Bournemouth, tận hưởng chút an lạc tuổi già tại vùng biển được cho là “kém hấp dẫn” đó. 

Tolkien và Edith đã có một mối tình trọn đời đáng ngưỡng mộ. Ảnh: Pinterest 

Năm 1971, Edith yêu dấu qua đời, và Ronald Tolkien gặp lại bà hai năm sau đó. Ông và vợ được chôn cất cùng nhau trong một lăng mộ duy nhất ở khu Công giáo của nghĩa trang Wolvercote ở ngoại ô phía bắc Oxford. Trên bia mộ có viết: 

Edith Mary Tolkien, Lúthien, 1889–1971

John Ronald Reuel Tolkien, Beren, 1892–1973 

Bạn còn nhớ cuốn The Silmarillion bị nhà xuất bản từ chối của ông chứ? Sau khi Tolkien mất, con trai ông, Christopher đã đem xuất bản cuốn sách này dưới tựa đề Beren and Lúthien. Câu chuyện diễn ra trong Thời đại đầu tiên của Trung địa, khoảng 6.500 năm trước các sự kiện của Anh chàng HobbitChúa tể của những chiếc nhẫn.

Trong truyện, Lúthien là một tiên nữ thuộc tộc Tiên đem lòng yêu chàng trai người phàm Beren. Tolkien dựa vào nguồn cảm hứng từ chuyện tình yêu của ông dành cho người vợ Edith của mình để viết nên cuốn sách này: “Cha chưa bao giờ gọi mẹ là Edith Luthien - nhưng bà ấy là nguồn gốc cho câu chuyện mà theo thời gian đã trở thành phần chính của Silmarillion.”