Vài tuần trước, Trấn Thành và Ngô Thanh Vân đã có màn ‘combat’ kịch liệt khi có những quan điểm đối nghịch nhau trong việc chọn dự án phim. Nhân tiện đây, tôi cũng có đôi lời bàn luận về vấn đề hợp vai hay không hợp vai luôn, vốn là ý tưởng tôi đã nảy ra từ lâu nhưng bị bỏ ngỏ trong ngăn bàn. 

 

Cụ thể, Trấn Thành bày tỏ như sau: “Không hợp vai thì Trấn Thành cũng chết chứ đừng nói gì tới các bạn (ý nói các diễn viên trẻ). Ai trên đời này diễn cũng chết. Hollywood cũng vậy thôi! Không hợp vai diễn cũng dở luôn. Tôi nghĩ đó là một yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định bạn diễn giỏi hay diễn dở.” 

Phản bác lại lập luận trên, Ngô Thanh Vân nói: “Phải xin cho mình đúng cái vai đó để mình diễn? Tôi nói thật, ở Việt Nam mình nhiều khi còn chưa có vai để được chọn lựa chứ đừng nói đến những bạn mới bắt đầu đi học. Làm gì có cơ hội để chọn lựa, làm gì có điều đó. Mình muốn là diễn viên thì bất cứ một vai diễn nào, mình cũng phải làm được.” 

Sau khi đoạn video ghi lại hai ý kiến trên lan truyền trên Internet, chủ đề này đã lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Người hâm mộ ùa vào chia phe Trấn Thành, phe Thanh Vân. Tuy nhiên cá nhân tôi thấy việc này thật lố bịch, vì hai quan điểm dù trái ngược — nhưng lại góp phần hoàn thiện lẫn nhau. 

Ngành công nghiệp phim ảnh còn có hẳn một thuật ngữ typecasting, ý chỉ một số diễn viên cụ thể được gắn mác với một số tuýp nhân vật nhất định. 

Từ lâu tại Hollywood, nếu muốn tìm trai xinh gái đẹp diễn một bộ phim tình cảm lãng mạn, người ta luôn nhắm tới Rachel McAdams và Channing Tatum, vài năm trở lại đây thì là cặp đôi Ryan Gosling và Emma Stone. Muốn tìm nữ chính miền quê nước Anh ư, tìm Keira Knightley. Hoặc The Rock với cơ bắp cuồn cuộn sẽ được đặc cách cho các vai diễn anh hùng trong các bộ phim hành động máu lửa, còn Morgan Freeman sẽ vào mấy vai dạng ông già trầm tính ít nói nhưng thở ra câu nào là câu đó thành quotes. 

Nhìn ảnh này là đủ hiểu tại sao Keira Knightley chuyên được đảm nhận những vai cô gái miền quê nước Anh 

Meryl Streep thời trẻ nhậu nhẹt la cà suốt đêm, diễn nhiều vai hở hang đến mức được phong là “quả bom tình dục” thời đại mới. Nhưng giờ đây người ta nhớ tới bà nhiều nhất qua lần thủ vai Nữ hoàng Elizabeth trong tác phẩm đoạt giải Oscar. Tính tới thời điểm hiện tại, Streep đã 6 lần vào các vai Nữ hoàng, Hoàng hậu. Biệt danh “Nữ hoàng không ngai” của bà cũng từ đó mà ra. Vậy nên khỏi phải nói, nếu trong tương lai có dự án sáng sủa nào về chủ đề vương triều, hoàng gia thì Meryl Streep luôn là cái tên hàng đầu mà các nhà làm phim nhắm tới. 

Quay sang showbiz Hàn, muốn tìm vai tài tử con nhà trâm anh thế phiệt thì cứ Lee Min Ho mà liên hệ, còn muốn vai anh hùng hành động có quá khứ cơ cực thì là Ji Chang Wook. 

Xét riêng trường hợp của Lee Min Ho, anh được người hâm mộ biết đến nhiều nhất qua vai diễn Go Jun Pyo trong Boy Over Flower (Vườn Sao Băng), và hàng loạt các phim sau đó vai diễn của anh nếu không phải công tử thì kiểu gì cũng giàu. Không biết bạn có nhớ vai diễn Kim Tan của anh trong The Heirs (Người Thừa Kế) không, nhờ vai đó mà Việt Nam ta chế ra đủ thứ biệt danh như “Kim Tiêm”, “Kim Tôm”. Tiếp đó là vai hoàng đế trong The King (Quân Vương Bất Diệt), rồi siêu đạo chích trong Legend Of The Blue Sea (Huyền Thoại Biển Xanh)

Từ lâu, Lee Min Ho đã được xem là nam diễn viên có diễn xuất không mấy nổi bật nhưng may mắn được ngoại hình 'gánh còng lưng' 

Thật ra nếu chịu khó tìm tòi xem lại những dự án thuở mới vào nghề, bạn sẽ thấy rõ không phải Lee Min Ho không chịu đóng dạng vai cơ cực bần hàn, mà tiêu biểu là anh chàng Lee Joon Sung trong City Hunter (Thợ Săn Thành Phố), nhưng cũng phải thừa nhận một điều là để Min Ho đóng vai nhà giàu thì hợp hơn. 

Al Pacino, người thủ vai ông trùm Michael Corleone trong tuyệt tác Godfather, từ lâu đã được gắn mác với các vai diễn đầu gấu, tội phạm sừng sỏ. Tại sao? Tại vì hợp. 

Người ta đồn rằng Al Pacino tới giờ vẫn bực bội vì tượng Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất rơi vào tay Marlon Brando, người thậm chí đã không thèm đi nhận giải. 

Những ngày còn đang chật vật tìm người thủ vai Michael, đến Al Pacino cũng chẳng ngờ nổi đoàn làm phim lại nhắm tới một tên tuổi vô danh ngày đó như mình. Sau Godfather I, II (1972, 1974), Pacino ghi dấu ấn lần nữa với vai ông trùm tội phạm Tony Montana trong Scarface (1983), đến nay vẫn được xem là một trong những bộ phim về thế giới ngầm xuất sắc nhất mọi thời đại. Chỉ hai vai diễn trên cũng đủ đưa tên tuổi ông lên khoang hạng nhất thuộc hàng ngũ siêu sao tại Hollywood, và tới nay khán giả vẫn gắn ông với hình tượng kinh điển ấy. 

Vậy nên Trấn Thành nói đâu có sai, đã hợp thì diễn như không diễn, nhưng còn Ngô Thanh Vân thì sao? 

Theo tôi, ý kiến của Thanh Vân cũng có ý đúng. Đồng ý đã là diễn viên thì dù không hợp cũng buộc phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn để nhập tâm. 

Khán giả như chúng ta suy cho cùng cũng chỉ thấy được những gì hiển thị trên màn ảnh chứ đâu biết rõ diễn viên đã nỗ lực ra sao, đổ mồ hôi công sức thế nào — nên hợp với không hợp cũng chỉ mang tính tương đối. Đôi khi tôi còn nghĩ, không hợp nhưng họ ép cho nó phải hợp, vậy là người xem cứ vỗ tay tán dương rồi cho rằng họ hợp vai sẵn, vai diễn này sinh ra dành cho họ. 

Natalie Portman có thể nói là một trong những nữ diễn viên xuất sắc nhất hiện nay tại Hollywood. Sau màn hóa thân ngoạn mục đem về tượng Oscar danh giá trong Black Swan (2010), cô được Disney chọn vào vai Jane Foster, người yêu của Thor (Chris Hemsworth) trong Thor (2013). 

Natalie Portman có màn trình diễn khá nhạt nhòa trong vai Jane Foster 

Tuy nhiên, vai diễn này lại được xem là “vết nhơ” khiến cả giới phê bình lẫn người hâm mộ nữ diễn viên đều lắc đều ngán ngẩm, không ai tin đây là ngôi sao từng đoạt giải Oscar cả. Chính Portman sau đó đã chia sẻ, vì cho rằng đây là một vai diễn “cho vui” nên cô chẳng mấy đầu tư công sức. 

Như vậy, quan điểm của Trấn Thành và Ngô Thanh Vân xét ra đều có ý đúng. Trấn Thành cho rằng không hợp vai thì diễn thế nào cũng thành dở, hoàn toàn chí lý. Nhưng Thanh Vân cũng chả kém cạnh, vì như cô nói, những diễn viên trẻ chập chững bước vô nghề đâu phải muốn diễn vai nào là diễn, mà đôi khi toàn là nhặt nhạnh từ những vai nhỏ nhất, vai quần chúng hoặc có khi là những vai mà “không ai chịu diễn”. 

Và thế hệ trẻ với kinh nghiệm tròn trĩnh như quả trứng gà, có phải lúc nào cũng biết mình hợp với vai nào đâu mà nhận, đôi khi chính họ còn không biết họ hợp với dạng vai nào mà chủ yếu là nhà làm phim, giới phê bình đánh giá. Diễn viên có thể thấy vui, thấy đồng cảm với nhân vật nhưng nếu lột tả không chân thực, không nổi bật thì cũng chẳng đi tới đâu. 

Đơn giản mà nói, tôi thấy cuộc đấu khẩu giữa Trấn Thành và Ngô Thanh Vân xem chừng chẳng khác nào các phụ huynh ganh đua nhau việc con họ học trường chuyên hay trường thường. Trường chuyên như đúng cái tên, là chọn ra một môn rồi tập trung vào môn đó. Các trường khác thì vẫn yêu cầu học sinh chọn khối ngành A, A1, B, C nhưng vẫn phải học đều các môn khác. 

Vậy nếu cứ tách riêng quan điểm của Trấn Thành và Thanh Vân ra để suy xét mà không đặt chúng trong một bức tranh chung, thì có phải thành ra hai luồng ý kiến thế này: học sinh không hợp môn học thì cố tới đâu thành tích vẫn lẹt đẹt, hoặc đã là học sinh thì môn nào cũng phải học được, môn nào cũng phải cân tất. 

Có thể thấy rõ, việc chia phe ra để công kích quan điểm của nhau là vô cùng thiếu sáng suốt và cho ra những kết luận thiếu minh bạch, vô cùng thiển cận. 

Quay trở lại vấn đề chính, tôi nghĩ các diễn viên trẻ đều phải mang cho mình tinh thần xông pha, không ngại khó ngại khổ. Đúng như Thanh Vân nói, vai nào cũng phải đảm đương được, vì còn trẻ mà, có phải muốn diễn vai nào là được giao vai đó đâu. Còn phải ngụp lặn dài. Nhưng đến một thời điểm nhất định trong sự nghiệp, ắt mỗi người đều phải tự xác định rõ mình giỏi cái gì, diễn tốt vai gì để mà bứt phá. Lịch sử chứng kiến không ít những diễn viên đổi vận chỉ với một vai diễn duy nhất: một vài người bắt gặp nó sớm, một vài người thì muộn hơn. Nhưng rồi như những hạt bắp ngô trong cùng một lò, sớm hay muộn rồi cũng nổ bôm bốp thành bỏng. Cứ kiên nhẫn đi, thời của bạn rồi sẽ tới..