Chuyển Thể Từ Cuốn Tiểu Thuyết Được Xem Là ‘Niềm Tự Hào Của Văn Học Mỹ’
Bộ phim dựa trên tiểu thuyết gốc cùng tên của nữ văn sĩ Margaret Mitchell được Macmillan Publishers xuất bản năm 1936 ngay từ khi mới ra mắt đã trở thành hiện tượng văn đàn bấy giờ, là cuốn sách bán chạy nhất trong 2 năm 1936 và 1937.
Lấy bối cảnh là cuộc Nội chiến Bắc-Nam ở Mỹ trong giai đoạn 1861-1865, cuốn tiểu thuyết được Washington Post đánh giá là “tài liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử thăng trầm của nước Mỹ, phản ánh nỗi kinh hoàng của chiến tranh, nạn đói, bạo lực, giết chóc, qua đó làm nổi bật phẩm giá con người khi vươn lên từ nghịch cảnh.”
Cuốn sách mang về cho Mitchell giải Pulitzer danh giá năm 1937 và là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Sinh thời, Cuốn theo chiều gió là tác phẩm duy nhất trong sự nghiệp cầm bút ngắn ngủi của Margaret Mitchell, nhưng ánh hào quang nó mang lại vẫn chói rọi cho tới lúc bà qua đời vào năm 1949.
Ngày nay, cuốn tiểu thuyết được ước tính đã bán hơn 30 triệu bản trên toàn cầu, và là cuốn sách được yêu thích thứ hai tại Mỹ chỉ sau Kinh Thánh, theo khảo sát của Harris Poll năm 2008.
Dàn Nhân Vật Mang Tính Biểu Tượng
Tuy nhiên Cuốn theo chiều gió không chỉ dừng lại ở một thiên sử thi hùng hồn, mà sức hút mãnh liệt của nó còn đến từ những hình tượng nhân vật mang tính biểu tượng đã đi vào lịch sử văn chương, mà hơn tất thảy là mối tình lãng mạn của cặp đôi chính Rhett Butler và Scarlett O’Hara.
Scarlett O’Hara — Bông Hoa Trong Đá
Đóa hoa đẹp nhất là đóa hoa mọc lên từ nghịch cảnh; đóa hoa trong đá, trắng muốt tinh khôi đến Mẹ thiên nhiên cũng phải mủi lòng trước sức sống mãnh liệt sống của nó. Scarlett O’Hara, tiểu thư của trang trại Tara là một bông hoa như vậy.
Scarlett không quá đẹp, nhưng đủ quyến rũ với cặp mắt xanh kênh kiệu có màu trong vắt như pha lê mà khiến ai nhìn vào một lần cũng phải nhớ mãi.
Scarlett là người ích kỷ, mà người xem dễ dàng hiểu lầm thành nhỏ nhen. Nàng đem lòng yêu Ashley Wilkes trong khi Ashley lại tương tư cô em họ Melanie Hamilton của nàng, vậy là Scarlett cưới luôn em của Melanie là Charles để ‘trả thù’.
Thoạt tiên, hành động xốc nổi này khiến nàng bị nhìn nhận như một cô gái đôi mươi bồng bột, hấp tấp. Và đúng, Scarlett đã phải trả cái giá quá đắt vì quyết định có phần trẻ con trên, nhưng hóa ra đó cũng chỉ là giọt mưa lớt phớt khởi đầu cho cơn cuồng phong sắp đổ bộ xuống cuộc đời nàng.
Charles qua đời 2 tuần ngay sau ngày cưới khi chưa đặt chân tới chiến trường, vậy là Scarlett trở thành một người vợ và một góa phụ trong vỏn vẹn chưa tròn một tháng. Đó không phải lần duy nhất nàng trở thành góa phụ.
Nàng bỏ lên thành phố làm y tế, nhưng rồi khiếp đảm trước cảnh tượng binh lính chết như ngả rạ lại tìm đường về trang trại Tara. Về tới nơi, trang trại trù phú ngày xưa nay hóa tiêu điều, xơ xác. Mẹ qua đời vì bạo bệnh, cha quẫn trí, gia nhân nô lệ thì đã bỏ đi hết thảy.
Scarlett chẳng thể trông chờ vào ai. Cha thân yêu đã hóa lú lẫn, hai người em gái thì thật vô dụng, vậy là nàng xắn tay áo lên quyết phục dựng Tara lại từ đầu. Nàng đào đất, trồng bông, dọn dẹp tất bật — nàng làm những công chuyện mà khi xưa chỉ đám người hầu mới làm.
Chính ở giây phút này, người xem mới ngỡ ngàng vì ai ngờ đằng sau vóc dáng thanh mảnh kia, đằng sau cái con người mà ta nghĩ cũng chỉ phù phiếm như bất cứ người phụ nữ nào khác, là những con búp bê cố tỏ ra thật ngu ngốc cốt để kiếm lấy một tấm chồng — lại ngời sáng một tinh thần quật cường trước những gian khổ có thể đánh gục những con người dù là gan lì nhất.
Scarlett một tay quán xuyến trang trại, một tay chăm sóc Melanie — người em họ mà nàng vẫn xem như tình địch. Nàng lo lắng chạy vạy khi Chính phủ tăng tiền thuế đồn điền, nàng bất chấp quyến rũ Frank Kennedy, chồng chưa cưới của em gái mình chỉ để có tiền cứu Tara.
Nàng thành góa phụ lần nữa, rồi tái hôn — lần này là với Rhett Butler, nam chính của chúng ta, người mà các bạn sẽ được thảo luận kỹ hơn về gã ngay dưới đây. Rhett giàu sang, quyền thế và quan trọng nhất là gã ‘trị’ được Scarlett. Họ có với nhau đứa con gái dễ thương tuyệt trần, sống cuộc sống xa hoa như nàng hằng mong ước.
Những tưởng đó đã là cái kết hạnh phúc khép lại cho câu chuyện ‘bảy nổi ba chìm’ của Scarlett thì một biến cố khủng khiếp lại diễn ra, đồng thời gián tiếp đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân thứ ba của nàng.
Rhett, người đã chờ đợi Scarlett lâu hơn ai hơn, người yêu nàng hơn tất thảy và sẵn sàng dung túng mọi thói hư tật xấu của nàng, cuối cùng cũng ngoảnh gót ra đi. Nhưng ta đâu có trách gã được, vì gã quá tốt và cũng quá đáng thương — và vì Scarlett mới là kẻ cứng đầu nhất sau tất cả khi cứ mãi đâm đầu vào mối tình mù quáng với Ashley mà quên mất tình yêu đích thực đời mình.
Con người vẫn hay mải mê theo đuổi những ước mộng xa hoa phù phiếm với đôi mắt nhắm chặt và trí tưởng tượng dẫn lối họ tới những ảo ảnh hạnh phúc nguy hiểm khôn lường. Chính khi họ chạm tay vào màn sương khói hão huyền ấy, khoảnh khắc họ nhận ra họ vừa vươn bàn tay chỉ để nắm chặt lấy thinh không — cũng là lúc tình yêu trong mắt họ bấy lâu thật sự tan biến.
Scarlett O’Hara trong mắt Rhett Butler mãi mãi chỉ là cô bé ương bướng quen được cưng chiều, còn Scarlett O’Hara mãi mãi không nhận ra thứ tình yêu vô điều kiện ấy — chỉ tới khi quá muộn.
Rhett Butler — Người Tình Trong Mộng Của Mọi Thiếu Nữ
Như hai con búp bê được bán theo cặp, có lẽ hình tượng về Scarlett O’Hara sẽ không thể trở thành kinh điển tới thế nếu thiếu đi mối tình lãng mạn nhưng cũng đầy chua chát với Rhett Butler.
Rhett có xuất thân quyền quý nhưng bị cả giới thượng lưu ghẻ lạnh, vì hắn mang trong mình cái cốt cách ngang tàng, vẻ bình tĩnh mà ta có thể nói là lý trí vô cùng, thực tế tới mức phũ phàng. Hắn sống cuộc đời hắn sống, làm những việc hắn làm mà không quan tâm tới ánh mắt dèm pha của người đời, nhưng đó cũng là điều khiến Rhett Butler trở nên nổi bật trong hằng hà sa số gã đàn ông ngoài kia.
Rhett là người duy nhất nhìn thấu bản chất của Scarlett mà vẫn yêu nàng. Khi Scarlett để tang người chồng đầu tiên, Rhett nhìn thấy ở người góa phụ ấy khao khát được khiêu vũ và tiến tới mời nàng nhảy. Khi cần 300 đô trả thuế cho trang trại mà túi chỉ vỏn vẹn 10 đô, Scarlett đã tìm tới ai? Tìm Rhett.
Nhưng Rhett yêu nàng chứ hắn đâu có khờ. Chỉ nhìn thoáng qua đôi bàn tay chai sạn của nàng, hắn đã biết mục đích của chuyến viếng thăm này. Rhett từ chối.
Khi chiến tranh nổ ra, tất cả người dân đổ xô đi sơ tán, ai là người đã thồ xe ngựa tới đón Scarlett? Là Rhett.
Ai là người vẫn chờ đợi tình yêu từ Scarlett dẫu nàng đã trải qua hai đời chồng? Là Rhett.
Ai là người dung túng mọi sai lầm, mọi thói xấu của Scarlett? Vẫn là Rhett.
Nhưng nếu chỉ có thế thì Rhett Butler hơn gì những nam chính ngôn tình trong tiểu thuyết ba xu? Cái làm Rhett trở thành ‘giấc mộng của mọi thiếu nữ’ là cách gã đối xử với con gái của gã và Scarlett, bé Bonnie.
Ngày Scarlett lâm bồn, Rhett — kẻ vẫn luôn ngông cường dửng dưng, nay bỗng đứng ngồi không yên. Gã đứng, ngồi, đứng rồi lại ngồi, lòng bồn chồn vô cùng. “Có ai ngờ một người như gã lại phô trương niềm hãnh diện được lên chức bố một cách trơ trẽn tới thế? Nhất là khi đứa con đầu lòng của gã lại là gái chứ không phải trai, một trường chẳng đáng phấn khởi gì," Margaret Mitchell viết trong tiểu thuyết.
Những ngày sau đó, Rhett cưng chiều Bonnie như báu vật, yêu con bé còn hơn cách hắn yêu Scarlett, người rõ ràng không tồn tại nhiều phẩm chất của một bà mẹ gương mẫu. Scarlett càng ghẻ lạnh hắn bao nhiêu, hắn càng cưng chiều Bonnie bấy nhiêu.
Nhưng rồi niềm vui không được dài lâu, Bonnie qua đời tức tưởi trong một lần nhảy ngựa vượt rào. Rhett Butler của chúng ta chìm trong men rượu, rơi vào vòng tuần hoàn những ngày trầm uất, thơ thẩn quay lại cuộc đời phiêu lãng.
Rhett Butler đáng thương cuối cùng cũng chai lì, cũng từ bỏ Scarlett ra đi. Yêu Scarlett là thế nhưng gã đâu có bi lụy, gã vẫn nhận thức rất rõ vị thế của bản thân. Nâng lên được thì bỏ xuống được, đó là điều làm gã mang chất đàn ông hơn bao giờ hết.
Dàn Diễn Viên Kỳ Cựu Cùng Màn Hóa Thân Ngoạn Mục
Vivien Leigh đã vượt qua hơn 1.400 diễn viên, trong đó có nhiều tên tuổi lừng danh như Bette Davis và Katharine Hepburn để giành được vai Scarlett O’Hara vì đối với người dân Mỹ mà nói, Cuốn theo chiều gió không khác nào ‘di sản dân tộc’.
Vivien Leigh diễn như không diễn, cô hóa thân trọn vẹn vào nhân vật tới từng chi tiết. Vẻ mặt bướng bỉnh, cái dẩu môi không vừa ý đến nụ cười tinh quái mỗi khi nảy ra ý định nào đó… đều khiến khán giả tin rằng Vivien Leigh chính xác là hiện thân của Scarlett ngoài đời thực. Màn trình diễn quá đỗi thuyết phục này sau đó đã đem về cho cô tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với hạng mục Nữ viên chính xuất sắc nhất.
Ở quang phổ ngược lại, màn hóa thân của Clark Gable thành Rhett Butler cũng ngoạn mục không kém. Nam diễn viên nhập tâm tới tới nỗi khán giả đã đặt cho ông biệt danh “người sinh ra để đóng Rhett Butler”, một mỹ từ mà ông ra sức phủ nhận.
Rhett Butler trong trang sách hào hoa bao nhiêu thì Clark Gable trên màn ảnh lịch lãm bấy nhiêu. Từng ánh mắt, cử chỉ, giọng nói đến phong thái đều khiến người xem si mê không thể rời mắt. Thêm vào đó là những câu thoại lãng mạn đi vào lịch sử điện ảnh càng khẳng định thêm Rhett Butler đích thực là ‘giấc mơ của mọi thiếu nữ’.
Cuối cùng, tôi sẽ khép lại phần này với lời khen dành cho nữ diễn viên Hattie McDaniel, người thủ vai Mammy, bảo mẫu của Scarlett O’Hara trong phim. Vai diễn này đã đem về cho Hattie giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, là lần đầu tiên trong lịch sử Oscar giải thưởng thuộc về một nữ diễn viên da màu.
Bộ Phim Của Những Kỷ Lục
Tiềm năng của Cuốn theo chiều gió đã được đánh giá rất cao ngay từ đầu vì sự thành công trước đó của tiểu thuyết gốc, và tầm ảnh hưởng nó mang lại còn vượt qua kỳ vọng của đoàn làm phim. Từ khi mới ra mắt, Cuốn theo chiều gió đã vô cùng nổi tiếng, người kéo tới rạp đông như trẩy hội — “sự kiện lớn nhất ở miền Nam trong suốt cuộc đời tôi” theo lời Cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Vậy nên không mấy bất ngờ khi Cuốn theo chiều gió trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất lịch sử tại thời điểm ra mắt, và nó chễm chệ ngôi vương trong suốt hơn một phần tư thế kỷ sau đó.
Năm 1998, Cuốn theo chiều gió đứng thứ 6 trên trong tổng 100 phim hay nhất do Viện Phim Mỹ bình chọn (AFI) và lời cuối mà Rhett Butler dành cho Scarlett “Frankly, my dear, I don’t give a damn” đứng đầu trong 100 câu nói hay nhất lịch sử điện ảnh.
Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 12, Cuốn theo chiều gió đã giành được 10 giải Oscar (8 giải cạnh tranh và 2 giải danh dự) trong tổng 13 đề cử, bao gồm chiến thắng cho các hạng mục như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Tại thời điểm đó, thắng lợi này của bộ phim đã lập ra kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà hậu thế phải mất tới hàng thập kỷ để xô đổ.
Bộ phim khép lại bằng hình ảnh Scarlett O’Hara đứng giữa thềm Tara ngập nắng và câu nói đầy quyết tâm tin tưởng mà cô vẫn luôn tự khích lệ mình rằng “Sau tất cả, ngày mai lại là một ngày mới!”.
Ngày mai lại là một ngày mới. Nắng sẽ lại lên, gió sẽ lại thổi và Scarlett O’Hara vẫn sẽ trụ vững vào đất đỏ Tara để tồn tại, để giành lại trái tim của Rhett Butler.