Đã 30 năm kể từ khi công chiếu, Schindler’s List vẫn khẳng định được sức thuyết phục của mình như những thước phim tài liệu quý giá về một giai đoạn tăm tối trong lịch sử loài người, đi cùng đó là ánh sáng của sự cứu rỗi và giá trị nhân văn cao cả. 

"Schindler's List" (1993) là bộ phim xoay quanh cuộc đời của Oskar Schindler, người đàn ông Đức với câu chuyện cứu sống hơn 1.000 người Do Thái khỏi nạn diệt chủng bằng cách tuyển họ làm công nhân trong nhà máy của mình.

***

Sau khi Đức xâm lược Ba Lan vào mùa thu năm 1939, chúng tước đoạt mọi tài sản giá trị của người dân Do Thái và dồn họ tới sống trong các khu ổ chuột. Oskar Schindler, vốn là một doanh nhân nhanh nhạy, đã đút lót các sĩ quan SS của Đức Quốc xã để được quyền sở hữu một nhà máy của người Do Thái để lại. 

Ông đổi tên nó thành Deutsche Emaillewaren-Fabrik Oskar Schindler (Nhà máy đồ tráng men Oskar Schindler của Đức), còn được gọi là Emalia. Schindler bắt đầu Emalia với một vài nhân viên. Vài tháng sau con số lên tới hàng trăm, 7 trong số họ là người Do Thái. Đến năm 1942, gần một nửa số công nhân tại nhà máy của Schindler là người Do Thái. 

Ảnh: UNIVERSAL PICTURES

Động cơ ban đầu của Schindler khi thuê dân Do Thái rất rõ ràng – chi phí lao động của dân Do Thái rẻ hơn nhiều so với dân Ba Lan. Thời gian rảnh, Schindler vẫn thường tới “thăm hỏi” các sĩ quan SS ở trại Plaszów, nơi ông tận mắt chứng kiến sự dã man, vô nhân tính mà quân Đức đối xử với các tù nhân Do Thái. Trong đó, nhân vật tiêu biểu phải nhắc tới là tướng Amon Göth. 

Mùa thu năm 1942, trại lao động cưỡng bức Plaszów được thành lập và vài tháng sau, Amon Göth được cử tới nắm quyền chỉ huy. Göth thích rượu ngon, vàng bạc đá quý, gái đẹp và giết chóc. Nắm rõ điều này, Schindler đã hối lộ Göth để hắn cho phép ông biến nhà máy Emilia thành một trại nhỏ của Plaszów, nơi các công nhân Do Thái có thể ở lại và tránh trở thành nạn nhân của thói giết người vô tội vạ của các viên sĩ quan. Điều này theo các học giả, đã chứng tỏ mối quan tâm của Schindler với người Do Thái không chỉ dừng lại ở khía cạnh tài chính. 

Oskar Schindler (trái) do Liam Neeson thủ vai và tướng Amon Göth diễn xuất bởi Ralph Fiennes. 
Ảnh: IMDb

Từ một con buôn cố gắng trục lợi từ chiến tranh và đặt lợi nhuận lên hàng đầu để chi trả cho những thú vui xa hoa, Schindler hành xử như vị Thánh dang tay chở che cho tù nhân Do Thái dưới nhà máy của mình. Nếu như Amon Göth có thể ngắm bắn một cậu bé Do Thái như một con thú hoang thì Oskar Schindler, ngược lại, nhìn họ như những con người đang bị chèn ép vì một cuộc chiến tranh phi nghĩa. 

Nhà máy của Schindler do đó được dân Do Thái gọi là “Thiên Đường”; họ được ăn ngon, nam nữ không bị tách ra, không có “la hét, lạm dụng và giết chết tùy tiện” như thường xảy ra ở trại Plaszów. Schindler không cho lính canh SS vào trại – chúng có thể canh gác tùy thích nhưng tuyệt đối không được vào trong nhà máy. Bất kể người già tàn tật hay trẻ con, Schindler đều hối lộ để đưa về nhà máy của mình, viện ra đủ lý do để quân SS khỏi nghi ngờ. 

Rena Finder, một trong số những công nhân của Schinlder may mắn sống sót hồi tưởng lại: “Tôi nhớ mình bị viêm phổi và phải ở lại phòng khám ba ngày. Nếu lâm bệnh ở Plaszów, họ đã bắn tôi từ hôm đầu tiên. Điều đó đã không xảy ra ở nhà máy của Oskar Schindler.” Bà cũng nhớ lại khoảnh khắc bà không thể vận hành nổi một chiếc máy và Schindler đã tiến tới: “Schindler nói rằng một cô gái nhỏ không thể điều khiển được chiếc máy đó và nó nên được điều khiển bởi một người đàn ông.” “Tôi tin rằng ông ấy được gửi xuống từ Thiên Đường,” bà nói thêm. 

***

Mùa hè năm 1944, khi Hồng quân Liên Xô tiến quân, SS ra lệnh cho Schindler đóng cửa Emilia và đưa những người phụ nữ đến trại tập trung ở Auschwitz, nơi họ sẽ bị hành hình tập thể trong các phòng hơi ngạt. 

Biết trước viễn cảnh trên, Schindler đã thương lượng với Đức Quốc xã cho phép ông di chuyển 1.000 công nhân Do Thái của mình tới nhà máy Brünnlitz, Tiệp Khắc – gần quê hương của ông. Amon Göth đồng ý, đổi lại bằng một khoản hối lộ lớn tính trên đầu người. 

Trong phim, dưới ánh đèn chập choạng, Schindler đọc và trợ lý Itzhak Stern đánh máy, lập ra “Bản danh sách của Schindler” ghi tên 1.000 người sẽ được chuyển tới Brünnlitz. Tên của Finder có trong danh sách cùng với mẹ cô và hàng nghìn người Do Thái khác, do đó giúp cho họ khỏi bị chết trong các phòng hơi ngạt. 

Oskar Schindler và Itzhak Stern cùng nhau lập ra "Bản danh sách của Schindler" 

Trong khi 700 người đàn ông nhanh chóng cập bến Brünnlitz thì 300 người phụ nữ vẫn bị gửi tới Auschwitz do lỗi giấy tờ. Trong phim, Schindler đành hối lộ một quan chức SS vài viên kim cương để chuộc lại mạng sống của họ – lần thứ hai. 

“Khi đến Auschwitz, chúng tôi rất khát. Chúng tôi đã cố gắng bắt lấy những bông tuyết. Nhưng đó chẳng phải tuyết, đó là tro tàn,” Finder nhớ lại. “Sau đó, chúng tôi được yêu cầu cởi quần áo để kiểm tra. Họ cạo đầu rồi đưa chúng tôi vào một phòng tối và dội nước lạnh xuống. Chúng tôi hoàn toàn khỏa thân, và tôi nhớ mình đã không thể nhận ra chính mẹ của mình. Tôi nói với bà: “Bây giờ chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa vì chúng ta đã chết rồi.” Bà ấy đáp lại, “Chúng ta chưa chết. Chúng ta còn sống.” 

Tại nhà máy mới, Schindler cấm binh lính SS tự ý vào khu sản xuất, không giết chóc hay ngược đãi công nhân Do Thái. Họ được ăn no, ngủ kỹ, được cầu nguyện mỗi tối và có lễ Shabbat thứ bảy hàng tuần. 

Mặc dù hoạt động như một nhà máy sản xuất vũ khí, Brünnlitz chỉ cho ra thành phẩm là một toa chở đạn thật sau 8 tháng – như một cách để phản đối chiến tranh. Oskar Schindler đã bị Đức Quốc xã “sờ gáy” vì vụ này nhưng ông tự bỏ tiền túi ra để mua vỏ súng từ công ty khác rồi nộp cho quân Đức. 

***

Brünnlitz hoạt động từ tháng 10 năm 1944 cho đến khi Đức đầu hàng vào tháng 5 năm 1945, lúc này Oskar Schindler có thể nói đã khánh kiệt hoàn toàn về mặt tài chính. Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, Đức Quốc xã tăng cường nỗ lực tiêu diệt người Do Thái. Bản danh sách của Schindler được tin là đã cứu được 1.098 khỏi bị chết trong các phòng hơi ngạt. 

Là một thành viên của Đảng Quốc Xã, nhà sản xuất vũ khí, kẻ lợi dụng sức lao động của tù nhân, Schindler buộc phải chạy trốn để tránh bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ. Ông cùng vợ là Emilie tới định cư ở Regensburg, Đức rồi di cư đến Argentina 4 năm sau đó. Năm 1957, ly thân vĩnh viễn nhưng không ly hôn với Emilie, Schindler trở về Đức một mình. 

Ông qua đời tại Đức vào tháng 10 năm 1974, không một xu dính túi và hầu như không được biết đến. Những ngày cuối đời, nhiều người trong số Schindlerjuden (những người Do Thái của Schindler) đã quay lại để giúp đỡ ông sau hàng loạt các thất bại kinh doanh. Ngày nay, 1.100 sinh mạng mà ông từng cứu sống đã phát triển thành cộng đồng 6.000 dân, và họ bày tỏ lòng biết ơn của mình tới vị cứu tinh bằng cách đặt những viên đá nhỏ trên tấm mộ của ông tại Nghĩa trang Công giáo trên núi Zion. 

Ảnh: The New York Times 

Bộ phim Schindler’s List kết thúc bằng cảnh quay những người Schindlerjuden ngoài đời thực cùng các diễn viên lần lượt đặt các hòn đá lên tấm mộ của Schindler. Cuối cùng, nam chính Liam Neeson đặt một cặp hoa hồng lên mộ của người đàn ông vĩ đại ấy. 

Đã gần 50 năm kể từ ngày Oskar Schindler qua đời, nhưng đối với những người sống sót như Finder, những người may mắn được kể lại câu chuyện cho con cháu và toàn thể mọi người cùng nghe, lòng biết ơn vẫn sẽ còn đó. 

Như Rena Finder nói thì: “Ông ấy được Chúa gửi đến để chăm sóc chúng tôi”.