Nếu bạn hỏi Mario Puzo rằng lý do gì khiến ông đặt bút viết nên tuyệt tác Bố già (The Godfather), sẽ không có câu chuyện nào ly kỳ như là ông bị thúc đẩy bởi niềm cảm hứng dâng trào trong lồng ngực, buộc nhà văn phải cầm bút lên và viết đến phỏng cả tay. Không có câu chuyện nào như thế đâu. Puzo viết đơn giản là vì... quá nghèo. Ông cần tiền để trả nợ, ông đã viết với nỗi sợ cả gia đình bị đuổi ra ngoài đường bất cứ lúc nào. 

Và nếu bạn có cơ hội hỏi đạo diễn huyền thoại Francis Ford Coppola vào những năm 70 rằng ông làm phim Bố già (The Godfather) vì cái gì, bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Coppola cũng nghèo. Ông ngoài 30 tuổi, vẫn vô danh tại Hollywood và gia đình chuẩn bị chào đón thành viên thứ năm. Coppola rất cần tiền. 

Vậy là hai người đàn ông nghèo khó đó, mỗi người một câu chuyện, đã cắn răng chịu đựng việc làm ra các tác phẩm mà mình không mong muốn vì nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ấy thế mà tiểu thuyết Bố già (The Godfather) ra đời và phần phim chuyển thể ăn theo nó đến nay lại được xếp vào hàng kinh điển, là một trong những kiệt tác bất tử với thời gian mà thế giới văn học và điện ảnh từng được chứng kiến. 

Từ trái qua: tác giả Mario Puzo, đạo diễn Francis Ford Coppola, hai nhà sản xuất Robert Evans và Al Ruddy. Ảnh: Getty Images

Ván cược đổi đời

Nhân dịp nhận sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 2022 vừa qua, cũng là kỷ niệm 50 năm phát hành kiệt tác điện ảnh Bố già (The Godfather), đạo diễn Francis Ford Coppola nói với tờ Variety: “Tôi từng nghĩ nó sẽ là một thất bại thảm hại. Những tác phẩm đi ngược xu thế là công việc rất thử thách, vì bạn đâu có làm thứ mà người ta muốn xem.”

Bạn thấy đấy, chính đạo diễn của phim còn không tin nổi là nó sẽ thành công. Trái ngược hoàn toàn với mọi dự đoán, Bố già ra mắt ngay lập tức trở thành hiện tượng phòng vé, và đến nay được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của kho tàng điện ảnh Hollywood. Nó xếp thứ hai trên bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất mọi thời đại của IMDb với điểm số cao ngất ngưởng 9.2. Tuy nhiên, giống như Francis Ford Coppola nói, việc đưa tiểu thuyết gốc của Mario Puzo lên phim quả thực là một ván cược – và hơn cả thế, hai người đàn ông đã gặp vô số trở ngại xuyên suốt dự án chuyển thể này. 

The Godfather Receives Stirring 50-Year Tribute at 2022 Oscars
Từ trái qua: Al Pacino, Francis Ford Coppola, Robert de Niro trong lễ kỷ niệm 50 năm phát hành Bố già (The Godfather). 
Ảnh: People 

Trong bài phỏng vấn, Coppola cũng tiết lộ ban đầu ông không mấy hào hứng với dự án vì không thích nguyên tác của Mario Puzo. Lý do Coppola đưa ra là Puzo viết Bố già với mục đích kiếm tiền, do đó nó là một tác phẩm mang thiên hướng thương mại. Trước đó gần năm thập kỷ, Puzo đã thẳng thắn thừa nhận đúng là ông viết vì tiền thật. Tuy nhiên điều đáng nói hơn là, Coppola trong những ngày đó cũng “cắn răng” quay Bố già vì… cần tiền. 

"Bình tĩnh, cha đang viết một cuốn best-seller" 

Thời điểm năm 1967 khi đặt bút viết những chương đầu tiên của Bố già, Mario Puzo đã là một tên tuổi được đánh giá cao trong giới phê bình, tuy nhiên doanh thu bán sách lại khá ế ẩm. Ông sống cùng vợ mình, bà Erika cùng năm đứa con thơ trong một ngôi nhà tại Long Island. Ngày qua ngày, ông chật vật nuôi sống gia đình bằng chút tiền lương còm cõi từ công việc thư ký chính phủ ‘đáng ghét’.

Rồi một ngày, lũ trẻ nhà Puzo thấy ông bố bỗng đăm chiêu hơn thường lệ, ngồi lì trong một góc tầng hầm và cặm cụi gõ máy. Một chiếc bàn làm việc, một máy đánh chữ, giấy bút cùng một số vật dụng linh tinh, đó là tất cả những gì ông cần.

Mark Seal on Mario Puzo and the Writing of "The Godfather" - Air Mail
Gia đình của Mario Puzo. 
Ảnh: Air Mail 

Tầng hầm còn có một bàn bida. Trong lúc Puzo đánh máy, năm đứa con của ông sẽ xuống quậy phá rùm beng, buộc Puzo phải mắng mỏ chúng. “Bình tĩnh, cha đang viết một cuốn best-seller”, Tony, con cả của Puzo kể lại.

Tony và các em sẽ trợn tròn mắt và cười khúc khích với nhau. Tuyên bố đó nghe thật nực cười vì vào thời điểm đó, Puzo còn lâu mới lọt vào danh sách best-seller. Tuy nhiên, với gánh nặng cơm áo gạo tiền và trách nhiệm phải nuôi sống đàn con nhỏ trên vai, Puzo quyết định sẽ đặt cược hết vào tác phẩm này. Ông đặt mọi khát vọng nghệ thuật vị nghệ thuật của mình sang bên và xắn tay ống ngồi viết một cuốn sách hoành tráng nhất, là một cú bom thương mại sẽ mang đến cho ông mọi danh tiếng và tiền tài. Hoặc ít nhất cũng đủ tiền để ông trả hết nợ và giữ lại được căn nhà.

Kết quả là Bố già được phát hành vào ngày 10 tháng 3 năm 1969, đúng thời điểm mà sự quan tâm của người Mỹ với giới mafia đang lên tới đỉnh điểm. Nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất đúng như tầm nhìn ban đầu của Mario Puzo. Báo chí cũng như độc giả đều phát sốt vì nó tới nỗi đặt ra nhiều nghi vấn về việc Puzo có quan hệ mật thiết với mafia hay không. Rất may là không. 

Trong một lần phỏng vấn với Associated Press năm 1996, ông nhấn mạnh câu chuyện của ông đã khiến Mafia trở thành một thế giới lãng mạn hơn so với đời thật. Ông nói thêm: "Tôi sẽ ở đâu trong Mafia? Tôi đã chết đói trước khi viết nên The Godfather. Nếu tôi ở trong Mafia, tôi đã kiếm đủ tiền để không phải viết lách." 

Vì Mario Puzo đã quá quen với việc bị phá sản nên ông mất một thời gian để “thích nghi” với vận may bất ngờ của mình. Con trai Tony của nhà văn kể lại: “Một lần, ông ấy đến thư viện và phát hiện cuốn sách yêu thích đã bị người khác rút ra trước. Chợt nhớ ra bây giờ mình đã có tiền, ông ấy đi thẳng tới hiệu sách và mang về nhà cả một lô.”

Trong lúc gia đình Puzo tập thích nghi với sự tình đó, doanh số bán của Bố già vẫn tiếp tục oanh tạc trên mọi mặt trận. Cuốn tiểu thuyết đã nằm trong danh sách best-seller 67 tuần liên tiếp, và thành công này đã khiến hãng Paramount suy tính tới chuyện chuyển thể nó lên màn ảnh rộng.

Tài năng thực sự của Mario Puzo 

Paramount trả trước cho Puzo 12.500 đô như chút quà biếu, cộng thêm 50.000 đô nữa nếu nhà văn đồng ý với thương vụ làm phim. Puzo, vốn rất ‘khát’ tiền, khó lòng nào từ chối. Vậy là hãng phim bắt đầu chuyển thể Bố già với kinh phí chỉ bằng 1/5 nếu so với những bộ phim khác của họ.

Tuy nhiên, không đạo diễn nào chấp nhận làm bộ phim cả. Lý do họ đưa ra đều giống với Francis Ford Coppola, rằng sẽ chẳng ai tới rạp chỉ để xem một bộ phim về mấy tên xã hội đen bắn giết nhau. Bất chấp thành công của tiểu thuyết, đây vẫn là một dự án mơ hồ và thất bại là điều có thể tiên liệu trước.

Kết quả thế nào thì chúng ta đều biết. Xua tan mọi lời tranh cãi và chỉ trích, Bố già năm 1972 vẫn là một trong những bộ phim vĩ đại nhất mà Hollywood từng sản sinh ra. Nó gặt hái 3 giải Oscar trong tổng 11 đề cử, trong đó có giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cho Mario Puzo.

Lúc này, Puzo vừa là một tiểu thuyết gia ăn khách, vừa là một biên kịch được săn đón – tựa như viên ngọc hiếm tại kinh đô điện ảnh.

Cien años de Mario Puzo, el creador de la mítica novela El Padrino
Kịch bản chuyển thể cho Bố già (The Godfather) đã mang về cho Mario Puzo tượng vàng Oscar danh giá. 
Ảnh: Getty Images 

Sau khi nhận giải Oscar, Mario Puzo đã mua một cuốn sách dạy cách viết kịch bản. Ngay trang đầu tiên là dòng chữ: “Kịch bản hay nhất từng được viết là ‘Bố già’.” Theo lời Tony Puzo, sau khi đọc xong cuốn sách, cha anh đã ném nó đi không thương tiếc.

Sau thành công với Bố già, Mario Puzo tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm khác xoay quanh đề tài mafia và đều được độc giả lẫn giới phê bình nhiệt liệt hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng đã có lúc nhà văn chán ghét cảnh phải viết mãi một đề tài, do đó ông nhiều lần thử sách trong các địa hạt khác như chiến tranh, tình yêu nhưng đều không nhận được sự hưởng ứng của độc giả như thường lệ. 

Mario Puzo sau này thừa nhận rằng người đọc đã quá quen với các áng văn của ông về thế giới tội phạm, về những mưu hèn kế bẩn và phản trắc đến mức ‘không biết là tôi còn viết những cuốn tiểu thuyết khác.’ Điều này làm ông phiền lòng không ít, tuy nhiên trong hồi ký của mình, Puzo thừa nhận thành công thương mại của Bố già đã giúp ông nhận ra một khía cạnh quan trọng trong sự nghiệp viết lách của mình: “Đôi khi tôi cảm thấy mình đã bán hết tất cả những gì có thể bán, bởi vì tôi là một nhà văn. Nhưng thông qua ‘Bố già’, tôi nhận ra tài năng thực sự của mình: một người kể chuyện.” 

"Ăn mày không thể đòi xôi gấc"

Trước khi trở thành đạo diễn cho Bố già, Francis Ford Coppola, giống như Mario Puzo, cũng có một sự nghiệp khá nhạt nhòa. Một ngày đầu xuân năm 1969, Coppola đang đọc tờ New York Times thì thấy một quảng cáo nhỏ về cuốn tiểu thuyết Bố già với bìa đen và minh họa là hình bàn tay của một người đang múa rối. Ông nghĩ đây sẽ là một loại tiểu thuyết về thuật lãnh đạo như kiểu Quân vương (The Prince) của Machiavelli hoặc ít nhiều tác giả của nó cũng phải là một trí thức. 

Vài tuần sau, Peter Bart của Paramount Pictures nói với Coppola rằng họ đã mua bản quyền phim Bố già và ông có thể được cân nhắc làm đạo diễn. Thế nhưng chỉ tới khi ba “ứng cử viên” trước đó đồng loạt từ chối, dự án mới chính thức về tay Coppola. 

LISTEN] Francis Ford Coppola On The Day 'The Godfather' Began – Deadline
Francis Ford Coppola nhận quyền đạo diễn Bố già (The Godfather) sau khi ba đạo diễn khác đồng loạt từ chối. 
Ảnh: Paramount/REX/Shutterstock

Để tập dượt, Coppola đến thư viện ngấu nghiến hết các đầu sách về mafia. Ông thấy rất chán. Paramount trả ông mức lương rất bèo bọt, thêm vào đó còn bắt ông phải đồng viết kịch bản với Mario Puzo. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải điều tệ nhất. 

Khi đọc Bố già, Coppola thất vọng vô cùng. Khác với những tưởng tượng ban đầu của ông rằng đây hẳn là một cuốn sách thông tuệ thì nó lại rặt những chuyện vặt vãnh không đâu, được viết ra với mục đích lôi kéo bạn đọc là chủ yếu. Coppola gần như đã từ chối dự án. 

Nhưng ông ấy cần tiền. Ông đã có vợ, hai con và đứa thứ ba sắp chào đời. Nhận lời khuyên từ George Lucas (người đứng sau thiên sử thi khoa học kinh điển Chiến tranh giữa các vì sao), Coppola cũng chịu chấp nhận sự thật phũ phàng rằng “ăn mày không thể đòi xôi gấc”. Ông ký hợp đồng làm đạo diễn và đồng biên kịch của bộ phim. Sau này Puzo nói rằng ông thậm chí không nhớ dòng nào trong kịch bản là của mình và dòng nào là của Coppola. 

Mario Puzo viết kịch bản cho bộ phim Bố già (The Godfather) năm 1970 tại Paramount Studios.
Ảnh: Getty Images 

Các ông lớn tại Paramount muốn Bố già lấy bối cảnh ở New York đương đại và quay ở Hollywood, nhờ đó chi phí trang phục và xe hơi sẽ rẻ. Họ cũng đề xuất để Ernest Borgnine hoặc Danny Thomas vào vai “Bố già”, còn vai cậu út Michael Corleone sẽ cân nhắc giữa Ryan O’Neal và Robert Redford. Cuối cùng, không một cái tên nào trong số trên được chọn để vào phim cả. 

Francis Ford Coppola, một tài năng đầy triển vọng nhưng chỉ là một nhân vật không có tiếng nói, chưa từng sở hữu bộ phim bom tấn nào, là lựa chọn thứ tư của Paramount, lại quả quyết rằng ông muốn Marlon Brando vào vai ‘Bố già’ và bắt buộc phải quay phim lấy bối cảnh những năm 40 – điều sẽ đẩy chi phí sản xuất lên rất đắt đỏ.

Về phía Marlon Brando, dù rất tài năng nhưng nam diễn viên này cũgn khét tiếng khắp Hollywood vì chuyên đòi cát-xê cao ngất ngưởng, phong thái làm việc theo cảm hứng và thường xuyên mất tập trung. 

Trong khi Paramount còn đang đau đầu với Marlon Brando thì Coppola lại đề xuất thêm nữa: ông muốn Al Pacino, nam diễn viên trẻ với gia tài có duy nhất một vai diễn điện ảnh, vào vai cậu út Michael Corleone. Paramount dĩ nhiên đã phản đối kịch liệt. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Al Pacino tiết lộ hãng phim nổi tiếng thậm chí đã “từ chối toàn bộ dàn diễn viên của Coppola”. 

The film Francis Ford Coppola called a "horrible experience"
Francis Ford Coppola chụp ảnh cùng "gia đình nhà Corleone". 
Ảnh: Far Out Magazine 

Mặc dù thòng lọng của việc bị sa thải luôn lơ lửng ngay trên đầu, viễn cảnh về một ngày cả gia đình phải dọn ra ngoài đường luôn chập chờn trước mắt nhưng bằng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng và chút may mắn của mình, Coppola đã chiến thắng hầu hết các cuộc chiến với “hội đồng lãnh đạo”. Ông gói ghém mọi thử thách đó vào tâm trí mình và sử dụng nó để biến Bố già thành một câu chuyện kiểu Shakespeare về một vị vua già và ba người con trai của ông, mỗi người đều phảng phất một nét tính cách của cha nhưng không ai thực sự phù hợp để tiếp quản đế chế tội phạm khổng lồ mà ông đã gây dựng. 

Francis Ford Coppola
Francis Ford Coppola và Marlon Brando trên trường quay Bố già (The Godfather).
Ảnh: IMDb 

Con trai cả Sonny, dũng mãnh và can trường nhưng bốc đồng, điều đã trực tiếp dẫn tới cái chết của anh. Fredo, cậu con thứ hào hoa nhưng ẻo lả, hèn nhát. Chỉ có Michael là hội tụ tất cả phẩm chất: anh có sự dũng cảm của một người lính và sự khôn ngoan thừa hưởng từ cha. Nhưng Michael quá lạnh lùng và nhẫn tâm, cuối cùng anh phải chết trong cô độc không người thân nào kề cạnh. 

Chính các nét tương phản trong tính cách của từng nhân vật đã khiến Bố già trở nên thật hấp dẫn với cánh mày râu. Khi nhìn Don Vito, ta thấy được sức mạnh của uy quyền. Nhìn vào Sonny, ta thấy hệ quả khôn lường của sự bốc đồng và thiếu kiểm soát. Nhìn sang Fredo, ta thấy khinh miệt kẻ làm trai nhưng chưa thấy sóng cả đã ngã tay chèo. Còn nhìn vào Michael, ta thấy sự tiếc nuối về một kẻ phản diện bất đắc dĩ, về một người đàn ông góa vợ năm 24 tuổi vì bị kẻ thù gài bom, về một kẻ sát nhân ra tay hạ sát chính người anh ruột của mình. 

Lời kết

Hơn năm thập kỷ trôi qua kể từ đó, Bố già rõ ràng đã vượt qua phép thử khắc nghiệt của thời gian và đến nay luôn được xướng tên vào danh sách những kiệt tác điện ảnh vĩ đại nhất trong lịch sử. Hai người đàn ông vĩ đại, song hành cùng nhau và góp sức tạo nên tuyệt tác kinh điển này. 

Mario Puzo đã viết một cuốn sách best-seller đúng như ông cam kết. Ông kiếm đủ tiền trả nợ, nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng và nỗi thấp thỏm sợ bị tịch thu nhà cũng chấm dứt. Tuyệt hơn thế, ông còn dư dả tiền để mua sách chứ không phải lết tới thư viện đọc chùa nữa. Ông đều đặn cho ra đời các tác phẩm tiếp theo của mình, hưởng thụ những ngày cuối đời bên những đứa con tại Long Island, New York trước khi qua đời vì suy tim vào năm 1999. 

Còn Francis Ford Coppola, người đạo diễn đã nâng tầm thiên tiểu thuyết xoay quanh côn đồ, phản bội và giết chóc thành một thứ gì đó rộng lớn hơn, phổ quát hơn và bi thảm hơn, vĩnh viễn gắn tên tuổi mình với bộ phim này. Ba phần phim Bố già đặt vào tay Coppola tấm vé khoang hạng nhất trong giới làm phim, mở ra con đường rộng thênh thang để ông tiếp tục sải bước và chinh phục những đỉnh cao mới.