Wonka được xem là phần tiền truyện bổ sung cho Charlie and the Chocolate Factory (Charlie và nhà máy socola) năm 2005 với diễn xuất kinh điển của Johnny Depp, bộ phim gắn liền với tuổi thơ của đa số độc giả đang đọc bài viết này. Bản thân nguyên tác của nhà văn Roald Dahl đã là một tác phẩm rất nổi tiếng, cộng thêm tiếng thơm từ hai lần chuyển thể trước đó biến Wonka thành một bộ phim được kỳ vọng và trông chờ nhất dịp cuối năm nay.
Willy Wonka, một chàng trai trẻ ngoài hai mươi tuổi, sau bảy năm phiêu lưu ròng rã để tìm ra công thức chế tạo sôcôla trứ danh, nay gói ghém đồ nghề tới Galeries Gourmet, kinh đô của socola với mong muốn mở một cửa hàng mang tên mình để thực hiện lời hứa với người mẹ quá cố.
Tuy nhiên, một rắc rối lớn đối với Wonka là anh mù chữ, do quá mải mê vào sô cô la mà quên mất việc học đọc. Nghe không hợp lý lắm nhỉ, nhưng nếu xét vào hoàn cảnh của Wonka thì cũng không phải là không chấp nhận được: bố của anh không hề được nhắc tới, còn mẹ thì ngã bệnh rồi qua đời năm anh còn là một cậu nhóc. Nói đơn giản, Wonka không được hưởng một nền giáo dục trọn vẹn như những đứa trẻ khác, và ngay từ những ngày ấu thơ, cậu bé đã lựa chọn socola sẽ là định mệnh của mình.
Vậy thì, một nghệ nhân làng socola mà mù chữ thì có làm sao không? Có, ít nhất là với Wonka, khi anh không thể đọc nổi tờ sớ ghi chú của bà chủ trọ gian xảo Scrubbit để rồi bị nẫng tay trên, tiền trọ cam kết mỗi ngày một đồng nhưng tiền dịch vụ cộng thêm thì lên tới mười ngàn. Wonka nghèo khó của chúng ta lấy đâu ra số tiền đó, vậy là được gửi thẳng tới hầm giặt ủi, nơi anh gặp gỡ và làm thân với những người bạn mới - những kẻ cũng từng sa bẫy như mình. Tình cảnh trớ trêu của Wonka xem ra khá giống với mấy cô cậu sinh viên tỉnh lẻ từ quê lên thành thị nhỉ?
Câu chuyện sau đó là hành trình của Wonka khi anh lẻn ra ngoài dưới sự trợ giúp đắc lực của những người bạn mới, trong đó nổi bật là cô bé Noodle, cũng là một con nợ của bà Scrubbit để thực hiện ước mơ của mình. Những con nợ trong hầm giặt dần tập hợp thành một đội ngũ, kề vai sát cánh bên nhau và dần thành lập nên một startup socola.
Trải qua vô vàn khó khăn, từ sự chèn ép của ba ông lớn trên thị trường (phản diện chính trong phim) đến con mắt soi mói của bà chủ trọ tàn ác nhưng không kém phần ngờ nghệch, Wonka cùng các bạn cuối cùng cũng dựng lên một nhà máy đường hoàng. Tuy nhiên điều tồi tệ nhất vẫn chưa diễn ra, còn diễn ra thế nào, khán giả tốt nhất nên ra rạp để tự giải đáp.
Phim có nội dung đơn giản, cốt truyện khá dễ đoán, không thích hợp lắm với những khán giả đã quen với những thước phim ly kỳ, giật gân hay hack não. Phim mang nhiều tình tiết dễ thương và hài hước, màu sắc tươi sáng, thêm vào đó là điểm cộng rất lớn từ phần kỹ xảo, phục trang và âm nhạc. Tất nhiên người khen nhiều thì người chê cũng có, nhưng chỉ vào tầm lác đác, nhìn chung không đáng kể bởi Wonka là phim định sẵn là tác phẩm giải trí, tươi trẻ, hứa hẹn mang đến những phút giây thư giãn và tràng cười sảng khoái trong rạp. Về điều này, có thể nói Wonka đã làm rất tốt.
Diễn xuất của tài năng trẻ Timothee Chalamet là một điểm sáng nữa; ngoài bộ mặt đẹp trai miễn bàn thì đôi mắt của anh rất hút hồn, toát lên được phong thái của Willy Wonka lạc quan, khát vọng và giàu cảm xúc. Được lựa chọn vào vai diễn này, Chalamet gánh chịu áp lực phải vượt qua được cái bóng của hai Wonka trong các bộ phim trước đó, đặc biệt là của Johnny Depp trong Charlie và nhà máy sô cô la năm 2005.
Nhiều khán giả cho rằng phiên bản Wonka của Depp là chân thực nhất, sừng sững như một tượng đài hiên ngang; tuy nhiên Chalamet đã đảm nhiệm rất tốt, cho thấy một Wonka tươi mới, không rập khuôn, bám sát nguyên tác nhưng vẫn toát lên được cá tính riêng của diễn viên. Wonka của Chalamet dường như không được sâu sắc như của Depp, nhưng dĩ nhiên khán giả có thể chấp nhận vì đây là phần tiền truyện, hé lộ quá khứ về một Wonka đầy tham vọng hoài bão nhưng vẫn còn thơ ngây, non dại và mơ mộng.
Phim có bối cảnh hoàn toàn hư cấu, từ các địa danh cho tới tình tiết phim, bám sát tầm nhìn ban đầu là đưa tới người xem trải nghiệm như đi lạc vào cõi thần tiên. Khán giả sẽ bật cười, lắc lư theo từng lời ca vui nhộn của các nhân vật; cảm nhận sự tĩnh lặng khi Wonka chia sẻ về mất mát thời thơ ấu cùng ước mơ dang dở của người mẹ quá cố; đồng thời được truyền động lực qua những lần vấp ngã của Wonka nhưng vẫn đủ nghị lực để vượt lên. Sau tất cả, Wonka vẫn luôn mỉm cười và giữ vững tinh thần bất chấp mọi khó khăn, kể cả lúc nhà máy mới khánh thành cháy thành tro vì bị đối thủ chơi xấu. Tinh thần lạc quan và phong thái tự tin của Wonka là điều mà bất cứ ai cũng nên học hỏi, chấp nhận thất bại như một phần của cuộc sống và kiên trì theo đuổi ước mơ.
Nhìn chung, mặc dù được quảng bá như một bộ phim dành cho mọi lứa tuổi, Wonka đặc biệt thích hợp cho những buổi xem phim cùng gia đình người thân, chắc chắn sẽ đem đến những phút giây ấm cúng trong mùa Giáng sinh năm nay. Ai biết chừng, sau độ hai mươi, ba mươi năm nữa - người ta lại ngợi ca Wonka như một tác phẩm kinh điển mỗi lần ông già Santa ghé thăm - như cái cách mà Ở nhà một mình đã làm được.