“Phù thủy lập trình” của Harvard
Bộ phim Mạng xã hội (The Social Network) năm 2011 thực sự đã biến Mark Zuckerberg thành “kẻ phản diện” trong mắt công chúng theo đúng nghĩa đen. Ngay đầu phim, Mark sau khi bị bạn gái Erica “đá đít” đã làm việc mà mọi gã trai tuổi đôi mươi đều làm mọi khi có cơ hội: uống rượu giải sầu. Say khướt lướt, Mark vừa tu bia trong phòng ký túc vừa viết blog nói xấu bạn gái cũ. Một màn chào hỏi không tệ đến từ đạo diễn David Fincher.
Cũng trong đêm ấy, Mark Zuckerberg nảy ra ý tưởng cho một trang web tên là FaceMash, cho phép các cậu trai trong Harvard so sánh và bình chọn hai nữ sinh dựa trên độ “hot” của họ. 22.000 lượt truy cập trong vòng 4 tiếng đồng hồ vào 4 giờ sáng, Facemash đã đánh sập hệ thống Kirkland của Harvard.
Chỉ sau một đêm, Mark Zuckerberg trở thành “phù thủy lập trình” được mọi gã trai trong trường hâm mộ và là kẻ thù của hội chị em tại Harvard. Được mời lên uống nước chè với ban giám hiệu nhưng xem chừng chẳng tới đâu, Mark Zuckerberg rất tự tin vào triển vọng của mình. Chúa mới biết cậu sinh viên ấy mưu tính chuyện gì tiếp theo.
Kỷ lục mà FaceMash tạo ra đã kéo Mark Zuckerberg lại gần với hai anh em sinh đôi Tyler và Cameron Winklevoss cùng cộng sự của họ là Divya Narendra. Ba chàng lính ngự lâm này tình cờ đang ấp ủ dự án xây dựng một nền tảng hẹn hò trực tuyến HarvardConnection, đặc biệt là giới hạn thành viên chỉ dừng lại ở giới thượng lưu Harvard. “Tôi tham gia,” Mark nói.
Và theo sau đó là chuỗi hơn 40 ngày mất tích của cậu sinh viên đầu to kính cận – trước khi TheFacebook ra mắt trong sự ngỡ ngàng của Tyler và Cameron, khiến họ một mực tin rằng Mark Zuckerberg đã ăn cắp ý tưởng của họ.
Tất cả gặp lại nhau ở tòa.
Mark Zuckerberg đã khởi tạo Facebook như thế nào?
Tháng 2 năm 2004, Mark Zuckerberg cùng người bạn thân Eduardo Saverin thành lập nên TheFacebook, mạng xã hội dành cho sinh viên Harvard. Mỗi người góp 1.000 USD, trong đó Saverin nắm 30% cổ phần và Zuckerberg nắm phần còn lại.
Tuy nhiên, theo những tin nhắn bị rò rỉ được đăng tải trên Business Insider, Saverin đã bỏ tiền túi chi trả phần lớn chi phí máy chủ của Facebook vì một thực tế rất rõ ràng: nhà Saverin rất giàu. Thực sự thì Zuckerberg đã tiếp cận Saverin vì biết trước tiềm lực tài chính của cậu bạn thân, mà Saverin cũng không mảy may về vấn đề này. Ông tiếp tục rót thêm 15.000 đô tiền vốn vào Facebook.
Nhờ sự quen biết rộng của Saverin trong giới sinh viên, TheFacebook nhanh chóng trở nên phổ biến tại Harvard và lan rộng sang Stanford và Yale. Dần dần, nó được mở rộng ra hầu hết các trường học trên toàn Mỹ và Canada. Biết rằng họ cần thêm trợ giúp, ba cậu bạn Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Adam D’Angelo đã tham gia – nhưng chỉ Moskovitz góp tiền giúp ông nắm giữ 5% cổ phần.
Mối quan hệ giữa hai nhà sáng lập rạn nứt
Thời gian này, Mark Zuckerberg cũng tình cờ được giới thiệu tới Sean Parker, nhà đồng sáng lập trang chia sẻ nhạc trực tuyến Napster. Sean là một doanh nhân tài ba, thạo lập trình và dưới diễn xuất của Justin Timberlake thì trông có vẻ còn sát gái nữa. Sean và Mark đã “kết” nhau ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên. Trên thực tế, chính Sean là người đã đề nghị bỏ chữ “The” trong TheFacebook đi.
Cũng chính vì mối quan hệ phát triển quá nhanh chóng của hai người, Saverin bỗng nhiên như thể bị gạt ra khỏi rìa. Sáu tháng sau khi TheFacebook ra mắt, Zuckerberg và Moskovitz (một người bạn cùng phòng của Mark) chuyển đến Palo Alto, California và thuê một căn nhà làm trụ sở. Trong khi đó, Saverin đến New York thực tập tại Lehman Brothers.
Gần như ngay sau khi chuyển đi, mối quan hệ giữa hai nhà đồng sáng lập bắt đầu rạn nứt và dần dần không thể cứu vãn, đỉnh điểm là sự kiện Zuckerberg đuổi Saverin ra khỏi Facebook. Bộ phim đã lướt qua khá nhanh ở phần này, vì vậy dưới đây là những gì đã thực sự xảy ra giữa hai nhà sáng lập.
Một mặt, Mark Zuckerberg tỏ ra thất vọng vì Eduardo Saverin đã thất bại trong cả ba nhiệm vụ được giao, cụ thể là “xây dựng công ty, tìm nguồn vốn và xây dựng mô hình kinh doanh”. Cùng với đó, Saverin cũng đăng quảng cáo miễn phí lên Facebook để quảng bá cho công ty riêng của ông, điều mà Mark coi là “đáng xấu hổ”.
Mặt còn lại, Saverin sau nhiều tháng lặn lội ở New York – thất bại trong việc thuyết phục mọi người đăng quảng cáo lên Facebook – chính thức trở về trụ sở công ty ở Palo Alto (California) và ngạc nhiên thay, Sean Parker đang ngồi rung đùi tại đó.
Saverin và Zuckerberg đã tranh cãi dữ dội về định hướng thương mại hóa Facebook. Trong cơn nóng giận, Saverin quyết định đóng băng tài khoản công ty, hành động đã suýt chút nữa khiến Facebook tê liệt nhưng họ may mắn được nhà đầu tư Peter Thiel đặt bút ký quỹ tài trợ 500.000 USD. Mark thuyết phục Saverin trở lại công ty – nhưng là để tống khứ người bạn thân một lần duy nhất và mãi mãi.
Chiến lược của Zuckerberg là giảm thị phần của Saverin xuống mức tối thiểu. Do đó, Zuckerberg bắt đầu pha loãng cổ phiếu của Saverin, về cơ bản là nắm quyền kiểm soát công ty và thực tế không để lại cho Saverin gì cả.
Saverin đặt bút ký vào bản hợp đồng tái cấu trúc công ty mà không biết ông vừa đặt dấu chấm hết cho chính sự nghiệp của mình tại Facebook, khiến cổ phiếu của ông giảm từ 34,3% xuống còn 0,03%. Đó ít nhất là những gì bộ phim nói với chúng ta, con số này có thể chênh lệch trên thực tế nhưng nhìn chung là cổ phiếu của Saverin đã giảm rất sâu (từ hơn 30% xuống dưới 10%).
Eduardo Saverin phản công
Tôi không biết là Saverin ngoài đời có bực tức rồi hét vào mặt Zuckerberg như cách Andrew Garfield diễn tả trong The Social Network hay không, nhưng có vẻ đúng là ông đã ngay lập tức đánh trả.
Đầu tiên, ông liên hệ với anh em Winklevoss và Narendra, tất cả để kiện người bạn thân cũ của mình. Sau đó, ông gặp tác giả Ben Mezrich, cho ông ý tưởng để thảo nên cuốn sách Tỷ phú tình cờ (The Accidental Billionaires), là nguyên tác cho The Social Network.
Giống như Winklevosses, Saverin đã thắng đậm. Eduardo Saverin được phục hồi trở lại là người đồng sáng lập Facebook. Bằng cách pha loãng cổ phiếu của Saverin xuống còn một phần ba, Mark Zuckerberg đã vô tình trao cho Eduardo Saverin món quà lớn nhất: không phải lo lắng hay giải quyết bất cứ việc gì liên quan tới Facebook nữa cả.
Nhờ có Zuckerberg và Facebook, phần lớn khối tài sản trị giá 10 tỷ USD của Saverin vẫn đến từ khoản đầu tư nhỏ bé 15.000 USD vào những ngày đầu tiên. Từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để tránh bị đánh thuế, Saverin hiện đang sống ở Singapore với vợ của mình trong một căn biệt thự rộng gần 1.000 mét vuông.
Lời kết
The Social Network là một bộ phim hư cấu dựa trên sự kiện có thật, vì vậy ít nhất nó cũng cần được thêm mắm dặm muối để đảm bảo độ kịch tính. Nếu David Fincher muốn làm một bộ phim tiểu sử chân thật về Mark Zuckerberg, có lẽ thứ bạn thấy duy nhất là Zuckerberg ngồi gõ code xuyên suốt 8 tiếng đồng hồ.
Dù nhận về nhiều chỉ trích do thiếu tính xác thực và có phần phóng tác quá đà nhưng The Social Network vẫn được coi là một trong những bộ phim tuyệt vời nhất mà thập kỷ 2010 có cơ hội chứng kiến. Phim giành được 3 giải Oscar từ 8 đề cử trước đó.
Mark Zuckerberg chắc chắn không thích bộ phim này, và thậm chí ông còn ra sức cấm cản nó được phát hành trước đó. The Social Network đã biến Mark thành một tên tiểu nhân mạt hạng, một gã lập trình viên đầu to mắt cận lập dị và ích kỷ, giàu tham vọng nhưng nhỏ nhen, hiếu thắng và đặc biệt vô ơn.