Sau vụ đắm tàu thảm khốc, Pi, cậu bé 16 tuổi con một giám đốc sở thú đang cùng gia đình đi Canada, thấy mình là kẻ duy nhất sống sót trên chiếc xuồng cứu sinh nhỏ bé chơi vơi giữa Thái Bình Dương. “Bạn đồng hành” của cậu giờ là một con ngựa vằn đau khổ vì cái chân gãy, một con linh cẩu độc ác liên miệng kêu yip yip yip, một con đười ươi cái nôn oẹ vì say sóng và đặc biệt là con hổ Bengal nặng 450 pound mà Pi trìu mến gọi bằng cái tên Richard Parker. 

Chính bối cảnh khó tin trên đã tạo dựng nên một trong những thiên tiểu thuyết hư cấu mê hoặc của thế kỷ XXI. Một câu chuyện sẽ khiến bạn tin vào Chúa, theo những gì mà tác giả Yann Martel đã tuyên bố ngay từ đầu. 

Ảnh: 20th Century Fox

Câu chuyện thứ nhất 

Sau vài ngày lênh đênh trên biển, con linh cẩu giết chết ngựa vằn và tiếp đó là đười ươi, rồi Richard Parker đột nhiên chui ra từ dưới tấm bạt, giết chết con linh cẩu trước sự chứng kiến của Pi. Câu chuyện tiếp nối sau đó kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của Pi, một thân một mình chơi vơi giữa biển cả và cái chết luôn rình rập bởi Richard Parker. 

Bất chấp quy tắc đạo đức Pi tự đặt ra là không giết chóc, cậu bắt đầu câu cá, kiếm cái lót dạ cho mình và cho cả Richard Parker. Một đêm nọ, con cá voi lưng gù phá huỷ chiếc bè mà Pi tự làm trước đó, buộc Pi phải lên xuồng chung với con hổ. Từ đây, cậu huấn luyện và gắng sức chăm sóc nó để bảo toàn tính mạng của mình. Đơn giản thôi, con hổ mà đói thì Pi sẽ chết trước khi vào được bờ.

Pi tự làm một chiếc xuồng để tránh bị Richard Parker ăn thịt trong những ngày đầu 
Ảnh: Rhythm & Hues/20th Century Fox

Vài tuần sau, cả hai cập bến một hòn đảo nổi; đó là một khu rừng tươi tốt với dải thực vật trù phú, trữ lượng lớn nước ngọt và rất nhiều chồn biển (meerkat) - nhiều tới nỗi có thể coi là “buffet thịt” dành cho Richard Parker mỗi ngày. Tuy nhiên tới ban đêm, các hồ nước chuyển sang tính axit, Pi suy luận rằng đây là hòn đảo ăn thịt sau khi cậu tìm thấy một chiếc răng người được nhúng trong một bông hoa. 

Ngay hôm sau, Pi và Richard Parker rời đảo, cập bến Mexico sau hơn 200 ngày lênh đênh trên biển. Khi được người dân phát hiện, Pi đã lịm đi vì kiệt sức, trong khi Richard Parker tiến thẳng vào rừng - không hề ngoái mặt lại nhìn Pi - khiến cậu đau khổ vô cùng. 

Phép màu về sự sống sót của Pi đã đánh động trí tò mò của nhiều người, trong số đó có hai nhân viên thuộc bên bảo hiểm vận tải Nhật Bản tìm tới phỏng vấn cậu. Họ không tin vào câu chuyện trên, do đó, Pi đã kể lại một câu chuyện khác, một câu chuyện khiến độc giả ngỡ ngàng vì màn quay xe phút chót không ngờ tới như dưới đây.  

Câu chuyện thứ hai 

Con tàu đắm. Pi lên được xuồng cùng ba người khác: mẹ cậu, ông đầu bếp và một thuỷ thủ bị gãy chân.

Tương tự câu chuyện thứ nhất, người đầu bếp (đại diện cho con linh cẩu) đã giết chết và ăn thịt người thuỷ thủ; sau đó ông ta giết mẹ của Pi (đại diện cho con đười ươi), rồi Pi giết ông ta (như cách Richard Parker đã làm với con linh cẩu).  

Các nhà đại lý hỏi cậu thêm vài điều nhưng không thu được chi tiết nào đáng chú ý nên rời đi. Pi đã kể hai câu chuyện về những gì đã xảy ra, cả hai đều không giải quyết được vụ đắm tàu, và độc giả không thể chứng minh câu chuyện nào là thật và câu chuyện nào không thật. 

Và vì vậy, những người phỏng vấn phải lựa chọn một trong hai câu chuyện để đem đi báo cáo. Pi đã hỏi hai nhân viên bảo hiểm rằng họ thích câu chuyện nào hơn, và họ - như Pi và phần đông mọi người - chọn câu chuyện đầu tiên vì phiên bản thứ hai quá máu me và dã man. Dưới đây là những gì được báo cáo thuật lại: 

“Trong kinh nghiệm của người điều tra vụ này, câu chuyện của ông ta (Pi) là có một không hai trong lịch sử các vụ đắm tàu. Rất ít nạn nhân đắm tàu có thể tuyên bố đã sống sót được ngoài biển khơi lâu đến thế, như ông Patel, và không ai có đồng hành là một con hổ Bengal đã trưởng thành.” 

Vậy thì câu chuyện nào mới là thật? 

Hầu hết độc giả, khán giả lẫn nhà phê bình đều đồng tình rằng câu chuyện thứ hai mới là những gì đã thực sự diễn ra. Tuy nhiên, như đã nói, câu chuyện ấy quá rùng rợn và đi ngược lại với nhiều quy chuẩn đạo đức nên Pi đã tự tạo ra câu chuyện thứ nhất để thay thế. Nhưng mục đích của cậu có đơn giản chỉ là để tránh con mắt soi mói của người đời? 

Tập hợp những ẩn dụ sâu sắc 

Nếu nhìn nhận theo góc độ như vậy, câu chuyện về Pi thực chất chẳng có con hổ nào cả mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nói cách khác, Richard Parker chính là Pi, và Pi là Richard Parker. Con hổ đại diện cho phần con, phần xấu xa trong bản ngã của cậu. 

Trước khi lâm vào hoạn nạn, Pi mạnh mẽ đả kích việc giết chóc. Việc Pi thú nhận đã ăn thịt người thuỷ thủ là bằng chứng cho thấy cậu đã đi ngược lại với tín ngưỡng của mình, và tệ hơn nữa là cậu đã giết người. Đơn giản mà nói, hành động của Pi cho thấy cậu đã phản bội chính mình. 

Việc Pi nhận ra mình không thể sống sót nếu thiếu Richard Parker ám chỉ rằng khi bị hoàn cảnh gò ép, khước từ các quy chuẩn đạo đức là điều bắt buộc nếu muốn sống sót. Hiển nhiên, Pi chỉ có thể sống sót nếu dẹp bỏ hết mối thâm thù với giết chóc mà tập trung săn bắt cá.

Theo đó, việc Pi kiểm soát được Richard Parker tượng trưng rằng cậu đã làm chủ được phần ác trong mình, chấp nhận mặt tối của mình và sống cùng nó. Bằng cách đó, Pi đã cập bến được tới hòn đảo trong mơ kia, nhưng tự thân cái hòn đảo ấy lại là một ẩn dụ khác trong câu chuyện này. 

Con hổ Richard Parker được tạo nên hoàn toàn bằng CGI. 
Ảnh: 20th Century Fox

Vào ban ngày, hòn đảo rõ ràng rất trù phú, xanh tươi, nhưng chỉ lộ rõ bản chất khi màn đêm buông xuống. Pi đã tin rằng mình tìm được nơi lánh nạn - ẩn dụ cho sự chối bỏ, chạy trốn quá khứ. Ngoài đời thực có vô vàn hòn đảo như thế. Pi có thể lựa chọn tới một vùng đất mới để bắt đầu lại cuộc đời như một con người vô danh, không có ai bên cạnh, cốt để che đi những vết nhơ đáng quên trong quá khứ đen tối. Đó là một giải pháp. 

Nhưng như hòn đảo kia trở thành Địa Ngục khi ngày tàn, sự cô đơn, ám ảnh, nỗi thống khổ và dằn vặt sẽ luôn bủa vây Pi hằng đêm. Vì vậy Pi đã dứt áo rời bỏ hòn đảo, qua đó tác giả Martel khẳng định rằng giải pháp “sống ẩn dật” tưởng như sáng suốt này lại không hề khôn ngoan chút nào. Những bóng ma quá khứ sẽ luôn tìm về người chủ nhân đã ruồng bỏ chúng. 

Lý giải cái kết khó hiểu

Vậy còn việc Richard Parker sau khi lên bờ không hề ngoái lại nhìn Pi lấy một cái thì sao? Và câu hỏi quan trọng nhất: tại sao Pi nhất thiết phải đùn đẩy cho con hổ kia tất cả những tội lỗi mà cậu đã mắc phải? 

Pi, trên hết, muốn coi những tội ác của mình là một phần riêng biệt. Chúng thuộc về con hổ, là bản thể tách rời so với cậu. Đó là một quyết định ích kỷ một cách hợp lý mà bất cứ ai cũng sẽ làm nếu rơi vào trường hợp như Pi. 

Ban đầu, Pi sợ hãi Richard Parker, như cách con người vẫn sợ hãi những tội ác của bản thân. Nhưng sau cùng, Pi nhận ra mình sẽ không thể sống nếu thiếu con hổ được. Cậu không được quên sự tồn tại của con hổ. Không được quên những tội lỗi của mình. Phải sống chung với nó. Làm bạn với nó. Hoà hợp với nó. Chỉ bằng cách thừa nhận bản ngã thật sự trong mình, như cách Pi đã thừa nhận Richard Parker, con người mới có thể cập bến tới chân-thiện-mỹ. 

Nhiều chi tiết trong phim ẩn ý Richard Parker chính là Pi, theo đó câu chuyện thứ hai mới là thứ thực sự đã xảy ra 

Trải qua hơn 200 ngày lênh đênh trên biển, Pi hình thành một mối quan hệ khăng khít với Richard Parker. Cậu vừa yêu quý vừa sợ hãi nó. Cậu coi nó là bạn, tưởng như cuộc hành trình gian khổ này sẽ gắn bó cuộc đời người-hổ lại với nhau. Nhưng Richard Parker đã về với sơn lâm mà chẳng đoái hoài tới cậu bé khốn khổ kia, chi tiết này ẩn dụ cho điều gì? 

Pi đã hoà hợp với Richard Parker - phần ác trong cậu, tới mức thừa nhận nó như một phần trong mình. Nhưng việc con hổ ra đi là điều cần thiết, là nút thắt giúp câu chuyện về Pi và thông điệp của Martel trở nên trọn vẹn. Pi không bao giờ quên Richard Parker dẫu cậu không bao giờ gặp lại nó, giống như cách con người vượt qua được những dằn vặt quá khứ để sống tiếp. Chúng ta không quên những tội lỗi của mình, chỉ là ta đã từng có thời sống cùng chúng, chấp nhận chúng và chúng tự buông tha ta, như cách Richard Parker đã rời bỏ Pi. 

Một góc nhìn khác 

Ngoài ý kiến phần đông cho rằng Richard Parker là hiện thân của Pi, còn có quan điểm cho rằng con hổ thực chất là biểu tượng ám chỉ tới Chúa. Nhận định này có tính khả thi vì ngay từ đầu, Martel đã nhắc nhở độc giả qua câu nói “Tôi có một câu chuyện sẽ khiến bạn tin vào Chúa”, đồng thời vẫn lột tả được ý nghĩa tâm linh và tôn giáo xuyên suốt tác phẩm. 

Trong phim, Pi vừa yêu vừa sợ con hổ - tương đồng với việc nhiều con chiên vừa yêu quý vừa kính sợ Chúa. 

Richard Parker tượng trưng cho Chúa hoặc tín ngưỡng. Trong truyện, Pi vừa yêu vừa sợ con hổ - tương đồng với việc nhiều con chiên vừa yêu quý vừa kính sợ Chúa. 

Ở câu chuyện thứ nhất, khi Richard Parker nhảy xuống biển để bắt cá, Pi đã có thể bỏ mặc nó chết đuối nhưng sau cùng vẫn vớt nó lên. Điều này ám chỉ rằng trong tình cảnh hoạn nạn, la bàn niềm tin của con người thường bị lung lay và luôn có một khao khát ngấm ngấm muốn ruồng bỏ mọi thứ. 

Pi vớt Richard Parker lên để rồi lại phải sống trong cảnh nửa mừng nửa lo, mừng vì ít ra còn có bạn đồng hành, lo vì con hổ có thể xử mình bất cứ lúc nào. Nhưng chính cái nỗi sợ bị con hổ ăn thịt đã thúc đầy lòng ham sống trong Pi, ngụ ý chính nỗi sợ bị trừng phạt mới đẩy con người vào khuôn khổ, tiếp thêm nghị lực sống trong họ. 

“Ta yêu mày biết bao!” “Thực là thế. Ta yêu mày biết bao, Richard Parker. Nếu không có mày lúc này, không biết ta sẽ làm gì đây. Chắc ta sẽ không sống nổi đâu. Đúng thế. Ta sẽ chết vì tuyệt vọng mất. Đừng bỏ cuộc, Richard Parker, đừng bỏ cuộc. Ta sẽ đưa mày về đất liền, ta thề như vậy đấy!” 

Vậy khi Richard Parker rời bỏ Pi có phải ngụ ý rằng Chúa sẽ rời bỏ chúng ta không? Không, câu chuyện ám chỉ rằng trong những thời khắc khó khăn, con người phải giữ vững niềm tin như cách Richard Parker và Pi đã song hành cùng nhau; và khi hoạn nạn qua đi, Chúa sẽ lui về chốn của Ngài, còn chúng ta - những đầy tớ của Ngài như Pi - sẽ luôn nhớ tới công ơn của Chúa như cách Pi luôn nhớ và yêu quý Richard Parker dù không bao giờ gặp lại nó nữa.