Home Alone 2: Lost in New York (1992)
Phần hai của bộ phim kinh điển Ở nhà một mình theo chân Kevin McCallister khi gia đình cậu tổ chức một chuyến nghỉ mát khác, và bằng cách nào đó lại mất dấu cậu quý tử, vậy là Kevin lên máy bay thẳng tới New York. Có lẽ bạn không nên bắt bẻ chuyện Kevin tình cờ gặp lại bộ ba phản diện Marv, Harry và Sticky Bandits từ phần một - để trải nghiệm xem phim được trọn vẹn. Hãy cứ thả lỏng và xuôi dòng theo Kevin, gặp gỡ những người như Quý bà Pigeon và Donald Trump (do chính ông đóng vai như quà đáp lễ của đoàn làm phim vì đã sử dụng dinh thự của ông trong một cảnh quay).
Dù phần hai này Kevin không ở nhà một mình, bộ phim đã làm tròn vai trong việc mở rộng bối cảnh của nó bằng cách đặt nhân vật chính vào một thành phố rộng lớn, hứa hẹn nhiều thử thách và cũng nhiều điều bất ngờ hơn. Từ những toà nhà chọc trời khoác lên mình lớp tuyết dày cộm và những vật trang trí vô tận đón chờ Lễ Giáng sinh, đạo diễn Chris Columbus đã phô ra trước mắt người xem một thế giới hư cấu tráng lệ, như thể xứ sở kỳ diệu mà sau này chúng ta sẽ còn bắt gặp lại trong Harry Potter.
Love Actually (2003)
Love Actually là một bộ phim lãng mạn nói về bốn câu chuyện tình trong thời gian gần Giáng sinh. Phim khám phá nhiều khía cạnh của tình yêu, từ tình cảm gia đình, bạn bè đến tình yêu đôi lứa; thậm chí còn đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của tình yêu trong cuộc sống thường ngày.
Điểm sáng của phim là nó thể hiện một loạt các mối tình ở nhiều độ tuổi, địa vị và học vấn, tạo nên một bức tranh đa diện mà mỗi người đều có thể tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện. Phim cũng đan cài nhiều tình huống oái ăm, dở khóc dở cười giúp người xem cảm thấy thoải mái và ấm áp hơn.
Little Women (1933-1994-2019)
Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ) là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Louisa May Alcott kể về cuộc đời của bốn chị em nhà March – Jo, Meg, Amy và Beth. Lấy bối cảnh ở New England trong Nội chiến, tác phẩm là một câu chuyện tuổi mới lớn về bốn người phụ nữ học cách trưởng thành từ những sai lầm của họ.
Vào Giáng sinh, bà March yêu cầu mỗi cô con gái đặt tên cho “gánh nặng” - khiếm khuyết trong tính cách của họ: Meg - Tự phụ; Jo - Nóng nảy; Beth - Nhút nhát và Amy - Tham lam. Mỗi cô gái sẽ tìm cách để trút bỏ gánh nặng của mình, và ở cuối câu chuyện, bạn sẽ thấy một cái kết viên mãn (dẫu cho thuyền của cặp đôi sáng giá nhất bị lật) mở ra cho tất cả thành viên, chốt lại bài học then chốt có thể coi là linh hồn của tác phẩm này: kết thúc có hậu không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi - và mỗi người đều phải học cách chịu trách nhiệm cho những quyết định của bản thân.
Die Hard (1988)
Với những ai chưa xem Die Hard, thật khó hiểu khi thấy tựa phim hành động nổi tiếng lại xuất hiện trong danh sách này. Die Hard được coi là một bộ phim Giáng sinh đơn giản vì bối cảnh của nó xoay quanh mùa Giáng sinh.
Ngoài ra, bộ phim cũng đưa ra những thông điệp về lòng can đảm và sự hy sinh cho người thân, giúp tăng thêm chiều sâu cho câu chuyện. Các diễn viên xuất sắc, đặc biệt là sự thể hiện của Bruce Willis trong vai John McClane, đã góp phần quan trọng vào sự thành công của phim.
Với tất cả những yếu tố trên, Die Hard đã khẳng định vị thế của mình không chỉ là một bộ phim hành động xuất sắc mà còn là bộ phim Giáng sinh tuyệt vời cho những tâm hồn thích đổi gió.
Carol (2015)
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Price of Salt của Patricia Highsmith, Carol theo chân hai người phụ nữ ở hai hoàn cảnh rất khác biệt, dần hình thành một tình yêu lãng mạn ở New York trong những năm 1950.
Cuộc đời của Therese Belivet (Rooney Mara) - một cô gái trẻ làm thu ngân tại cửa hàng bách hoá - đảo lộn hoàn toàn trước sự xuất hiện của Carol (Cate Blanchett) - người phụ nữ quyến rũ bị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân ngột ngạt không tình yêu. Một mồi lửa nhỏ là đủ để châm ngòi khát vọng tình yêu trong họ, ngày càng trở nên sâu sắc và mãnh liệt hơn.
Một thông tin bên lề khá là vui rằng trong một buổi phỏng vấn, Cate Blanchett khi được hỏi cô thích hôn bạn diễn nào nhất, cô đã lập tức trả lời là Rooney Mara. Những bạn diễn nam nổi tiếng của Blanchett chắc hắn đã rất ngạc nhiên..
Home Alone (1990)
Có lẽ không cần nói quá nhiều về bộ phim đã làm nên tuổi thơ của vô số độc giả ở đây. Một số người cho rằng đây là một bộ phim dành cho trẻ em, nhưng tôi nghĩ ta nên phân Ở nhà một mình vào mục tác phẩm kinh điển.
Nhưng ta cần thảo luận đôi chút về lý do tại sao Ở nhà một mình được xem là một bộ phim Giáng sinh. Nếu bạn để ý kỹ thì, mọi thứ trong nhà Kevin đều có màu xanh lá cây và đỏ - tượng trưng cho Giáng sinh. Tuy nhiên, nó không chỉ là một bộ phim Giáng sinh mang tính thẩm mỹ sơ sài như vậy.
Đằng sau tất cả tuyết, cây thông và ánh đèn, tác phẩm chứa đựng một thông điệp quan trọng về tình cảm gia đình. Bộ phim bắt đầu với cảnh Kevin ước có thể ở nhà một mình trong kỳ nghỉ, và khi được toại nguyện thì cậu mới nhận ra mình đã sai lầm nhường nào. Ẩn ý của nhà làm phim ở đây rất đơn giản: Giáng sinh là dịp lễ để quây quần bên bạn bè người thân, và Kevin cần được tặng một bài học để biết rằng mình may mắn thế nào.
A Christmas Carol (1951)
Scrooge (phát hành dưới tên A Christmas Carol ở Hoa Kỳ) là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển A Christmas Carol của Charles Dickens.
Ebenezer Scrooge, một doanh nhân keo kiệt, con người mà tình cảm không có chỗ trú ngụ và coi Giáng sinh là vô bổ và tốn thời gian. Tuy nhiên, vào Giáng sinh đặc biệt này, ông ta sẽ được ba hồn ma viếng thăm và được trao một cơ hội cuối cùng để thay đổi tính cách – bằng không sẽ phải chịu số phận nghiệt ngã đã định sẵn.
Đây không phải bản chuyển thể duy nhất của A Christmas Carol, nhưng có lẽ là bản hay nhất về câu chuyện kinh điển vượt thời gian mang giá trị nhân văn cao cả này. Thêm vào đó, bộ phim này không đánh lạc hướng khán giả khỏi nguyên tác vốn dĩ là một câu chuyện ma, vẫn gây cảm giác rùng rợn nhất định – tất cả đã tạo nên một Scrooge kinh điển dành cho mùa Giáng sinh.
It’s a Wonderful Life (1946)
Sẽ thế nào nếu một Thiên thần hạ phàm và cho bạn thấy cuộc sống sẽ ra sao nếu bạn chưa từng tồn tại? “Thật nhảm nhí, thời nào rồi còn xem mấy câu chuyện trẻ con vậy” – nếu bạn để suy nghĩ này dập tắt ý định xem phim, tôi đánh liều nói rằng bạn đã bỏ lỡ một tuyệt tác đấy!
George Bailey (James Stewart huyền thoại thủ vai) đã dành cả đời để cống hiến cho người dân Bedford Falls. Nhưng anh hùng thì cũng có lúc gục ngã vì cơm áo gạo tiền, George của chúng ta suy sụp và định tự tử vào đêm Giáng sinh. Thiên thần hộ mệnh của anh, Clarence Odbody hiện lên như Bụt (theo đúng nghĩa đen) và cho anh thấy cả thị trấn, gia đình và bạn bè của anh sẽ ra sao nếu anh chưa bao giờ được sinh ra. Hoá ra mình có ý nghĩa rất lớn với nhiều người, George nhận ra. “Tôi thực sự nên vứt bỏ hết sao?”
Tựu trung lại, It's a Wonderful Life là một bức tranh mang sắc màu lạc quan và chứa đựng thông điệp sâu sắc về giá trị của cuộc sống và ảnh hưởng tích cực mà mỗi người chúng ta có thể tạo ra với người khác.