Mọi chuyện ở một trại tâm thần đầy quy tắc bỗng đảo lộn hoàn toàn với sự xuất hiện của một “kẻ điên” mới: Randle Patrick McMurphy. Vào trại để trốn án lao dịch khổ sai, trước đó bị buộc tội cưỡng hiếp trẻ dưới vị thành niên – quả là một quyết định táo bạo khi Ken Kesey lại lấy McMurphy làm hình tượng trung tâm cho tiểu thuyết sẽ đưa tên tuổi ông vụt xa trên văn đàn. Chào mừng bạn đến với Bay trên tổ chim cúc cu

Bay qua tổ chim cúc cu (tiếng Anh: One Flew Over the Cuckoo's Nest) là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Miloš Forman được sản xuất năm 1975 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân tại một trại điều dưỡng tâm thần. Đây là bộ phim thứ hai sau trong lịch sử giành được cả năm giải Oscar chính (Big Five, gồm Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Vai nam chính và Vai nữ chính).

Cuộc chiến không cân sức 

Ngay đầu phim, Randle Patrick Murphy, gã đàn ông trung niên có mái tóc đỏ hung, sừng sững đứng trước cửa viện tâm thần. Hắn là bệnh nhân mới, được chuyển tới từ nhà tù sau khi bị chẩn đoán mắc chứng “Thái nhân cách” (nhưng thực chất là hắn bày trò để trốn án lao dịch khổ sai của tòa). Đế giày như sắt nện xuống nền gạch, tiếng cười của hắn lan rộng khắp các ngõ ngách của chốn “địa ngục trần gian” ấy. 

Trong mắt các bệnh nhân cũ, McMurphy dần trở thành hiện thân của niềm hy vọng, là ánh sáng cứu rỗi, ngọn đèn soi tỏ dắt họ đi qua màn sương mịt mù giăng toả của Y tá Ratched. 

Sừng sững như một Nữ thần, Ratched chăm sóc các bệnh nhân tâm thần không khác nào mẹ hiền chăm sóc đàn con thơ. Mỗi ngày, mụ thu mình sau lớp cửa kính trong suốt để mân mê cái núm điều khiển mà mụ sẽ bật mỗi khi có tên điên nào dám làm trái ý mình. Theo sau Ratched là ba “cục than” đen nhẻm mà mụ đã cất công tuyển chọn hàng năm trời mới kiếm được ba tên cận vệ đúng ý: bọn chúng cũng tàn nhẫn với đồng loại giống mụ. 

Ngày qua ngày, Ratched phát cho các con bệnh những viên nhộng có chứa con chip bên trong; mụ chỉnh đồng hồ cho thời gian ngưng đọng để tra tấn họ; bất cứ kẻ nào bất tuân hay có hành vi nổi loạn, sẽ lập tức được đưa đi điều trị bằng liệu pháp sốc điện (LSD) hoặc tệ hơn, bị nhét vào phòng Đột tử - nơi các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm sẽ phanh thây bệnh nhân và đặt vào trong mớ bấy nhầy những con chip tinh vi - giúp bệnh nhân khi trở về bỗng hiền lành, dễ bảo như một chú cún.

Ngoại hình của McMurphy có thể đánh lừa khán giả ban đầu, nhưng theo diễn tiến của phim, ta sẽ thấy McMurphy không phải kẻ dễ bị người khác lèo lái cuộc đời hắn; hắn sống cuộc đời hắn muốn, không ai có thể ép được hắn cả. 

Trước ngày McMurphy đến, cỗ máy của Y tá Ratched đã hoạt động trơn tru như vậy đấy. 

Nếu nhìn nhận theo góc độ hài hước, có thể coi câu chuyện trung tâm của Bay trên tổ chim cúc cu giống như cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa cậu học trò cá biệt McMurphy và bà giáo Ratched hà khắc.

Trong khi ta ghét mụ Ratched điều hành viện tâm thần bằng tinh thần kỷ cương, giáo điều tới ngạt thở thì lại yêu mến người hùng McMurphy vì cái chất “trai hư” trong gã, vì cái tâm hồn phong phú ẩn sau vẻ ngoài thô kệch kia. Ngoại hình của McMurphy có thể đánh lừa khán giả ban đầu, nhưng theo diễn tiến của phim, ta sẽ thấy McMurphy không phải kẻ dễ bị người khác lèo lái cuộc đời hắn; hắn sống cuộc đời hắn muốn, không ai có thể ép được hắn cả. 

Tất cả chúng ta, ít nhiều đều mong có thể sống là chính mình như McMurphy. 

Nghệ thuật kể truyện bậc thầy 

Ở tiểu thuyết gốc, Bay trên tổ chim cúc cu được Ken Kesey nhào nặn bằng thứ ngôn ngữ hài hước xen lẫn bi thương, kết hợp với thủ pháp “truyện lồng truyện” đã tạo nên một thiên anh hùng ca bi tráng, một dụ ngôn tinh tế bậc thầy về ranh giới giữa Thiện và Ác, về tự do và cầm tù và trên tất thảy – tác phẩm là điệp khúc huy hoàng về vẻ đẹp của sự tự do thuần khiết, đáng trân trọng. 

Khác với McMurphy, kẻ mà quyền tự do của hắn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thích của mụ Ratched, thì những bệnh nhân khác - kể cả những người tưởng chừng đã sống trong trại cả cuộc đời - đều tự nguyện nộp đơn xin vào đây. Họ có thể rời đi bất cứ lúc nào, nhưng hãy nhớ đây là những kẻ tự cho mình là thất bại tạo hoá, bị xã hội ruồng bỏ; tự tin và niềm ham sống trong họ đã bị thực tế nghiệt ngã bóp xẹp tới mức có thể vo tròn lại như cục thịt viên. 

Đầu phim, gã tù nhân mới ngổ ngáo xuất hiện như một vị cứu tinh, rồi chính hắn cũng vỡ mộng khi nhận ra quyền lực thực sự của kẻ thù to lớn hắn đang đối mặt.

Khi McMurphy nhận ra sự thật trớ trêu này, hắn uất hận. Hắn biết mình không khác nào con tốt để đám bệnh nhân lợi dụng, là vị Thần bằng xương thịt hẳn hoi để họ bấu víu vào. Họ ăn ké khí phách ngang tàng của hắn; không có hắn, họ sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Mụ Ratched độc ác vẫn cứ độc ác, và cả thảy chỉ như những con thỏ yếu ớt chịu quy phục dưới nòng súng của gã thợ săn. Khi Cheswick lên giọng chất vấn Ratched vì những luật lệ vô lý ả đặt ra (việc mà trước khi McMurphy xuất hiện không đời nào lão dám làm), lão già đảo mắt khắp phòng kiếm tìm sự ủng hộ của McMurphy - như kiếm chiếc phao bơi giữa bể mênh mang nước mà lão lại chẳng biết bơi. 

Nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của Ken Kesey đã được đạo diễn Miloš Forman thâu tóm triệt để. Đầu phim, gã tù nhân mới ngổ ngáo xuất hiện như một vị cứu tinh, rồi chính hắn cũng vỡ mộng khi nhận ra quyền lực thực sự của kẻ thù to lớn hắn đang đối mặt. Rõ là một cuộc chiến không cân sức! 

Khoan, McMurphy hoàn toàn có thể bỏ trốn đi cơ mà? Nhưng hắn đã không làm vậy, và tất thảy mọi người, từ các bệnh nhân cho tới khán giả, đều biết trước kết cục của hắn. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn đã sống, nhưng mụ Ratched và Liên hợp không thể giết được hắn. Cái phần nổi loạn trong McMurphy đã kịp luồn lách vào tâm hồn cằn cỗi của từng bệnh nhân, gieo vào mảnh đất ấy hạt mầm của tự do, đánh thức tinh thần phản kháng trong họ, nhắc họ nhớ về thế giới tươi đẹp họ đang bỏ lỡ và nhắc họ nhớ xem mình từng là ai. 

Những nhân vật mang tính biểu tượng 

Một trong những yếu tố lớn nhất góp phần giúp Bay trên tổ chim cúc cu đạt được vị thế chót vót trong lịch sử điện ảnh đến từ hai hình tượng nhân vật đối lập của câu chuyện - hai nhân vật trái nhau như nước với lửa nhưng đều mang điểm chung là có tiềm năng khơi dậy nhiều cảm xúc chân thực trong lòng khán giả. 

Bất trị như một chú ngựa hoang, cái phần yêu thích tự do trong McMurphy đã đem tới cho cái bệnh viện “đã lâu lắm rồi không thấy bóng dáng một nụ cười” luồng sinh khí mới. Tôi đánh liều tuyên bố với bạn rằng, thiên bi kịch này sẽ mất đi một nửa độ hay nếu thiếu nhân vật R. P. McMurphy. Dưới màn thể hiện xuất sắc của Jack Nicholson, McMurphy mang đúng vẻ ngổ ngáo như cậu học sinh ngang ngược, đầu xanh đầu đỏ với đống hình xăm chi chít cánh tay; bước chân vào “ngôi trường” của Hiệu trưởng Ratched và bỗng chốc quậy rùm beng hết cả. 

Trong khi đó, mụ Ratched (phản diện chính) là “sản phẩm” của nền độc tài chuyên chế, chút tàn tro còn sót lại từ thời Thế chiến. Ta biết rất ít về quá khứ của mụ, ngoại trừ trong tiểu thuyết gốc, Ken Kesey hé lộ Ratched trước đây từng làm y tá trong quân đội, đã ngoài 50 tuổi và có vẻ vẫn độc thân. “Tôi nghĩ tất cả những y tá quân đội bản thân họ đều mắc tâm thần,” một y tá khác nói. 

Louise Fletcher đã nhận Giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn Y tá Ratched trong tác phẩm One Flew Over the Cuckoo's Nest (1975)
Ảnh: Alamy Stock Photo 

Y tá Ratched là đại diện cho mặt tối của sự chuyên chế; mụ giống như một con robot được tạo ra để làm kẻ khác đau khổ. Có thể bạn không biết, Ratched đứng thứ 5 trong tổng 50 nhân vật phản diện vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh của Viện Phim Mỹ (AFI). Tất nhiên, ngôi vị ấy phần nhiều cũng chịu ơn Louise Fletcher, người mà bằng tài năng diễn xuất thượng hạng đã vĩnh viễn gắn chặt tên tuổi mình với nhân vật này. Các khán giả non trẻ sẽ không nhìn nhận đúng năng lực của Fletcher vì trông bà diễn có vẻ hơi “đơ”; với những độc giả đã đọc tiểu thuyết gốc, họ sẽ nhận ra Fletcher đã vượt xa khỏi hai chữ “tròn vai”, thành công khắc hoạ một Y tá Ratched dã man, tàn độc, nhẫn tâm - với khuôn mặt lạnh tanh và thần thái uy nghiêm; kẻ nắm giữ quyền lực to lớn ngấm ngầm sau đôi mắt đủ sắc để làm sơn tường phải bong vảy. Louise Fletcher đã nhận Giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn Y tá Ratched, và chúng ta biết làm gì ngoài dành lời chúc mừng lẫn cảm ơn chân thành nhất tới cống hiến của bà đây?

Khúc ca bi tráng về tự do 

Sau ngày McMurphy bị đem đi mổ não, các bệnh nhân lần lượt rời viện. Chỉ có vài kẻ sót lại, họ quậy phá, bất tuân, đùa cợt với mụ Ratched như cách McMurphy từng làm. Mụ Ratched đau đớn khi nhận ra quyền lực của mụ đã mất, công trình đời mụ đã tan thành mây khói. 

Phân cảnh kết thúc của bộ phim có thể được xem là một trong những phân cảnh đáng nhớ nhất lịch sử điện ảnh; sau khi Thủ lĩnh - người trong truyện được mô tả là “sợ từ cái bóng của mình trở đi” đã đi tới một quyết định táo bạo: dùng gối đè ngạt McMurphy (sau khi mổ não, McMurphy thành sống thực vật), rồi nghe theo lời Scanlon (một bệnh nhân khác), Thủ lĩnh bước tới phòng tắm trong đêm tối tĩnh lặng, vận hết sức bình sinh mà nhấc bổng chiếc bệ nước nặng hơn 2 tạ, quăng ra cửa sổ và nhảy ra ngoài - đúng như cách mà McMurphy lúc còn sống đã chỉ cho ông.

Sau khi bị tra tấn bởi hàng loạt lần sốc điện và đỉnh điểm là cuộc phẫu thuật não, McMurphy trở thành người thực vật 

Bromden (tên thật của Thủ lĩnh) chạy mải miết, phía sau là tên hộ lý da đen còn đang ngỡ ngàng. Bay trên tổ chim cúc cu khép lại với hình ảnh vóc dáng to lớn của Bromden nện từng bước thình thịch xuống mặt đường nhựa, trời còn nhá nhem tối. Ánh bình minh sắp lên, một ngày mới chuẩn bị mở ra – tươi mát như chính cuộc đời đang đợi Bromden phía trước. 

Tới cùng, Ratched và cả thảy cái Liên hợp chết dẫm đằng sau mụ cũng không đủ sức giết chết McMurphy. Chúng tưởng đã dập tắt được ngọn lửa đương bùng cháy dữ dội kia, nhưng những chiêu trò tàn ác của chúng lần này đã không phát huy tác dụng. 

Liên hợp có thể giết chết McMurphy về phần xác; nhưng chất ngông, cá tính nổi loạn trong hắn đã kịp lan tỏa tới những bệnh nhân khác, làm sống dậy trong họ tinh thần phản kháng, ý chí tự do và tình yêu với cuộc đời này. 

Do đó, cái chết của McMurphy không hạ gục hắn mà ngược lại, khiến hắn hóa thành bất tử.