Vài bộ phim trở nên hay hơn trong những lần xem sau. La La Land là một trong số đó. 

"La La Land" (Những kẻ khờ mộng mơ), bộ phim do Lionsgate phát hành năm 2017 với sự góp mặt của hai ngôi sao Ryan Gosling và Emma Stone trong vai chính. Ảnh: Lionsgate

Câu chuyện trong La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) xoay quanh chuyện tình chốn Hollywood giữa Sebastian (Ryan Gosling), một nghệ sĩ jazz giàu tham vọng và Mia (Emma Stone), cô gái trẻ ôm mộng thành danh trong nghiệp diễn. Dòng đời xô đẩy khiến hai con người trẻ tuổi tình cờ “đụng mặt” nhiều lần rồi đem lòng yêu nhau. 

Dòng đời xô đẩy khiến Seb và Mia tình cờ gặp gỡ nhiều lần rồi yêu nhau 
Ảnh: Lionsgate 

Mia khao khát trở thành một diễn viên tầm cỡ, nhưng hiện tại cô chỉ là một nhân viên pha chế tại một quán cà phê trên lô đất của Warner Bros., giành giật từng vai diễn làng nhàng trong các bộ phim kém tên tuổi. Trong khi đó, Sebastian sống trong một căn hộ tồi tàn, ôm mộng mở một quán nhạc jazz của riêng mình với mong muốn phục hưng di sản của dòng nhạc vốn đang “tuyệt chủng” này. 

Và như thế, Mia và Seb, hai tâm hồn trẻ tuổi, lạc lõng, chơi vơi trước ngưỡng cửa trưởng thành, bám víu vào nhau để cùng vượt qua khó khăn của cuộc sống. Họ yêu nhau, san sẻ gánh nặng cùng nhau và cùng giúp đỡ đối phương đạt được mục tiêu trong đời, để rồi cay đắng nhận ra một sự thật phũ phàng: giữa tình yêu và sự nghiệp, ta chỉ có thể chọn một. 

Kẻ bán linh hồn 

Trong công việc, Seb là một người theo chủ nghĩa kiêu hãnh cổ điển, trung thành với jazz thuần tuý. Nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng thích tìm về với những giai điệu xưa cũ. Để trả tiền thuê nhà, anh buộc phải chơi những bản nhạc chán chường do lão quản lý hà khắc đưa ra; đệm nhạc cho một ban nhạc chuyên cover các ca khúc sến sẩm từ thời tám hoánh; cuối cùng phải chấp nhận gia nhập ban nhạc với một người bạn cũ mà bản thân cũng chẳng ưa thích gì.  

Ngôi sao R&B John Legend trong vai người bạn Keith của Seb 
Ảnh: Lionsgate 

Người bạn đó, Keith, do ngôi sao R&B ngoài đời thực John Legend thủ vai - vừa là cứu tinh vừa là phép thử cho lòng kiên định của Seb: “Cậu luôn nhìn về quá khứ, trong khi jazz thuộc về tương lai.” Việc Seb chấp nhận gia nhập ban nhạc của Keith để đảm bảo tài chính trở thành nút thắt trong mối quan hệ của anh với Mia, vì nó tước bay mọi hy vọng và mơ mộng viển vông đã đem họ lại với nhau. 

Khi Mia đến xem người yêu trình diễn trong buổi hoà nhạc, cô lạc lõng giữa một đám đông hỗn loạn, nỗi kinh hoàng được thể hiện trên khuôn mặt tái nhợt khi nhận ra người đàn ông mình yêu đã bán linh hồn của anh. Giấc mộng về một câu lạc bộ jazz, Seb đã quên mất rồi. 

Seb, tất nhiên, là kẻ thực tế hơn trong chuyện tình này. Có lẽ nếu rơi vào trường hợp như anh, phần lớn chúng ta đều sẽ làm vậy. Đúng, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của tư bản, vì đam mê không đem mài ra thành tiền được, và vì theo đuổi đam mê là một việc khó khăn thế đấy! 

Đừng từ bỏ giấc mơ 

Những lời ca vui nhộn, khung cảnh lãng mạn về một thời mới yêu nhanh chóng được thay thế bằng không khí ảm đạm, trầm buồn ở nửa sau bộ phim. 

Trong khi Seb đã gặt hái được chút ít danh tiếng thì Mia, ngược lại, vẫn ngập ngụa nơi vũng bùn với những buổi thử vai thất bại chồng chéo lên nhau. Kiên quyết đeo đuổi nghiệp diễn, Mia tự sáng tác kịch bản và thuê sân khấu cho những vở kịch của mình. Không mấy ai đến cả. Cả Sebastian cũng không. Những lời dèm pha khiến Mia tủi hổ, chán chường, nghi ngờ năng lực của bản thân. Và sự cách biệt này càng nới rộng mối quan hệ giữa Mia và Seb, đặt dấu chấm hết cho cuộc tình của họ. 

Ở lần xem đầu tiên, tôi đã nghĩ Mia rời bỏ Seb là vì cô quá xấu hổ và áp lực trước thành công của người yêu; nhưng sau lần xem lại mới đây, tôi mới ngộ ra lý do thật sự đằng sau quyết định ấy: Mia chia tay Seb, phần lớn là bởi thất vọng trước sự thay đổi của anh. 

Trước khi đến bên Seb, Mia không hề yêu thích jazz. Anh đã dạy cô cách yêu nhạc jazz, và cô yêu anh vì điều đó. Giữa họ có một sợi dây đồng cảm: họ cùng trẻ tuổi, cùng mơ mộng và khờ dại - chính những thứ đó gắn chặt hai người với nhau. 

Ảnh: Lionsgate 

Tại bữa ăn gần cuối phim, Seb đã chỉ trích Mia vì cô không chịu trưởng thành, không chịu khuất phục trước gánh nặng mưu sinh mà vẫn ngoan cố nhắc nhở anh về giấc mơ mở câu lạc bộ jazz. Seb từng kể cho Mia nghe về mơ ước ấy hồ hởi bao nhiêu thì giờ đây anh trước mặt cô càng giả tạo bấy nhiêu. Khi cô hỏi anh về dự định lập ban nhạc, Seb bối rối, cho thấy anh đã lãng quên giấc mơ của mình. 

“Anh có yêu thích thứ nhạc anh đang chơi không?” 

“Anh nghĩ nó không quan trọng…”

“Ồ, nó thật sự có quan trọng, vì anh sẽ còn gắn bó với nó trong một thời gian dài.”  

Trong khi Seb, người dường như được ưu ái hơn, sớm gặt hái được tiền bạc, danh tiếng vì đã đi ngược lại với ước mơ của mình thì Mia, ngược lại, kiên quyết theo đuổi giấc mơ tới cùng. 

Ảnh: Lionsgate 

Mia, bằng tài năng và nghị lực phi thường, cuối cùng cũng giành được một vai diễn đổi đời sau nhiều thất bại ê chề. Cô đã đánh đổi gần như mọi thứ cô có, kể cả tình yêu với Seb. Mặt khác, Seb đã phút chốc lầm đường lạc lối khi đuổi theo sự tán dương phù phiếm, để rồi bỏ quên câu lạc bộ jazz của mình. Ồ, anh có yêu thích dòng nhạc anh đang chơi không? Mia đã hỏi vậy. Seb trả lời nó chẳng còn quan trọng nữa, giờ đây anh đã có một công việc ổn định, dòng nhạc anh chơi được mọi người yêu thích. 

Nhưng từ bao giờ anh quan tâm tới việc được người khác yêu thích thế? Và việc được yêu thích có nghĩa lý gì nếu chính Seb không yêu thích công việc mình đang làm, đặc biệt khi anh dự định gắn bó với ban nhạc trong một thời gian dài? 

La La Land bỏ ngỏ trong lòng ta nhiều câu hỏi về tuổi trẻ, tình yêu và sự nghiệp; nhiều bài học về thành công, thất bại và trên thảy là thông điệp mang tính cổ vũ, động viên tới những “kẻ khờ mộng mơ”: hãy cứ khát khao, hãy cứ khờ dại. Một chút điên rồ là chìa khóa mở cánh cửa đưa ta đến những vùng đất mới, và ai dám chắc chúng sẽ đưa ta xa đến đâu? Seb và Mia không biết, và chúng ta cũng không biết điều đó. 

“Phản ứng hoá học đã có sẵn.” 

La La Land có tuyến nhân vật không dày, do vậy thành công của bộ phim chịu ảnh hưởng to lớn từ diễn xuất nhập tâm và phản ứng hoá học ngoài mong đợi giữa cặp đôi chính do Ryan Gosling và Emma Stone thủ vai. 

Hoá thân thành chàng nhạc công jazz tài hoa Sebastian, Ryan Gosling tái hiện vẻ phong trần với đôi mắt biết nói mà ta từng chứng kiến trong The Notebook (2004). Trong phim, Seb nổi bật trong những bộ suit đứng đắn, lịch thiệp, mái tóc vàng trứ danh rũ xuống khi anh lướt tay trên phím đàn càng tô đậm thêm vẻ ngoài lãng tử kia. Emma Stone là một diễn viên phi thường. Những cử chỉ nhỏ nhất như cái nhướn mày, trố mắt cũng trở nên giá trị, phác hoạ nên một Mia quyến rũ, tài năng và kiên cường. 

Ryan Gosling và Emma Stone từng hợp tác hai lần trước đó trong Crazy, Stupid, Love (2011) và Gangster Squad (2013)
Ảnh: Lionsgate 

Diễn xuất ăn ý giữa Gosling và Stone có lẽ không cần phải bàn luận thêm. Cặp đôi từng hợp tác hai lần trước đó trong Crazy, Stupid, Love (2011) và Gangster Squad (2013). Hội ngộ trong La La Land, cặp trai tài gái sắc lần nữa chinh phục khán giả bởi diễn xuất nhập tâm và màn thể hiện hết sức ăn ý - như biên đạo múa Mandy Moore của phim nói thì: “Phản ứng hoá học đã có sẵn.” 

Đúng như dự đoán của giới chuyên môn và phần đông người hâm mộ, vai diễn Sebastian đã mang về cho Ryan Gosling một Quả cầu vàng danh giá cho hạng mục Nam diễn viên chính thể loại hài/nhạc kịch được yêu thích nhất. Ngay sau đó, giải nữ cùng hạng mục cũng được công bố, không ai khác là Emma Stone. 

Sẽ thật là một thiếu sót nếu nhắc tới La La Land mà bỏ qua phần âm nhạc của phim. Các bài hát và nhạc nền được sáng tác và dàn dựng bởi Justin Hurwitz, bạn cùng lớp của đạo diễn Damien Chazelle tại Đại học Harvard. Từng câu từ, giai điệu đều được đặt đúng chỗ, thanh âm trầm bổng đan xen là ẩn dụ ngầm cho tâm trạng, nỗi lòng của nhân vật, tăng thêm chiều sâu cho tác phẩm. Tại Lễ trao giải Oscar, La La Land vinh dự nhận thêm hai giải cho Nhạc phim xuất sắc nhất và giải Nhạc nền xuất sắc nhất. 

Kịch tính như một vở chính kịch, vui nhộn như một vở hài kịch và gây nuối tiếc như một vở bi kịch, La La Land ngay từ khi ra mắt đã nhận được tràng vỗ tay tán dương từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Thật đáng tiếc khi phim để lỡ giải Oscar cho Phim xuất sắc nhất vào tay Moonlight, nhưng chúng ta sẽ cần chờ thêm, vì tới cuối cùng, chỉ thời gian mới là cán cân công bằng nhất để khẳng định sức nặng của một tác phẩm.