Vài bộ phim trở nên vĩ đại hơn theo thời gian. Casablanca là một trong số đó. 

Câu chuyện trong Casablanca diễn ra tại thành phố cùng tên của Maroc, xoay quanh nhân vật chính Rick Blaine (Humphrey Bogart) - ông chủ của một quán bar sang trọng kiêm sòng bạc khét tiếng có tên “Rick's Café Américain”. Có vẻ ngoài lạnh lùng, xa cách, Rick không bao giờ tiếp rượu tới quán bar. Giữ quan điểm chính trị trung lập và kiên quyết noi theo phương châm sống là “không thò đầu ra cho ai cả”, Rick sống yên ổn tại đất cảng, cho tới khi… 

Mọi chuyện tại quán bar của Rick Blaine bỗng đảo lộn hoàn toàn với sự xuất hiện của vị khách không mời mà tới, cũng là người anh vừa muốn vừa không muốn gặp lại nhất. Ảnh: Warnes Bros.

Thời gian trong Casablanca được lấy mốc những năm đầu 1940, khi Thế chiến II đang lan rộng khắp châu Âu và nhiều vùng của Pháp đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Lúc này, thành phố cảng Casablanca được xem như trạm trung chuyển, nơi trú ẩn của những người tị nạn đang tìm cách tới Lisbon rồi bay qua Mỹ. Tuy nhiên, bất cứ ai muốn qua cửa ải này đều phải sở hữu tờ giấy thông hành và run rủi thế nào, Rick lại có trong tay không chỉ một mà tới hai “tấm vé đổi đời” ấy. 

Mọi chuyện tại quán bar của Rick đảo lộn khi người tình cũ của anh, Ilsa Lund bất ngờ xuất hiện cùng chồng là Victor Laszlo. Hai người đang tìm mọi cách để kiếm lấy hai tờ vé thông hành nhằm thoát khỏi Casablanca. Mọi chuyện sau đó tiếp diễn ra sao, có lẽ không nên bàn nhiều vì tự thân khán giả trải nghiệm sẽ chân thực hơn; do vậy phía dưới đây, tôi sẽ chỉ đi sâu vào phân tích một vài chi tiết nổi bật hơn cả đã tạo nên sự hấp dẫn vượt thời gian của kiệt tác này. 

Mọi người đều đến quán của Rick 

Trước hết, như mọi câu chuyện có tiềm năng mê hoặc khán giả, Casablanca sở hữu nhân vật nam chính, Rick Blaine - có thể liệt vào hàng “hiếm có khó tìm” tại Hollywood, là hình tượng theo đuổi của mọi gã trai và người tình trong mộng của mọi thiếu nữ. 

Đầu tiên, Rick rất giàu (thật ra chỉ nghe tên anh ta đã thấy mùi tiền rồi). Nhưng cái giàu ấy không có chút gì gọi là phô trương. Cách Rick đối xử với mọi người không quá sốt sắng; anh giao thiệp với đủ mọi loại người tại quán rượu, nhưng tiếp đãi kẻ giàu người hèn cùng một kiểu như nhau - đều bất cần và xa cách. Thái độ của Rick không có gì là hồ hởi; khi nhân viên sòng bạc mắc sai lầm, anh chỉ đơn giản phủi tay và coi như đó là chuyện thường tình. Ông chủ quán bar hành xử lịch thiệp, nhã nhặn, mọi thứ đối với anh đều nhẹ tựa lông hồng, tạo nên phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh.

Rick giao thiệp với đủ loại người tới quán, nhưng tiếp kẻ giàu người hèn cùng một kiểu như nhau - đều bất cần và xa cách.
Ảnh: Warnes Bros. 

Thứ hai, Rick là một gã bí ẩn. Chúng ta không biết gì nhiều về quá khứ của anh cho tới khi Ilsa Lund xuất hiện, và từng dòng hồi tưởng về mối tình thơ mộng chốn Paris hoa lệ ùa về trong thoáng chốc. Rick, trái với vẻ bạc nhược bây giờ, thực chất lại từng là một cựu chiến binh Mỹ chiến đấu lại phe phát xít. Anh có mối tình đẹp như mơ với Ilsa, cho tới ngày cô bỏ rơi anh chờ đợi dưới mưa và buộc phải lên tàu rời Paris trong sự lẻ loi. 

Câu chuyện về một gã trai bị ruồng bỏ rồi khoác lên mình bộ mặt căm thù cuộc đời thực sự xưa lắm rồi, nhưng những câu chuyện kiểu vậy thực chất lại chưa bao giờ hết sức hút cả. Giống như chàng hiệp sĩ bị phù phép bởi mụ phù thuỷ và kẻ duy nhất có khả năng cứu sống chàng là tình nhân thì ở Casablanca, Rick Blaine cũng được “cứu sống” bởi Ilsa Lund, người mà theo anh thì, “Trong tất cả các quán rượu gin, ở tất cả các thị trấn, trên toàn thế giới này, cô ấy lại bước vào quán của tôi.” 

Thứ ba, có lẽ là quan trọng nhất, diễn xuất đỉnh cao của Humphrey Bogart. Casablanca là bộ phim lãng mạn đầu tiên của Bogart, trước đó ông nổi tiếng với các vai diễn hình sự, kinh điển nhất là Sam Spade trong The Maltese Falcon. Lẽ vậy, không ai dám kỳ vọng nhiều ở Casablanca cả. Mặc dù Bogart bê nguyên vẻ ngoài lạnh lùng của một thám tử vào Rick Blaine thì chính cái diện mạo xa cách ấy lại làm nên chuyện.

Vai diễn kinh điển Sam Spade của Humphrey Bogart trong The Maltese Falcon (1941)
Ảnh: Warnes Bros. 

Không đào hoa dẻo miệng như Marlon Brando, không đẹp trai sáng láng như James Stewart, Humphrey Bogart có thể liệt vào hàng “xấu trai” tại Hollywood, như con quạ lạc giữa bầy công. Nhưng như Märta Torén, bạn diễn của Bogart trong Sirocco từng phải thốt lên: “Sao một người xấu trai như thế lại có thể đẹp trai đến vậy?” - cái hấp dẫn của Bogart đến từ thần thái, từ cái khí phách trời bể ẩn giấu sau vóc dáng nhỏ bé kia. 

Sự pha trộn chất lãng mạn và chất sử thi trong ‘Casablanca’

Casablanca ra mắt chỉ một năm sau khi Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức, đan cài nhiều tình huống chiến sự, tác phẩm là sự hòa quyện sâu sắc giữa lý tưởng ái quốc và chủ nghĩa lãng mạn.  

Tính thời cuộc cũng là lý do khiến Casablanca vượt xa khỏi khuôn khổ một thiên tình sử lãng mạn lên tới tầm một thiên anh hùng ca chói lọi. Xuyên suốt thời lượng 2 tiếng đồng hồ, ngoại trừ những phân cảnh hồi tưởng của Rick về quãng thời gian ở Paris và cuộc trò chuyện cuối phim, Casablanca bị bao phủ bởi nỗi hoài niệm man mác về một thời yên bình đã qua mỗi khi giai điệu kinh điển “As Time Goes By” cất lên; bầu không khí căng thẳng leo thang của chính trị; và trên cả là sự tuyệt vọng len lỏi trong lòng các nhân vật. 

Casablanca gieo vào lòng người xem nhiều câu hỏi về thời cuộc, vượt xa khỏi giới hạn một câu chuyện tình.
Ảnh: Warnes Bros./ Photofest

Rick và Ilsa có thể quay về bên nhau không - khi những gì còn lại giữa hai người chỉ là quá khứ và nàng giờ đây đã có chồng? Laszlo có thể thuyết phục Rick trao mình hai tờ giấy thông hành không? Quân Đồng minh có thể vực dậy chống trả trước ách thống trị của Đức Quốc xã không? 

Casablanca gieo vào lòng người xem nhiều câu hỏi về thời cuộc, vượt xa khỏi giới hạn một câu chuyện tình. Nó không chỉ xoay quanh mối quan hệ tay ba giữa Rick, Ilsa và Laszlo mà to lớn hơn, nó đề cập tới chủ nghĩa anh hùng mà ta sẽ thảo luận dưới đây. 

Chủ nghĩa anh hùng ở Casablanca được thể hiện dưới hai hình tượng: Rick Blaine và Victor Laszlo. Thoạt tiên, có vẻ điểm chung duy nhất giữa hai người đàn ông này là họ cùng yêu một người đàn bà. Người xem dễ cảm thấy Rick nhỏ nhen, hẹp hòi khi kiên quyết không trao cho vợ chồng Laszlo tờ giấy thông hành chỉ vì hiềm khích trong quá khứ.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa Rick và Ilsa cuối phim đã tiết lộ tất cả chỉ là hiểu lầm, và minh oan cho Ilsa khỏi tiếng oan phụ bạc vì cô thực chất không còn lựa chọn nào khác - cô buộc phải bỏ Rick. 

Rick, tất nhiên, có thể giúp Laszlo chạy thoát khỏi Casablanca rồi anh cùng với Ilsa sống hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, màn quay xe phút chót của bộ phim đã tạo nên một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử điện ảnh. 

Bằng việc “cứu sống” Ilsa và Laszlo, Rick nghiễm nhiên được tôn lên hàng cao thượng; nhưng quan trọng hơn, hành động trên là nút thắt, là minh chứng chứng tỏ Rick đã quay trở lại với cuộc chiến: anh đã cứu Laszlo, một nhà lãnh đạo kháng chiến, qua đó gián tiếp góp sức vào thắng lợi của quân kháng chiến sau này. 

Victor Laszlo, chồng của Ilsa, là một nhà lãnh đạo kháng chiến từng bị nhốt trong trại tập trung của Đức Quốc xã
Ảnh: Fine Art America 

Sự xuất hiện của Ilsa tình cờ lại khuấy động trong tâm can Rick nỗi trăn trở thường trực mà anh vẫn thường dối mình. Chịu dày vò bởi vết thương lòng, Rick trưng ra trước thế giới vẻ mặt của một kẻ bất cần, lãnh đạm, thờ ơ; tuy nhiên khi Ilsa trở lại, ta thấy cái bất cần của anh bắt đầu dao động. Như cảnh sát trưởng Renault nói trong phim, ta có thể xem đó là bài kiểm tra xem Rick có phải một tâm hồn đa cảm hay không.

Làm việc tốt một cách kín đáo, phớt lờ mọi tán dương phù phiếm khiến Rick Blaine trở nên thật gần gũi và đáng khâm phục.
Ảnh: Warnes Bros. 

Từ một kẻ lạnh lùng, ta bỗng mỉm cười khi thấy Rick ra tay giúp một người chồng thắng bạc để có tiền mua vé thông hành. Người vợ cảm ơn Rick rối rít mà anh chỉ đáp lại: “Do anh ta may mắn thôi.” Làm việc tốt một cách kín đáo, phớt lờ mọi sự tán dương phù phiếm - khiến hình tượng về Rick Blaine trở nên thật gần gũi và đáng khâm phục. Ta cảm thấy người hùng Rick không quá cao xa, bởi đâu đó quanh ta đây thôi, vẫn có những con người như anh - lấy vẻ ngoài cứng rắn để lấp đi một thế giới nội tâm phong phú. 

Lẽ vậy, dựa vào tất cả những điều trên, sự xuất hiện của Ilsa Lund không cứa sâu thêm vào vết thương lòng của Rick mà ngược lại, cô làm sống dậy một Rick Blaine cao thượng, hào hiệp - một Rick như anh đã từng là. 

Rick Blaine đã cứu sống vợ chồng Ilsa và ngược lại, Ilsa cũng “cứu sống” cái lý tưởng anh hùng đang dần lụi tàn trong Rick. 

Chúng ta có thể lặp lại quá khứ? 

Trong tình yêu, điều quan trọng nhất là sự hiện diện: bạn yêu một người khi họ trân trọng sự có mặt của bạn trong đời họ. Ở Casablanca, Rick và Ilsa hoàn toàn có thể tiếp nối chuyện tình dang dở ở Paris; nhưng Rick biết lặp lại quá khứ là điều bất khả. 

“Nhưng anh nói sẽ không bao giờ rời xa em.” 

“Và em sẽ không bao giờ. Nhưng anh cũng có việc phải làm. Anh đi đâu, em chẳng thể đi theo. Những gì em làm, anh không thể góp mặt trong đó.” 

Rick biết trái tim của Ilsa thuộc về Victor. Cô là ngọn đuốc soi sáng, là tia hy vọng dẫn đường chỉ lối cho sứ mệnh cách mạng của Victor, điều giúp anh ta tiếp tục chiến đấu. Rick hiểu anh và Ilsa hoàn toàn có thể bỏ mặc Victor để sống bên nhau, nhưng không sớm thì muộn, cô sẽ hối hận vì quyết định đó.

Chuyện tình giữa Rick và Blaine từng rất đẹp, và Paris tráng lệ, nơi lưu giữ ký ức tươi mát của họ về những ngày đã qua cũng rất đẹp. Nó sẽ luôn đẹp như thế - nhưng đối với Rick, chuyện tình với Ilsa nay cũng chỉ mang hai tiếng “đã từng”. Anh biết Victor đối với Ilsa mới là hiện tại và tương lai. 

“Chúng ta sẽ luôn có Paris,” Rick trả lời.
Ảnh: Film Forum

Bằng việc để Rick và Ilsa rời xa nhau lần nữa, có thể là mãi mãi (ai biết được họ còn gặp lại nhau hay không), Casablanca gửi gắm tới khán giả thông điệp tinh túy về những mất mát trong cuộc sống, về chấp nhận và buông bỏ; một bài học sâu sắc mà ta có thể tóm gọn trong một câu thoại ngắn ngủi của Rick Blaine vào khoảnh khắc chia ly: 

“Nhưng chúng ta thì sao?” Ilsa hỏi. 

“Chúng ta sẽ luôn có Paris,” Rick trả lời.