Nếu tôi là một phóng viên và có cơ hội được phỏng vấn Katherine Hepburn (tôi chọn bà vì bà được cho là nữ diễn viên xuất sắc nhất mọi thời đại), tôi nghĩ bản danh sách câu hỏi chắc chắn sẽ bao gồm một câu đại loại như “Theo bà, đâu là những yếu tố cần thiết tạo nên một diễn viên xuất sắc?”. Ôi chao, vì không hề tồn tại một đoạn phỏng vấn nào đề cập tới việc Hepburn đích thân giải đáp thắc mắc trên, do đó bài viết này sẽ là những nỗ lực cố gắng tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Dĩ nhiên, dưới tư cách một khán giả đại chúng. 

Katharine Hepburn (1907- 2003) là một nữ diễn viên người Mỹ. Hepburn đang giữ kỷ lục về số lần được trao giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với 4 lần giành giải trong tổng số 12 lần được đề cử. Năm 1999, Viện phim Hoa Kỳ (American Film Institute) đã xếp Hepburn là nữ diễn viên xếp số một trong số các nữ minh tinh của điện ảnh Hoa Kỳ trong 100 năm qua.

#1. Tài năng

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, đương nhiên, là tài năng. Không có tài năng thì mọi công sức đều chỉ dừng đưa bạn tới mức tạm được chứ không bao giờ có thể lên đến hàng xuất sắc. 

Một số người, tiêu biểu như Marlon Brando hay Katharine Hepburn, được sinh ra với thiên phú diễn xuất thần sầu. Tất nhiên tài năng của họ cần được phát hiện ra, bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, nhưng khi đã định vị được nguồn tài năng đó rồi thì đương sự có thể tùy ý khai thác theo ý muốn. Vài người (rất hiếm) có thể duy trì phong độ đỉnh cao trong mọi dự án họ tham gia, mà cho dù bộ phim ấy có dở tệ tới mức cầm chắc giải Mâm Xôi Vàng thì diễn xuất của họ vẫn là một điểm sáng vớt vát lại. 

Katherine Hepburn chắc chắn là diễn viên tài năng nhất thế hệ của mình, bà đứng top 1 trong danh sách những diễn viên vĩ đại nhất lịch sử của Viện Phim Mỹ 

Mặt khác, có những người rất tài năng nhưng phải lặn lội tới vài năm (có thể là chục năm) trong nghề mới thực sự bứt phá. Một vài diễn viên gây ấn tượng khá mờ nhạt trong những dự án đầu tay, phần vì ít đất diễn, phần vì diễn xuất còn non nớt, dễ khiến khán giả quên khuấy là họ thực sự có xuất hiện trong bộ phim. Chỉ tới khi một dự án sau này thành công vượt bậc, người ta mới trố mắt ngạc nhiên khi xem lại những dự án cũ của diễn viên đó theo một kiểu rất cổ điển – “Ơ thế hoá ra là cùng một người đó hả?”. Không giống với tuýp đầu kể trên, dạng thứ hai này mất nhiều thời gian để định vị nguồn tài năng của bản thân hơn; nhưng chớ nhầm lẫn việc mất nhiều thời gian hơn để khẳng định thực lực thì hoàn toàn là nhờ khổ luyện. Hiển nhiên ta không thể bỏ qua công sức tập luyện của diễn viên đó, nhưng bạn hiểu ý nghĩa ở đây mà: con vịt hoá thiên nga đâu phải nhờ khổ luyện mà bẩm sinh nó là một con thiên nga. Các diễn viên cũng vậy, họ phải trải qua vài thất bại đầu đời rồi mới tìm được dạng vai phù hợp với bản thân và tới lúc đó thì, đem hết tài nghệ ra mà trình diễn thôi. 

Vấn đề lớn nhất đối với tài năng là, thường thì đương sự không thể tự phát hiện ra kho báu mình đang sở hữu. Marlon Brando, người được xưng là “sinh ra để đóng Bố già” sau thành công vang dội của The Godfather – chưa từng nhập vai Mafia một lần nào trong các dự án trước đó; ông thậm chí còn thẳng thắn phán sẽ không vào vai một ông trùm tội phạm nhưng cuối cùng vẫn hoá thân thành Don Vito vì… kẹt tiền. Giả sử Brando dư dả tí chút là chính ông còn không phát hiện ra mình có thể vào vai ông trùm nhập tâm tới thế và lịch sử điện ảnh đã mất đi cơ hội được chứng kiến một lớp học diễn xuất thượng hạng xứng đáng ghi danh vào sử sách cho các thế hệ sau noi gương. 

Marlon Brando, được biết đến nhiều nhất qua vai diễn Don Vito trong The Godfather (Bố già), nổi tiếng với kỹ thuật diễn xuất Method Acting trứ danh

Tuy nhiên, trường hợp của Brando xem chừng không phải khuôn mẫu mà các diễn viên có thể học tập theo vì tài năng của ông ấy vượt ra khỏi giới hạn hiểu biết của chúng ta, do vậy hãy tìm những ví dụ trực quan hơn. Sao ta không nói về Al Pacino nhỉ? Trước The Godfather, gia tài nghiệp diễn của Al Pacino vỏn vẹn có một bộ phim duy nhất; lý do đạo diễn Francis Ford Coppola đinh ninh Pacino phải vào vai Michael vì ông đã mục kiến diễn xuất của diễn viên trẻ tuổi này trong bộ phim duy nhất kia và khẳng định đó là tuýp người ông muốn. “Tôi muốn một gã với bản đồ Sicily trên mặt” – ồ vâng, Al Pacino chính là gã đó!

>>> Method Acting: Bài Kiểm Tra Mức Độ Cao Nhất Với Diễn Viên. 

Tài năng diễn xuất, trong phần lớn trường hợp, lại được phát hiện bởi người ngoài cuộc chứ không phải cá nhân sở hữu tài năng đó. Không ai bập bẹ bước chân vào nghiệp diễn biết chắc mình sẽ đảm đương tốt dạng vai gì, cần tránh né những vai gì. Cơ hội cho các diễn viên trẻ không được phân phát công bằng, do vậy việc phải nhận vai quần chúng, vai “ế”, kép phụ làm nền là chuyện gần như bắt buộc. 

Chính sau nhiều lần thử và sai như vậy, diễn viên mới dần phát hiện ra sở trường sở đoản của mình; và những vai diễn thất bại đầu đời dù khó nuốt như thuốc đắng nhưng nếu nhìn nhận theo lối tích cực và thực tế nhất có thể, không khác nào các cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của diễn viên đó trong các dự án tương lai. Nếu tóm gọn cả thảy diễn viên trên đời như một nồi chiên bỏng ngô, có bắp nổ sớm bắp nổ chậm, nhưng tới cùng thì tất cả đều sẽ nổ. Diễn viên mà bạn vừa chỉ trích “không có tài năng” vào bữa mới đây rất có thể sẽ bùng nổ trong dự án kế tiếp, khi tài năng của họ được đặt đúng chỗ, như cá về với nước, hổ về bên rừng. 

>>> Hợp Vai Và Không Hợp Vai?

#2. Ngoại hình

Ngoại hình, đúng hơn là một điều kiện bắt buộc đối với một diễn viên chứ không phải là phẩm chất cần thiết. Nó giống như dạng yêu cầu tối thiểu cần được đáp ứng. Khi nói tới ngoại hình trong diễn xuất, chúng ta có thể tạm phân các diễn viên ra làm ba dạng: 

Thứ nhất, nằm ở dưới cùng, là các diễn viên có vẻ ngoài dị hợm, đặc điểm tưởng chừng là bất lợi ngăn cản họ kiếm được bất cứ việc làm nào ra hồn – hoá ra lại là ưu thế giúp họ thậm chí còn chẳng phải thử vai. Chàng lùn Peter Dinklage, diễn viên vào vai Tyrion Lannister trong series kinh điển Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) là một dẫn chứng điển hình – tôi cá bạn phải tìm trợn mắt lên mới thấy một diễn viên thay thế được anh chàng. 

Thứ hai, cư ngụ ở tầng giữa, là các diễn viên có vẻ ngoài thường thường bậc trung mà chúng ta hay gọi là “ưa nhìn”. Nhìn chung, tuýp diễn viên này có vẻ đông đảo nhất; trên thực tế thì phần lớn các diễn viên kỳ cựu như Jack Nicholson, Anthony Hopkins, Tom Hanks đều thuộc dạng này. Tất nhiên, vẻ ngoài của họ có thể được tôn lên vài bậc với ma thuật của đội ngũ hoá trang và phụ thuộc phần lớn vào vai diễn họ đang thể hiện nữa. Chuyện ta yêu thích nhân vật và bỗng cảm thấy diễn viên đó đẹp trai xinh gái lạ thường là chuyện diễn ra khá thường xuyên mà; đó chỉ là một minh chứng cho việc ngoại hình có thể được kiểm soát một cách tương đối. 

Cuối cùng, ngự trị trên đỉnh là các diễn viên với vẻ ngoài “như bước từ trong trang sách ra”. Cứ nhìn vào Leonardo, Johnny Depp, Brad Pitt thời trẻ là đủ hiểu. Còn nhan sắc của Megan Fox thì sao? Tôi cá là bạn phải công nhận cô nàng đẹp tuyệt sắc giai nhân dẫu diễn xuất cứng đến nỗi bê tông cũng phải đầu hàng. 

Nhan sắc thời trẻ của bộ ba này luôn là một thứ gì đó rất khó nói 

Tin vui là, ngoại hình mặc dù là yếu tố tiên quyết, song không ảnh hưởng quá nhiều tới hậu vận của một diễn viên. Vẻ ngoài giống như bài kiểm tra đầu vào, tất nhiên nó sẽ sàng lọc và loại đi kha khá đối thủ đấy. Tuy nhiên qua được cửa ải này rồi thì nó phải nhường sân khấu lại cho năng lực diễn xuất. Ngoại hình là một điều kiện cần, hao hụt chút cũng có thể châm trước và có thể được bù đắp theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ là độc giả ở đây đều đã qua cái thời xem phim vì ngoại hình của dàn cast chính rồi. Phải chứ?

#3. Giọng nói

Theo một vài cách, giọng nói có thể làm tăng hoặc giảm ngoại hình của diễn viên trong mắt bạn. Tất cả những người cho rằng Cillian Murphy không đẹp trai có lẽ đều chưa nghe chất giọng Ireland nam tính mê hoặc của anh chàng trong Peaky Blinders.  

Tất nhiên, nếu bạn không chuyên môn theo nhánh lồng tiếng thì giọng nói không nhất thiết phải thánh thót rộn ràng như chim báo hiệu xuân sang, chỉ cần không khó nghe và đủ hiểu là được. Vậy nói ngọng, nói lắp, nói giọng địa phương có bị coi là thiếu chuyên nghiệp không? Chà, chắc chắn là có rồi. Diễn viên KHÔNG ĐƯỢC mắc những tật đó (trừ phi bạn diễn kịch câm và một vài trường hợp khác không tiện liệt kê). 

Xuyên suốt series The Terminator (Kẻ huỷ diệt), Arnold Schawarzenegger nói chưa tới 100 từ 

Giờ thì, tại sao giọng nói lại cần thiết với một diễn viên? Câu hỏi hay đấy, bạn có thể như Arnold Schwarzenegger, đóng vai Kẻ Huỷ Diệt và không cần mất công học thuộc vì lời thoại chưa tới 100 từ – tôi đùa thôi. Những diễn viên trẻ, vốn thường được giao kép phụ ít đất diễn, thực sự còn khao khát được nói nhiều hơn nữa kia là. Do vậy, sau ngoại hình, giọng nói sẽ là thứ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Nếu giọng diễn viên đó thường thường, khán giả cơ bản là không để ý, bỏ qua; nhưng nếu giọng nói lè nhè hay có bất kỳ vấn đề nào như đã kể trên, đôi khi sẽ hình thành ác cảm trong người xem trước khi họ xét tới năng lực diễn xuất. Tuy nhiên, giọng nói khác với ngoại hình ở chỗ là nó có thể được cải thiện một cách nhanh chóng và rõ rệt hơn – thông qua rèn luyện.  

#4. Sức chịu đựng

Một diễn viên xuất sắc cần có sức chịu đựng bền bỉ vì ngành phim ảnh, tương tự nhiều ngành nghề dịch vụ khác, mang tính thời vụ và được thanh toán theo từng dự án. Nói đơn giản, nó không giống kiểu bạn cặp táp chỉnh tề tới văn phòng vào 9 giờ sáng rồi quay gót về vào 5 giờ chiều, đều đặn và chuẩn chỉnh như một cái đồng hồ. Các dự án điện ảnh hay truyền hình luôn bị ép đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo thời gian hoàn vốn, do đó việc một diễn viên “cắm cọc” ở trường quay 12-13 tiếng/ngày là chuyện khá dễ hiểu. Với những diễn viên tên tuổi, các hợp đồng quảng bá, buổi gặp mặt giao lưu hay tham dự sự kiện gần như không thể tránh khỏi – tôi tin là nhiều diễn viên cũng ước không phải tới những buổi lễ như thế lắm. 

Cillian Murphy, diễn viên thủ vai Thomas Shelby trong Peaky Blinders (Bóng ma Anh Quốc) tiết lộ đoàn làm phim nhiều khi phải làm việc tới 16 tiếng/ngày mới kịp tiến độ 

Bên cạnh khối lượng làm việc dễ gây “cháy máy”, các diễn viên nhìn chung cũng không khác một cái nam châm thu hút áp lực là mấy. Áp lực từ chính bản thân, trước hết, là kỳ vọng đặt ra cho diễn xuất của chính mình. Thứ đến là áp lực từ đồng nghiệp, kế trên là chủ hãng phim, những vị tai to mặt lớn trong hội đồng và trên cùng là các nhà đầu tư. Tất nhiên không có chuyện nhà đầu tư gọi điện cho diễn viên vào 2 giờ sáng và phủ đầu trước “Anh diễn cho cẩn thận vào đấy nhé!”; nhưng dứt khoát là vẫn có đòi hỏi, và áp lực cứ chuyền tay nhau từ người này sang người kia, từ trên xuống dưới. 

Có vẻ như tôi quên chưa nhắc tới áp lực dư luận nhỉ? Không sao, tôi tách riêng làm một phần phía dưới rồi. 

#5. Đời tư

Có một câu nói mà tôi từng đọc được thế này: Đừng cố gắng tìm hiểu về tác giả bạn yêu thích, thường thì thứ bạn nhận về chỉ toàn là thất vọng. Các tiểu thuyết gia, hoạ sĩ, vân vân – những người được yêu mến bởi ma thuật của đôi bàn tay chứ chẳng quan trọng ngoại hình xấu đẹp ra sao – đôi khi cũng thôi thúc trí tò mò làm ta muốn biết xem họ là người như thế nào. Nhưng nhìn chung thì các nhà sáng tạo kiểu vậy hầu hết đều kín tiếng, một số còn không chấp nhận bất cứ buổi phỏng vấn và cũng chẳng chịu giao lưu với độc giả luôn – nên họ ít nhiều bảo toàn được sự độc lập của mình. 

Ngược lại, diễn viên, dù cùng là giới nghệ sĩ, nhưng đời tư bị bóc mẽ nhiều hơn bất cứ ngành nghề nào từng tồn tại trên quả cầu này, có lẽ chỉ đứng sau chính trị gia mà thôi. Một chính khách muốn nhận vé bầu áp đảo địch thủ buộc phải lôi kéo quần chúng ủng hộ mình thông qua các chiến dịch nhân đạo ra sao thì giới sao số cũng y chang vậy. Nếu một diễn viên đã giỏi lại còn đời tư thanh sạch, đúng là số dách. Đời tư trở nên quan trọng một phần chịu ảnh hưởng của truyền thông; các diễn viên không chỉ đứng trước máy quay của đạo diễn đâu, họ còn đứng trước vô số ống máy “vô hình” khác, như thể nhất cử nhất động đều bị theo dõi. 

Vụ ly hôn đầy tai tiếng này gần như đã đặt dấu chấm hết cho nghiệp diễn đang lên của Amber Heard sau thành công với Aquaman (2018) 

Với một diễn viên tên tuổi, một scandal không quá lớn như Tom Cruise từ mặt vợ cũ và con gái, sỉ vả đồng nghiệp vì không chịu theo giáo phái của mình – thực sự có làm lượng fan của tài tử này thâm hụt đôi chút nhưng chưa tới mức đáng kể. Suy cho cùng, làm gì có ai diễn phim hành động đỉnh được như Cruise cơ chứ? Tuy nhiên đó là trường hợp của các già gân như Tom Cruise, còn diễn viên trẻ thì “hồ sơ cá nhân” phải sạch sẽ hết mức có thể; giữ gìn như học bạ đem xét tuyển đại học. Ta có thể tổng kết lại cả đoạn vừa rồi bằng một ẩn dụ sinh động thế này: Danh tiếng của một bác sĩ lão làng không bị ảnh hưởng mấy nếu một bệnh nhân qua đời dưới lưỡi dao mổ của ông ta, nhưng với một bác sĩ lần đầu cầm dao mổ phẫu thuật thì đó vừa là cái nôi cũng vừa là cái mồ cho sự nghiệp của anh ta. 

Trong một vài trường hợp, trước thì hiếm nhưng giờ thì vô số kể, một scandal có thể cuốn phăng gia tài diễn xuất của diễn viên vào hư vô. Cứ nhìn vào Minh Béo đủ biết, hoặc Amber Heard – “người phụ nữ có tỷ lệ gương mặt hoàn hảo nhất thế giới” sau vụ thua kiện đầy tai tiếng với chồng cũ Johnny Depp. Hiển nhiên, các gốc đa gốc đề trong ngành thì còn có di sản vững chắc để bám vào cho qua cơn cuồng phong dư luận, nhưng đó cũng là yếu điểm của họ – nếu bị quật ngã là họ chẳng đứng dậy nổi luôn. Họ quá già để bắt đầu lại từ đầu. Ngược lại, với một diễn viên trẻ, ít nhiều vẫn tồn tại vài cơ hội để sửa sai.