Cái chết của MCU đã được tiên liệu trước, và với bộ phim mới nhất của nhà Marvel, The Marvels, kiếm được khoảng 47 triệu đô nội địa sau một tháng ra mắt - mở màn tệ nhất trong lịch sử thương hiệu, cái chết đó có thể sẽ đến nhanh hơn chút. 

Thất bại của 'The Marvels' (2023) đào sâu nhiều lỗ hổng của MCU. Ảnh: The Direct

Tại sao ‘The Marvels’ thất bại? 

The Marvels, phần hai của Captain Marvel (2019), chứng kiến màn collab của ba siêu anh hùng: Captain Marvel (Carol Danvers), Monica Rambeau (Teyonah Parris) và Ms. Marvel (Kamala Khan). Hai cái tên sau đã được giới thiệu tới khán giả trước đó thông qua các chương trình Disney + của Marvel, ngã đúng vết xe đổ mà các phần phim ngoại truyện của Chiến tranh giữa các vì sao từng vấp phải: thiếu tính nhất quán và nhồi nhét quá nhiều tình tiết, sự kiện. Người hâm mộ đã phàn nàn rằng việc theo kịp diễn tiến phim dần biến thành một thách thức, lý thuyết dày đặc như “bài tập về nhà”.

The Marvels là bộ phim có mở màn tệ nhất trong lịch sử MCU 

Kể từ khi ra mắt Disney + vào năm 2019, Marvel đã phát hành 9 loạt phim truyền hình (từ 6-9 tập/chương trình) xen lẫn năng suất thông thường 2-3 bộ phim chiếu rạp mỗi năm. Kể cả một fan ruột của Marvel cũng khó mà theo nổi tốc độ này, thậm chí họ đã không ngừng phàn nàn về hiệu ứng kỹ xảo ba xu so với ngân sách đầu tư khủng bố, cốt truyện rối rắm, có quá nhiều nhân vật phải nhớ. 

Ngoài ra, cuộc đình công vừa qua của các diễn viên - biên kịch tại Hollywood cũng gây thiệt hại không nhỏ tới The Marvels, vì các diễn viên chính không được phép quảng bá bộ phim cho tới khi cuộc đình công kết thúc. 

Chỉ còn những mùa nhớ 

MCU không phải lúc nào cũng đạt doanh thu phòng vé ổn định, nhưng ở thời đỉnh cao, nó không khác nào gã khổng lồ Goliath cả! Marvel từng thống trị Hollywood, gây ảnh hưởng tới mức đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese lên tiếng lo ngại rằng điện ảnh đang dần “mất chất” bởi những bom tấn siêu anh hùng nông cạn. 

Trong nhiều năm, MCU thực tế là một ngành công nghiệp, một thương hiệu nhượng quyền thống trị nền văn hoá đại chúng, sinh ra đủ thứ đồ chơi lỉnh kỉnh nhưng bán đắt như tôm tươi, và là “mỏ vàng” cho các nhà sáng tạo nội dung khai thác. Từ nhà phê bình, người bình luận phim, nhà báo,... không bao giờ thiếu thứ để nói về Marvel. 

Và như thế, ngay trong thời khắc suy tàn này, MCU vẫn là con bò để các nhà sáng tạo nội dung tranh nhau vắt sữa – các video và bài viết “giải thích” bao giờ cũng cần thiết – nhưng bây giờ thì diễn đàn ngôn luận của chúng ta dường như đang bị thống trị bởi những kẻ độc mồm độc miệng thích “chê phim”. 

Nguyên nhân thực sự đằng sau sự thoái trào của Marvel? 

Sự suy giảm của Marvel, theo ý kiến của phần đông, có thể là do sự bão hoà quá mức của thể loại siêu anh hùng. Các phần phụ truyện thừa mứa trên truyền hình đã làm loãng thương hiệu, khiến cốt truyện trở nên rối rắm mà khán giả đại chúng - những người không hiểu biết quá nhiều về MCU - không thể theo kịp. Tuy nhiên, trong lúc người hâm mộ kêu ca oai oái thì Marvel tiếp tục tung thêm nữa, thêm nữa – họ quá mải mê vào lượng rồi bỏ quên chất.

Nếu xét kỹ, bạn sẽ thấy truyền thuyết Marvel đã trở nên dày đặc và phức tạp, các dòng thời gian, tuyến nhân vật chồng chéo lên nhau như một bộ anime dài tập. Nghỉ giải lao vài năm, bạn quay lại và thấy Loki hiện đã thăng thiên thành Thần thực sự và quyền năng vô kể; hay Harry Styles là anh trai của Thanos? 

Lý do thứ hai giải thích cho những thất bại liên tiếp của MCU gần đây: đa vũ trụ MCU là một nước đi sai lầm. Marvel tham gia vào “thế giới đa vũ trụ” khá muộn; trước khi Doctor Strange in the Multiverse of Madness ra mắt thì trước đó gần một thập kỷ, Rick và Morty đã khai thác triệt để lý thuyết này; và gần đây nhất là bộ phim đoạt giải Oscar Everything, Everywhere, All At Once cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn về đa vũ trụ - với ngân sách chỉ bằng số lẻ của Marvel.  

ẢnhWalt Disney Studios Motion Pictures/Marvel Studios/Courtesy Everett Collection

Into the Spider-Verse đã sử dụng ý tưởng này để giới thiệu các phiên bản khác của Người Nhện, qua đó nhấn mạnh rằng Peter Parker cũng chỉ là một trong hàng triệu Spider-Man mà thôi. Dĩ nhiên, bộ phim hoạt hình này đã thành công ngoài sức tưởng tượng - nhiều khán giả cho nó là bộ phim hay nhất về Người Nhện mà họ từng xem. Marvel đã nhanh tay đánh cắp ý tưởng này bằng cách đưa cả ba Người Nhện từng xuất hiện trên màn ảnh vào trong No Way Home (2021), đạt thành công rực rỡ, nhưng đó là chiếc vé một chiều. 

Marvel sau đó cố gắng nhân rộng ý tưởng đa vũ trụ bằng cách thuê biên kịch của Rick và Morty, nhưng MCU không bao giờ có thể phát triển lý thuyết đó một cách độc đáo mà có thể chỉ giống như một bản sao rẻ tiền của loạt phim hoạt hình ăn khách. Thay vì tập trung vào xây dựng chiều sâu cho các tác phẩm, Marvel sử dụng thuyết đa vũ trụ để mở rộng chiều ngang - nhưng hoá ra nước đi đó lại đẩy Marvel vào vũng bùn lầy.

Mặc dù Endgame là một tuyệt phẩm, nhưng cũng chính trong đó, Marvel mắc một sai lầm đến ngớ ngẩn chỉ vì không nghiên cứu kỹ lưỡng thuyết đa vũ trụ. Thanos, kẻ đã búng tay tiễn một nửa nhân loại về với cát bụi sớm hơn dự kiến, bị Thor chém bay đầu ngay ở đầu phim, nhưng cuối cùng nhóm Avengers vẫn đối mặt với Thanos ở quá khứ thông qua du hành thời gian.

Endgame là một kết thúc rất gọn gàng, gần như trọn vẹn - nhưng bạn có thể lấn cấn đâu đó vì Thanos đi đánh nhau với một đội quân mà hắn còn chẳng biết là ai không? Một cánh cổng xuyên không - thời gian mở ra và gã da tím bước qua đó, nhìn thấy đội quân Avengers đang hừng hực khí thế rồi lao vào chém giết tơi bời - tưởng chừng hợp lý nhưng xét ra vô cùng lãng xẹt. 

Trên mạng giờ đây vẫn lưu truyền tấm ảnh meme kinh điển từ Endgame, trong đó Scarlet Witch nói với Thanos rằng “Ngươi đã lấy mọi thứ từ ta” (“You took everything from me”), chỉ để nhận lại câu trả lời của Thanos là “Ta còn không biết ngươi là ai” (“I don’t even know who you are”). Chính xác thì Thanos không biết Scarlett là ai thật, bởi vì người tình của cô, Vision chết dưới tay một biến thể khác của Thanos. 

Một phản diện máu mặt hơn? 

Những ác nhân, đúng hơn là những SIÊU ÁC NHÂN, là điều hoàn toàn cần thiết cho những câu chuyện siêu anh hùng; đó là lý do tại sao Joker có thể sắm vai chính trong một bộ phim mà không cần tới Batman. 

Thanos đến nay vẫn là một nhân vật phản diện mang tính biểu tượng của MCU, một phần vì hắn đã thắng. “Bác nông dân da tím” hấp dẫn khán giả bởi tầm nhìn và tham vọng, và còn vì bác cho hành động của mình là đúng đắn (theo một chừng mực nào đó, Thanos quả thực có đúng). Đúng ra mà nói, Thanos mới là nhân vật chính thực sự trong Infinity War

Joker, Harley Quinn, Homelander, Doctor Octopus… - những nhân vật phản diện này thường hấp dẫn khán giả vì họ phức tạp hơn nhiều so với đối thủ siêu anh hùng của họ. Hiểu một nhân vật phản diện cần cái nhìn sâu sắc hơn, đôi khi là phải thông cảm, ở một mức độ nào đó - chẳng phải chúng ta vẫn ghét cay ghét đắng bà mẹ kế độc ác nhưng tới cuối phim thấy mụ bị trừng phạt thì lại thương cảm họ hay sao? 

Giờ đây khi Thanos đã bay màu, MCU có thể giải quyết nhiều vấn đề của mình bằng cách thiết lập một phản diện thế chỗ gã - kẻ sở hữu một trí tuệ thiên tài nhưng đặt sai chỗ, một cái nhìn thực tế tới mức cực đoan, một quyền năng mạnh mẽ mang tính biểu tượng và không được quên, một cốt truyện thú vị nhưng đủ đơn giản để khán giả không cảm thấy phát ngán nữa.