The Last Dance – bộ phim tài liệu về Michael Jordan được Netflix công chiếu hồi 2020 – đã truyền cảm hứng cho hàng loạt người nổi tiếng đặt hàng các bộ phim tiểu sử của riêng họ. Trong một bài viết trên tờ The New York Times mới đây, tác giả Calum Marsh tiết lộ nhiều góc khuất và đặt ra nhiều nghi vấn cho hiện trạng này: Liệu người xem có đang bị dắt mũi bởi chiêu trò PR hình ảnh bản thân theo hình thức nghệ thuật này? 

Nếu người nổi tiếng chi tiền để sản xuất phim tài liệu nói về chính mình, liệu điều đó có còn đủ khách quan và trung thực hay không? ẢNH: VARIETY

Công bằng mà nói... công bằng ở đâu?

Năm 2023 có lẽ là năm của các bộ phim tiểu sử. Trên màn ảnh rộng, chúng ta có siêu phẩm Oppenheimer của Christopher Nolan ra rạp tháng 8 vừa qua và chính thức trở thành phim tiểu sử ăn khách nhất mọi thời đại chỉ sau… gần 2 tháng; gần đây nữa là Killers of the Flower Moon của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese (trong trường hợp bạn ngán ngẩm độ dài 3 tiếng rưỡi của nó, tôi có sẵn tóm tắt tại đây), với sự góp mặt của tài tử Leonardo DiCaprio trong vai chính, xoay quanh cuộc thảm sát dân da đỏ Osage của người da trắng những năm 20 thế kỷ trước. Phim truyền hình thì không thể không nhắc tới Beckham, nói về cuộc đời cầu thủ bóng đá nổi tiếng David Beckham. 

Beckham được sản xuất bởi Studio 99, công ty đồng sáng lập của Beckham với hai người khác. Fisher Stevens, đạo diễn bộ phim, cho biết ông đã cố gắng thuyết phục cầu thủ này quay phim tiểu sử ròng rã hơn một năm trời. Cuối cùng, Beckham đã nhượng bộ, và đoàn phim bắt đầu bấm máy để đưa lên Netflix. 

Nhưng vấn đề là gì khi Beckham lại nằm trong chính đội ngũ tài trợ cho bộ phim? Các nhà làm phim tài liệu nhìn chung phải cân đo sao cho phục vụ lợi ích cho cả ba mối: thứ nhất, phải tạo nên một bức tranh đa diện, thẳng thắn, sâu sắc về mọi mặt sáng và góc tối về mặt con người – là phục vụ độc giả; thứ hai, phải ăn khách và thu lời – phục vụ đoàn làm phim; thứ ba, phục vụ chính người mà anh ta đang làm phim tiểu sử (trong trường hợp người đó còn sống). 

Con người về bản chất đều là tốt khoe xấu che, không bông tuyết nào trong sạch, vì vậy ắt hẳn sẽ xảy ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan như sau: vừa muốn làm phim trung thực, khách quan; vừa không muốn gây thù chuốc oán, mang vạ vào người hoặc tệ hơn là phải ra tòa vì tội phỉ báng. 

Đến VTV còn phải lên bài giải thích tại sao loạt miniseries về Michael Jordan lại hot tới vậy.. 
ẢNH: IMDb

Khi The Last Dance (2020), bộ phim tài liệu Netflix gồm 10 tập về siêu sao bóng rổ Michael Jordan ra mắt, nó đã thành công ngoài dự kiến. Kể cả những người chưa từng xem một trận bóng rổ nào, hoặc chỉ loáng thoáng biết Jordan là tên một đôi giày – cũng tò mò muốn biết bộ phim nói về gì. Netflix đã không làm họ thất vọng, vì 10 tập phim đó quả thực rất hay. Tuy nhiên, không phải là không có những ý kiến trái chiều. 

Bộ phim được cho là “thần thánh hoá” Jordan, giảm thiểu vai trò của những thành viên khác trong đội ngũ Chicago Bulls trong những mùa giải vô địch. Nó cũng đưa ra nhiều thước phim mang tính châm chọc, hạ bệ một số nhân vật như Jerry Krause, vốn được mệnh danh là “người vẽ nên triều đại Chicago Bulls” dựa trên thực tế ông đã đem về vô số tài năng cho đội, trong đó có cả Michael Jordan. Đồng đội thân thiết của Jordan, Scottie Pippen, cũng lên tiếng phản bác bộ phim là thiếu trung thực, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của ông và tôn sùng Jordan thái quá. 

Cả hai chỉ trích trên xét ra đều hợp lý bởi sự thật là, The Last Dance do chính công ty Jump 23 của Jordan đồng sản xuất với Netflix, hay nói đơn giản hơn, Jordan ít nhiều có tham gia vào quá trình làm phim. Tuy nhiên mặt tối này lại không được chú ý cho lắm, vì tầm ảnh hưởng mà The Last Dance tỏa ra lớn tới nỗi, hàng loạt các vận động viên, nhạc sĩ và ngôi sao điện ảnh khác đã bày tỏ mong muốn được thấy di sản của chính họ được trình chiếu trên màn ảnh – giống như Jordan đã làm.

Nó đặt ra một vấn đề nan giải rõ ràng: Nếu một người nổi tiếng đã đặt hàng và thậm chí trực tiếp tham gia sản xuất một bộ phim tài liệu về bản thân họ, liệu độc giả có thể hy vọng vào sự cân bằng và tính khách quan của nó hay không? 

Bạn mong chờ đạo diễn sẽ trả lời “Có, bạn nên hy vọng” ư? Hoạ hoằn lắm mới có một, hai người dám làm vậy. Riêng bộ Beckham, đạo diễn Stevens khi được phóng viên hỏi về vấn đề này đã lập tức trả lời ngay: “Họ (ý chỉ gia đình Beckham) muốn kể câu chuyện hay nhất, trung thực nhất. Họ không muốn làm một tác phẩm có thương hiệu Beckham.” “Điều quan trọng là phải trung thực với góc nhìn của bản thân và không khuất phục trước góc nhìn của họ,” ông nói thêm. Nếu bạn là người phóng viên đó, bạn sẽ dành bao nhiêu phần trăm tin tưởng cho câu trả lời rập khuôn này? 

ẢNH: IMDb

Trong một bài viết trên tờ The New Yorker, tác giả Rebecca Mead cho rằng việc Beckham đứng sau hậu trường có thể là lý do khiến bộ phim “bỏ qua một số hành động đáng ngờ của cầu thủ”, chẳng hạn như nhận làm đại sứ cho Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022 vừa qua bị chỉ trích nặng nề vì vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, Mead kết luận rằng bộ phim này ít nhiều đều thiên vị nhân vật chính của nó. 

Thom Zimny, đạo diễn của Sly, bộ phim tài liệu mới trên Netflix về diễn viên kỳ cựu Sylvester “Rambo” Stallone, khi được hỏi câu tương tự cũng lên tiếng phản bác ngay để bảo vệ “thân chủ” của mình. Được biết, Stallone cũng là một phần của nhóm sản xuất, vậy nên nhiều người đồn đoán nam diễn viên ít nhiều cũng thiết lập một mức độ kiểm soát nhất định với đoàn làm phim. Câu trả lời là “Không”, ấy là theo Zimny, vì vị đạo diễn chưa bao giờ thấy Stallone thét lên những câu đại loại như “Bạn cần làm điều này” hay “Bạn không được nói về cái này” trong quá trình ông làm phim cả. 

ẢNH: NETFLIX

Bất chấp những lời bào chữa, về mặt trận phê bình, Sly vừa ra mắt đã hứng chịu chỉ trích nặng nề vì quá hào phóng với ngôi sao của nó. Trong khi bản thân Stallone rất cởi mở về quá khứ và cảm xúc của mình, thì bộ phim lại không dành thời gian đủ dài để duyệt lại những thất bại điện ảnh của ông. Bộ phim chỉ toàn lời tâng bốc Stallone, vốn dĩ đã là một tượng đài điện ảnh kỳ vĩ tại Hollywood. 

Theo một hay nhiều cách, khán giả có vẻ đã biết đủ nhiều về những thành tựu, những mảng sáng chói trong sự nghiệp của siêu sao rồi (Google ngày nay đâu có thiếu), vậy nên đâu có gì ngạc nhiên khi họ yêu cầu bộ phim tiết lộ nhiều hơn những góc khuất đằng sau? Nếu một người nổi tiếng, nhận thức được tầm ảnh hưởng và vị trí của mình, can đảm đặt hàng một bộ phim nói về bản thân, họ cũng phải đủ can đảm để thừa nhận những hạn chế, thiếu sót hay sai lầm trên hành trình đạt tới vinh quang. Tất nhiên siêu sao thì vẫn chỉ là con người, vẫn có những bí mật cần giấu kín hay những vết nhơ không muốn đào bới lại, nhưng có lẽ các nhà làm phim cần phải xem lại tỷ lệ khen – chê trong những dự án tương lai. 

“Khi đã có trong tay đủ loại thành công như vậy rồi, thất bại sẽ còn quan trọng hơn thành công của ông.” 

Một trong số ít phim tài liệu về ngôi sao gần đây không được sản xuất bởi nhân vật chính của nó là Arnold, gồm ba tập trên Netflix, về vận động viên thể hình, diễn viên và cựu thống đốc California Arnold Schwarzenegger. Mọi người thường biết tới Arnold qua vai diễn kẻ huỷ diệt lạnh lùng trong The Terminator, tác giả bài viết này cũng không ngoại lệ. 

Vài năm trước, Arnold vướng phải scandal ngoại tình với người quản gia từ năm 1996, ly dị người vợ đã đồng hành cùng mình hơn bốn thập kỷ và tất nhiên – nhận đủ gạch để xây thêm một căn biệt thự. Ra phim tiểu sử có vẻ là một chiêu trò PR cũ kỹ nhưng hiệu quả để vớt vát danh tiếng. Như đã nói, nam diễn viên đồng ý làm phim nhưng chấp nhận không dính tay vào sản xuất theo yêu cầu của đạo diễn Lesley Chilcott. Bộ phim vạch trần cả vụ ngoại tình tai tiếng trên, đưa ra trước mắt người xem một Arnold Schwarzenegger thành công nhưng cũng đầy sai trái, bao gồm cả những cáo buộc tình dục nảy sinh từ nhiều năm trước. 

ẢNH: IMDb 

Đây rõ ràng không phải thứ mà bất cứ nhà làm phim tiểu sử nào cũng dám thực hiện – nó như một ván cược: hoặc khán giả sẽ cảm thông trước sự thành thực của nam diễn viên, hoặc tệ hơn, họ từ ghét chuyển qua tẩy chay ông. Chí ít, hãy dành vài lời khen tới Chilcott vì cô đã dám đứng trên quan điểm trung lập của một kẻ ngoài cuộc để làm sống động lại những hồi ức của Schwarzenegger. 

“Ông ấy có muốn nói về vấn đề đó không? Không, không một chút nào.” “Nhưng Arnold đủ sáng suốt để nhận ra rằng ông ấy phải nói về nó. Ông ấy biết nó cần thiết, và ông ấy đủ khôn ngoan để biết rằng bộ phim này phải là hai dải trắng đen đan xen – chứ không thể chỉ nói về thành công của ông ấy được,” Chilcott chia sẻ. 

Nữ đạo diễn còn cho biết thêm, chính cô đã thẳng thắn với Schwarzenegger, “Chúng tôi sẽ phải nói về những thất bại,” cô nói. Khi đã có trong tay đủ loại thành công như vậy rồi, thất bại sẽ còn quan trọng hơn thành công của ông.”

Trường hợp của 'Oppenheimer' và 'Napoleon' 

Được rồi, vậy còn những bộ phim tiểu sử mà nhân vật chính của nó không còn cơ hội để nhúng tay vô quá trình sản xuất thì sao? Các phim về những người nổi tiếng trong lịch sử như Robert Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử hay phim về Hoàng đế Napoleon ra mắt tới đây – đội ngũ sản xuất có gặp trở ngại nào đáng kể không? 

Oppenheimer dường như là một ngoại lệ – nó gần như không phát hiện mối nguy nào đáng gờm ngoại trừ lời phàn nàn thời lượng dài 3 tiếng. Còn với Napoleon, do Ridley Scott đạo diễn với vai chính được đảm nhận bởi Joaquin Phoenix, người nhận giải Oscar năm 2019 trong màn hóa thân thành gã hề Joker – câu chuyện lại không được êm đềm cho lắm. 

Ngay từ khi tung trailer, Napoleon đã bị nhà sử học Dan Snow chỉ trích là xuyên tạc lịch sử; tờ GQ của Pháp thì gọi bộ phim là “vô cùng vụng về, không tự nhiên” khi phim về người Pháp mà dàn nhân vật lại rặt người Mỹ không. Đối mặt với đánh giá này, già gân Scott trả lời với BCC News: “Người Pháp thậm chí còn không ưa chính họ.” Còn với những lời chê bai phim sai lệch lịch sử, đạo diễn cũng không kém cạnh: “Ông có ở đó không mà biết?” 

ẢNH: IMDb 

Nhân vật chính của chúng ta, Hoàng đế Napoleon, người bị đánh bại trong trận Waterloo kinh điển năm 1815, chịu án lưu đày ở đảo Saint Helena xa xôi rồi qua đời sau đó không lâu, rõ ràng không bao giờ có thể đứng sau hậu trường và hướng đoàn làm phim theo cách mà ông muốn, vậy nên ta có thể cam đoan yếu tố PR không dính dáng ở đây. 

Cũng đã hơn 200 năm trôi qua kể từ thời Napoleon, vết tích lịch sử từng hằn rõ tới mấy cũng chịu mai một đôi phần, do vậy không thể tránh khỏi những dị bản. Nếu thực sự yêu thích Napoleon, tôi nghĩ bạn nên nghe theo lời khuyên của Dan Snow, tự đọc sách và nghiên cứu. Còn về một bộ phim tiểu sử tóm gọn cuộc đời lẫy lừng của một thiên tài quân sự trong vỏn vẹn vài ba tiếng đồng hồ, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối là yêu cầu vô lý. Kiến thức càng lớn, kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều. 

Nếu bạn xem phim với tâm thế như một nhà sử học, chắc chắn bạn sẽ thất vọng. Nếu bạn xem phim với tâm thế thư giãn, giải trí hoặc đơn giản là tò mò cuộc đời của vị tướng được trích dẫn nhiều vô kể này ra sao – bạn có thể thưởng thức nó như một công trình điện ảnh, một tác phẩm nghệ thuật.