Với một khán giả phổ thông, một bộ phim hay hay không hay hoàn toàn là chuyện của cảm xúc. Nếu bộ phim khiến ta hào hứng, phấn khích, vui vẻ - hoặc ngược lại - gieo vào ta những cảm giác hỗn độn như bối rối, lo lắng, hồi hộp, buồn rầu,... thì ít nhiều là nó hay, theo một mức độ nào đó. Mỗi thể loại phim sẽ song hành cùng với cảm xúc mà chúng được kỳ vọng sẽ đem lại cho khán giả.
Tất nhiên, đa phần người xem cũng chỉ dừng lại ở mức đó. Sở dĩ đại chúng ít khắt khe hơn giới phê bình vì họ biết ít hơn: người ta xem một bộ phim mà chẳng phải xét nét gì nhiều tới diễn xuất, cốt truyện, âm nhạc hay thông điệp truyền tải. Nhưng khi con người ta từng trải hơn, đồng nghĩa trải nghiệm của họ với phim ảnh cũng dày dạn hơn, thì vô hình chung họ trở nên khó tính. Những chi tiết vụn vặt từng làm họ vui nay chỉ hoá trò đùa cho lũ trẻ nhỏ, và họ bắt đầu quan tâm tới thứ gọi là thường thức điện ảnh. À thì, chúng ta đều muốn nhìn nhận một tác phẩm điện ảnh dưới con mắt của một chuyên gia mà, không thì cũng bằng một phần nhỏ của chuyên gia.
Thực chất thì bạn không cần ước mong mình phải đánh cắp đôi mắt của những bậc thầy để thưởng thức điện ảnh tốt hơn. Tất cả đều nằm trong bạn cả rồi, chỉ với một vài khía cạnh nhỏ dưới đây thôi, bạn sẽ học được cách “đọc” một bộ phim chứ không phải là xem đơn thuần nữa.
Cốt truyện
Yếu tố đầu tiên cần xét đến khi phân tích một bộ phim, quan trọng nhất, cốt truyện. Cốt truyện là nhân vật thông qua hành động. Nhìn chung, một bộ phim đáng xem đều phải xoay quanh một câu chuyện thú vị. Tất nhiên, nhà làm phim, bằng các kỹ thuật và thiết bị hỗ trợ, có thể tạo dựng cách kể chuyện lôi cuốn người xem - nhưng chắc chắn những điều trên cũng không vớt vát nổi một câu chuyện tồi. Bản thân câu chuyện đó đã phải hấp dẫn rồi.
Thực mà nói, trong điện ảnh không hề có chuyện sáng tạo thuần túy như phát minh khoa học. Nói cách khác, không có một câu chuyện nào là nguyên bản cả. Không có chuyện một bộ phim mới mẻ hoàn toàn. Mỗi tác phẩm có thể vay mượn ý tưởng từ những tác phẩm trước đó, và chúng không bị ràng buộc bởi thể loại. Một nhà làm phim điện ảnh hiện đại hoàn toàn có thể “đánh cắp” ý tưởng từ một bộ phim anime từ những năm 80 thế kỷ trước.
Do đó, bạn không nên mong đợi một bộ phim sẽ chiêu đãi bạn một cốt truyện hoàn toàn khác biệt - đó là điều không thể. Nhận biết được sự thật này là tối quan trọng vì nó mở đường cho mọi công cụ khác mà tôi sắp bàn dưới đây.
Họ đang kể cho tôi cái gì vậy?
Nhìn chung, tất cả chúng ta khi xem phim đều khao khát sự mới mẻ nhưng vô hình chung vẫn nhặt nhạnh từng chi tiết nhỏ để quay về bên những điều quen thuộc. Một bộ phim, tự thân nó không thể là một thể loại riêng, nó phải được bao hàm trong một phạm trù nhất định. Nói đơn giản, từng thể loại phim sẽ có mô-típ riêng của nó.
Ví dụ đơn giản nhất là những bộ phim tình cảm Hàn Quốc thập niên 2000, xào đi xào lại theo công thức nam chính (hoặc nữ chính) bị bệnh hiểm nghèo và qua đời, để lại người kia bơ vơ trong đau khổ. Để nhận ra được mô-típ, việc cần làm chỉ đơn giản là xem nhiều phim cùng thể loại. Cũng nhờ có mô-típ mà bạn ít nhiều mường tượng được những gì sẽ xảy đến với nhân vật trong phim.
Giả sử đôi trai tài gái sắc là bạn thân từ thuở ấu thơ, cả hai cùng có tình cảm mãnh liệt với đối phương nhưng trải qua muôn vàn thử thách vẫn chưa tới được với nhau, như trong Forrest Gump hay Love, Rosie chẳng hạn - người xem hoàn toàn có thể đinh ninh kết phim sẽ có hậu. Nam chính nữ chính sẽ về bên nhau, giả dụ một người đen đủi phải từ giã trần thế như trường hợp với Gump thì nhà làm phim ít nhiều cũng để cho người ở lại một mụn con coi như món quà an ủi.
Giờ thì bạn đã biết mỗi bộ phim đều kể một (hoặc nhiều) câu chuyện, và mỗi câu chuyện đều tiếp nhiên liệu cho cái máy dò ra-đa trong tâm trí bạn. Xem đủ nhiều và đủ sâu, bạn dần nhận thấy những khuôn mẫu chung trong các tác phẩm điện ảnh. Chỉ dựa vào cách kể chuyện, góc quay, âm nhạc, hoặc đôi khi là màu phim thôi, bạn hoàn toàn có thể phác ra một lộ trình cho những gì sẽ diễn ra kế tiếp trên màn hình. Đây có được xem là kiểu suy nghĩ rập khuôn không?
Nếu bạn hỏi vậy thì, thực sự ta cần nói chuyện đấy. Thực chất thì bạn chẳng phải lo đâu, vì phần lớn mọi người đều vậy, đặc biệt là với dòng phim trinh thám. Một trong những lý do lớn nhất giúp thể loại này hấp dẫn khán giả là bởi nó cho phép khán giả tương tác với bộ phim. Tôi nghĩ hiếm người xem hay đọc Conan mà lại không cố đoán xem gã sát nhân áo đen là ai. Nếu bạn biên kịch một tác phẩm trinh thám, bạn sẽ là người ra câu đố, và khán giả là người giải đố. Câu trả lời càng khó đoán và càng không ngờ tới, mức độ thích thú càng tăng.
Vậy cái công cuộc dự đoán này sẽ giúp ích cho bạn điều gì? Vô kể ấy chứ. Ít nhất trong trường hợp của Conan, mỗi lần đoán trật là bạn biết thêm một cách thức giết người mới, “À, thì ra làm như này cũng được.” Ngoài ra, nhận biết các khuôn mẫu giống như bạn nhìn thấy được khung sườn của tác phẩm. Nó trao tặng bạn một cái nhìn tổng thể, toàn vẹn và được cấu trúc hoá. Quan trọng hơn, bạn học được cách so sánh tác phẩm hiện tại với những tiền bối của nó.
Phải có một người hùng!
Peaky Blinders, series truyền hình ăn khách của đài BBC, bạn nghĩ điều gì tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của loạt phim này? Ồ, nam chính Thomas “Tommy” Shelby, chắc chắn rồi. Giờ thì nếu bạn từng xem các bộ phim cùng chủ đề tội phạm, băng đảng đường phố trước đó như The Godfather, Sopranos,... bạn thấy mẫu số chung của chúng là gì?
Một con người mâu thuẫn, một phản anh hùng. Thường thì các ông trùm mafia giết người như ngóe nên không thể coi là người hùng được, nhưng trong họ vẫn tồn tại nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ như tình yêu thương gia đình, quyết đoán, mưu trí, bình tĩnh,... Sức hấp dẫn của một bộ phim, trong phần lớn trường hợp, phụ thuộc vào độ lôi cuốn của một (hoặc vài) nhân vật chính yếu. Nói đơn giản, một bộ phim vĩ đại ắt hẳn phải sở hữu ít nhất một nhân vật đáng nhớ sâu sắc.
Đừng quên những hình ảnh biểu tượng
Yếu tố cuối cùng mà chúng ta sẽ bàn đến hôm nay là biểu tượng, hay những ẩn dụ. Bạn đã xem hay đọc The Great Gatsby chưa? Tiểu thuyết gốc cùng tên của F. Scott Fitzgerald có thể được xem là áng văn bậc thầy về nghệ thuật ẩn dụ, khi nó thâu tóm những vấn đề nổi cộm nhất của thời đại vào trong một vài chi tiết nhỏ mà độc giả rất dễ bỏ qua. Ánh sáng màu xanh nơi cuối chân trời là gì? Đôi mắt trên tấm biển quảng cáo là sao? Hay tự thân Gatsby phải chăng cũng là một ẩn dụ? Nếu bạn hiểu hết được dụng ý của Fitzgerald trong The Great Gatsby, hãy tự hào vì bạn đã lĩnh hội một trong những gì tinh túy nhất của nền văn học Mỹ thế kỷ XX đấy.
Trong văn chương và điện ảnh, một chiếc ghế, chiếc bàn vô tri vô giác cũng có thể là biểu tượng cho một khái niệm lớn lao. Chẳng hạn, cái chi tiết lò gạch trong truyện Chí Phèo, bạn có chắc nó chỉ là một cái lò gạch đơn thuần không? Không bao giờ. Tương tự, đôi khi một bữa ăn chỉ là một bữa ăn, nhưng trong con mắt của nhà làm phim, bữa ăn phải lột tả được một điều gì đó bởi tự thân cảnh ăn uống đã tẻ nhạt tới nỗi chẳng ai muốn quay nó cả.
Một người đàn ông có thể điềm nhiên ngồi ăn với kẻ thù ở một nhà hàng Ý, lẻn vào phòng vệ sinh rút khẩu súng lục được gài sẵn và nã thẳng vô mặt mấy thằng khốn nạn vì dám bắn cha anh trước đó - như những gì Michael Corleone đã làm trong The Godfather.
Cảnh ăn uống của Michael trở nên đắt giá bởi tính biểu tượng nó mang trong mình, đánh dấu cột mốc cho thấy sự chuyển biến (đúng hơn là biến chất) của cậu quý tử nhà Corleone, người trước đó không hề muốn dính dáng vô “chuyện làm ăn” của gia đình nhưng sau cùng vẫn trót nhúng chàm. Đó là chiến công đầu tiên khơi mào cho hàng loạt tội ác của Mike sau này. Do đó, lần tới bạn xem phim mà thấy các nhân vật rủ nhau đi ăn, hãy để tâm vì thường họ sẽ nói những điều khá mơ hồ nhưng đầy dụng ý đấy.
Lời kết
Mặc dù đã đề cập tới khía cạnh cảm xúc ngay đầu nhưng tôi nghĩ vẫn cần lưu tâm lại lần nữa. Sau cùng, sau tất thảy những điều tôi đã viết phía trên, một bộ phim hay phải có tiềm năng khơi dậy sự đồng cảm ở khán giả. Để làm được điều đó, nó phải thoát ly khỏi màn ảnh, cho người xem cảm giác như họ đang trải nghiệm mọi thứ cùng nhân vật. Họ quên mất rằng họ đang xem một bộ phim.
Tôi nhớ mình từng đọc được đâu đó câu nói về một triết gia khi được hỏi thế nào là một cuốn sách hay đã trả lời thế này: “Tôi không biết. Tôi không thể kháng cự trước ham muốn lật sang trang để biết điều gì xảy ra tiếp theo.” Tôi nghĩ trong điện ảnh cũng vậy, thường thì mấy bộ phim hay đâu có cho ta thì giờ để ngồi phân tích tỉ mỉ từng chi tiết, bởi phần lớn thời gian câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh hút mắt ta như thỏi nam châm.
Đó là thứ mà chỉ những bộ phim hay mới làm được, và cũng là dấu hiệu dễ nhất để nhận biết chúng. Việc đọc một tác phẩm điện ảnh, thường sẽ được để dành cho những lần xem sau. Suy cho cùng, một bộ phim không đáng xem lần hai thì dẫu có hay, cũng chỉ là một nửa của hay thôi.