Có lẽ bạn từng nghe được đâu đó câu nói “Diễn xuất là hành xử chân thực trong những hoàn cảnh tưởng tượng”. Đó là phương châm của bậc thầy diễn xuất huyền thoại Sanford Meisner, người đã sáng lập ra một kỹ thuật diễn xuất mang tên mình. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá cách tiếp cận Kỹ thuật Meisner—và xem nó có gì đặc biệt nhé. 

Ảnh: ICA

Kỹ thuật Meisner là gì? 

Kỹ thuật Meisner là một phương pháp diễn xuất được phát triển bởi Sanford Meisner, diễn viên sân khấu và giáo viên diễn xuất người Mỹ. Phương pháp của Meisner nhấn mạnh ba yếu tố trong diễn xuất: chuẩn bị tinh thần, các bài tập lặp lại và khả năng ứng biến. Nhiều diễn viên huyền thoại của Broadway và Hollywood nổi tiếng sử dụng kỹ thuật Meisner như Gregory Peck, Alec Baldwin, Anthony Hopkins, Jack Nicholson, James Gandolfini, Tom Cruise,... 

Lịch sử của kỹ thuật Meisner 

Sanford Meisner, giáo viên diễn xuất huyền thoại ở New York, đồng thời là người sáng tạo ra kỹ thuật Meisner, đã phải đợi rất lâu để thành lập nên nhà hát đầu tiên và duy nhất của mình. Khi cánh cửa của Trung tâm Sanford Meisner mở ra vào năm 1955, Great Theatre đã bước sang thập kỷ thứ tám của cuộc đời. Vẫn đam mê hơn bao giờ hết, Meisner quyết tâm biến nhà hát sáu mươi chỗ ngồi thành một địa điểm sôi động, nơi các sinh viên của Meisner có thể giao lưu với các nghệ sĩ khác, trao đổi về tư tưởng nghệ thuật và tiếp nối những màn trình diễn xuất sắc. 

Sinh năm 1905 và lớn lên ở Brooklyn, New York, Sanford Meisner tốt nghiệp trường Erasmus Hall năm 1923 và theo học tại Học viện Âm nhạc Damrosch (nay là Juilliard). Vài năm sau tốt nghiệp, ông chuyển sang theo đuổi diễn xuất vì cảm thấy đây mới chính là lý tưởng đời mình. 

Năm 1931, một nhóm diễn viên trẻ nhiệt thành, gồm Meisner, Stella Adler, Lee Strasberg và Harold Clurman, cùng nhiều người khác, thành lập nên Group Theatre. Họ được truyền cảm hứng bởi thứ gọi là method acting, bắt nguồn từ phương pháp diễn xuất của Konstantin Stanislavsky, du nhập vào Mỹ và trở nên nổi tiếng. 

Năm 1933, Meisner trở nên chán nản với method acting thuần tuý. “Các diễn viên không phải là chuột lang để bị thao túng, mổ xẻ, chưa kể nhiều thứ chuyện tiêu cực khác. Cách tiếp cận của chúng tôi không hữu cơ, nghĩa là không lành mạnh,” ông viết. Ông cùng bằng hữu là Adler (người nổi tiếng là giáo viên của huyền thoại Marlon Brando) bắt tay vào phát triển một phương pháp mới, nhưng tất nhiên, mọi thành tựu lớn lao đều không đến một sớm một chiều, bởi vậy, ông tiếp tục gắn bó với Group Theatre cho tới khi nó sụp đổ vào năm 1941, đồng thời đứng đầu Bộ phận Kịch nghệ tại The Playhouse. 

Meisner rời The Playhouse vào năm 1958, chuyển đến Los Angeles để gia nhập đội ngũ quản lý tại 20th Century Fox, thi thoảng vẫn góp mặt trong một số tác phẩm điện ảnh. Năm 1985, Meisner và James Carville đồng sáng lập Trường Diễn xuất Meisner/Carville trên Đảo Bequia ở Tây Ấn. Sau đó, họ mở rộng trường học đến Bắc Hollywood, California cùng với Martin Barter. 

Năm 1987, một cuốn sách với tựa đề Sanford Meisner on Acting ra đời, phác thảo triết lý của Meisner về đào tạo diễn viên. Năm 1995, Meisner, Carville cùng Barter mở Trung tâm Nghệ thuật Sanford Meisner, sau đó trường học và nhà hát được hợp nhất để tạo nên Trung tâm Sanford Meisner. 

Ba nguyên tắc của kỹ thuật Meisner 

Kỹ thuật Meisner có ba thành phần quan trọng như sau. 

#1. Chuẩn bị về mặt cảm xúc. Quá trình đào tạo Meisner yêu cầu diễn viên nhập cảnh một cách đầy cảm xúc bằng cách dựa trên trí tưởng tượng hoặc trải nghiệm thực tế để tiếp cận trạng thái cảm xúc của nhân vật. Sau đó, các diễn viên nên tập trung vào bạn diễn trong cảnh và hành vi bản năng của con người để thúc đẩy các hành động trong cảnh. 

Sanford Meisner tin rằng bất kỳ diễn viên nào sử dụng kỹ thuật Meisner đều có nghĩa vụ phải chuẩn bị kỹ lưỡng để sắp xếp cuộc sống theo thứ mà ông gọi là “hoàn cảnh tưởng tượng”. Ví dụ, những diễn viên Meisner không “giả vờ” buồn bã, họ thực sự đang buồn bã, một sự khác biệt tinh tế nhưng rất quan trọng để kích động cảm xúc chân thực khi diễn xuất. 

Tất nhiên, vì mỗi chúng ta đều có những trải nghiệm hạn chế về những cảm xúc nhất định nên diễn viên cũng phải tưởng tượng, hay nói cách khác, sáng tạo ra những cảm xúc. Đây chính là chìa khóa để chuẩn bị về mặt cảm xúc. 

#2. Sự lặp lại. Bài tập lặp lại là một phần quan trọng và được biết đến nhiều nhất của lớp Meisner. Bài tập này, được gọi là “Trò chơi lặp lại từ”, đặt hai diễn viên đối diện nhau. Một diễn viên đưa ra nhận xét về bạn diễn của họ, sau đó người này lặp lại câu nói đó. Sự lặp lại cuối cùng sẽ nhường chỗ cho những quan điểm khác nhau (“Tôi đang đứng cạnh bạn” trở thành “Bạn đang đứng cạnh tôi”) và xây dựng cuộc đối thoại tự nhiên, ngẫu hứng và kết nối tập trung giữa các đối tác trong cảnh. Đây chỉ là bài tập cơ bản để khởi động, giúp diễn viên điều chỉnh cảm xúc của chính mình và học cách khai thác chúng như một công cụ để diễn xuất. Mục đích của nó là giúp diễn viên không bị phụ thuộc vào kịch bản mà học cách tập trung vào cảm xúc và bạn diễn của mình. 

#3. Ứng biến. Mọi sự chuẩn bị đều nhắm tới sự ngẫu hứng và khả năng ứng biến linh hoạt trong biểu diễn. Meisner rao giảng rằng một diễn viên không nên đưa ra bất kỳ hành động nào cho đến khi có điều gì đó kích động họ, từ đó biện minh cho hành vi của họ. 

*Bạn có thể tham khảo bài tập lặp lại của Kỹ thuật Meisner tại đây. 

Ưu và nhược điểm của kỹ thuật Meisner 

Kỹ thuật Meisner rất phù hợp để tạo ra các nhân vật hiện đại, tự nhiên trên sân khấu và màn ảnh. Phương pháp của Meisner phát huy tốt nhất nếu diễn viên có thời gian thử nghiệm nhiều lần hoặc trực tiếp tập luyện với các diễn viên Meisner khác. 

 

Hãy diễn trước khi bạn nghĩ – bản năng của bạn chân thật hơn nhiều với suy nghĩ của bạn. 

— Sanford Meisner 

 

Ngoài ra, kỹ thuật Meisner không quá đòi hỏi trong cách tiếp cận. Những diễn viên tập sự vẫn có thể nắm bắt được nguyên lý của phương pháp này. Các học viên của Meisner cũng nói rằng kỹ thuật này cho phép họ diễn xuất chân thực và ứng biến tốt hơn. 

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù kỹ thuật Meisner cho ra màn trình diễn rất chân thực khi đóng các nhân vật đương đại, nhưng nó không phát huy được tác dụng trong vở kịch cổ điển. Quan điểm “một diễn viên không làm bất cứ điều gì cho đến khi có điều gì đó bắt họ làm” cũng được cho là cách tiếp cận thụ động, kém linh hoạt

Lời kết 

Các diễn viên sử dụng kỹ thuật Meisner tìm thấy sự tự do trong việc tưởng tượng và thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật trên sân khấu. Nếu làm tốt, nó sẽ ngốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức, nhưng thành quả là vô song. Mỗi diễn viên đều có đời sống tâm tư tình cảm riêng, bất kỳ ai khai thác được dòng chảy ấy sẽ trở thành tâm điểm, và nghĩ thử xem, diễn viên nào trong đời lại không ước muốn như thế cơ chứ.