Alfred Hitchcock chưa bao giờ nhận giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất xuyên suốt sự nghiệp vĩ đại kéo dài hơn nửa thế kỷ của mình, nhưng chắc chắn là một trong những đạo diễn được tôn sùng và bị bắt chước nhiều nhất lịch sử điện ảnh. 

Ảnh: Silver Screen Collection / Getty Images

Được mệnh danh là “bậc thầy hồi hộp”, di sản điện ảnh của Alfred Hitchcock là vô tiền khoáng hậu. Xuyên suốt sự nghiệp lừng lẫy kéo dài hơn sáu thập kỷ, ông đã tạo ra hơn 50 bộ phim truyện, nhiều trong số đó tới nay được nhìn nhận như một phần bất di bất dịch trong lịch sử điện ảnh. 

Ảnh: Albert Watson 

Giống như nhiều nghệ sĩ vĩ đại, danh tiếng của Hitchcock như một đạo diễn thượng hạng càng trở nên mùi mẫn hơn qua thời gian. Ông sinh ngày 13 tháng Tám năm 1899, trong một gia đình làm nghề bán tạp hoá ở ngoại ô phía đông London. 

Ông từng bày tỏ mong muốn trở thành kỹ sư với mẹ, và thực tế đã đăng ký nhiều lớp học để theo đuổi định hướng này. Tuy nhiên, như nhiều chàng trai trẻ khác, ông sớm thấy mông lung và liên tiếp thử sức nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nghệ thuật, kinh tế và cả chính trị. 

Trở về sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hitchcock lúc này bỗng quan tâm đến viết sáng tạo - một lĩnh vực khá mới mẻ bấy giờ. Ông làm việc như một nhân viên viết quảng cáo trong vài năm, nhận một chân thiết kế thẻ tiêu đề tại một xưởng phim non trẻ, bước chân vào thế giới điện ảnh, không hề hay biết, tên tuổi mình sẽ vang vọng ở chốn đó mãi mãi về sau. 

***

Chàng trai trẻ Hitchcock, như trong suốt cuộc đời, là một mọt phim đích thực và một nhà sưu tầm cần mẫn. “Ý tưởng tới từ mọi thứ,” ông từng quả quyết thế. Khi Hiệp hội Điện ảnh London được thành lập vào năm 1925, Hitchcock là một trong những người gia nhập đầu tiên, tìm tòi tiếp thu như miếng bọt biển. 

Bắt đầu từ những bộ phim câm, Hitchcock sớm thông thạo nghệ thuật kể chuyện chỉ bằng hình ảnh. Thời gian này, ông cũng thử nghiệm nhiều kỹ thuật phức tạp của Liên Xô và phong cách của ông chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những trào lưu thẩm mỹ bấy giờ đang thịnh hàng ở Đức. Ông năng nhặt chặt bị, thay đổi phương pháp của mình theo từng bộ phim khi ông khám phá ra những gì mình phải nói và trau chuốt cách ông muốn nói điều đó. 

© DR

Tất nhiên, phẩm chất nhanh nhạy bẩm sinh cũng góp phần giúp Hitchcock tìm ra cách “thôi miên” người xem. Ông ấy từng giải thích điều này như sau: “Chúng tôi có màn chiếu hình chữ nhật trong rạp và nó phải chứa đầy những hình ảnh liên tiếp. Ý tưởng đến từ đó. Hình ảnh này tiếp nối hình ảnh kia. Công chúng không biết đến cái mà chúng tôi gọi là dựng phim, hay nói toẹt ra là cắt ghép. Chúng trôi qua rất nhanh, đến mức người ta bị cuốn hút bởi nội dung mà họ nhìn thấy trên màn ảnh.” 

Thế rồi khi đã ở phía bên kia sườn đồi sự nghiệp, Hitchcock nhìn lại rồi phân trần. Mỗi lần xem phim của người khác, ông đều bị cám dỗ thử phương pháp của họ, và đôi khi là sao chép nội dung của họ trong vô thức. “Nó không phải là nét đặc trưng của tôi,” ông nói. “Vì vậy, tôi cho rằng tốt nhất là nên để phim của người khác yên.” 

***

Ngoài cương vị một đạo diễn lỗi lạc, Hitchcock còn được biết đến như một tác giả và một “mọt sách” trong suốt cuộc đời. Ông biết cách vận dụng tiểu thuyết vào điện ảnh. Ông từng nói bản thân không thể không tưởng tượng khi đọc sách, coi nó như một bài tập, điều ít nhiều lý giải cho sức hình dung đáng kinh ngạc của đạo diễn này. 

© Herbert Dorfman//Getty Images

Di sản của Hitchcock chủ yếu được định đoạt bởi những đổi mới tiên phong của ông trong “từ điển điện ảnh”, chẳng hạn như thuật ngữ “búp bê thu phóng” - một kỹ thuật quay ông phát triển trong bộ phim Vertigo - khi tầm nhìn ống kính được phóng to và thu nhỏ đồng thời. Điều này chuyển tải cảm giác mất phương hướng và trạng thái chếnh choáng để chân thực hoá trải nghiệm hãi hùng của nhân vật. Kỹ thuật này xuất sắc tới mức các thế hệ đạo diễn sau này vẫn không ngừng ca ngợi nó, đặc biệt là Steven Spielberg, người đã sử dụng nó để tạo ra Jaws (Hàm cá mập). 

Tương tự, những kỹ thuật biên tập phim của Hitchcock cũng bị vô số hậu bối lấy làm mẫu mực. Trong cuộc trò chuyện với Bryan Forbes, Hitchcock tiết lộ rằng ông là hạn chế sử dụng các từ mô tả khi xây dựng kịch bản: “Không có bất kỳ hình thức mô tả nào—không có chuyện ‘anh ấy thắc mắc’, bởi bạn không thể chụp ảnh ‘anh ấy thắc mắc’.” 

***

Hitchcock luôn quả quyết rằng ông làm phim về những thứ khiến ông sợ hãi nhất, và đó đích thực là lý do tại sao khán giả phản ứng rất thật với những cơn ác mộng mà ông đem tới.

Psycho, bộ phim nổi tiếng nhất của Hitchcock, được xem là tượng đài của dòng phim kinh dị. Courtesy of Paramount Pictures

Ông là người sợ hãi cảnh sát suốt cuộc đời, và những trải nghiệm thời thơ ấu với lũ cớm thôi thúc ông lục lọi sâu hơn vào từng ngõ ngách trong tâm trí kẻ phạm tội. Các cuộc điều tra của Hitchcock về các hiện tượng như bệnh tâm thần và xu hướng tình dục bị kìm nén (tiêu biểu nhất là Psycho) đã định hình dòng phim kinh dị theo nhiều cách khác nhau. 

 

“Nỗi sợ hãi không quá khó hiểu. Rốt cục chẳng phải chúng ta đều sợ hãi hồi nhỏ đấy sao? Mọi chuyện vẫn thế kể từ khi cô bé quàng khăn đỏ chạm mặt con sói lớn xấu xa. Điều này chúng ta sợ hãi hôm nay cũng chính là điều ám ảnh ta hôm qua. Nó chỉ là một con sói khác. Nỗi sợ hãi phức tạp này bắt nguồn từ mỗi cá nhân.” 

 

Giống như bậc thầy Balzac của văn học, Alfred Hitchcock đã để lại một di sản khổng lồ, tạo ra nhiều kiệt tác vô song nhưng không có duyên với giải thưởng. Ông chưa bao giờ giành được giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng lại là đạo diễn được tôn sùng và được nghiên cứu bậc nhất lịch sử. Tuy nhiên, những thứ mà ông để lại là quá đủ với hai chữ “tượng đài.”