Ảnh: Netflix

*

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các biên kịch là tạo ra các nhân vật hấp dẫn tới nỗi khán giả sẵn lòng tha thứ cho nhiều hành động đáng trách của họ và vẫn ủng hộ họ vào cuối phim—nhiệm vụ mà các loạt phim nổi tiếng như Breaking Bad, Mad Men hay Better Call Saul đã hoàn thành xuất sắc (hoặc trên cả xuất sắc, nếu có thể nói quá.) Những tượng đài như Walter White, Don Draper hay Saul Goodman hoặc Tony Sopranos—là kiểu mẫu cho những nhân vật như vậy—mà chúng ta vẫn thường gọi là anti-hero. 

Anti-hero (phản anh hùng) là một ẩn dụ xa xưa từ thời của các vở hài – bi kịch của nhà hát Hy Lạp. Nói đơn giản, phản anh hùng là nhân vật chính nhưng khiếm khuyết những nét đặc trưng “anh hùng”, chẳng hạn như chủ nghĩa yêu nước, lòng khoan dung, v.v. 

Không giống như những anh hùng truyền thống—tốt bụng, ngay thẳng, dũng cảm—phản anh hùng thường có những thiếu sót về mặt đạo đức. Và công thức phổ biến được các biên kịch Hollywood ưa chuộng để tạo ra một phản anh hùng là: quá khứ cơ cực (hoặc bí ẩn, có lẽ); tài năng hơn người (hoặc khác người); nghiện thuốc lá, bia, rượu, v.v. và cuối cùng là ngoại tình. 

Humphrey Bogart rất phù hợp với những vai anti-hero.

Sự phổ biến của phản anh hùng lên xuống theo từng giai đoạn lịch sử. Gần đây nhất, họ bắt đầu trỗi dậy với dòng phim Viễn Tây và phim noir ở Hollywood vào khoảng những năm 1940. Maltese Falcon do Humphrey Bogart đóng chính, chắc chắn rồi. Sự đen tối trên màn ảnh phản ánh thực tế mà người Mỹ đang phải đối mặt. Thời đại hoàng kim, thời của Giấc mơ Mỹ, thời của “thế hệ lạc lối”—như cách nói của Fitzgerald—đã qua. 

Trong vài thập kỷ tiếp, nhân loại lần lượt chứng kiến Phong trào Dân quyền nở rộ, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Lạnh, hai vụ ám sát tổng thống và Chiến tranh Việt Nam leo thang—tất cả tạo nên một bức tường chặn giữa người dân và chính phủ Mỹ. Bối cảnh này quá hoàn hảo để tạo ra nhân vật không hoàn hảo: nhiều cây bút ẩn dật bắt đầu “thổi hồn” cho những nhân vật “đời thường” nhất có thể, với những mối lo cơm áo gạo tiền luôn vây bủa, những hoá đơn tới hạn, những đoạ đày trước cuộc sống. 

Vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi Walter White ( thuộc series Breaking Bad)—một giáo viên trung bình ở Mỹ, có cuộc sống trung bình như một người Mỹ, mắc ung thư phổi và không thể kham nổi các hoá đơn y tế trung bình của người Mỹ—lại giành được sự cảm thông của chúng ta. 

Là khán giả, ta tự thấy mình có lý khi đứng về phía White, dù ta biết lão thầy dạy Hoá này chế tạo ma tuý cùng cậu học trò và đầu têu hàng loạt hành động đáng lên án. Là một con người bình thường, ta thất vọng với những điều tương tự trong cuộc sống của White: lương bèo bọt, thuốc thang đắt đỏ, học phí leo thang. Khi ta thấy những người như White đang nặng gánh hai vai, ta không chỉ thấy một nhân vật, ta thấy chính mình. Anh hùng khiến ta mến mộ, nhưng phản anh hùng khiến ta đồng cảm. 

Breaking Bad là một loạt phim toàn "người xấu" nhưng khiến người xem không thể rời mắt. 

Theo Tiến sĩ H. Eric Bender, một giải thích khác cho việc chúng ta bị thu hút bởi những nhân vật phản anh hùng vì, giống như chúng ta, họ phức tạp về mặt đạo đức. Những anh hùng như Superman, Captain America tạo ra những kỳ vọng viển vông, họ giống như những vị Thánh dưới lốt siêu anh hùng. Tại sao Superman (Clark Kent), một nhân viên văn phòng bình thường lại đi giải cứu thế giới? Động cơ của gã là gì? Có thể gã sẽ nói sứ mệnh đời gã là bảo vệ Trái Đất, diệt trừ cái xấu, cứu vớt trẻ mồ côi, cưu mang gái goá giải cứu gái tân, v.v. nhưng người xem đã phát ngán với những câu chuyện “hiệp sĩ” từ thời Don Quixote như thế rồi.

Các anh hùng luôn chiến đấu vì một đức tin vĩ đại, chính điều đó làm khán giả khó kết nối với họ hơn. Chúng ta không hiểu họ, hoặc đúng hơn, họ không có nhiều để cho ta hiểu. Ngược lại, phản anh hùng tập trung vào động cơ cá nhân của họ trước tiên, còn mọi thứ khác là thứ yếu. Ồ, tôi đã cứu cô ả ấy, nhưng đấy chẳng phải lòng trắc ẩn hay gì đâu, ả sống thì sẽ có lợi cho tôi hơn thôi. Phản anh hùng luôn mâu thuẫn, nhưng con người vốn thích mâu thuẫn. 

Deadpool là một trong những anti-hero được yêu thích nhất Marvel. 

Sau cùng, có lẽ ta thích những phản anh hùng vì tò mò điều gì sẽ đến với họ. Phản anh hùng không phải là một thiên cổ tích: nhân vật chính vật lộn với lũ người xấu, đạp phăng mọi trở ngại rồi lui về sống thảnh thơi bên người tình tóc vàng nóng bỏng hay trồng rau nuôi cá ở miền quê. Trong nhiều trường hợp, kết cục của nhân vật phản anh hùng sẽ diễn ra theo hai hướng sau: hoặc gã được cứu rỗi, hoặc gã phải đền tội. Tất nhiên gã có thể vừa được cứu rỗi vừa phải đền tội, có thể cái chết là phần thưởng cho gã.  

Có lẽ ta cần một ví dụ. Kết cục của Jay Gatsby trong Đại gia Gatsby, là một sự đền tội. Tội của Gatsby là gì? Một tên khố rách áo ôm dám tơ tưởng một tiểu thư đài các, một tên tội phạm làm giàu phi pháp, một con người nuôi mộng lặp lại quá khứ. Đúng như tinh thần của một thiên bi kịch, Fitzgerald đã “tặng” Gatsby một cái kết bi thương, tới mức nhân vật Nick Carraway—hiện thân của Fitzgerald—phải thốt lên rằng, “Cả lũ ấy gộp lại cũng không bằng ông đâu!”; còn Trịnh Lữ, dịch giả cuốn sách, thì phải phi ngay ra ngoài quán bia làm một chầu “cho bõ tức”. 

Sự cứu rỗi hay hình phạt? Tôi không chắc, nhưng tôi thực sự tin rằng chúng ta không muốn cái xấu tiếp tục hoành hành. Chúng ta muốn phe thiện sẽ chiến thắng, dù chiến thắng ở đây chỉ nằm trong phạm vi cá nhân, khi nhân vật phản anh hùng được cứu chuộc. Chúng ta không muốn chứng kiến sự diệt vong, sự tha hoá—chúng ta hi vọng ánh sáng nơi cuối đường hầm. Trong thâm tâm, con người luôn tin vào, thứ mà như câu nói của Oscar Wilde: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai.”