Vào năm 33 tuổi, Henry Ford, lúc này đang làm việc tại một công ty chế tạo máy, nhận được một lời đề nghị hấp dẫn. Ông chủ đề bạt Ford lên một vị trí cao hơn, với điều kiện phải từ bỏ đam mê ô tô của mình. 

Hành trình gây dựng nên đế chế xe hơi Ford bắt đầu từ giây phút người nhân viên đó nói “Không” và bước ra khỏi phòng. Kiên quyết theo đuổi đam mê chế tạo ô tô, đến cha của Ford còn không tin con trai mình sẽ thành công. 

Và phần còn lại lịch sử. Câu chuyện của Henry Ford ẩn chứa nhiều bài học kinh doanh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và được nhiều doanh nhân học tập theo. Nhưng chỉ bắt chước người hùng thôi là chưa đủ, chúng ta còn muốn nghĩ được như anh ta nữa. 

Và nếu bạn tò mò muốn biết người hùng Henry Ford đã tư duy khác biệt ra sao, bài viết này dành cho bạn. 

Henry Ford, nhà sáng lập Công ty Ford Motor, được mệnh danh là "vua xe hơi Mỹ"

#1. Quan điểm về kinh doanh 

 

“Một doanh nghiệp chỉ tạo ra mỗi tiền là một doanh nghiệp nghèo nàn.” 

— Henry Ford

 

Trong thời kỳ đầu của công nghiệp xe hơi, các công ty chỉ tập trung bán hàng kiếm tiền hơn là xây dựng mối quan hệ với khách hàng.

 

“Cũng đáng ngạc nhiên không kém là dường như không ai quan tâm nhiều đến việc làm sao để sản xuất tốt hơn mà chỉ cần đảm bảo làm gì cũng phải có lợi nhuận và kiếm được tiền.

 

Nói cách khác, sản phẩm làm ra rõ ràng chẳng quan tâm mấy đến mục đích phục vụ công chúng mà chỉ cần làm sao có thể kiếm được nhiều tiền và không ai cần biết đã làm khách hàng vừa lòng chưa. Chỉ cần bán được hàng là đủ. Người ta không lo rằng những khách hàng không vừa ý sẽ mất lòng tin vào sản phẩm của mình mà chỉ thấy điều đó thật phiền toái, hay thậm chí nhờ vậy họ lại có thể kiếm thêm tiền từ các việc sửa chữa, chỉnh sửa - những việc mà lẽ ra họ đã phải làm ngay từ đầu.”

— Trích “Henry Ford: Cuộc Đời Vả Sự Nghiệp Của Tôi”

 

Ford, ngược lại, tiên phong chiến lược kinh doanh tập trung vào cải thiện sản phẩm, nâng cao dịch vụ và tạo lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng. 

Kinh nghiệm giúp Ford hiểu rõ việc bán một chiếc xe hơi chỉ là khởi đầu của mối quan hệ với người mua, vì  vậy ông đã thêm khái niệm “dịch vụ hậu mãi” vào từ điển kinh doanh. 

Ford tin rằng một doanh nghiệp không nên chỉ là một cỗ máy kiếm tiền, mà nó nên cung cấp thứ gì đó để làm cho cuộc sống tốt hơn, và nếu đạt được điều này, “lợi nhuận sẽ tự động chảy tới.”

#2. Quan điểm về sản xuất 

Cũng như Sam Walton cùng chuỗi siêu thị Wal-Mart hay tỷ phú dầu mỏ John Rockefeller với câu chuyện “một giọt” kinh điển, Ford phát hiện ông có thể lãi nhiều hơn nhờ bán nhiều sản phẩm với giá thấp hơn là bán số lượng ít với giá cao. 

Vào những năm 1909-1910, những chiếc Model T trị giá 950 đô la. Mười năm sau, giá chỉ còn 355 đô la. Tại sao lại thế? 

Đơn giản thôi, Ford ghét cay ghét đắng ý tưởng tăng giá xe lên cao hết mức có thể. 

Trong suốt những năm điều hành, chiến lược của Ford luôn là định giá dựa trên chi phí sản xuất. Có nghĩa là, nếu các nhà máy của ông có thể hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí hơn thì khách hàng sẽ được lợi. 

Nếu bạn có thể bán một sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ thông qua các phương pháp sản xuất hiệu quả, “bạn sẽ đáp ứng một nhu cầu lớn đến mức có thể gọi là phổ quát”, Ford viết. 

#3. Quan điểm về lương bổng 

Trong tư duy của Henry Ford, lương bổng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và quan niệm của ông về tiền lương là rất độc đáo. 

Năm 1914, Ford công bố chương trình 5 đô la một ngày, giảm giờ làm việc từ 9 xuống 8 giờ mỗi ngày và lương tối thiểu tăng từ 2,34 đô la lên 5 đô la đối với những công nhân làm việc tốt. 

Năm 1926, Ford đưa ra chính sách tuần làm việc 5 ngày, 40 giờ, và ông cũng là cha đẻ của khái niệm “ngày nghỉ cuối tuần”. Đằng sau đó là cả một âm mưu tinh vi, một hình thức bóc lột “ngọt ngào” mà Ford được tham mưu trước đó bởi James Couzens. 

Theo đó, chính sách tăng lương giảm giờ làm của Ford không chỉ là động thái nhằm ngăn chặn những cuộc đình công, mà còn là cách khuyến khích công nhân chi tiêu nhiều hơn. 

 

“Có nhiều thời gian rảnh, mọi người sẽ muốn mua thêm quần áo. Họ sẽ ăn nhiều đồ ăn ngon hơn. Và họ cần nhiều phương tiện di chuyển hơn."

 

Bằng cách treo “một củ cà rốt lơ lửng trước mũi những con thỏ”, tiền lương trả cho công nhân cuối cùng lại về túi Ford qua việc người lao động chi tiêu nhiều hơn, và họ có thể mua chính ô tô của hãng. 

“Lương cao cho phép người lao động tập trung hơn, vì họ biết gia đình họ được chăm sóc tử tế. Lương cao còn cho phép họ trở thành khách hàng, không chỉ của chính hãng Ford, mà còn của các hàng hóa và dịch vụ khác, giúp cho nền kinh tế phát triển”, Ford viết.  

Trong vài thập kỷ kế tiếp, chính sách tuần làm việc 5 ngày lan rộng và trở nên phổ biến với toàn bộ các nước châu Âu. Các ông chủ giới hạn thời lượng làm việc của công nhân xuống chỉ còn 40 giờ/tuần, và đều được nghỉ thứ 7, Chủ Nhật. 

Đây chính xác là những gì chúng ta đang được hưởng ngày nay: mỗi tuần làm việc 5 ngày, kèm thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần. 

Xét riêng về mặt kinh tế, con người được nghỉ ngơi sẽ chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đồng thời đẩy mạnh năng suất lao động. 

#4. Quan điểm về tuyển dụng 

Phương pháp tuyển dụng của Ford rất khác người. 

Ông chẳng muốn tìm hiểu gì nhiều về những người công nhân ngoài tên tuổi, tình trạng hôn nhân, và liệu họ có sẵn sàng làm việc ngay hay không. Không biết tiếng Anh hay có tiền án tiền sự cũng chẳng phải chuyện to tát. 

Ngoài ra, Ford không mấy mặn mà với các chuyên gia. Công ty không thuê “chuyên gia” vì thường họ chỉ biết những điều không thể làm được. Ford, ngược lại, thích những kẻ “ngốc nghếch” sẵn sàng tiếp thu cái mới trong xử lý công việc. 

Đặc biệt, người mù, câm và điếc, người cụt tay, cụt chân – tất cả đều có thể làm việc cho Ford với mức lương ngang bằng với những người lành lặn khác. 

 

“Tôi nghĩ rằng một công ty thực sự là một công ty chỉ khi nó hoàn thành trách nhiệm của mình, trong đó, đội ngũ lao động của công ty chính là một bộ phận tiêu biểu cho xã hội nói chung.” 

— Trích “Henry Ford: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Tôi”

 

Giờ đây, quan điểm tiến bộ này rất phổ biến, nhưng vào những năm 1920, điều này rất khó chấp nhận và có phần “điên rồ”. 

#5. Quan điểm về từ thiện 

 

“Hoạt động nhân đạo nào dành thời gian và tiền bạc giúp đỡ thế giới làm được nhiều việc hơn cho chính mình sẽ tốt hơn rất nhiều so với loại hoạt động từ thiện chỉ đơn thuần cho đi những vật phẩm cụ thể để giúp đỡ con người và do đó, tạo điều kiện cho sự lười biếng phát triển.” 

— Trích “Henry Ford: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Tôi”

 

Cá nhân Ford đã từng kiểm nghiệm một trường dạy nghề, tổ chức vốn được xem là từ thiện, liệu có thể tự đứng trên đôi chân của mình hay không. Câu trả lời là có. Nó hoàn toàn có thể làm được. 

Trong sách, Ford viết: “Sự từ thiện là không cần thiết ở những nơi người ta vẫn còn khả năng tự lực cánh sinh.” Henry Ford có vẻ như chung quan điểm với Benjamin Franklin về việc này, rằng cho tiền một người đàn ông không thể so với việc dạy anh ta một ngón nghề, thứ mà anh ta phải tự vận động và sau đó, sử dụng những gì đã học để kiếm sống. 

Đó là động lực thôi thúc Ford thành lập Trường Dạy Nghề Henry Ford vào năm 1916. Ông tuyển chính những nhân viên cốt cán của mình làm giáo viên, và trao cho các học sinh cơ hội được học tập, rèn giũa kỹ năng tới độ “thạo nghề” và có thể kiếm sống ngay sau khi ra trường. Đó có thể coi là tiền thân của các trường cao đẳng dạy nghề ngày nay. 

Vài nét về “vua xe hơi” Henry Ford 

Henry Ford (1863 – 1947) là người sáng lập Công ty Ford Motor. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng sản xuất theo mô hình dây chuyền lắp ráp vào sản xuất ô tô. 

“Thời đại Ford” đã mở ra cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới, ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế và xã hội thế kỷ XX tới mức sự phối hợp giữa sản xuất hàng loạt, tiền lương cao và giá thành sản phẩm thấp đã được gọi là “Chủ nghĩa Ford”. 

Đã có thời điểm Henry Ford đứng trong danh sách 3 người giàu nhất thế giới. Trước khi qua đời vào năm 1947, Henry Ford để lại hầu như toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Ford, nhưng vẫn thu xếp để gia đình ông mãi giữ được quyền quản lý công ty.