Hành trình tạo dựng đế chế của Giannini cũng như câu chuyện đời ông chắc chắn sẽ thu hút những doanh nhân, bạn trẻ, nhà quản trị thương hiệu và bất cứ ai khác, bất cứ ai khao khát nghe kể những câu chuyện làm giàu tự thân bằng tài năng, tinh thần làm việc chăm chỉ, không quên kèm thêm đó là chút gia vị của sự may mắn. 

Amadeo Giannini là ai? 

Đầu xuân năm 1870, hai vợ chồng Luigi Giovanni và Maria Virginia De Martini đặt chân tới San Jose, California sau quãng đường dài gần 10.000 cây số từ ngôi làng nhỏ Acereto, nước Ý. 

Chỉ vài tháng sau đó, cậu bé Amadeo Pietro Giannini cất tiếng khóc chào đời vào ngày 6 tháng 5. Có lẽ Luigi và Maria cũng không ngờ rằng đứa bé đang nằm trong nôi kia, thiên thần nhỏ bé của ông bà, sau này sẽ khai sinh ra ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và giúp mảnh đất California trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Câu chuyện về một người Ý nhập cư sáng lập nên Ngân Hàng Hoa Kỳ 

Ngân hàng mà Giannini kiến tạo nên chính là Bank of America (Ngân hàng Hoa Kỳ), và ông đã nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trong suốt gần 30 năm cho tới khi nghỉ hưu. 

Bank of America chính là ngân hàng cho ra mắt thẻ tín dụng đầu tiên trên thế giới với tên gọi BankAmericard, tiền thân của thẻ VISA ngày nay.  

Không có tuổi thơ 

Amadeo Giannini hẳn đã có một tuổi thơ tươi đẹp ở mảnh đất California ngập nắng, nếu như một biến cố lớn không xảy đến vào năm 7 tuổi: cha ông, Luigi qua đời. 

Chỉ trong chớp mắt, bà Maria thành góa phụ và cậu bé Giannini trở thành trẻ mồ côi. Sau cái chết đột ngột của người cha, mẹ ông tái hôn với Lorenzo Scatena, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cuộc đời cậu bé Giannini rẽ sang một chương khác, lần này bối cảnh được đặt tại San Francisco, năm 1882. 

Khi Giannini 14 tuổi (một số tài liệu là 12 tuổi), ông bỏ học và đi làm toàn thời gian dưới trướng cha dượng. Sau đó, nhờ đức tính cần cù bẩm sinh cùng chút tài lẻ, ông bắt đầu gặt hái thành công với tư cách người môi giới sản phẩm cho những nông trại ở Thung lũng Santa Clara. 

Trở thành Giám đốc 

Năm 1892, Giannini kết hôn với Florinda Agnes Cuneo, cũng là con gái của một người Ý nhập cư từ vùng Genoa. Cha vợ ông là Giuseppe, ông chủ giàu có sở hữu công ty North Beach Real Estate. 

Cuộc hôn nhân đưa ông tới một bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của một chàng trai 22 tuổi: trở thành Giám đốc của Columbus Savings and Loan, một công ty mà cha vợ ông là cổ đông lớn do đó có tầm ảnh hưởng đáng kể. 

Đám cưới của Amadeo Giannini vào năm 1892 

Thời điểm đó, các ngân hàng chủ yếu hoạt động vì lợi ích của người giàu, những người có địa vị, quyền lực, tiếng nói trong xã hội và quan trọng nhất là có tiền. Tầng lớp lao động có gốc gác từ Mỹ còn bị ngó lơ, do vậy “ngân hàng” là hai tiếng xa xỉ đối với những người nhập cư. 

Amadeo Giannini không bao giờ quên mình là người nhập cư, và ông biết nhiều người trong công ty này cũng vậy. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực thuyết phục của vị giám đốc, toàn bộ thành viên khác vẫn nhất quyết khước từ ý tưởng lập một ngân hàng phục vụ người lao động nhập cư, điều mà ông coi là “lỗ hổng thị trường” lúc bấy giờ. 

Giannini đi tới một quyết định táo bạo, dường như đã được đoán trước: rời bỏ chiếc ghế giám đốc và tự thành lập ngân hàng của riêng mình. 

Ngân Hàng Của Người Ý 

“Lỗ hổng” mà Giannini phát hiện ra có thể xem là biểu hiện đầu tiên cho thấy tính nhạy bén với thị trường và quyết định tưởng như điên rồ kia hóa ra lại là bước đầu trong hành trình làm giàu tự thân, qua đó khẳng định tài năng của mình dưới tư cách một doanh nhân tài ba. 

Chúng ta sẽ cần thảo luận đôi chút về tình cảnh nước Mỹ những năm đầu 1900 bấy giờ. Số lượng người nhập cư gia tăng chóng mặt, từng lớp người kéo tới Mỹ – vùng đất của hy vọng và khát khao đổi đời. 

Một số may mắn đến sống ở New York, nhưng những người nghèo hơn, mấy người thợ cá cần lao hay những đám nông phu trốn tù tội thì không.

Họ tới San Francisco. 

Giannini hiểu rõ những người này. Họ làm việc chăm chỉ và biết tiết kiệm tiền của, nhưng kém may mắn. Ông biết là họ không thể trữ tiền trong nhà mãi, họ cần một ngân hàng để gửi tiền cho an toàn. 

Nhưng như đã nói, ngân hàng là dành cho dân nhà giàu da trắng, người Anh-điêng, người Tin Lành. Và ngoài ông ra thì ai có thể nghĩ tới chuyện mở một ngân hàng phục vụ những kẻ bị ruồng bỏ kia cơ chứ? 

Giannini biết ngân hàng phải có một cái tên. Cái tên không cần màu mè. Nó không cần quá khoa trương, mà đơn giản chỉ cần giúp người ta hiểu đây là ngân hàng của họ và phục vụ lợi ích của họ. 

Và với sự giúp đỡ của 143 cổ đông khác, một cái tiệm nhỏ ra đời năm 1904, cùng một tấm biển lớn bên ngoài, đề: NGÂN HÀNG CỦA Ý (BANK OF ITALY). 

"Ngân hàng của người Ý" 

“Ngân hàng của người Ý” nằm ngay đối diện với Columbus Savings and Loan, được thành lập dành riêng cho những “người bạn nhỏ”. Và những người thợ cá Sicilia đến đó gửi tiền tiết kiệm tới mòn cả giày, chẳng khác nào một cái gai trong mắt công ty cũ. Nhưng bất chấp, Bank of Italy vẫn thành công và thành công hơn nữa. 

Cho đến khi… 

2 triệu đô dưới những giỏ trái cây 

Ngày 18 tháng 4 năm 1906, trận động đất tại San Francisco san bằng mọi tòa nhà, nhiều ngân hàng bị thiêu rụi, cướp bóc và hỗn loạn khắp nơi. 

Lần này thì may mắn đã không đứng về phía Giannini, nhưng đó cũng là lúc bản lĩnh của một chủ nhà băng lên tiếng. Giả dạng làm người bán trái cây mang theo một xe ngựa thồ những giỏ cam, ông thoát thân khỏi đám đông hỗn loạn. 

Thảm họa động đất tại California năm 1906 

Dưới vỏ bọc một người bán trái cây, chẳng ai để ý tới Giannini cả. Nhưng tất cả đều không biết, dưới những giỏ cam kia là từng đồng, từng cắc của ngân hàng, với tổng tài sản là 2 triệu đô bao gồm cả vàng, tiền mặt lẫn chứng khoán. 

Giannini đã đẩy chiếc xe “nặng trịch” đó nguyên một quãng đường dài 28 dặm, an toàn về tới nhà của ông tại San Mateo. Thông minh và nghị lực có thừa, Giannini biết rằng chừng nào còn giữ được tiền, ông còn giữ được ngân hàng. 

Đi lên từ đống tro tàn 

Với tấm ván gỗ kê hai chiếc thùng làm bàn làm việc, Giannini mở lại Bank of Italy. 

Nhu cầu vay tiền tăng cao do người dân cần tiền để kiến thiết lại nhà cửa và công việc kinh doanh. Các khoản vay được cấp không hơn một cái bắt tay. Giannini chỉ hỏi họ cần bao nhiêu tiền, khi họ đáp lại, ông sẽ cho họ mượn phân nửa, phân nửa còn lại họ tự kiếm thêm bù vào. 

Bằng cách đó, ông biết rõ họ đủ khả năng chi trả và thật sự muốn kiến thiết công việc làm ăn. Ông luôn tự hào các khoản nợ sau đó đều được hoàn trả đầy đủ và đúng hạn. Nhìn xa hơn, hành động của ông đã thúc đẩy quá trình tái xây dựng và phát triển thành phố.

 

“San Francisco sẽ đi lên từ đống tro tàn.” 

— Amadeo Giannini

 

Bank of Italy dần khôi phục lại vị thế vốn có của nó, thậm chí còn thành công hơn trước khi vụ động đất diễn ra. Họa là quà, trong trường hợp của Giannini thì chúng ta hoàn toàn có thể nói vậy. 

Chuyển mình 

Bank of Italy cứ thế lớn mạnh, lăn nhanh như một quả cầu tuyết, và trở thành ngân hàng duy nhất ở California có mặt ở toàn bang. 

Ngân hàng giờ đây đã vô cùng lớn mạnh, không phải ngân hàng phục vụ riêng ngư dân Sicilia nữa, mà là một ngân hàng của toàn bộ người Mỹ.  Đã đến lúc chuyển mình rồi. 

Năm 1928, Giannini gặp mặt Orra E. Monnette, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Bank of America, Los Angeles (BoA), nhằm thảo luận về sự sáp nhập giữa hai ngân hàng. Giannini đã âm thầm mua cổ phiếu của BoA từ những năm 1920, do đó ông là một cổ đông lớn của ngân hàng. 

Cuộc gặp gỡ đi tới đồng thuận và Bank of America (Ngân Hàng của Mỹ) ra đời. Phát triển như vũ bão, chỉ trong một vài thập kỷ sau đó, nó đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai trên toàn nước Mỹ. 

Dưới vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giannini thông qua hàng loạt dự án tài trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Chính ông đã giúp Walt Disney sản xuất Snow White and the Seven Dwarfs (Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn), xây dựng Golden Gate ở San Francisco,... 

Amadeo Giannini chụp hình cùng Joe Rosenberg và diễn viên Vivian Leigh (thủ vai Scarlett trong bộ phim kinh điển "Cuốn theo chiều gió") 

Làm sống dậy nền kinh tế của cả một tiểu bang Mỹ nhưng Giannini không bao giờ quên cội nguồn của mình. Sau Thế chiến II, ông đã thu xếp các khoản vay để giúp tái thiết lại các nhà máy Fiat bị hư hại ở Ý. 

Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên trên thế giới 

Vào năm 1958, Bank of America cho ra mắt thẻ tín dụng đầu tiên trên thế giới, đặt tên là BankAmericard – Thẻ Ngân Hàng Của Mỹ. Sự kiện này đánh dấu sự khai sinh của thị trường tín dụng trên thế giới ngày nay. 

Một trong những phiên bản đầu tiên của BankAmericard

Lúc này, tín dụng đã lan rộng và không còn giới hạn ở thị trường Mỹ nữa. Một lần nữa, ngân hàng lại cần tái thiết thương hiệu. 

Giannini cùng các cộng sự lại cần một cái tên. Một cái tên thể hiện sự tự do mà mọi người có thể tận hưởng khi giờ đây họ có thể mang tiền đi du lịch bất cứ đâu. Và đoán xem, cái tên mà họ đã nghĩ ra là gì nào? 

Là VISA. 

Ngày nay, VISA chiếm 38% thị phần thẻ tín dụng trên toàn thế giới, thực hiện hơn 62 tỷ giao dịch trị giá 4,4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. 

Từ một “lỗ hổng” tưởng như bé tí ti, vậy mà Amadeo Giannini đã kiến thiết nên cả một đế chế tín dụng. 

Từ một cậu bé bán rong bỏ học năm 12 tuổi (hoặc 14 tuổi, sao cũng được), Giannini đã chiến đấu ngoan cường để trở thành ông chủ của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. 

Ông qua đời năm 1949, thọ 78 tuổi. Ngày nay, ở Favale di Malvaro trong làng nhỏ Acetero, ngôi nhà nông thôn của cha mẹ Amadeo Giannini đã được cải tạo thành một bảo tàng mở cửa tự do cho công chúng nhằm vinh danh gia đình Giannini. 

Amadeo Giannini cùng vợ và con gái 

Cuộc đời Amadeo Giannini là tiêu biểu cho một tấm gương thành công đáng kính phục, một câu chuyện tiểu sử đầy mê hoặc, và theo sau đó là nhiều bài học mà mỗi người đều sẽ tự rút ra cho riêng mình.

Các bài viết khác hay không kém (hoặc hơn)

#1. William Wrigley Jr: Người Đàn Ông Với Những Ý TƯỞNG LỚN Đi Trước Thời Đại. Wrigley không phát minh ra kẹo cao su. Ông cũng chẳng sản xuất chúng, đối tác lo chuyện đó. Việc của ông là bán kẹo cao su, và ông đưa nó lên tầm thượng hạng.

#2. Làm Thế Nào Một Thương Hiệu Lốp Xe Được Xem Là Nhà Phê Bình Ẩm Thực Lớn Nhất Thế Giới? Gordon Ramsay bị tước mất 2 sao Michelin và ông cảm thấy như "mất đi người bạn gái".

#3. Henry Ford: 5 Bài Học Để Tư Duy Khác Biệt Như Ông Vua Xe Hơi Mỹ. Câu chuyện của Henry Ford ẩn chứa nhiều bài học kinh doanh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và được nhiều doanh nhân học tập theo. Nhưng chỉ bắt chước người hùng thôi là chưa đủ, chúng ta còn muốn nghĩ được như anh ta nữa. Và nếu bạn tò mò muốn biết người hùng Henry Ford đã tư duy khác biệt ra sao, bài viết này dành cho bạn. 

#4. Cuộc Đời Vua Dầu Mỏ John D. Rockefeller (Phần 1): Nỗi Ám Ảnh Với Tiền Bạc. Là “một trong hai người quan trọng nhất đóng góp cho việc kiến thiết thế giới hiện đại” như lời H. G . Wells, thế nhưng gần như cả cuộc đời, tỷ phú dầu mỏ John Rockefeller lại bị coi như kẻ phản diện vĩ đại nhất trong giới kinh doanh mà nước Mỹ đã tạo ra.