#1. Được mệnh danh là bà hoàng thời trang Pháp, người đã cai trị thời trang cao cấp Paris trong gần sáu thập kỷ, hiển nhiên Coco Chanel giàu nứt đố đổ vách. Tuy nhiên, khởi đầu của bà lại không mấy êm xuôi: sinh ra trong gia đình nghèo khó vùng nông thôn nước Pháp, mẹ qua đời từ sớm và cha gửi bà vào trại mồ côi.
#2. Sau khi mẹ đột ngột qua đời ở tuổi 32, cô bé Chanel 11 tuổi cùng hai chị em gái của mình được cha gửi đến tu viện Aubazine, nơi điều hành một trại trẻ mồ côi. Đó là những tháng ngày khắc khổ song lại là nơi Chanel được các nữ tu dạy cách may vá, thêu thùa — đặt nền tảng cho sự nghiệp tương lai của bà.
#3. Coco Chanel, cái tên toát lên vẻ sang trọng và quý phái không phải tên thật của nhà thiết kế. Tên khai sinh của bà là Gabrielle Bonheur Chanel. Bà bắt đầu sự nghiệp thời trang dưới tư cách một thợ may. Vào những lúc không phải may vá, bà tới hát cho các câu lạc bộ ở Vichy và Moulins, nơi bà được các sĩ quan kỵ binh tặng cho biệt danh ‘Coco’.
Nhiều người cho rằng cái tên được đặt dựa theo bài hát “Who Has Seen Coco” mà Chanel từng biểu diễn, nhưng cũng có người cho rằng nó bắt nguồn từ “cocotte” trong tiếng Pháp, có nghĩa là một người phụ nữ khó gần.
#4. Cũng chính tại các quán hát, Chanel may mắn gặp gỡ người thừa kế thương hiệu dệt may giàu có tên Étienne Balsan. Dưới sự bảo trợ của ông, một cửa tiệm thời trang nhỏ phục vụ nữ giới tên là Chanel mọc lên giữa lòng Paris vào năm 1910.
Tuy nhiên, cuộc tình của họ kết thúc khi Coco quay sang cặp kè với Arthur ‘Boy’ Capel, một người bạn của Balsan. Điều này chẳng ảnh hưởng mấy vì Capel giàu hơn Balsan là rõ, và thậm chí ông còn chi mạnh tay hơn khi đã tài trợ cho việc mở rộng nhà may Chanel sang lĩnh vực kinh doanh quần áo. Hai cửa hàng Chanel ở Deauville và Biarritz của Chanel đều là từ túi ‘Boy’ Capel mà ra.
#5. Dung lượng một bài blog không đủ để nói hết những mối quan hệ lãng mạn của Coco Chanel, nhưng bà đã lựa chọn không kết hôn trong suốt cuộc đời. Arthur ‘Boy’ Capel, người mà tôi đã nhắc tới phía trên — được cho là tình yêu đích thực duy nhất của Chanel. Sau khi Capel đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 1919, Chanel đã rất đau lòng và cảm thấy như thể bà “đã mất tất cả”.
Mối tình của bà với Hugh Grosvenor, Công tước xứ Westminster — có thể xem là mối tình dài nhất của bà — kéo dài tới hàng chục năm. Năm 1927, ông tặng bà nguyên một mảnh đất, nơi bà đã xây dựng biệt thự La Pausa của mình. Nhưng điều bất ngờ nhất là Grosvenor từng ngỏ lời cầu hôn Chanel nhưng nhận được câu trả lời: “Đã có nhiều Nữ Công tước xứ Westminster rồi, nhưng chỉ có một Chanel mà thôi!”.
#6. Năm 1921, Coco Chanel cho ra mắt loại nước hoa đầu tiên của mình, Chanel No 5. Đây là loại nước hoa đầu tiên mang tên một nhà thiết kế, và được đi kèm với số 5 vì bà tin rằng đây là con số may mắn của mình.
Chanel được cho là đã nói với Ernest Beaux, nhà thiết kế nước hoa của mình rằng: “Tôi giới thiệu bộ sưu tập trang phục của mình vào ngày 5 tháng 5, vì vậy tôi sẽ để mẫu số 5 này và giữ nguyên tên gọi của nó. Để rồi xem, nó sẽ mang lại may mắn.” Tới giữa những năm 1940, doanh số bán Chanel No 5 trên toàn thế giới lên tới 9 triệu đô la hàng năm (187,2 triệu đô la tính theo giá hiện nay).
#7. Bộ vest nữ là phát minh của Coco Chanel. Đúng vậy, vào thời kỳ mà chỉ có nam giới mới mặc âu phục và nữ giới bị giới hạn trong những chiếc váy bó sát khiến họ di chuyển vô cùng bất tiện, Chanel đã thiết kế ra những chiếc quần âu dài cho phụ nữ, giúp họ thoải mái hơn trong các hoạt động hàng ngày. Không những đáp ứng được nhu cầu thực tế của nữ giới, Coco Chanel còn khiến quần âu sở hữu được những giá trị thời trang không-dễ-thay-thế hay cột mốc đầu tiên trong chặng đường đòi quyền bình đẳng của phái nữ.
#8. Coco Chanel từng bị buộc tội là đặc vụ của Đức Quốc xã. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng Pháp, Chanel có dính vào lùm xùm tình ái với sĩ quan người Đức Hans Gunther von Dincklage. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Pháp ra tay trừng trị những kẻ đã hợp tác với quân Đức. Việc Chanel rời Pháp tới Thụy Sĩ dưới sự bảo trợ của Winston Churchill đến nay vẫn luôn được đồn đại.
Cáo buộc Chanel là đặc vụ của Đức Quốc xã bị hủy bỏ sau đó, tuy nhiên mối tình với Dincklage đã trở thành một vết nhơ không thể gột rửa trong cuộc đời bà, khi người Pháp quy nó vào tội phản quốc.
#9. Coco Chanel đã tận dụng Thế chiến II như một đòn trả đũa những công nhân đã đình công trong cuộc tổng đình công ở Pháp năm 1936. Năm 1939, khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, Chanel quyết định đóng cửa các cửa hàng của mình — hành động đã khiến 4.000 nhân viên nữ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Chiến tranh kết thúc, Chanel rời Paris, dành vài năm sống lưu vong ở Thụy Sĩ, sau đó quay trở về ngôi nhà nông thôn của mình ở Roquebrune trong một thời gian. Năm 1954, ở tuổi 71, “bà cô già” Coco Chanel chính thức trở lại thế giới thời trang sau 15 “ngủ đông”, với lý do là “tôi đang chết vì buồn chán”.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Coco Chanel vấp phải những đánh giá gay gắt từ các nhà phê bình, nhưng những thiết kế của bà nhanh chóng chiếm được cảm tình của các tín đồ thời trang trên khắp thế giới.
#10. Gabrielle ‘Coco’ Chanel qua đời vào tuổi 86 ngày 10 tháng 1 năm 1971 tại căn hộ của bà ở khách sạn Ritz. Theo đúng di nguyện, Chanel được chôn cất cùng bộ đồ bà yêu thích, cùng tấm bia mộ có con sư tử trên đó do chính tay bà thiết kế.
Ngày lễ tang diễn ra, hàng trăm người chen chúc nhau tại Nhà thờ Madeleine để tiễn biệt tượng đài thời trang Pháp. Để tưởng nhớ, nhiều người trong số những người đưa tang đã mặc những bộ đồ của Chanel, người đã dạy phụ nữ cách mặc vest và đeo trang sức.
Nguồn tham khảo
#2. Coco Chanel | Biography, Fashion, Designs, Perfume, & Facts | Britannica
#3. Coco Chanel’s Secret Life as a Nazi Agent | Biography
#4. Những người đàn ông của Coco Chanel | L'Officiel Việt Nam
#5. Coco Chanel và những dấu ấn làm “xoay chuyển” địa hạt thời trang nữ giới | Style-Republik
#6. 12 Facts You Might Not Have Known About Coco Chanel | InStyle
#7. How Coco Chanel changed the course of women’s fashion | CNN Style