Ra đời vào cuối những năm 1950, búp bê Barbie nhanh chóng trở nên phổ biến ở Mỹ và lan rộng khắp toàn cầu. Từ đó, nó trở thành một món đồ chơi bán chạy nhất lịch sử và phá bỏ quan niệm rằng “búp bê chỉ dành cho các bé gái”. 

Suốt nửa sau của thế kỷ 20, tầm ảnh hưởng của Barbie đã lan rộng tới mức nó được ví như biểu tượng văn hóa, niềm khao khát của mọi bé gái, và lời khẳng định đanh thép cho chủ nghĩa nữ quyền của nhà sáng lập Ruth Handler. 

Đằng sau thế giới Barbie đó là cả một câu chuyện dài, và trong bài viết hôm nay, tôi đã cắt gọt hết những phần chán chường đi — chỉ còn lại những gì tinh túy nhất. 

Đâu là nguồn cảm hứng đã giúp Ruth Handler sáng tạo ra Barbie? Tại sao chưa từng có phiên bản Barbie nội trợ? Tại sao Ken và Barbie không bao giờ kết hôn? Câu trả lời ngay dưới đây thôi! 

Margot Robbie trong bộ phim Barbie (2023) mới ra mắt tháng 7 vừa qua.

Barbie Lấy Cảm Hứng Từ "Gái Bán Hoa"? 

Mặc dù Barbie hướng đến trẻ em, nhưng nguồn cảm hứng cho cô búp bê này lại rất “người lớn”: Lilli, một cô gái bán hoa hay “gái gọi” — xuất thân là một nhân vật hoạt hình trên tờ Bild Zeitung của Tây Đức vào những năm 50 thế kỷ trước.  

Với những trò đùa về tình dục cùng những bộ trang phục hở hang, Lilli trở nên cực kỳ nổi tiếng tới mức năm 1955, các nhà kinh doanh nhanh nhạy đã biến cô thành một con búp bê nhựa bày bán trong các cửa hàng. 

Lilli, nhân vật hoạt hình nổi tiếng trên tờ Bild Zeitung của Tây Đức vào những năm 50 

Mặc dù được dự tính là một “món quà” cho các binh lính, nhưng con búp bê Lilli nhanh chóng trở nên phổ biến với trẻ em. Các bé gái thích Lilli, được rồi, vậy thì từ giờ sẽ bán Lilli cho bọn trẻ. 

Trong thời gian này ở Mỹ, Ruth Handler đang tìm kiếm một sản phẩm đột phá cho công ty đồ chơi Mattel của mình. Bà nghĩ, tại sao mình không bán một con búp bê người lớn để truyền cảm hứng cho các bé gái — như cách chú lính chì thu hút các bé trai nhỉ? 

Tuy nhiên, cả nhà sản xuất lẫn cổ đông đều không tin rằng trẻ em sẽ muốn chơi với một con búp bê có ngực. Chuyện bẵng đi một thời gian cho tới năm 1956, khi trong chuyến du lịch tới châu Âu, Handler tình cờ bắt gặp búp bê Lilli. 

Bà trở về với một cô Lilli trong tay và quát vào mặt đồng nghiệp, “Đây nhìn đi, ở châu Âu họ vẫn bán được đó thôi!”. Các cộng sự cuối cùng cũng chịu khuất phục. 

Và hành trình của cô búp bê Barbie bắt đầu. 

Thế Giới Barbie Mở Rộng! 

Mặc dù Mattel ban đầu phản đối kịch liệt trước những lời kêu gọi tạo ra một búp bê bạn trai của Barbie, cuối cùng công ty cũng thỏa hiệp và tới năm 1961, búp bê Ken chính thức lên kệ tại các cửa hàng. 

Tuy nhiên, Ruth Handler đã tạo ra Barbie như “một cô gái độc thân tự lập” và nó phải luôn như thế, vì vậy Ken thường được xem như món “phụ kiện tối thượng” đi kèm Barbie. 

Ken và Barbie phiên bản người thật được đóng bởi Margot Robbie và Ryan Gosling trong bộ phim Barbie vừa ra mắt tháng 7 qua 

Cũng vì lý tưởng “độc thân tự lập” kia nên Ken và Barbie không bao giờ kết hôn. Tới năm 2004, Mattel để cặp đôi chia tay, sau đó cho Barbie hẹn hò với Blaine, một vận động viên lướt sóng người Úc. 

Ken tức tối, ngâm mình trong phòng gym và trải qua cuộc lột xác ngoạn mục. Chàng búp bê trở về với thân hình 6 múi cơ bắp cuồn cuộn, cuối cùng đã giành lại trái tim Barbie vào năm 2011. 

Ôi, thế giới búp bê mà nghe cứ như phim vậy! 

Sự Nghiệp Của Barbie 

Công việc đầu tiên của Barbie là người mẫu thời trang. Kể từ đó, cô búp bê đã có hơn 250 nghề nghiệp, từ phi hành gia, bác sĩ phẫu thuật, phóng viên, ngôi sao nhạc rock, nhân viên cứu hộ tới kỹ sư, nha sĩ,... 

Và đúng với mong muốn truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ của Ruth Handler, Barbie đi trước thời đại tới hàng dặm. Bằng cách tạo ra một cô búp bê với đa dạng các ngành nghề, Mattel đã cho phép các cô gái trở thành bất cứ thứ gì họ muốn.

Năm 1965, khoảng 13 năm trước khi NASA nhận phi hành gia là phụ nữ, Mattel đã giới thiệu phiên bản Barbie phi hành gia. Mới năm ngoái thôi, hai con búp bê Barbie được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế như một nỗ lực nhằm khuyến khích các cô gái theo đuổi các lĩnh vực vốn do nam giới thống trị. 

Barbie ngoài vũ trụ 

Barbie trở thành bác sĩ phẫu thuật vào năm 1973, khi chưa đến 10% bác sĩ là phụ nữ. Cô cũng gia nhập Quân đội Hoa Kỳ năm 1989 và trở thành Trung sĩ trong Thủy quân lục chiến ba năm sau đó. 

Bản CV của Barbie có thể dài tới cả thước nhưng tuyệt nhiên cô chưa từng làm mẹ. Năm 2002, người bạn đã kết hôn của Barbie là Midge được bán dưới dạng một con búp bê đang mang thai, hoàn chỉnh với tử cung có thể tháo rời. Tuy nhiên, một số người dùng cho rằng nó cổ xúy việc mang thai ở tuổi vị thành niên và Wal-Mart đã thẳng tay sút con búp bê này khỏi kệ hàng.

Những Tranh Cãi Về Ngoại Hình Của Barbie 

Dù ngay từ đầu Mattel đã tuyên bố Barbie có sứ mệnh trao quyền cho các bé gái, cô búp bê này chịu chỉ trích không ít vì tỉ lệ cơ thể không thực tế của mình.  

Một số người đã ước tính nếu Barbie là người thật, cô ấy sẽ cao cỡ 1m75 và nặng 50kg. Không có gì quá bất thường cho tới khi bạn biết số đo ba vòng của cô lần lượt là 92-45-96 — một sự kết hợp không tưởng. Theo các chuyên gia Đan Mạch thì với tỉ lệ đồng hồ cát như vậy, cô ấy thậm chí sẽ không đủ mỡ để có kinh nguyệt. 

Barbie nhiều lần bị chỉ trích vì tỷ lệ cơ thể thiếu thực tế của mình 

Mattel đã nghe ngóng và đáp lại bằng cách thay đổi khuôn cơ thể Barbie nhiều lần. Dần dà, cô búp bê có bộ ngực nhỏ hơn, eo rộng hơn và hông thon hơn. 

Những lời phàn nàn về ngoại hình của Barbie chưa dừng lại ở đó, mà vấn đề nổi cộm hơn hết, bạn biết mà: phân biệt chủng tộc. Vào những năm 70, công ty nhận nhiều chỉ trích từ người dùng rằng thế giới Barbie bị bao trùm bởi dân da trắng. 

Và như vậy, búp bê Barbie da màu bắt đầu được bày bán khắp các kệ hàng trên toàn quốc vào đầu những năm 80. Búp bê Latina, búp bê Hồi giáo đội khăn trùm đầu rồi có cả búp bê chân giả (lạ thật, trong khi vốn búp bê là giả mà), búp bê xe lăn ra đời nhằm phục vụ những tệp khách hàng riêng biệt. 

Barbie — Biểu Tượng Văn Hóa Đại Chúng 

Kể từ khi được tạo ra vào năm 1959, búp bê Barbie ngày càng trở nên phổ biến. Chúng đã trở nên nổi tiếng đến mức được đưa vào các bộ phim hoạt hình, chương trình truyền hình và gần đây nhất là phim chiếu rạp phiên bản người thật đóng (bị cấm chiếu ở Việt Nam). Hơn thế nữa, Barbie tác động đến cuộc sống của nhiều cô gái, thậm chí trở thành hình mẫu và phong cách sống. 

Trong cuốn sách Forever Barbie: The Unauthorized Biography of a Living Doll, tác giả MG Lord xem Barbie như biểu tượng mạnh mẽ nhất văn hóa Mỹ cuối thế kỷ 20. “Cô ấy (Barbie) là một hình tượng phụ nữ nguyên mẫu, là thứ mà các cô gái nhỏ dựa vào để lý tưởng hóa bản thân của mình,” Lord viết. 

Với Barbie, các bé gái có thể đóng vai chính trong cuộc đời của mình, không chỉ với tư cách một người mẹ, mà quan trọng hơn là những người phụ nữ có sự nghiệp. 

Cô búp bê Barbie đã mang khát vọng thúc đẩy phong trào nữ quyền của Ruth Handler bay cao, mở rộng tầm nhìn của các bé gái về cuộc sống và thúc đẩy họ ra ngoài đó để theo đuổi ước mơ của mình. 

Đúng vậy, Barbie có thể làm tất cả những gì cô ấy muốn, vậy tại sao bạn lại không thể cơ chứ? 

Nguồn Tham Khảo 

#1. Ruth Handler Is the Key to Barbie. What To Know About the Doll’s Controversial Founder | Time 

#2. Sự độc hại của búp bê Barbie | Tiền Phong 

#3. 6 Interesting Facts About Barbie | Britannica 

#4. The Barbie Doll's Not-for-Kids Origins | Time 

#5. Barbie: Doll, Icon Or Sexist Symbol? | The New York Times