Kế hoạch là bước khởi đầu để chúng ta có thể bắt đầu tiếp cận mục tiêu của mình, cũng là định hướng, con đường để chúng ta phát triển một cách có tổ chức và hạn chế ít nhất những biến cố xảy ra. Kế hoạch luôn tồn tại một cách lý tưởng, dựa trên những giả lập hoàn hảo của chúng ta về tiến độ, khả năng thực hiện,... Thế nhưng, trong quá trình thực hiện kế hoạch, chính những yếu tố kể trên trở thành biến cố gây ra sự biến động của kế hoạch ban đầu, có thể là chậm tiến độ, có thể là không đạt tới mục tiêu, thậm chí đổ vỡ vì không đủ khả năng hoàn thiện. Khi những vấn đề đó xảy ra, chúng ta thường bị mắc kẹt lại bên trong kế hoạch, cảm thấy sụp đổ vì đã thất bại. Thực chất, nó chỉ là chiếc bẫy giả tưởng do chúng ta tạo ra, nếu thành công, nó sẽ trở thành hiện thực màu hồng, nhưng nếu bị biến cố ảnh hưởng, nó sẽ tan vỡ như bong bóng. Vậy, phải làm thế nào để không bị mắc kẹt trong chiếc bẫy này, cùng WeStudy tìm cách thoát khỏi nó nhé!!

Ghi nhớ số 1: Kế hoạch để thực hiện, không phải để chiêm ngưỡng

Sở dĩ kế hoạch do bạn tạo ra bị biến thành chiếc bẫy của lý tưởng là vì các nguyên nhân sau:

- Bạn nhận định mọi thứ nhất định sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch nếu bạn làm đúng từng bước. Thế nhưng, biến cố không nói với bạn rằng nó sẽ đến khi nào.

Ví dụ, bạn có một kế hoạch học thêm kỹ năng mới sau khi tan làm. Thế nhưng, khi thực sự bắt đầu kế hoạch, bạn nhận ra lớp học không phù hợp với bản thân do giáo viên dạy thiếu cuốn hút, hoặc công việc thường có vài lần tăng ca đột ngột trùng lịch học. Cứ như vậy, bạn bị cuốn vào sự nản chí, và buộc phải từ bỏ. 

- Bạn không có đủ khả năng hoàn thành nó. Điều này không hiếm thấy với những trường hợp thực hiện dự án khởi nghiệp, dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Kế hoạch và lý tưởng được xây dựng cùng nhau, tuy nhiên, khả năng của người thực hiện không được cân nhắc khiến cho quá trình tạo ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, khả năng chế tạo,...

Vì vậy, ghi nhớ đầu tiên trước khi bắt đầu xây dựng kế hoạch, bạn phải ưu tiên yếu tố phù hợp và linh hoạt của kế hoạch đó. Giống như bạn gặp một đoạn đường bị vũng sình ở chính giữa, nhưng thay vì đi sang hai bên bằng phẳng, bạn cố chấp muốn vượt qua nó, để rồi kết quả là bị ngã, hoặc xe không thể di chuyển nổi. Một kế hoạch phù hợp và linh hoạt, là khi đứng trước những lựa chọn, bạn biết chọn lấy điều ít tổn thất nhất và có lợi nhất. 

Ghi nhớ số 2: Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết

Nếu kế hoạch tổng thể thể hiện tầm nhìn, lý tưởng, mục tiêu và định hướng của bạn thì kế hoạch chi tiết sẽ là sự chia nhỏ thời gian trong kế hoạch tổng thể. 

Lập kế hoạch kinh doanh vẽ tay vector miễn phí

Ví dụ, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay chủ yếu định hướng tầm nhìn trong khoảng 5 năm đến 10 năm. Thế nhưng, nội dung của các kế hoạch này đều mang tính chất bao quát về mục tiêu nỗ lực để đạt được và phương hướng chủ yếu. Đồng thời, khi phân bổ kế hoạch tổng thể này về các ngành, các địa phương thì sẽ được hoạch định lại thành từng giai đoạn thực hiện; tiến hành cụ thể hóa các phương hướng thành thực tế hành động phù hợp với từng ngành, từng địa phương. 

Vì thế, để kế hoạch thoát ly khỏi cái bẫy lý tưởng, bên cạnh kế hoạch tổng thể, bạn cần chia nhỏ giai đoạn và tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết. Kế hoạch chi tiết có thể đề ra theo tuần, đảm bảo linh hoạt với những thay đổi khác trong cuộc sống của bạn. 

Ghi nhớ số 3: Theo dõi sát sao tiến trình kế hoạch

Khi đã có trong tay bản kế hoạch chi tiết, bạn cần nỗ lực để hoàn thiện nó. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả, bạn cần có một bản kế hoạch trong sổ tay, hoặc ipad, laptop và thực hiện tổng kết tiến trình vào cuối ngày, cuối tuần. 

Trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần lưu ý:

- Bảng đánh giá kế hoạch được viết, vẽ song song với kế hoạch đó. Mỗi kế hoạch chi tiết, kế hoạch giai đoạn có một bảng đánh giá riêng.

- Bảng đánh giá có các cột “STT”, “Thời gian”, “Trạng thái kế hoạch”, “Nguyên nhân chậm tiến độ (nếu có)”, “Hiệu quả thực hiện”, “Đánh giá hiệu quả so với mục tiêu”, “Phương án cải thiện (nếu có)”,...

- Tiến hành so sánh bảng đánh giá qua từng giai đoạn nhỏ với nhau, giai đoạn chung với nhau cho đến khi hoàn thành, vẫn tiếp tục thực hiện đánh giá kết quả cuối cùng để rút ra kinh nghiệm và so sánh với mục tiêu ban đầu.

Để nắm vững kỹ thuật xây dựng kế hoạch, bạn có thể tham khảo khóa ghi chép sáng tạo và khoa học cùng Họa sĩ Xuân Lan. Chỉ với một cây bút trong tay, bạn có thể tạo ra những bản ghi chép ấn tượng, hỗ trợ quá trình làm việc ghi nhớ tốt hơn, hiệu quả sáng tạo cao hơn.  

Ghi nhớ số 4: Thành công đến từ những nỗ lực mỗi ngày

Kế hoạch với nhiều người là một thứ tồn tại cứng nhắc và gò bó, nhưng bản chất của nó là sự tổ hợp của những thói quen tốt tích tụ qua mỗi ngày để đến gần hơn với mục tiêu. 

Khái niệm quản lý thời gian vector miễn phí cho trang đích

Để học được một thứ tiếng mới, trong kế hoạch của bạn đã có xây dựng thói quen học từ vựng mới vào mỗi buổi sáng. 

Để trở thành một người viết thành công, trong kế hoạch của bạn đã có xây dựng thói quen viết ít nhất 1000 từ mỗi ngày. 

Bởi vậy, kế hoạch có những điểm mấu chốt mang tính quyết định, nhưng hành trình mà nó đi là hành trình tạo ra những điều tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh, tùy thuộc vào định hướng của bạn. 

Thay vì mong chờ vào giả định lý tưởng hoặc lo lắng quá nhiều về những sự cố quá khứ, bạn cần nghĩ về những điều thực tế và chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra. Khi bạn duy trì những hành vi tốt đẹp theo đúng tần suất trong kế hoạch, nó sẽ trở thành thói quen mới, là sự khởi đầu của những thay đổi trong tương lai. 

Ghi nhớ số 5: Hạnh phúc với kế hoạch

Việc thực hiện kế hoạch không phải sự kham khổ, mà cần là cảm giác về sự hạnh phúc. Khi bạn lên một kế hoạch, tức là bạn đang đặt ra trách nhiệm cho bản thân. 

Kế hoạch lý tưởng như bong bóng dễ tan vỡ, cũng khiến bạn cảm thấy chán nản là bởi cảm giác về trách nhiệm của bạn đang bị suy giảm. Khi bạn không thực hiện được những nhiệm vụ lý tưởng đó, bạn cảm thấy mình không có trách nhiệm, đồng thời gia tăng sự tự trách, tự ti, mất phương hướng. 

Vì thế, hạnh phúc và kế hoạch có mối liên kết với nhau. Nếu kế hoạch chi tiết gắn liền với thực tế cuộc sống của bạn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn với nó. Đồng thời, trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần cân nhắc về cảm giác hạnh phúc của bạn khi thực hiện hành vi. Bạn muốn làm việc trong ngành tài chính, muốn trở thành cố vấn đầu tư, không có nghĩa là bạn chỉ được học chuyên ngành Đầu tư tài chính. Bạn hoàn toàn có thể học ngành mình thích và có điểm giao kết với công việc đó như Tài chính bảo hiểm, Định giá tài sản, Quản lý tài chính công, Kinh tế đầu tư,...

Vector miễn phí để minh họa khái niệm danh sách

Bạn muốn trở thành một phóng viên tài ba, bạn không nhất thiết phải học đúng trường đào tạo nghiệp vụ Báo chí. Hiện nay, trong một không gian nhân sự cởi mở, cơ hội luôn mở rộng cho tất cả mọi người. Vì thế, chỉ cần bạn có đam mê, có mong muốn theo nghề, thì dù bạn học Kinh tế, học Luật, hay Ngôn ngữ, thì bạn vẫn có thể tìm thấy con đường để đến với vị trí phóng viên. 

Như vậy, trong kế hoạch việc làm, bạn vẫn có thể trải nghiệm không gian kiến thức mà bản thân yêu thích, và lựa chọn một cách trau dồi bổ sung để tham gia vào công việc mong muốn. 

Để đạt một điều gì đó, chúng ta sẽ có rất nhiều lựa chọn. Hãy chọn điều làm bạn hạnh phúc, bởi vì chỉ khi bạn hạnh phúc, bạn mới có đủ năng lượng để bứt phá.