Thời Nguyên thủy, cha ông chúng ta làm đến đâu ăn đến đấy, sống trong cùng một cộng đồng bình đẳng - chia đều mọi thứ không kể công sức. Thế nhưng, sự phát triển của công cụ sản xuất, phương thức sản xuất đã kéo theo những biến động về mọi nền tảng trong lĩnh vực xã hội. Con người hiện đại làm việc và hưởng theo công sức, nhận được mức lương với những gì đã lao động. 

Tuy nhiên, sự xoay vòng của các nhu cầu tích trữ, sinh hoạt, ăn uống, giải trí…, sự bùng nổ của thị trường đầu tư, đã đặt ra yêu cầu về quản lý tài chính cá nhân. 

Vậy, tài chính cá nhân là gì và làm sao quản lý tài chính cá nhân tốt? Cùng WeStudy tìm hiểu nhé!

Nhận diện tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân

Tài chính cá nhân manh nha từ nghiên cứu của giáo sư kinh tế Margaret Reid của Đại học Chicago, khi cô đề cập tới vấn đề kinh tế gia đình và kinh tế học tiêu dùng, phân tích hành vi của người tiêu dùng. 

Tiếp sau đó, nó được nhận diện rõ ràng hơn trong các nghiên cứu về người tiêu dùng, bao gồm nhận thức, đặc điểm nhân khẩu, sở thích, hành vi,... Các nghiên cứu này đã từng bước khẳng định tầm quan trọng của tài chính cá nhân trong mối liên hệ với thị trường tài chính kinh tế và ý nghĩa của việc xây dựng kế hoạch để quản lý tài chính cá nhân. 

Hiểu một cách đơn giản, tài chính cá nhân là số tiền mà bạn hoặc gia đình bạn đang sở hữu và liên hệ với thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm,... Hiện nay, từ 18 tuổi trở lên, ai cũng sẽ có một danh mục tài chính cá nhân riêng và bắt đầu suy tính cho nó để đáp ứng được các nhu cầu của bản thân. 

Xem bên người đàn ông kinh doanh tính toán số tài chính

Từ đây, có thể kết luận, quản lý tài chính cá nhân là hoạt động quản lý tài chính của một cá thể người (hoặc một gia đình) nhằm tạo ra hệ thống chi tiêu, tích lũy phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định, và đã có sự cân nhắc, đặt ra hướng giải quyết cho các rủi ro, sự kiện tương lai.

Tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân

Quản lý tài chính cá nhân chỉ mới lạ về thuật ngữ, còn bản chất hoạt động của nó đã tồn tại từ rất sớm trong cuộc sống thường ngày. 

Đó là mẹ sắp xếp tiền lương thành các khoản tiền học phí, tiền sinh hoạt (đi chợ, mua đồ gia dụng,...), tiền chi cố định (điện nước, vệ sinh,...), tiền tiết kiệm,...

Đó là sinh viên mới vừa lên Đại học, bắt đầu chuẩn bị các khoản mục cho riêng mình. Tổng tiền hàng tháng có tiền chu cấp của gia đình + tiền đi làm thêm. Sau đó chia ra các khoản: tiền cố định, tiền sinh hoạt, tiền ăn, tiền đi chơi với bạn bè, tiền tiết kiệm,...

Bình tiết kiệm với biểu đồ được tạo ra từ tiền xu

Thế nhưng, khi áp cụm từ “quản lý tài chính cá nhân” vào các hoạt động đó thì người ta dè chừng, cho là nó cao siêu lắm. Thực chất nó chỉ là khoa học hóa về tên gọi và hệ thống hóa về cách sắp xếp các khoản tiền. 

Quản lý tài chính cá nhân ngày càng được coi trọng và khuyên làm với mỗi người, bởi vì:

Quản lý tài chính cá nhân giúp bạn kiểm soát dòng tiền 

Ham mê mua sắm, thỉnh thoảng vui chơi với bạn bè, đi liên hoan với đồng nghiệp,... là những khoản tiền không cố định và có sự biến động. 

Khi bạn không có danh mục quản lý tài chính cá nhân, bạn chi tiêu dựa trên ước lượng về số dư còn lại có đủ sống cho những ngày sau hay không. 

Khi bạn không biết mình đã tiêu bao nhiêu lần, tiêu vào những gì, mức tiêu bao nhiêu, thì lúc nhìn lại số dư, bạn sẽ chỉ thấy hoang mang và khó hiểu. Nhiều người còn cảm thấy bất ngờ và sững sờ vì không nghĩ rằng bản thân đã chi tiêu nhiều đến vậy. 

Chính vì thế, bạn cần quản lý tài chính cá nhân để nắm được sự xoay chuyển của dòng tiền, dòng tiền vào như nào và dòng tiền ra được kiểm soát ở mức mà bạn mong muốn. 

Quản lý tài chính cá nhân tăng tính ổn định của đời sống

Không ai thích một cuộc đời quá biến động và cứ xoay xở liên tục. Một bộ phận bạn trẻ hiện nay vì không kiểm soát tốt dòng tiền, nên thường xuyên gặp tình trạng chưa hết tháng mà đã hết lương, không còn đủ khả năng chi trả cho những khoản thiết yếu khác. Tức là, khoản chi cố định bị tiêu xém vào mà bản thân chính chủ cũng không nhận biết được. 

Lúc ấy, có rất nhiều cách để giải quyết như gọi điện hỏi ba mẹ, mượn bạn bè,... nhưng chẳng cách nào là khả thi vì nó khiến cho bạn trở nên bị động trước dòng tiền. 

Sự ổn định của quản lý tài chính cá nhân mang lại không phải là sự tiết kiệm quá mức, không dám mua, không dám đi chơi, mà là để đảm bảo bạn đủ khả năng chi trả cho các khoản cố định, sinh hoạt bình thường, có tiền tiết kiệm đề phòng rủi ro, và còn một khoản để chiều chuộng bản thân. 

Quản lý tài chính cá nhân giúp bạn đạt tới mục tiêu

Bạn muốn đi Đà Lạt, bạn muốn đi Thái Lan,... thì trước đó, ít nhất 6 tháng, bạn đã phải lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.

Để có được trải nghiệm tuyệt vời nhất, chắc chắn bạn phải tiết kiệm một khoản đủ dư dả. Lúc này, quản lý tài chính cá nhân càng bộc lộ ưu điểm của nó. 

Không chỉ đi du lịch, bất cứ dự định nào cũng vậy, bạn đều cần lên kế hoạch và có dự trù kinh phí. Quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình, đồng thời tạo ra một môi trường giải trí thoải mái nhất, giúp bạn gạt bỏ nỗi lo nợ nần do chi tiêu quá mức, rụt rè không dám làm gì vì sợ tiền không đủ.

3 Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Từ những lý do trên, mỗi cá nhân, gia đình đều nên sở hữu một bảng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, cần lưu ý 3 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Kế hoạch quản lý tài chính cá nhân phải rõ ràng

Nếu bạn từng chứng kiến những kế toán làm việc với các con số, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của từng dấu phẩy, từng con số “0”. Mỗi cái sai, cái thiếu sẽ tạo ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp. 

Câu chuyện của kế toán dạy chúng ta rằng: cần phải nghiêm túc, cẩn trọng và sát sao với những con số tiền tệ. 

Khi xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, tất yếu phải đầy đủ thông tin về Mức thu vào, Loại hình chi tiêu (trong đó chia ra các nhóm khoản chi cố định, khoản chi phát sinh; trong khoản chi cố định có phòng trọ (nếu có), điện nước, vệ sinh, đi chợ, gia vị, đồ cá nhân…; trong khoản chi phát sinh có Ăn ngoài, Cafe, Du lịch, Sự kiện…), Khoản tiết kiệm cố định, Khoản đầu tư.

Để xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân đáp ứng được những nội dung trên, bạn có thể sử dụng các công cụ sau:

- App quản lý chi tiêu trên điện thoại: Tích hợp với ngân hàng (Momo) và App riêng Money Lover, Misa Money Keeper,... Vì chúng ta sử dụng điện thoại mỗi ngày, nên việc thao tác với app và theo dõi app sẽ vô cùng thuận tiện. Tuy nhiên, nó vẫn hạn chế với các hóa đơn bán lẻ, đơn mua không có hóa đơn. 

- Sử dụng phần mềm Excel - tạo bảng kê khai giúp chúng ta dễ dàng thực hiện các phép cộng trừ thu chi, đồng thời phân cột, phân mục dễ nhìn. 

- Sử dụng phương pháp Bullet Journal, kết hợp Sketchnote - ghi chép thông minh với hình vẽ. Phương pháp này có thể thực hiện như một cách giải trí khoa học vào mỗi cuối ngày. Bạn có thể dùng một cuốn sổ, viết ra kế hoạch chi tiêu theo cấp độ năm - quý - tháng - tuần với các mục tiêu chi tiêu khác nhau. Theo đó, trong mục chi tiêu tuần, chúng ta có những tổng kết chi tiêu ngày và bạn có thể dễ dàng ghi lại thông tin giao dịch điện tử, giao dịch trực tiếp, dán lại hóa đơn để dễ dàng truy soát. 

Sơ lược về mẫu kế hoạch nhật ký dấu đầu dòng

Gợi ý: Luyện viết Bullet Journal và vẽ Sketchnote 

Nguyên tắc 2: Không để dòng tiền bị động

Điều quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân là không để dòng tiền bị chìm theo những khoản chi tiêu mà chỉ nhận từ một nguồn thu cố định - tiền lương.

Những người quản lý tài chính cá nhân thông minh thường không để dòng tiền chết mà khiến nó luân chuyển, sinh sôi thay vì chỉ mất đi. 

Nhắc đến đầu tư, nhiều người sẽ e ngại: lo sợ rủi ro, không đủ thời gian nghiên cứu,... Thế nhưng, đừng để câu chuyện biến động của cổ phiếu làm ảnh hưởng tới bạn. 

Để luân chuyển dòng tiền, bạn có thể chọn các hình thức dự trữ tài sản truyền thống như vàng, ngoại tệ, tuy nhiên, khả năng sinh lời đến thời điểm hiện tại của nó vẫn còn khá thấp.

Sắp xếp các yếu tố tài chính và đồ thị

Nếu không có thời gian, bạn hoàn toàn có thể đầu tư vào các Quỹ - có độ an toàn cao và ít rủi ro hơn. Bạn hoàn toàn có thể rót tiền và ngồi chờ số tiền nhàn rỗi đó của mình sinh lời, và đã có sự hỗ trợ đầu tư từ các chuyên gia. 

Nguyên tắc 3: Luôn nghiêm túc, bám sát vào ngân sách

Yếu tố quan trọng nhất trong mọi yếu tố bao giờ cũng là con người. Quản lý tài chính cá nhân cũng vậy, một bản kế hoạch có ấn tượng đến đâu, nếu thiếu ý chí của con người thì cũng chỉ là một tờ giấy bỏ đi. 

Trong khi thực hiện phương thức quản lý tài chính cá nhân, bạn cần phải:

- Chi tiêu theo đúng kế hoạch đã đề ra, khoản dư của mỗi hạng mục được đẩy vào mức chi dành cho giai đoạn sau hoặc vào khoản tiết kiệm tùy vào mục tiêu của bạn. 

- Luôn xem xét sự cần thiết của việc chi tiêu. Khi xem những chiếc váy, áo, những vật dụng đẹp đẽ,... hãy nghĩ thử xem nó có thực sự cần vào lúc này hay không. Đôi khi, chúng ta bị những ấn tượng thị giác và sự mềm lòng kéo theo nên quyết định mua trong những phút bồng bột. 

- Thu chi rõ ràng, ghi rõ từng con số. Sau mỗi đợt thu chi, khi tổng kết theo ngày, theo tuần và tăng dần cấp độ thời gian, bạn nên ghi rõ ràng mức chi tiêu chi tiết từ đơn vị thời gian nhỏ nhất. Điều này giúp bạn kiểm soát dòng tiền tốt hơn và đánh giá được ý nghĩa chi tiêu của bản thân mỗi ngày. 

Có tiền trong tay, bạn có thể làm mọi điều mình thích. Nhưng có tiền trong tay, đừng để tiền “chìm” hay tiền “vụt mất” chỉ vì chi tiêu quá đà, chi tiêu phung phí.

Người hiện đại chi tiêu rõ ràng, quản lý cẩn thận và đầu tư thông minh. Chúc các bạn quản lý thành công các hạng mục tài chính cá nhân của mình!