Trong bản Lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Bác Hồ đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng thực tế khi Bác đi thăm nước ngoài, cũng như đón tiếp các Đoàn ngoại giao tới thăm và làm việc tại Việt Nam, chúng ta được biết Người cũng sử dụng thành thạo, điêu luyện nhiều ngoại ngữ khác như: tiếng Thái, Tây Ban Nha, Ả Rập… chưa kể 54 tiếng dân tộc của Việt Nam. 

30 năm trời bôn ba nơi xứ người, đi khắp các nước châu Âu để tìm đường cứu nước, chưa lúc nào Bác ngừng học, ngừng phát triển. Bác Hồ của chúng ta cũng là một tấm gương tự học tiếng nước ngoài thành công trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn.

Bác Hồ với tiếng Pháp 

Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp và hiểu ngay rằng, không biết tiếng Pháp là một trở ngại, một chướng ngại vật cần loại bỏ ngay để có thể làm ăn, sinh sống và hoạt động cách mạng trên mảnh đất này. Ngay trên chuyến tàu sang Pháp, Bác đã tranh thủ lúc rỗi để học đọc và viết tiếng Pháp với hai người lính trẻ được giải ngũ. Họ cho Bác mượn những quyển sách nho nhỏ bằng tiếng Pháp, Bác trân trọng vô cùng. 

Ngay trên chuyến tàu sang Pháp, Bác tranh thủ học và viết tiếng Pháp với hai người lính trẻ được giải ngũ 

Khi đến thành phố Lơ Havơrơ, Bác học tiếng với cô Sen. Tóm lại, những người xung quanh dạy Bác học. Muốn biết một vật nào đó tiếng Pháp gọi là gì, Bác chỉ vật ấy rồi hỏi, xong viết vào mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý đến nhất, để vừa làm việc vừa học được. Có khi viết chữ vào cánh tay. Tối đi làm về, Bác rửa tay rồi lại viết các chữ khác. Học được chữ nào, Bác ghép câu dùng ngay. 

Sáng nào Bác cũng luyện viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi. Ban đầu, Bác viết sai chính tả, ngữ pháp lẫn lộn. Theo thời gian, Bác ngày càng viết được dài hơn, từ năm, sáu dòng nay cả một cột báo, có khi dài hơn. 

Năm 1922, tờ Người cùng khổ (Le Paria) ra đời. Bác làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp. Bác kể lại: “Các đồng chí người thuộc địa Á Phi viết bài quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết”. Bác lo từ việc viết, biên tập, in ấn, xuất bản,  thi thoảng còn tự tay vẽ minh họa. 

Tờ 'Những người cùng khổ' được xuất bản lần đầu vào năm 1922 tại Paris, Pháp 

Bác dùng tiếng Pháp rất linh hoạt. Trong quãng đời mười năm ở Pháp Bác đã diễn thuyết, nói chuyện, phát biểu ở nhiều nơi. Nhưng đáng chú ý nhất là lời phát biểu của Bác ở Đại hội Tua (năm 1920) và bản Tham luận về dân tộc thuộc địa ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 (năm 1924). Hai lần phát biểu bằng tiếng Pháp đó chứng tỏ nhãn quan sáng suốt và sâu sắc về chính trị cũng tài năng tiếng nước ngoài của Bác, dường như Bác muốn nói gì, diễn tả như thế nào thì tiếng Pháp lúc đó đủ để phục vụ cho nhu cầu đó (ở Liên Xô còn giữ được bản ghi lời phát biểu bằng tiếng Pháp của Bác ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 và Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã chụp lại được bản ấy). Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác vẫn còn dùng tiếng Pháp ở nhiều nơi, nhiều lúc, rất có hiệu quả.

Bác Hồ với tiếng Hán cổ và hiện đại 

Tháng 8-1942, Bác có việc sang Trung Quốc thì bị bọn Quốc dân đảng bắt. Sau khi bị chúng trói, giải đi suốt mười tám ngày, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu. Đấy không phải là một trại giam chính cống, mà chỉ là một ''cấm bế thất'', một phòng giam nhỏ hẹp ngay bên cạnh đội cảnh vệ của tướng Trương Phát Khuê. 

Chỉ một mình Bác bị nhốt ở đó. Lâu lâu mới có một vài sĩ quan Quốc dân đảng bị phạt vào đó năm, bảy ngày. Bác lợi dụng những dịp đó để học tiếng “quan”. 

Trong thời gian 14 tháng bị giam cầm ở Quảng Tây, Bác đã viết Nhật ký trong tù. Cuốn sổ nhật ký đó to bằng bàn tay, dày 47 trang. Trên trang đầu ghi bốn chữ Hán ''Ngục trung nhật ký'' kèm theo bốn câu thơ và hình vẽ người tù hai cổ tay bị xích. Nhật ký gồm hơn một trăm bài thơ chữ Hán bất hủ. 

Với Bác, đó chỉ là một việc làm bằng tay trái”, là một sản phẩm bất đắc dĩ vì trong “ngục tối biết làm chi đây'', nhưng lại là một tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Năm 1960, Nhật ký trong tù chính thức ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước. 

"Trong tù không rượu cũng không hoa..." 

Mấy chục năm qua, tập thơ được in lại nhiều lần ở trong nước, trên thế giới, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức. 

Ở Mỹ, ngày 11/8/1971, một nhà xuất bản chuyên ấn hành loại sách phổ cập đã đặt in 50 vạn cuốn Nhật ký trong tù. Một tập thơ được xuất bản với số lượng lớn như vậy là điều chưa từng thấy ở Mỹ. Nhiều chiến sĩ đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, bị giam trong các nhà tù của Mỹ cũng đã thuộc lòng một số bài thơ của Bác. 

Ngoài Nhật ký trong tù ra Bác còn làm nhiều thơ bằng chữ Hán. Bác xen vào nhiều bạch thoại có khi sửa lại câu thơ xưa cho hợp với hiện thực ngày nay. Điều đó chứng tỏ Bác nhớ nhiều và nhớ lâu văn chương cổ điển của Việt Nam, Trung Quốc và vận dụng độc đáo, sáng tạo, linh hoạt trong tác phẩm của mình.

Bác còn lược dịch những điểm cơ bản trong tư tưởng chiến lược, chiến thuật quân sự của Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng 2000 năm trước đây của Trung Quốc, nhằm bồi dưỡng kiến thức quân sự cho mọi người. Và thế là quyển Phép dùng binh của Tôn Tử (Binh thư Tôn Tử) ra đời. Quyển này do Việt Minh xuất bản vào tháng 2/1945 nhưng đã được dịch trước đó khá lâu. 

Bác cũng thành thạo nghe và nói, cho nên lắm khi ứng đối tài tình với kẻ địch khiến chúng bối rối. Tiếng Hán (dù là xưa hay nay) ở trong tay Bác đã trở thành một công cụ lợi hại, với kẻ thù là một vũ khí sắc bén “quất vào mặt chúng những làn roi cháy bỏng”, như có người nước ngoài đã nhận xét, nhưng với bạn bè, anh em thì đó lại là phương tiện mầu nhiệm, là chiếc cầu hữu nghị để hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Bác Hồ với tiếng Anh 

Ở Anh không lâu, thời gian học cũng ngắn, thế nhưng trình độ tiếng Anh của Bác chẳng thua kém mấy so với tiếng Hán và tiếng Pháp là bao. Trong tờ Phong trào, số tháng 10 năm 1969, Rơnê Đipét viết:

“Trên đường đi tìm hiểu thế giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại, đối với anh Ba đều là một trường đại học, ở đó anh đã trực tiếp thu lượm được những hiểu biết về sự tàn bạo của bọn tư bản. Tuy vậy, anh cảm thấy cần phải mở rộng kiến thức của mình bằng sách vở…Ở Luân Đôn, tại đây anh đã làm nhiều nghề khác nhau để có tiền ăn học. Trong thời gian chiến tranh, anh đã để thì giờ để nghiên cứu lịch sử thế giới, học tiếng Anh và suy nghĩ về tương lai của các dân tộc thuộc địa."

Bác giỏi tiếng Anh về nhiều mặt, cũng vì vậy nên không ai lấy làm ngạc nhiên khi trong thiên hồi ký của mình, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc đến chuyện hồi còn hoạt động bí mật ở Trung Quốc nhiều đồng chí Trung Quốc ở Quế Dương cứ mong đồng chí Hồ Quang (một bí danh của Bác) đến công tác để dạy họ “nói tiếng Nga và tiếng Anh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957 

Qua nhiều tư liệu, ta thấy Bác nói giỏi tiếng Anh, thông thạo văn hóa và lịch sử Anh – Mỹ, nhất là Mỹ. Bác đã đọc không biết bao nhiêu là sách tiếng Anh của các tác giả nổi tiếng như Dickens, Shakespeare,... Bác cũng dịch nhiều đoạn, nhiều câu rút trong báo chí Anh, Mỹ và các nước khác để đưa vào tiểu phẩm của mình. 

“Cuộc sống du lịch và làm việc là trường đại học của tôi” 

Chủ Tịch Hồ Chí Minh thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Bác Hồ học ở sách, báo, học ở đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân, học chính những người xa lạ mới quen. Bác Hồ học ở thực tiễn hoạt động cách mạng gian khổ nhưng sinh động trong câu chuyện các nước đế quốc, trong phong trào quần chúng thế giới. 

WeStudy mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam 

Bác từng nói chuyện với Đại học Bằng Đung năm 1959: “Khi tôi còn trẻ không có dịp đến trường học. Cuộc sống du lịch và làm việc là trường đại học của tôi”. Giống như Maxim Gorky, trường đại học của Bác là trường đời, là vốn sống, là kinh nghiệm lẫn trải nghiệm thực tế. 

Nguồn: Tổng hợp