Làm thế nào để dẫn dắt và lãnh đạo một tập thể thành công ở tầm thế giới trong suốt một thời gian dài? Sir Alex Ferguson nằm trong số hiếm hoi những người làm được điều đó. 

Nổi tiếng là người có tính cách nóng như lửa, Alex Ferguson lãnh đạo những tài năng tại Manchester United bằng tinh thần kỷ luật thép, phong cách huấn luyện cứng rắn không khoan nhượng, kể cả với những siêu sao hàng đầu như Cristiano Ronaldo, David Beckham, Eric Cantona — những người xem ông như thủ lĩnh tinh thần. 

Trong cuốn sách Dẫn dắt: Lãnh đạo chứ không quản lý của mình, Sir Alex viết: “Phần lớn công việc lãnh đạo là khai thác được thêm 5% năng lực mà các cá nhân không biết là họ có.” Ông giãi bày những hồi tưởng của mình về quãng thời gian gắn bó với United và chia sẻ thật tâm về những bí quyết mà nhà lãnh đạo có thể sử dụng để truyền cảm hứng tới đội ngũ của mình. 

Sir Alex Ferguson đã biến Ronaldo từ một tiền vệ thích khoe mẽ thành một tay săn bàn khét tiếng nhất thế giới. (Ảnh: AFP)

Khoảng cách 

“Trong quản lý, việc giữ một khoảng cách nhất định là vấn đề sống còn”, Sir Alex viết. Một nhà lãnh đạo không nhất thiết phải được yêu mến mọi lúc, đôi khi phải thật đáng sợ là đằng khác. Nhưng trên hết, anh ta cần phải được tôn trọng. 

Sir Alex lấy minh chứng từ sai lầm của người tiền nhiệm Ron Atkinson, người từng gặt hái được nhiều thành tựu trong vai trò huấn luyện viên trưởng nhưng chọn cách kết thân với các cầu thủ. Sir Alex nhận xét phong cách làm vậy như trên là không chuyên nghiệp và thiếu hiệu quả. Đơn giản, “sếp” không thể đánh đồng với “lính”. 

Sau trận thua 2-0 với Arsenal tại một trận đấu thuộc vòng 5 Cúp FA năm 2003, David Beckham và Sir Alex đã cãi vã dữ dội trong phòng thay đồ. Sir Alex chỉ trích David đã không chịu chạy về phòng thủ. David luôn miệng chửi thề. Sau đó, Sir Alex tiến tới, sút vào một chiếc giày làm nó bay trúng vào phía trên mắt của Beckham. Báo chí đã tốn không ít giấy mực vì vụ việc này, vì vết thương do chiếc giày rất dễ thấy do Beckham có thói quen đeo băng cột tóc lên cao. 

David Beckham từng có khoảng thời gian gắn bó với Manchester United trước khi sang đá cho Real Madrid 

Nhưng điều tai hại là, vài ngày sau đó Beckham vẫn chưa chịu nhận lỗi. Anh chỉ im lặng trước màn tra hỏi của Sir Alex. Vài ngày sau, Sir Alex nói với ban lãnh đạo về việc Beckham phải ra đi. 

 

“Tại Manchester United, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay huấn luyện viên trưởng. Khi có suy nghĩ đó, David đã tự gióng lên hồi chuông báo tử cho mình.” 

— Trích “Hồi ký Alex Ferguson” 

 

Khi gia đình Glazer và David Gill cùng nhau đồng thuận về một mức tăng lương lớn cho Wayne Rooney năm 2010, họ muốn hỏi ý kiến Sir Alex. Ông trả lời ngay rằng sẽ không có cầu thủ nào tại United nhận được lương cao hơn mức của ông. Mọi người đều nhất trí trong nháy mắt. “Liệu có thể gửi thông điệp gì đến cả đội, khi mà hầu hết các cầu thủ đang được trả lương thưởng nhiều hơn so với sếp?”, ông giải thích. 

Là người tôn thờ quyền lực tuyệt đối, Sir Alex luôn ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt của đội. Ông gần như không bao giờ tham dự đám cưới của bất kỳ cầu thủ nào, mà thực sự là ông không bao giờ được mời. Sir Alex không hề thấy bị xúc phạm vì điều này mà ngược lại, ông tin đó là điều đúng đắn các cầu thủ nên làm: không được phép vượt qua lằn ranh giữa “sếp” và “lính”. 

Hiện diện 

Những người lãnh đạo thường không để ý hoặc đánh giá thấp tầm quan trọng của việc hiện diện. 

Một hôm, khi Rio Ferdinand níu Sir Alex lại để hỏi chuyện, vì ông đã bỏ lỡ vài buổi tập để ra nước ngoài công tác. Rio nói: “Thưa huấn luyện viên, ông đã đi đâu vậy? Mọi thứ không giống bình thường khi ông không có mặt ở đây”. Thực tế buổi tập vẫn diễn ra như thường lệ, chỉ là một số cầu thủ đã thư giãn đôi chút vì không thấy bóng dáng “giám thị” Alex Ferguson ngoài đường biên. 

Từ đó trở đi, mỗi khi đi công tác, Sir Alex đều thuê một máy bay riêng để kịp về sân tập ngày hôm sau, dù đêm trước có thể đến 2, 3 giờ sáng ông mới được đi ngủ. 

Bài học mà Sir Alex tự rút ra cho mình sau câu chuyện này là: “Ngay cả nếu tôi chẳng nói lời nào trong suốt buổi tập, thì sự hiện diện của tôi là một công cụ khích lệ quan trọng hơn nhiều so với những gì tôi nhận thấy.” 

Phê bình 

“Tôi luôn khai thác được nhiều khả năng từ các cầu thủ bằng cách khen ngợi họ hơn là chê bai”, Sir Alex viết. Ông hiểu rằng các cầu thủ tại United — cũng như những người bình thường — đều bị chi phối bởi một loạt cảm xúc hỗn độn, do đó khen hay chê cũng phải biết lựa thời điểm thích hợp. 

Là người thẳng thừng tới mức quyết liệt, Sir Alex không e dè trong chuyện phê bình một cầu thủ khi cảm thấy ông có thể giúp người đó giỏi hơn, kể cả có là các siêu sao như Ronaldo, Beckham. Tuy nhiên, ông luôn cố diễn đạt nó theo một cách tích cực. 

Sir Alex Ferguson và Ronaldo trên sân tập Carrington 

Thay vì quát thẳng mặt cầu thủ: “Cậu sẽ không bao giờ khá lên được nếu cứ khư khư ôm lấy quả bóng” thì ông sẽ bình tĩnh vỗ vai họ rồi giảng giải cho họ hiểu rằng họ sẽ chơi hiệu quả hơn rất nhiều nếu tích cực chuyền bóng cho đồng đội. 

Sau các trận đấu, Sir Alex luôn cố tránh việc phê bình các cầu thủ, vì ông hiểu họ đã chịu đủ áp lực từ cổ động viên, truyền thông và chính bản thân họ. “Hầu hết các cầu thủ đều tự thấy khổ sở nhục nhã khi làm đội đội thất vọng,” ông viết. “Phản ánh đầu tiên của tôi luôn luôn là bảo vệ các cầu thủ, rồi mọi thứ sẽ được tìm hiểu và giải quyết sau.” 

Sự thiên vị 

Sự thiên vị là vấn đề tồn tại trong mọi tập thể, khi một vài cá nhân được “quan tâm” hơn hẳn những thành viên khác. Ở United, thiên vị là chuyện bình thường. 

Sir Alex thiên vị Eric Cantona, David Beckham, Cristiano Ronaldo – nhưng cả đội đều không thấy khó chịu. Thiên vị chỉ sai khi ta dành nó cho người không xứng đáng, “một cầu thủ bình thường” như lời Sir Alex. 

 

“Khi bạn làm việc với những người có tài năng phi thường, việc cư xử với họ một cách khác biệt là một điều hợp lý.”

- Sir Alex Ferguson  

 

Theo tiết lộ của Ryan Giggs, Ronaldo hầu như không bao giờ bị Sir Alex quát mắng. Trong cuốn Hồi ký Alex Ferguson, vị huấn luyện viên thẳng thắn tuyên bố: “Cristiano Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà tôi từng huấn luyện. Cậu ta giỏi hơn tất cả những cầu thủ lớn khác tôi từng dẫn dắt tại United, mà tôi thì từng có rất nhiều cầu thủ lớn.” 

Sir Alex Ferguson thẳng thắn thừa nhận Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà ông từng huấn luyện tại MU 

Việc thiên vị như trên có gây ra tình trạng lộn xộn trong tập thể không? Tại Manchester, các cầu thủ không phẫn nộ hay bất bình khi Sir Alex “cưng chiều” Ronaldo như vậy, bởi họ hiểu rằng Ronaldo có những phẩm chất mà họ không có được. Nói cách khác, Ronaldo được chính đồng đội thừa nhận. 

Vì vậy, bài học rút ra ở đây là: trong cương vị một nhà lãnh đạo, việc thiên vị là không tránh khỏi, thậm chí là cần thiết. Điều quan trọng là thiên vị đúng người, và người đó phải cá nhân được tập thể công nhận. 

Trung thành 

“Trung thành” là một cụm từ mơ hồ trong giới thể thao. Mỗi bản hợp đồng cho siêu sao thường kéo dài 3-5 năm, và nếu cầu thủ đó chơi hay, nhiều đội khác sẵn sàng trả cái giá cao hơn để có được anh ta, đó là chưa tính đến kỳ vọng của riêng anh ta. 

Một cầu thủ có thể được cho là trung thành với một đội bóng duy nhất trong suốt sự nghiệp, nhưng hiếm khi một nhà báo nào viết đội bóng đó đã trung thành với anh ta qua ngày rộng tháng dài. Sir Alex, đứng từ phía tổ chức khẳng định: “Một cách để khai thác sự triệt để ưu điểm của con người là chứng minh sự trung thành thật sự khi cả thế giới đều quay lưng lại.” 

Sau cú kungfu nổi tiếng mà Eric Cantona dành tặng cho một cổ động viên hung hãn vào năm 1995, Man United dù đã kỷ luật anh bằng cách treo giò 4 tháng, sau đó FA tăng lên gấp đôi nhằm mang tính trừng trị) nhưng vẫn làm mọi cách để hỗ trợ Eric. 

Cú kungfu chấn động của Eric Cantona vào năm 1995 

Vì bị cấm luyện tập hoặc du đấu với đội, Eric cảm thấy bị cô lập và quên lãng. Sir Alex đã vận động các cầu thủ trong đội đi chơi với Eric thường xuyên hơn, động viên anh để cho thấy họ thực sự quan tâm tới cầu thủ này (và thực sự là họ rất quan tâm). 

Cuối cùng, khi Eric chênh vênh bên bờ vực của việc chuyển sang Italy thi đấu, chính sự trung thành của Man United với anh đã khiến Eric chọn ở lại cống hiến tiếp cho Manchester. 

Tôn trọng 

Việc lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn được người khác yêu mến. Ở Manchester United, Sir Alex luôn quan tâm đặc biệt tới mọi người – kể cả những người làm việc sau cánh gà, “những anh hùng thầm lặng” theo cách nói của ông. 

Những người này không nhận được mức lương cao ngất ngưởng hay sự ngưỡng mộ của công chúng. Họ không đeo trên tay đồng hồ Rolex hay lái Lamborghini tới sân vận động như các cầu thủ. Họ là những người không thể chỉ mặt gọi tên, họ vô danh. Nhưng đó chính là trụ cột của CLB: tại United, một vài người trong số họ – đội giặt ủi, đội chăm sóc sân cỏ, những cô phục vụ – thậm chí còn đi làm bằng xe buýt. Một vài người đã gắn bó với CLB lâu hơn bất kỳ thành viên nào. 

Với mọi nhà lãnh đạo, đây là một việc đúng đắn cần làm. Hãy dành sự quan tâm tới cả những người ở chức vụ tầm thường nhất, từ đội ngũ bảo vệ, cộng tác viên tới những người lao công. “Những con người nhỏ bé đó sẽ giữ gìn sự liên tục và là sợi dây liên kết với di sản của tập thể”, Sir Alex kết luận.