Theo Henry Ford trong cuốn tiểu sử Cuộc đời và Sự nghiệp của tôi, trên đời có hai loại lãng phí mà mọi người đều mắc phải: một là tiêu xài hoang phí tiền của, hai là quá chậm chạp và để cho đồng tiền của mình nằm chết một chỗ. Đa phần chúng ta chỉ đánh đồng việc lãng phí với vế thứ nhất. Và như vậy, “những người tiết kiệm quá sẽ có nguy cơ bị xếp chung với những kẻ chậm chạp”, Ford viết.

Henry Ford (1863 - 1947), nhà sáng lập hãng ô tô Ford và được mệnh danh là "người dạy dân Mỹ lái xe hơi". Ảnh: NPR

***

Nếu đọc qua các tấm gương doanh nhân thành công đi lên từ nghèo khó trong lịch sử như John D. Rockefeller hay Andrew Carnegie – cả hai đều là những tỷ phú giàu nhất trong lịch sử - bạn sẽ nhận thấy họ rất đề cao tinh thần tiết kiệm. Quan điểm sau Ford nghe có vẻ ngông cuồng nếu đặt trên bàn cân để so sánh với những gì mọi người thường hiểu về tiết kiệm: “Tiết kiệm là thói quen của những người chỉ sống một nửa.”

Một nửa còn lại của Ford, theo ý ông có lẽ là việc đầu tư. Nói đơn giản, ông tin rằng những người nghèo nhất nên học cách đầu tư thay vì tiết kiệm từng đồng bạc còm cõi, buộc bản thân phải cắt giảm nhanh chóng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Chúng ta có thể phản bác lại lập luận của Ford rất dễ dàng: ta cần có tiền để đầu tư. Và tiền từ đâu ra? Từ tiết kiệm. Như vậy, tiết kiệm là chặng đầu của quá trình đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư theo ý Ford không chỉ là vấn đề xoay quanh tiền bạc. Ông tin rằng thay vì dạy trẻ con tiết kiệm tiền là tốt vì có thể ngăn chúng chi tiêu phóng túng, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu dạy chúng cầu đầu tư và tiêu tiền, vì như thế chúng sẽ học được cách tự thể hiện mình và tự tính toán chi tiêu – kỹ năng rất cần thiết khi chúng trưởng thành.

Tương tự, ông cũng tin rằng người trẻ thay vì tiết kiệm thái quá nên đầu tư những đồng tiền nhọc nhằn kiếm được đó vào mình trước, sau đó mới đến những việc cần thiết khác. “Những người trẻ tuổi nên đầu tư hơn là tiết kiệm. Họ nên đầu tư vào bản thân để tăng thêm khả năng sáng tạo, khi đã sử dụng tối đa khả năng của mình, họ sẽ có đủ thời gian để nghĩ đến việc tiết kiệm một phần thu nhập”, ông viết.

Vậy chúng ta nên hiểu quan điểm của Henry Ford thế nào cho đầy đủ và chính xác?

Thứ nhất, tiết kiệm là thói quen tốt, nhưng chỉ tiết kiệm thôi là không đủ. Tiết kiệm luôn tốt hơn tiêu xài hoang phí, nhưng việc ăn chắt hà tiện rồi để tiền bạc của mình nằm chết trong ví cũng lãng phí không khác việc chi tiêu vô độ là bao.

Thứ hai, vì tiết kiệm là một thói quen tốt, vậy nên chúng ta nên dạy trẻ nhỏ và dạy chính mình cách tiết kiệm. Nhưng sẽ hiệu quả hơn cả nếu chúng ta học thêm cả cách kiếm tiền và tiêu tiền. Tiết kiệm thường là hệ quả của sự tiêu xài hoang phí. Nói cách khác, chỉ sau khi chúng ta nhận ra mình đã vung tay quá trán, chúng ta mới bắt đầu tiết kiệm. Ta thường được khuyên dành ra một khoản thu nhập cố định hàng tháng để tiết kiệm rồi chi tiêu giới hạn trong phần còn lại. Thế nhưng rồi ngựa vẫn sẽ quen đường cũ, nếu ta không biết cách chi tiêu sao cho hợp lý, để rồi cuối cùng vẫn phải lôi từng đồng từng cắc trong khoản tiết kiệm ra để đáp ứng những nhu cầu của bản thân.

Thứ ba, tất cả mọi người – đặc biệt là người trẻ nên đầu tư thay vì tiết kiệm. Cách đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào bản thân. Đây là khoản đầu tư lãi suất cao dù không thể đong đếm, nhưng nó chắc chắn sinh lời. Nếu đủ may mắn, thứ bạn nhận về sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với thứ bạn cho đi.

Thay vì tiết kiệm thái quá, người trẻ nên học cách để nâng cao khả năng sáng tạo, năng suất làm việc và kỹ năng chuyên môn của bản thân. Thu nhập sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với trình độ nghề nghiệp. Khi lúa đã đủ chín, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiết kiệm một phần thu nhập mà vẫn chi tiêu thoải mái với phần thu nhập còn lại.

Trong kinh doanh, có hai cách để gia tăng lợi nhuận: một là kiếm thêm nhiều tiền, nói đơn giản là thúc đẩy doanh số; hai là tiết kiệm thêm nhiều tiền, nói đơn giản là giảm thiểu chi phí. Bánh xe cuộc đời cũng không khác kinh doanh là bao. Khi bạn đầu tư cho bản thân, bạn đang trao cho bản thân cơ hội kiếm thêm nhiều tiền trong tương lai. Khi bạn tiết kiệm, bạn đang học cách giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, bất kỳ doanh nghiệp cũng như con người nào nào cũng hiểu rằng giảm thiểu chi phí không phải là một chính sách tối ưu. Một doanh nghiệp chỉ tập trung giảm thiểu chi phí sẽ lụn bại vì giới công nhân đổ ra đường để biểu tình bởi chính sách lương thưởng đãi ngộ không tốt. Ngược lại, doanh nghiệp phải luôn tìm cách kiếm thêm nhiều tiền, và việc này bắt buộc phải đầu tư. Khi kiếm thêm được nhiều tiền, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để trang bị thêm máy móc, thiết bị hiện đại giúp tự động hóa, tối ưu hóa quy trình làm việc, do đó giảm thiểu được chi phí sản xuất.

Như vậy, đầu tư và tiết kiệm có mối quan hệ mật thiết. Theo cách của Ford, tiết kiệm là hệ quả tất yếu của đầu tư khôn ngoan.

Do đó, thay vì học cách tiết kiệm, bạn hãy bắt đầu học cách quản lý chi tiêu bản thân. Hãy nhớ điều này: không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu, quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu. Thật ra, thứ quan trọng là bạn chi tiêu như thế nào với thứ bạn kiếm được. Nếu bạn chi tiêu hợp lý, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá – nhưng nó chỉ dừng ở mức khá vì bạn đâu có nới rộng thu nhập của bản thân, mà cuộc sống thì vốn dĩ đắt đỏ. Nếu bạn chi tiêu quá độ, hiển nhiên là cuối cùng bạn sẽ phải chi tiêu vào chính phần tiết kiệm trước đó.

Khi đã quản lý chi tiêu ổn thỏa, bạn ắt sẽ dư ra một phần tiết kiệm. Việc của bạn bây giờ là đầu tư khoản vốn đó vào bản thân. Khoản đầu tư này phải mang lại lợi ích cho chính bạn, mà không việc này cụ thể và thiết thực hơn là học tập – phát triển bản thân. 

Về bài toán tiết kiệm Henry Ford đặt ra, suy cho cùng cũng để chứng minh một điều: con người chỉ thực sự tự do khi không ngừng học tập và làm việc, cố gắng để bản thân mình hôm nay hoàn thiện hơn so với ngày hôm qua. Tiền bạc chưa bao giờ là đích đến và không bao giờ nên là đích đến cả. Tiền bạc chỉ là món đồ bạn nhận được nhưng không kèm theo hướng dẫn sử dụng. Do đó, bạn mới phải tự dạy chính mình.