Có một số ngày tôi thức dậy và thấy năng lượng trong mình như cạn kiệt. Đôi khi là do tôi ngủ không ngon giấc, đôi khi là bởi tôi quá lười, tôi chẳng muốn lết dậy và làm gì cả. Làm thế nào để nhấc mông dậy làm việc trong khi tâm trí chỉ thúc giục bạn đi ngủ, đi nằm – bạn không muốn làm bất cứ gì cả? 

ẢNH: AMC

***

Câu hỏi này sẽ đưa chúng ta tới bài toán về động lực. Tôi nghĩ “động lực” là một danh từ mơ hồ. Hàng loạt các nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu nguồn gốc của động lực và cách để khai thác nó. Với một vài chuyện, chúng ta chỉ đơn giản là không muốn làm. Ngược lại có một vài chuyện khác, chúng ta có thể xắn tay áo và bắt tay làm bất cứ khi nào có cơ hội. Khi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn, tôi biết được các nhà nghiên cứu từ lâu đã chia “động lực” ra làm hai loại: 

Loại thứ nhất là động lực ngoại lai, tức là động lực tới từ bên ngoài như phần thưởng khi làm xong công việc, sếp thưởng tiền vượt KPI hay cảm giác bị đồng nghiệp dèm pha khi liên tục trễ làm. Theo Stefano Di Domenico, nhà nghiên cứu động lực giảng dạy tại Đại học Toronto Scarborough: “Khi mọi người nói họ bị mất động lực, thực chất ý họ là ‘Tôi làm việc này vì tôi phải làm chứ không phải vì tôi muốn làm’.”

Loại thứ hai là động lực nội tại, tức là động lực nằm bên trong chúng ta, là thứ là mọi người vẫn luôn tìm kiếm. Động lực nội tại là thứ thôi thúc bạn ngồi vào bàn viết lách hàng giờ, ngồi sửa đi sửa lại một video ngắn để chúc mừng sinh nhật người bạn thân. Đôi khi những việc đó không đem lại vật chất hay phần thưởng gì, bạn vẫn vùi đầu vào nó.

Khác với động lực ngoại lai – bạn không thể kiểm soát và điều khiển chúng – thì với động lực nội tại, bạn hoàn toàn có thể xác định và khai thác chúng. Nghe như thể bạn đào trúng phải mỏ vàng vậy, nhưng cái gì đó dứt khoát là có thể. Một số người may mắn sở hữu một suối nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, họ có thể sử dụng tùy ý theo bất cứ kiểu nào họ muốn, nhưng nhìn chung đó không phải là trường hợp thường thấy mà bạn có thể noi theo. Những người bình thường như tôi và bạn, buộc phải rèn luyện cho mình khả năng “đánh hơi” và đào trúng mạch cảm hứng khi cần thiết. Thực chất thì tôi đã làm thế này. 

Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi không làm việc quá nhiều. Ngày đi học, mỗi lần một người với thành tích học tập xuất sắc nói rằng họ chỉ học rất ít mỗi ngày, tôi đều nghĩ là họ nói khoác – như một kiểu khiêm tốn hèn hạ. Kể từ ngày quyết định chọn viết lách làm cần câu cơm, không có ngày nào tôi nghỉ tay. Có những ngày tôi viết tới 3.000 – 4.000 chữ, đều đặn bảy ngày trên tuần, không có ngày nghỉ. Nếu buổi sáng không viết được, tôi sẽ viết vào ban đêm. Thi thoảng tôi phải dừng tay để đi kiếm chút đồ ăn lót dạ hoặc buộc phải ra ngoài vì công chuyện gì đó, tôi không thể nào gạt những ý tưởng ra khỏi đầu. Tôi chỉ mong nhanh chóng được về nhà và ngồi vào bàn viết tiếp bản thảo dang dở. Mất gần một năm như thế để tôi nhận ra sức khoẻ của bản thân đã tụt dốc thê thảm tới nhường nào. Nhưng quan trọng hơn, tôi cảm giác từng phút làm việc như đang bị một thế lực vô hình bòn rút từng chút sinh khí trong người. Làm việc mệt như vậy thì không vui, lúc nào cũng trong trạng thái ủ rũ kiệt quệ thì không tốt. 

Bởi tôi đã chịu dừng lại tự vấn, tôi dần nghiệm ra được sự thật này: năng suất có một cái ngưỡng. Hiển nhiên là năng suất của chúng ta không thể đi lên, đi lên mãi – nó sẽ tăng đến một mức nào đó rồi hạ xuống dần. Bạn có thể tưởng tượng đơn giản thế này: khi bạn ngồi vào bàn học, bạn sẽ thấy 1, 2 tiếng đầu bạn giải quyết rất êm xuôi, nhưng bạn có chắc mình ngồi 5, 6 tiếng như thế mà vẫn giữ được động lực như ban đầu không? Rất khó.

Điều đáng ngạc nhiên là ngưỡng động lực của mỗi người là khác nhau. Có người chỉ có thể hăng hái làm việc được trong vòng 1 giờ, có người lại có thể ngồi lì liên tiếp 4 giờ. Nếu bạn là tuýp người ở vế trước, bạn tốt nhất nên chia một ngày của bạn thành nhiều ca làm việc, tránh tình trạng phải làm việc liên tục. Ngược lại, nếu bạn là trường hợp ở vế sau, sẽ sáng suốt nếu bạn nghỉ ngơi lâu hơn bình thường (vì bạn làm việc lâu hơn bình thường mà) để cơ thể và trí óc phục hồi lại năng lượng. Đi dạo, ăn nhẹ, chơi thể thao, nghe nhạc, nằm dài và không nghĩ gì cả - tất cả đều được. Mỗi người sẽ có những nguồn lực khác nhau, do đó năng suất cá nhân cũng khác nhau. Tôi có bàn sâu hơn chuyện này trong một bài viết về thói quen “ngày làm việc 4 giờ” của hai thiên tài Charles Dickens và Charles Darwin. 

Michael Jordan: "I'm Back." Photo Gallery | NBA.com
Michael Jordan quay trở lại NBA sau 18 tháng với một dòng tít thông báo duy nhất: "I'm back."
ẢNH: NBA ARCHIVES

Đôi lúc bạn phải chấp nhận rằng mất động lực là chuyện bình thường. Kể cả thiên tài, siêu sao hay vĩ nhân cũng đều mất động lực thôi. Michael Jordan, người được xem là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, từng bỏ bóng rổ qua chơi bóng chày vì mất động lực sau cái chết thương tâm của người bố năm 1994. Ông tuyên bố giải nghệ vào đúng lúc sự nghiệp đang đỉnh cao, khiến người hâm mộ tiếc hùi hụi. Thế rồi 18 tháng sau đó, ông tổ chức họp báo thông báo mình đã trở về với bóng rổ chuyên nghiệp bằng một tít báo duy nhất: “I’m Back” (Tôi đã quay lại). Michael Jordan đã “mất động lực” những 18 tháng, quay lại và chứng minh ông vẫn là “trùm” của cả giải đấu. Tuy nhiên đó là câu chuyện của những ngôi sao, người thường chúng ta lại không được như vậy. Chúng ta không thể rời bỏ công việc mỗi khi chán nản vì chẳng khác nào tự tay vứt đi cần câu cơm của mình. Nếu bạn có thể dừng lại và nhìn ngắm mọi thứ, hoặc chuyển sang một lĩnh vực khác như Jordan đã làm thì bạn thật may mắn. Nhưng nếu bạn đơn giản là không thể cho phép bản thân một thời gian nghỉ phép, tôi mong lời khuyên cuối sẽ giúp ích đôi chút. 

Tôi không tin trên đời này có một người nào đó dốc toàn tâm toàn sức vì chuyện gì đó mà lại không đoái hoài tới sự công nhận của người khác. Người ta có thể nói rằng họ không quan tâm về điều đó, nhưng dứt khoát là họ có quan tâm, dù có là tỷ lệ 1% đi nữa. Nếu bạn toàn tâm toàn sức vì một công việc, bạn sẽ luôn muốn được khen, cổ vũ và thừa nhận. Một người tìm kiếm những lời khen trong công việc không có gì là sai trái, đó là nhu cầu căn bản của anh ta; và nếu nó có thể tiếp thêm động lực thôi thúc anh ta cống hiến hơn nữa, không còn chuyện nào đáng mừng hơn thế.

Nhưng bạn đâu thể đứng trước mặt người khác và yêu cầu họ khen bạn để bạn lấy lại động lực làm việc, phải chứ? Theo tôi, cách dễ nhất để được khen là hoàn thành công việc xuất sắc ngoài kỳ vọng. Ngoài ra, tính riêng chuyện viết lách, tôi có riêng cho mình một “Bản Danh Sách Lời Khen” – kho lưu trữ tất cả những lời khen tôi từng nhận được cho các bài viết của mình. Mỗi lần mất động lực, tôi lại lật lại những tấm hình ảnh, xem lại bình luận của họ. Cảm giác vẫn nguyên vẹn như ngày đầu tiên tôi nhìn thấy chúng. Những lời khen không làm tôi trở nên cao ngạo, nó giúp tôi xác định lại lộ trình và nhanh chóng lên dây cót. Công việc của một người viết buộc tôi phải thu mình bên chiếc bàn làm việc trong căn phòng tí hon của mình, cố gắng viết từng dòng từng chữ gửi gắm tới những người mà tôi không thể chỉ mặt đặt tên. Có thể 100 người đọc mới có một người yêu thích bài viết của tôi, nhưng nếu người đó nói rằng họ mong chờ xem tôi sẽ viết gì sắp tới, tôi sẽ tập trung vào họ và chỉ họ mà thôi.