Một bài viết sẽ khiến bạn phải dừng lại ngẫm nghĩ đôi điều về bản thân và những gì bạn vẫn làm bấy lâu.. 

The Shawshank Redemption (1994). Ảnh: TIME

Gần đây, tôi có đọc được đôi dòng tâm sự khá hài hước từ một bạn trẻ (người mà tôi đã quên tên mất rồi). Cô nàng này ra ngoài lúc 1 giờ đêm và đang lang thang ở Circle K — cố làm đầy cái bụng rỗng của mình. Một bà già lom khom đang đứng nhặt phế liệu quanh khu đổ rác gần đó. Động lòng trắc ẩn, cô nàng mới rút ra vài tờ bạc lẻ và tiến tới gửi tặng bà lão, và đổi lại là cái lắc đầu cùng vẻ mặt đầy khoan thai, mà nói đơn giản ra là: “Thôi cháu giữ lấy mà tiêu, bà không cần đâu.” 

Bị từ chối phũ phàng như vậy, hẳn là cô bé đã có đôi chút tò mò. Bà già ngoảnh mặt đi, bóng lưng còm khom in hằn xuống mặt đường nom sao khắc khổ, cô lặng lẽ rón chân theo bước bà. Chà, hóa ra là bà lão không cần tiền thật, vì ngôi nhà bà vừa bước vào kia là một căn nhà 4 tầng ngay mặt đường gần đó. 

Tôi nghĩ bạn đã nghe kha khá câu chuyện dở khóc dở cười với mô típ quen thuộc thế này rồi. Người già ấy mà, họ thường hay ngứa ngáy chân tay lắm. Họ còn hay mất ngủ nữa, vậy nên cứ kiếm dăm ba chuyện vặt để làm cho bận bịu ấy mà. Nhưng lý do tôi kể câu chuyện trên là gì? 

Khi về già, người ta có xu hướng tin rằng mình tiêu thụ nhiều hơn và đóng góp ít đi. Họ nghĩ mình chỉ nhận về mà chẳng cho đi nhiều như ngày trước nữa. Chẳng phải thế mà các cụ vẫn cứ dấm dúi vào tay con cháu những đồng lương hưu ít ỏi, trong khi lắc đầu nguầy nguậy mỗi lần con cháu gửi chút tiền biếu làm quà hay sao? 

Bằng cách cho đi, người già cảm giác họ đang thực sự sống. Bằng cách lao động, họ cảm thấy mình đang tạo ra giá trị, và điều đó giúp tâm hồn họ an yên. 

Những người tích cực cho đi sẽ tiếp tục sống, và những người chỉ biết nhận về sẽ chết dần chết mòn. Vì vậy, nếu để nói thẳng thắn, cách dễ nhất để sống một cuộc đời tầm thường là: tận hưởng cuộc sống thay vì đóng góp cho nó. 

Dưới đây là những lập luận sẽ chứng minh cho luận điểm trên. 

Câu chuyện về các tù nhân 

Nếu bạn từng xem bộ phim Nhà tù Shawshank hay Dặm xanh, bạn hẳn không mấy xa lạ với tình cảnh khốn khổ của những tù nhân. Dù là giết người, trộm cắp, cướp nhà băng hay tù nhân chiến tranh, họ đều bị nhét vào một môi trường đầy rẫy những tên cặn bã nhất: bẩn thỉu, bạo lực, điên rồ, kinh hoàng (hàng loạt “mĩ từ” khác mà tôi không tiện liệt kê cho lắm!). Thêm vào đó, thức ăn, nước uống đều tạm bợ. Nhà tù bắt họ trả giá cho những tháng ngày rong ruổi ngoài xã hội bằng các hoạt động lao động công ích, khiến chân tay họ luôn bận rộn. 

Nhưng đó chưa bao giờ là thứ có thể đốn gục một con người. Tin tôi đi, kể cả nhà tù nếu muốn tiễn một gã tù nhân khốn kiếp nào đó, họ cũng sẽ chẳng bao giờ chọn cách tuyệt thực hay bắt gã làm việc tới chết đâu. Đối với một số tên tù nhân ‘hạng nặng’, mấy trò trên sẽ vô tác dụng. Nhà tù sẽ tra tấn hắn — nhưng là tra tấn về mặt tinh thần. Bởi họ biết cách dễ nhất mà lại gây đau đớn nhất để giết một con người — là thật chậm rãi, từ từ nghiền nát tâm hồn người đó — một đòn sát thương chí mạng từ bên trong. 

Ở trong tình cảnh như vậy, thứ duy nhất khiến một tên tù nhân mở mắt thức dậy mỗi sáng và sống tiếp là ý thức của hắn về giá trị của bản thân. Nói cách khác, muốn sống sót trong hoàn cảnh khắc nghiệt nơi nhà giam, hắn phải tin rằng hắn xứng đáng được sống. 

Quay trở lại với Nhà tù Shawshank, có một chi tiết trong phim làm tôi nghĩ ngợi rất lâu: Brooks Hatlen, một tù nhân lớn tuổi, người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với song sắt nhà tù — bỗng kề dao vào cổ Heywood, một tù nhân khác trong cơn quẫn trí. 

Brooks đã được ân xá sau 50 năm, giờ đây ông quen thuộc với cuộc sống trong tù tới độ sợ hãi khi phải bước ra thế giới bên ngoài. Brooks thấy cô đơn vô cùng, vì ít ra ở tù ông còn cảm thấy như mình đang sống, đang sống như một con người dưới tư cách người cai quản thư viện.

Vì vậy, ông cố giết Heywood để được quay lại nhà tù, thoát khỏi thực tại tàn nhẫn kia. Cuối cùng, Brooks viết một lá thư cho các bạn tù ở Shawshank trước khi khắc dòng chữ ‘Brooks was here (Brooks đã ở đây) lên xà nhà rồi treo cổ tự vẫn, kết thúc chuỗi ngày vô định và vô phương cứu chữa của mình. 

Bạn biết đấy, ngoài xã hội có vô vàn Brooks cũng đang rơi vào cơn quẫn trí như vậy. Câu chuyện này cho thấy: muốn cảm thấy như mình đang sống, con người buộc phải tạo ra gì đó. Chúng ta đâu phải những cỗ máy, chúng ta có trái tim và khối óc. Chúng ta làm việc, sáng tạo, đóng góp công sức nhỏ nhặt của mình để khẳng định giá trị bản thân như một vật thể sống. 

Mặt khác — mặt mà Brooks đã phải đối diện khi ra khỏi nhà tù — là những người mất đi ý chí vì không tìm ra mục đích sống của mình. Tâm trí họ bị đè nặng bởi màn sương mờ của trạng thái vô định, nhấn chìm họ trong mông lung và quăng họ vào vòng xoay điên cuồng của sự bế tắc. 

Đứng dậy và làm gì đó

James Clear, một tác giả mà tôi rất thích, đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này trong một bài viết vào năm 2012 (khá lâu rồi nhỉ?). Lời khuyên của anh thiết thực và truyền cảm hứng, nó như sau: 

 

“Thời gian của bạn là có hạn, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những gì mình muốn đóng góp cho cuộc đời này. Những đóng góp đó không nhất thiết phải là nỗ lực lớn. Nấu một bữa thay vì mua cơm hàng cháo chợ. Viết một đoạn văn thay vì đọc một đoạn văn. Bạn không nhất thiết phải tạo ra những đóng góp lớn lao, bạn chỉ cần thực hiện những đóng góp nhỏ mỗi ngày.” 

 

Thử nghĩ mà xem, sự ra đời của Facebook, TikTok, Instagram đã ngốn của bạn biết bao thời gian? Nó đã kéo bạn vào guồng quay của chủ nghĩa tiêu thụ không lối thoát. Mỗi ngày, bạn lướt tới lướt lui chỉ để xem những thứ bạn biết mình sẽ quên ngay sau đó, đọc những bài viết chẳng mấy bổ ích là bao, và sa đà vào những cuộc trò chuyện phù phiếm trên mạng xã hội. Bạn chỉ nhận lại chứ chẳng cho đi. Bạn không tạo ra bất cứ thứ gì, bạn chỉ nằm im và chờ người khác bón cho mình. Bạn lười suy nghĩ, vì bạn nghĩ đọc những gì người khác nghĩ thì tiện hơn mà. 

Điều quan trọng là, bạn thay đổi cuộc sống của người khác và của chính bạn bằng những gì bạn tạo ra. Khi bạn nói lên quan điểm của mình, đó là một sự đóng góp. Khi bạn viết một bài về bộ phim bạn mới xem và chia sẻ nó lên trang cá nhân, đó cũng là một sự đóng góp. Khi bạn chịu bỏ công sức để tạo ra chúng, bạn khẳng định mình là một phần của trò chơi. Bạn không vô hình, bạn hiện diện. Bạn tạo ra giá trị, và do đó, bạn có giá trị. 

 

“Khi bạn ngừng cho đi, bạn bắt đầu lụi tàn.” 

— Eleanor Roosevelt 

 

Chúng ta thường dành cả đời để chiêm ngưỡng thế giới chứ ít khi đoái hoài tới việc thay đổi thế giới. Thế giới rộng thênh thang còn bạn thì nhỏ bé, nhưng điều đó không có nghĩa đóng góp của bạn là vô ích. 

Và giờ thì bạn sẽ đi đâu từ đây? Đơn giản thôi, hãy bắt đầu công cuộc đóng góp của bạn. Bạn sẽ khẳng định giá trị của mình dưới tư cách gì đây? Một nhà văn, một doanh nhân, một nghệ sĩ, một nhà sáng tạo nội dung — hay chỉ đơn giản là một bản thể độc nhất? 

Nhưng để bắt đầu, hãy đứng dậy và làm cái gì đó đã. Đọc sách chẳng hạn, và viết bài cảm nhận của bạn về cuốn sách đó. Chia sẻ những bộ phim tâm đắc bạn từng xem. Nói lên quan điểm của bạn về một vấn đề. 

Đóng góp và sáng tạo không chỉ khiến bạn cảm thấy mình đang thực sự sống — nó còn giúp bạn tồn tại.