Đã bao lần bạn bị ảnh hưởng bởi cách hành xử vô lý của kẻ khác? Nhiều không đếm xuể, phải chứ? Một tài xế lái ẩu, những người đồng nghiệp soi mói, cấp trên cục cằn hay đơn giản chỉ là một người phục vụ bàn thô lỗ? 

Nhiều người có khả năng giữ bình tĩnh tới độ đáng khâm phục khi rơi vào những tình huống trên, nhưng phần lớn chúng ta lại nằm ở quang phổ ngược lại. Đúng, đôi khi những việc cỏn con như vậy có thể phá hỏng tâm trạng một ngày của bạn, đặc biệt là khi tối hôm trước bạn còn mất ngủ nữa chứ! 

Trước những ca khó xử như vậy, làm thế nào để chút chuyện vặt vãnh ảnh hưởng xấu tới tâm trạng của bạn? Làm thế nào để ta thôi nhớ về những điều tệ hại người khác gây cho ta và bình thản bước tiếp? 

Trong cuốn sách với cái tên gây tò mò Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, tác giả David J. Pollay đã đưa ra vô số phương án cho các câu hỏi trên, chỉ từ một câu chuyện nhỏ về bác tài taxi và “những chiếc xe rác”. Câu chuyện thú vị đó như sau. 

Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác 

“Cách đây hai mươi năm, tôi đã học được bài học trong một lần đi taxi của thành phố New York. Chuyện là thế này. 

 

Hôm ấy tôi bắt taxi đến Nhà ga Trung tâm. Chiếc taxi chở tôi đang đi làm ở làn bên phải thì bất thình lình, một chiếc xe màu đen từ bãi đỗ xe lao ra ngay trước xe chúng tôi. Chiếc xe đó chắn phía trước. Bác tài xế taxi chở tôi vội đạp phanh. Tiếng lốp xe ma sát trên đường rít lên ken két. Và chiếc taxi của chúng tôi đã kịp dừng lại vào giây cuối cùng, khi chỉ còn cách đuôi xe phía trước có hai phân. 

 

Suýt gặp tai nạn khiến tôi hồn vía lên mây. Nhưng việc diễn ra sau đó mới thật sự khiến tôi sững sờ. Tài xế lái chiếc xe màu đen, người suýt chút nữa gây ra một tai nạn nghiêm trọng, quay đầu lại chửi bới chúng tôi bằng những lời lẽ thô tục. Dù không nghe rõ, tôi vẫn biết anh ta đang chửi bới chúng tôi. Sao tôi biết được à? Ơ New York, có một số từ khi được nói ra sẽ đi kèm với nét mặt đặc trưng. Anh ta thậm chí còn giơ ngón tay giữa về phía chúng tôi nữa. 

 

Vậy mà bác tài xế taxi chở tôi chỉ mỉm cười và thân thiện phất tây với anh ta ý bảo bỏ qua. Tôi liền hỏi: “Sao bác hiền thế? Anh ta suýt chút nữa đã giết chúng ta đó!”. Bác tài bình thản trả lời tôi, những điều ông nói với tôi lúc đó chính là bài học mà giờ đây, tôi gọi là Bài học Diệu kỳ từ Chiếc Xe Rác: 

 

Nhiều người giống như những chiếc xe rác vậy. Họ chứa trong mình đầy ‘rác’ – đó là nỗi thất vọng, sự tức giận và cảm giác bất mãn. Khi ‘rác’ đầy, họ phải tìm chỗ để xả ‘đống rác’ đó. Họ sẽ đổ nó lên người anh, nếu anh để họ làm vậy. Vì vậy, khi ai đó muốn đổ rác lên anh, đừng bực bội làm gì. Hãy cứ mỉm cười, phất tay cho qua, chúc họ tốt lành và tiếp tục làm việc của mình. Tin tôi đi, làm như vậy anh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn đấy.” 

 

Phớt lờ những chiếc “xe rác” 

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là nhận diện những chiếc xe rác. Nhưng mục đích của việc nhận diện chúng cũng chỉ là để bạn có thể phớt lờ chúng đi. Nghe vô lý quá phải không? Chẳng khác nào tôi trao cho bạn con mắt nhìn được những hồn ma rồi ép bạn phải giả vờ như không nhìn thấy chúng cả. So với việc đó, không nhìn thấy ngay từ đầu không phải sẽ tốt hơn sao? 

Câu trả lời là không. Những chiếc xe rác không giống những hồn ma vô hại, chúng cản đường bạn. Bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần mình sẽ đụng phải vô số chiếc xe rác trên con đường bạn đi. Chúng kẹt cứng ở đó như đường Láng giờ tan tầm, và việc của bạn không phải đi xuyên qua chúng, mà là tìm đường tắt để “né chướng ngại vật”. 

Qua một nghiên cứu trên diện rộng của mình, nhà tâm lý học Roy Baumeister của Đại học Bang Florida phát hiện con người có xu hướng ghi nhớ lâu hơn những điều tồi tệ hơn là những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Xung đột, hỗn loạn là thức ăn yêu thích của bộ não. Chúng ta có xu hướng để ý nhiều hơn đến những điều tiêu cực hơn là tích cực, và cũng dễ lưu giữ những ký ức không vui hơn và thường hồi tưởng những ký ức đó nhiều hơn.

Nếu đã vậy, sẽ không sáng suốt cho lắm nếu bạn cứ cố chấp giữ khư khư những bất mãn trong lòng, hằn học vì những chiếc xe rác vô tình đụng trúng bạn, chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa” cả. Hãy buông bỏ chúng. Hãy làm theo lời bác tài trong câu chuyện trên: mỉm cười, phất tay cho qua, chúc họ tốt lành và tiếp tục làm việc của mình. 

Làm thế nào để tránh tình trạng “giận cá chém thớt”? 

Trong một nghiên cứu tâm lý học được cầm đầu bởi Brad Bushman, ông và các cộng sự đã mô tả kết luận về một hiện tượng tâm lý gọi là “chuyển dịch xung đột”, nói nôm na ra là “giận cá chém thớt” như sau: 

 

“Cách một người tập trung sự chú ý của mình sau khi bị khiêu khích ảnh hưởng đến cách họ đối xử với người khác. Người chìm đắm trong tâm trạng tồi tệ và sự khiêu khích có xu hướng trút giận lên những người vô tội. Trong khi đó, những người biết để tâm trạng tiêu cực của mình tự tan biến và tập trung vào việc khác ít có hành vi 'giận cá chém thớt' hơn.” 

 

Bản chất của sự kiềm chế có liên quan chặt chẽ tới các nghiên cứu tâm lý học dài hơn về chủ đề tính trì hoãn của con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bằng cách hướng sự chú ý của mình sang một sự việc/hoạt động khác, khả năng bạn vượt qua các cảm xúc tiêu cực là cao hơn. 

Điều này có nghĩa là gì? Thay vì để nỗi khó chịu kia lây lan trong tâm trí, bạn nên kiếm việc gì để làm. Một việc gì đó để tách bạn ra khỏi vấn đề khó chịu đó. 

Viết nhật ký là một cách rất tốt, tập gym, chạy bộ hay đọc sách cũng vậy. Đôi khi những cảm giác khó chịu sẽ cứ bám víu lấy bạn, bạn không còn cách nào khác ngoài việc giữ bản thân bận rộn để tâm trí không còn chỗ trống mà chứa chúng. 

Đừng biến mình thành xe rác 

Nhiều người dành cả đời để cố trả đũa những chiếc xe rác. Họ trở thành những đạo diễn phim, tưởng tượng ra cảnh họ ăn nói như một anh hùng trong một bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc: “Nhà người gây sự nhầm người rồi”. Những câu chuyện theo lối “Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn” có lẽ chỉ làm hài lòng những đôi tai thích được vuốt ve chứ hiếm khi là liều thuốc bổ cho tinh thần. 

Tôi từng đọc được một câu nói rất hay rằng: Ôm lấy mối thù hận dai dẳng chẳng khác nào tự hạ độc mình rồi mong đối thủ sẽ “bay màu” cả. Đời không như phim, không có chuyện bạn là John Wick và sẵn sàng hạ sát cả thế giới vì chú chó cưng của vợ để lại bị giết hại vô cớ đâu. 

Những chiếc xe rác chẳng khác nào zombie, tiêu cực là một căn bệnh truyền nhiễm. Ở cạnh những người tiêu cực, lâu dần bạn cũng trở nên tiêu cực giống họ. Nếu có cơ hội được trải nghiệm cảm giác ở cạnh những người như vậy, bạn sẽ thấy câu “Gần mực thì đen” mà bạn vẫn nghe ông bà nói xa xả chưa bao giờ đúng tới thế. 

Khi chấp nhận để bị xả rác lên người, bạn tình cờ có nguy cơ trở thành chiếc xe rác tiếp theo. Bạn nên làm gì? Đơn giản thôi, mỉm cười, phất tay cho qua và quên họ đi. 

Giúp đỡ những chiếc xe rác 

Có phải lúc nào bạn cũng phớt lờ những chiếc xe rác được không? Sẽ thế nào nếu chính những người thân yêu của bạn, hoặc vài người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn lại đang “xả rác” lên bạn từng ngày? 

Họ sống và làm việc cùng chúng ta. Họ có thể là khách hàng, là sếp, là đối tác, là hàng xóm, là họ hàng, thậm chí là người thân và bạn bè của ta. Vậy nên, phớt lờ đôi khi chưa phải là phương sách tối ưu. Tới lúc này, giao tiếp sẽ phát huy tác dụng của nó. 

 

“Ai cũng từng đôi lần phải hứng rác do người khác đổ lên hoặc đổ rác lên người khác. Vấn đề là có những người hành xử như xe rác thường xuyên đến nỗi ta khó mà nhìn nhận họ khác đi. Phần còn lại, những người quan trọng trong đời ta nếu có vô tình là những chiếc xe rác thì ta luôn phải nhớ là ai cũng có những điểm tốt đẹp.” 

 

Nhiệm vụ của chúng ta là tìm kiếm và công nhận những phẩm chất ấy của họ. Hãy bắt đầu bằng những điều tốt đẹp mà bạn cảm nhận được ở đối phương. Khen họ đi, đúng rồi, vuốt ve cái tôi của họ. Đừng vội công kích hay phản bác kịch liệt những quan điểm của họ. Điểm cốt lõi là bạn phải giữ một tâm thế bình tĩnh, nhún nhường. Đôi co sẽ không phát huy tác dụng, vì vậy chúng ta buộc phải “bẫy”. 

Khi đối phương đã “ngà ngà” sau cơn say lời khen, đây là lúc bạn đề cập tới vấn đề chính. Nói với họ những hành động gần đây của họ khó chịu ra sao, khiến người khác tổn thương thế nào và cùng họ tìm hiểu gốc rễ của sự việc. Hãy cho họ cơ hội để trải lòng và tâm sự về những chuyện đã qua, sau đó đề xuất phương án giải quyết tình hình. 

Mềm mỏng có sức mạnh của nó. Cách tiếp cận trên sẽ chứng minh tính hiệu quả, vì thông qua việc nắm bắt được những khoảnh khắc hiếm hoi họ không hành xử như xe rác, ta có thể giao tiếp với họ một cách hiệu quả và sâu sắc, vì “ngay cả kẻ máu lạnh nhất, vẫn tồn tại sự tử tế” như lời Nelson Mandela. 

Các bài viết khác cùng chuyên mục 

#1. Tầm Quan Trọng Của Đức Tính Khiêm Nhường Và Bài Học Về Nghệ Thuật Giao Tiếp Từ Benjamin Franklin. Khả năng tự học, tính kỷ luật, tiết kiệm và siêng năng là những đức tính mà Franklin đã tự trang bị cho mình từ lúc còn thanh niên. Theo lời ông kể, có tổng 13 đức tính đáng để rèn luyện và đã góp công lớn tới thành công của ông, điều sẽ được bật mí trong bài viết này. 

#2. Chuyện 2 Tay Nhạc Rock Bị Sa Thải Và Bài Học Về Sự Viên Mãn Trong Cuộc Sống. Thay đổi cách nhìn nhận về thành công/thất bại và tận hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn của cuộc sống. 

#3. Làm Thế Nào Để Sử Dụng 'Nghịch Lý Solomon' Và Tự Đưa Cho Bản Thân Lời Khuyên Tốt Hơn? Tại sao chúng ta khuyên người khác thì giỏi nhưng khi tự làm lại chẳng đâu vào đâu?