Một bài viết sẽ giúp bạn hiểu tại sao "Cần cù bù thông minh" thực chất không phải một lời khuyên mà là một quy luật để xây dựng công thức chung về thành công. 

Chúng ta có phải trả giá cho sự thiếu tài năng của bản thân? Ảnh: Getty Images

Khi đam mê dần thui chột vì tài năng hạn chế 

Gần đây, một người bạn, đúng hơn là một đàn em có nhắn tin hỏi tôi liệu tôi có thể sắp xếp thời gian kèm cậu ấy vài buổi bóng rổ trong tuần được không. 

“Thoải mái,” tôi trả lời. Tôi xem đây như một cơ hội để buộc bản thân ra ngoài và vận động nhiều hơn. ‘Thương vụ’ này nghe chừng rất xuôi tai: cậu ấy được học miễn phí, còn tôi có cớ để không ngồi lì trong phòng gõ máy cả ngày. 

Sau một vài dòng trao đổi qua lại, chúng tôi quyết định sẽ tập 2 buổi trên tuần vào mỗi thứ 3 và thứ 5. Tôi xin phép nói thêm về cảm nhận của bản thân tôi: dù không thân thiết với cậu là bao, nhưng như bất cứ bậc đàn anh nào, tôi vui mừng trước lời ngỏ mời đó. Không gì làm tôi vui hơn khi một cậu bé tiến đến tôi và hỏi xin lời khuyên — điều đó làm tôi nhớ tới bản thân mình ngày trước. Tôi thấy thật tự hào vì cuối cùng cậu cũng tỏ ra hứng thú với bóng rổ và thậm chí còn có tham vọng với nó, đó là được tuyển chọn vào đội tuyển trường Bách Khoa. 

Những buổi đầu tiên khá suôn sẻ: chúng tôi tập chạy vòng quanh sân tới khi mệt nhoài, sau đó tập ném và các bài tập phụ trợ. Cậu tập chăm và có nỗ lực, mặc dù theo tôi đánh giá thì không ấn tượng lắm. Chúng tôi cứ gặp nhau vào mỗi thứ 3 và thứ 5 hàng tuần như đã định trước, và sau chừng 4 tuần như vậy, tôi quyết định dừng lại. 

Tôi ngỏ lời với cậu trước, cố gắng tìm một lý do đại loại như không cân bằng được thời gian luyện tập và làm, rằng lịch trình của tôi không cho phép. Trái với dự đoán của tôi, cậu không hề tỏ ra khó hiểu. Cậu đã đồng ý với vẻ nhẹ nhõm rõ ràng — có lẽ 1 tháng là thời gian đủ dài để cậu nhận ra rằng dù rất yêu những tiếng sọt khi quả bóng kia bay vào rổ, bóng rổ không phải thứ dành cho cậu. Cậu không được ban cho tài năng đó. 

Tôi biết trước sẽ có ngày tôi phải nói ra điều này với cậu, không phải vì cậu không mấy năng nổ, mà vì cậu chỉ tập trong khoảng thời gian mà chúng tôi ấn định: 2 tiếng từ 4 – 6 giờ chiều mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần. Cậu có tiến bộ, tôi đảm bảo. Cậu dần biết cách dẫn bóng, lên rổ, khả năng kết hợp các chuyển động, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cậu háo hức, tự thấy trầm trồ trước điều gì đó mới mẻ với bản thân. 

Ngay khi giờ tập luyện kết thúc, quả bóng về lại trong túi treo trên móc rồi được cậu đem đi gửi một ông bạn nhà gần sân ‘trông nom’ hộ — rồi ở đó chơ vơ chờ đợi chủ nhân tới đón vào buổi tập tiếp theo. Có những ngày trời mưa lã chã chúng tôi nghỉ tập, vậy là quả bóng cứ ở đó chờ mãi mà không được ai ngó ngàng tới. 

Điều này gợi lên trong tôi suy nghĩ rằng cậu và bóng rổ sẽ không bao giờ làm nên một màn trình diễn tại nhà thi đấu mà chỉ dừng lại ở các buổi tập mà thôi. Giống như việc một học sinh xách cặp về nhà nghỉ hè, và tuyệt nhiên không mở chiếc cặp ra cho tới khi ngày tựu trường cận kề. Thế thì không tốt, và quan trọng là không vui. 

Tốt hơn là cậu nên khám phá những miền đất khác, những vùng trời khác — nơi tiềm năng giàu hơn và niềm vui có lẽ cũng cao hơn. 

Công thức của thành công 

Tôi từng nói về chủ đề này trong bài viết về Quy tắc 10.000 giờ trước đây. Về cơ bản, ý tưởng là như sau: Càng lên tới trình độ cao hơn, mức ảnh hưởng của tài năng càng ít, thay vào đó tầm quan trọng của sự chuẩn bị là yếu tố quyết định. Tài năng có thể khiến bạn nổi bật và bứt tốc khá nhanh trong khâu khởi đầu, nhưng tập luyện mới đưa bạn lên tới đỉnh cao, và không quên kèm theo đó là chút gia vị của sự may mắn. 

Nếu bạn có tài năng và bạn nhận ra tài năng đó, bạn sẽ đắm mình vào nó cho tới khi ‘ngón tay tứa máu và mắt muốn lộn vào trong’ (câu này tôi mượn của Stephen King). Tài năng khiến mọi thứ khác trở nên lu mờ, bạn sẽ hết mình vì nó dù thân thể mỏi mệt đến rã rời, dù chẳng ai công nhận điều đó chăng nữa — bạn vẫn sẽ thả sức vì bạn đang hạnh phúc. 

Tài năng sẽ đạt được tầm vóc xứng đáng của nó khi được đặt chung hàng với may mắn, bởi tài năng vốn dĩ đã là một dạng may mắn. Mặt khác, nơi những người ‘không may mắn’ sở hữu tài năng bẩm sinh, con đường sẽ gập ghềnh hơn đôi chút. ‘Cần cù bù thông minh’, đại loại vậy, không giỏi thì phải lấy chăm chỉ để bù lại. 

Vì vậy, về cơ bản công thức thành công mà tôi đưa ra sẽ có dạng thế này: 

Thành công = Tài năng + Nỗ lực + May mắn 

Thành công (mục tiêu của bạn) là tổng hòa của 3 yếu tố: Tài năng (thứ hầu như bạn khó lòng kiểm soát) + Nỗ lực (thứ bạn hoàn toàn có thể kiểm soát) + May mắn (thứ bạn hoàn toàn không thể kiểm soát). Tôi không chắc lắm về ‘may mắn’, vì thực ra ‘may mắn’ theo một vài người thì nó hoàn toàn có thể nắm bắt được. Nhưng hãy để dành vấn đề này cho bài viết sau. 

Quay lại chủ đề chính, bạn đã biết nỗ lực là lựa chọn dễ dàng nhất của bạn. Khi không có tài năng, ta buộc phải chăm chỉ để bù lại khoảng đường bị thụt lại đó. Nói đơn giản, người tài năng có xuất phát điểm tốt hơn bạn, và bạn phải nỗ lực để đặt bản thân vào điểm xuất phát đó sao cho cùng hàng với họ. Về việc chạy nhanh và chạy bao xa là một câu chuyện dài hơi hơn. 

Cậu em của tôi không có tài năng, ít nhất là trong bóng rổ. Cả cậu và tôi đều nhận thấy sự thật không mấy dễ chịu này. Nhưng cái quái ác là, cậu không đủ nỗ lực để xóa nhòa ranh giới với những cá nhân vượt trội hơn — điều đã làm tôi thất vọng ít nhiều và đi tới quyết định không dạy kèm cậu nữa. 

Bài viết này muốn nói lên điều gì? 

Đây không phải một bài viết về một phát hiện mới mẻ về thành công, một câu chuyện truyền cảm hứng hay thứ gì đại loại thế. 

Đây là một câu chuyện về thực tế phũ phàng rằng cuộc sống muôn màu muôn vẻ có thể đốn gục bất kỳ tâm hồn non nớt nào với ảo mộng tương tự như cậu em của tôi. 

Trên tất thảy, đây là câu chuyện về cái tai hại của cảm hứng, về cái ý nghĩ nông cạn rằng mọi sự trên đời sẽ đâu vào đấy chỉ với một chút nhã hứng bất chợt và một chút nỗ lực không xứng đáng được gọi là nỗ lực. 

Như tôi đã nói, nếu bạn đang theo đuổi một lĩnh vực chẳng khiến bạn vui vẻ là bao, mà đã không vui thì không tốt. Tốt hơn cả là nên đi khám phá những miền đất khác, nơi tiềm năng của bạn được đánh giá đúng đắn và niềm vui theo đó cũng phong phú hơn. 

Vậy thì, bạn đã tìm ra miền đất của mình chưa?