Xuất thân quyền quý, duy trì được đời sống thượng lưu trong suốt cuộc đời, Leo Tolstoy chắc chắn là một tấm gương "vượt sướng" điển hình trong thế giới văn học. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng khám phá 5 bài học lớn từ cuộc đời vĩ đại của một đại văn hào nước Nga, một thiên tài văn chương mà nhân loại từng sản sinh ra nhé. 

ẢNH: FINE ART AMERICA

Là một trong số hiếm những nhà văn vĩ đại có xuất thân quyền quý, Leo Tolstoy đã dành cả tuổi trẻ để chơi bời, nhậu nhẹt như mọi cậu thanh niên thượng lưu khác. Tuy nhiên, quãng đời từ trung niên cho tới lúc lâm chung, Tolstoy đã bắt đà trở lại và bằng sức làm việc phi thường (14-15 tiếng mỗi ngày), cho ra mắt hàng loạt các tác phẩm văn học kinh điển, đến nay được xem là mẫu mực và đỉnh cao của văn học hiện thực. Hai trong số chúng là kiệt tác Anna Karenina cùng Chiến tranh và Hòa bình, được coi là hai tác phẩm hiện thực quan trọng nhất của thế kỷ 19. 

Một tiểu thuyết gia vĩ đại như Tolstoy chắc chắn là viết không ngừng tay, chính ông cũng thừa nhận thích giữ cho bản thân bận rộn hơn là nhàn rỗi. Thật đáng ngưỡng mộ và đôi khi là khó hiểu nữa khi được biết ngoài việc dành trọn buổi sáng để sáng tác, ông còn vô số sở thích khác như cày bừa, giảng dạy, đọc sách, chơi đùa cùng lũ trẻ, thậm chí là giàu nứt đố đổ vách nhưng vẫn mày mò tự thiết kế đôi giày của chính mình. 

Đọc được những điều trên, tôi chỉ lấy làm thắc mắc một điều duy nhất: một ngày của thiên tài cũng như người thường chúng ta – cũng chỉ có 24 tiếng, vậy thì Tolstoy đã lấy đâu ra thời gian cho ngần ấy thứ? 

Có thể là do thời đó chưa có các chiến thần gây xao nhãng như Facebook hay Netflix. Tuy nhiên, bản chất con người vẫn không thay đổi gì từ thời của Ceasar – vẫn thường khuất phục trước cám dỗ và do đó, Tolstoy cũng như chúng ta mà thôi, ông cũng phải đối mặt với hàng loạt cám dỗ trong cuộc đời mình. 

Vậy thì, chính xác là Tolstoy đã làm như thế nào? 

#1. Học cách từ bỏ. 

Gia đình Tolstoy là một dòng họ quý tộc nổi tiếng từ xưa tại Nga, có thể xem vào hàng lớn nhất nước này. Năm 1844, Tolstoy nộp mình vào Đại học Kazan rồi rời trường giữa khoá vì không thấy ý nghĩa trong việc tiếp tục học tập. 

Đa phần thời gian học tập tại trường đại học, nói rộng ra là cả tuổi trẻ của ông – giống với cuộc đời của những người ở tầng lớp thượng lưu khi ấy: không theo bất cứ một quy luật nào, mọi việc đều phụ thuộc vào cảm hứng và luôn tìm kiếm những thú vui như rượu chè, bài bạc và gái gú. 

 

“Ai cũng nghĩ tới việc thay đổi thế giới, nhưng không ai nghĩ tới thay đổi bản thân mình cả.” 

— Leo Tolstoy 

 

Nhưng Tolstoy không thể vô tư chấp nhận để cuộc sống tự diễn ra. Dù ý thức rất rõ về giai cấp của mình, từ rất sớm, trong nhật ký của ông cho thấy một nỗi dằn vặt không bao giờ kết thúc về giá trị đạo đức của cuộc sống, một nỗi thống khổ vô hạn và sự ghê tởm chính mình. 

Leo Tolstoy trong phòng làm việc, 1909 
ẢNH: VLADIMIR CHERTKOV 

Trong bản danh sách được viết vào năm ông 18 tuổi, nhà văn đề ra những “quy tắc sống” và kiên trì theo đuổi trong suốt cuộc đời, như sau: 

  • Thức dậy lúc năm giờ 
  • Đi ngủ không muộn hơn mười giờ 
  • Được phép ngủ hai giờ vào ban ngày 
  • Đi bộ một giờ mỗi ngày 
  • Chỉ ghé thăm nhà thổ hai lần mỗi tháng 
  • Chỉ làm một việc tại một thời điểm 
  • Thực hiện mọi quy tắc đã đề ra 

Sau này, danh sách dần được mở rộng và các quy tắc sau đã được bổ sung: 

  • Ngừng quan tâm đến ý kiến của người khác về bản thân 
  • Làm điều tốt thật kín đáo 
  • Tránh xa phụ nữ 
  • Giết chết ham muốn bằng công việc
  • Giúp đỡ những người kém may mắn

Nhờ kiên trì noi theo những quy tắc trên, Tolstoy từ năm 30 tuổi về sau như trở thành một con người khác. Ông dần tin tưởng rằng mình đang được hưởng tài sản thừa kế một cách không công bằng, và nổi tiếng trong giới nông dân về những hành động giúp đỡ hào hiệp của mình. Ông giúp đỡ những người hành khất chẳng may gặp nạn trên đường, đưa họ về nhà và chăm sóc tử tế; và thường đưa những khoản tiền lớn cho những người ăn mày mình bắt gặp trên phố. 

Leo Tolstoy cùng vợ, bà Sofia Andreyevna Behrs 
ẢNH: FINE ART AMERICA 

Năm 1862, nhà văn lúc này đã từ bỏ lối sống hoang đàng thời trẻ, nghiêm túc nghĩ tới chuyện lập gia đình. Ông viết trong nhật ký rằng ở tuổi ba tư, không một phụ nữ nào có thể yêu ông, bởi ông quá già và xấu xí. Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, bà Sofia Andreyevna Behrs chấp nhận lời cầu hôn và hai người chính thức trở thành vợ chồng. Cuộc hôn nhân mang lại cho Tolstoy sự giải thoát khỏi những ưu tư vẫn luôn dày vò lâu nay, là “cánh cổng” dẫn tới đời sống tinh thần ổn định và lâu dài mà ông hằng khao khát. 

Nhờ có vợ, công việc của Tolstoy cũng được giảm tải phần nào. Có câu chuyện nổi tiếng rằng bà Sofia đã chép lại bảy lần từ đầu tới cuối cuốn Chiến tranh và Hòa bình, mà mỗi cuốn những gần 600.000 từ. Tài sản thừa kế, cùng với sự quán xuyến tốt của người phụ nữ và tiền có được từ việc viết sách, khiến gia tài của nhà Tolstoy ngày càng tăng thêm và giúp ông duy trì đời sống thượng lưu vốn có. 

#2. Một buổi sáng làm việc hiệu quả. 

Tolstoy rất quan tâm tới giấc ngủ của mình. Theo bản danh sách trên, ông đặt ra nguyên tắc không đi ngủ muộn sau 10 giờ tối, dậy sớm vào lúc 5 giờ và “cho phép” bản thân được ngủ 2 tiếng vào ban ngày. Trực giác mách bảo ông rằng, các nhiệm vụ quan trọng nhất nên được hoàn thành vào buổi sáng –  trước khi các nhà khoa học tuyên bố bộ não con người đạt công suất tốt nhất sau khi ăn sáng và khoảng trước 3-4 giờ chiều. 

Nikolai Ge 'A portrait of the writer Leo Tolstoy', 1884
ẢNH: STATE TRETYAKOV GALLERY 

Dậy sớm viết văn đã trở thành thói quen của Tolstoy trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình. Khi làm việc, ông thích trạng thái tự cô lập: nhốt mình trong phòng và không cho phép ai khuấy động sự tĩnh mịch ấy. 

Giống như nhà phê bình nổi tiếng Susan Sontag, người yêu cầu mọi người không gọi mình vào buổi sáng, Tolstoy không mấy ưa thích các chuyến viếng thăm không báo trước hoặc các tình huống ngoài ý muốn. Ông quan niệm một buổi sáng năng suất là dấu hiệu của một ngày làm việc hiệu quả. 

Lẽ vậy, Tolstoy sẽ dành hết trí lực để phóng tác trong buổi sáng; trì hoãn tất cả các nhiệm vụ dễ dàng hơn như đọc thư, đi dạo hoặc việc nhà cho tới buổi chiều. Buổi tối, nhà văn dành thời gian bên gia đình, đón tiếp khách khứa và trở lại viết lách một chút.

Trước khi bàn về tài nghệ văn chương của Tolstoy, ta phải chấp nhận sự thật rằng chính thói quen làm việc nghiêm ngặt và có phần máy móc này (thực ra là không máy móc mấy, vì ông vẫn có những ngày “không làm gì cả”) – đóng góp một phần to lớn giúp ông kiến tạo nên di sản văn học vĩ đại như hậu thế vẫn ca tụng ngày nay. 

#3. Vận động thường xuyên. 

Nhiều người nếu chỉ nhìn ảnh chân dung của Tolstoy sẽ nghĩ ông là một lão già khắc khổ, uể oải và có khi mắc bệnh lao cũng nên. Thật khó để tưởng tượng lão già đó từng là một thanh niên tràn đầy năng lượng, và đã duy trì được mức năng lượng đó trong suốt cuộc đời mình. 

Tolstoy là một trùm “nghiện việc” điển hình, nhưng hãng khoan đánh đồng rằng ông không biết nghỉ ngơi là gì. Giãn cơ, đi bộ và thể thao là hoạt động không thể tách rời trong ngày. Nhờ từ bỏ được những thói xấu từ sớm và biết đầu tư cho sức khỏe bản thân, ông duy trì được thể lực đáng ngưỡng mộ cho tới những ngày cuối đời. Người ta kể lại rằng, chỉ với một chiếc ba lô trên lưng và một cây gậy trong tay, Tolstoy dễ dàng “hóa thân” thành lãng khách và xử gọn 200 cây số từ Moscow đến Yasnaya Polyana vào cuối những năm 60. 

Leo Tolstoy chơi gorodki tại Yasnaya Polyana, 1909
IMAGE: VLADIMIR CHERTKOV

Ông đã học đạp xe ở tuổi 67, khoảnh khắc được ghi lại sống động trong nhật ký như sau: “Yevgeny Ivanovich đã cố gắng ngăn cản tôi và rất xấu hổ khi thấy tôi đạp xe mà không ái ngại gì (thời đó, đạp xe không được coi là phù hợp với giới thượng lưu). Nếu có bất cứ điều gì, tôi chỉ muốn nói rằng tôi không quan tâm tới ý nghĩ của người ta và việc đạp xe đơn giản khuấy động trong tôi những niềm vui hết sức hồn nhiên.” 

Và như vậy, đạp xe đã trở thành một hoạt động của yêu thích của nhà văn, bên cạnh bơi lội, cưỡi ngựa và quần vợt, môn thể thao mà ông thường chơi với cả gia đình. Tolstoy thú nhận rằng chính trong những khoảnh khắc “xa rời công việc” như vậy, nguồn cảm hứng trong ông lại trở nên dạt dào và khuyến khích ông tiếp tục sáng tác. 

#4. Đặt mục tiêu rõ ràng. 

“Để đạt được điều gì đó vĩ đại, chúng ta phải dồn tất cả sức mạnh của mình vào một mục tiêu này,” Tolstoy từng viết. Tuy nhiên, các mục tiêu của nhà văn không phải lúc nào cũng mang tầm vóc vĩ đại mà vẫn tồn tại những điều hết sức trần tục, giả dụ như dậy sớm hơn, hút thuốc ít hơn và.. ghé thăm nhà thổ ít hơn. 

Leo Tolstoy kể chuyện cho hai cháu Sonya và Ilyusha, 1909 
ẢNH: VLADIMIR CHERTKOV

Trên thực tế, Tolstoy thời trẻ có thể vi phạm cam kết của chính mình ngay ngày hôm sau, nhưng ý thức về mục đích của ông là điều đáng học hỏi. Mặc dù chệch khỏi đường ray vô số lần vì thiếu kỷ luật, đến cuối cùng, Tolstoy gần như đã đạt được tất thảy những gì ông đề ra, thậm chí cả việc bỏ thuốc. 

Năm 18 tuổi, nhà văn viết trong nhật ký của mình: “Có một mục tiêu trong cuộc sống, một mục tiêu cho bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời; một mục tiêu cho năm, tháng, tuần, ngày tiếp theo hoặc thậm chí giờ tiếp theo hay tới từng phút. Điều quan trọng, hãy tập hy sinh những mục tiêu nhỏ cho những mục tiêu lớn hơn.” 

#5. Sống là không ngừng hoàn thiện mình. 

“Bất chấp tất cả những gì tôi đã đạt được kể từ khi tôi bắt đầu rèn giũa chính mình, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng. Càng tiến bộ bao nhiêu, càng nhận thấy mình thiếu sót bấy nhiêu”, đó là lời thú nhận trong nhật ký đầu tiên của Tolstoy. Lúc ngồi viết những dòng này, ông mới 18 tuổi. 

Bức ảnh màu duy nhất của Tolstoy được chụp bởi Sergey Produkin-Gorsky năm 1908

Hơn 70 năm sau, nhà văn vẫn nắn nót từng dòng ghi chú: “Tôi đã 82 tuổi nhưng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm với bản thân mình.” Giống như thiên tài Maxim Gorky, trường đại học của Tolstoy là trường đời. Sau khi bỏ học vào năm thứ hai, ông vùi mình trong hàng chồng sách ở thư viện để nâng cao kiến thức và mở rộng tầm nhìn của bản thân. 

Ở tuổi 73, nhà văn bắt đầu tự học tiếng Hà Lan, biến nó trở thành ngôn ngữ thứ mười lăm trong “bộ sưu tập” của mình. Càng nhìn ngắm cuộc đời của Tolstoy, ta càng nhận thấy một chân lý đúng đắn rằng: bí mật thực sự về năng suất nằm trong khát khao học hỏi không ngừng, chứ không phải trong bất kỳ kỹ thuật quản lý thời gian độc đáo nào. 

Nếu đã muốn, Tolstoy sẽ tìm mọi cách để học.