Trong cuốn tiểu thuyết Khi lỗi thuộc về những vì sao, sau khi Augustus được Hazel tặng một cuốn sách rất hay nhưng cái kết lại chưng hửng, hai người đã quyết định tìm tới gặp trực tiếp tác giả để hỏi cho ra nhẽ. 

Họ đến nhà ông ta trên đỉnh cao của hân hoan để rồi rơi bịch xuống đất vì một cú ngã thất vọng đau điếng: kẻ cầm bút viết nên câu chuyện với lời văn hoa mỹ kia, hoá ra lại là một lão già trung niên béo mập, nghiện rượu, hết sức thô lỗ cục cằn. Ông ta tỏ ra khó chịu trước chuyến viếng thăm không báo trước và thậm chí còn lăng mạ bệnh ung thư của Hazel. 

Quá tuyệt vọng, cặp đôi thất thểu bỏ về. 

Bạn có để ý trường hợp này rất quen thuộc với giới nhà văn không? Nghiện rượu, cáu kỉnh, chửi bới cùng bộ dạng lếch thếch – phải nói là John Green đã phác hoạ đúng bộ dạng một nhà văn trong thực tế, đầy thói hư tật xấu và xem chừng không đáng ngưỡng mộ cho lắm so với những gì họ viết trên trang giấy. Nhưng bạn có nghĩ rằng họ không thể làm khác đi, rằng họ cũng chỉ là nạn nhân của tài năng của chính họ? 

Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên, một cách dễ dàng hơn. 

Có lẽ bạn không biết người đàn ông lịch lãm trong hình là ai. Đây là John Steinbeck, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Sở dĩ bức ảnh về ông được đặt ở đây vì hai lý do: thứ nhất, ông là một thiên tài; thứ hai, ông là một thiên tài lắm tật. Lắm tật ra sao, bạn đọc phần dưới sẽ rõ.

“Mình sẽ không bao giờ có thể viết hay như thế, trừ khi sống đến cả ngàn năm.”

John Steinbeck là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX, ngang hàng với những tên tuổi như Ernest Hemingway, William Faulkner hay Harper Lee. 

Khi tiểu thuyết Chùm nho thịnh nộ của Steinbeck ra đời năm 1939, nhiều chính khách chỉ trích tác phẩm là dối trá, bẩn thỉu, đen tối và đáng ghê tởm; nhưng giới phê bình, họ đơn giản gọi nó là một “thiên anh hùng ca”. 

Cái kết của Chùm nho thịnh nộ đã gây ra rất nhiều tranh cãi tại thời điểm ra mắt, tuy nhiên giờ đây nó được nhìn nhận như một kiệt tác văn học. 
ẢNH: IMDB/ GETTY IMAGES 

Năm 1940, tác phẩm này đã được hãng 20th Century-Fox chuyển thể thành phim và đạt được thành công vang dội khi đoạt hai giải Oscars và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ. Câu chuyện về gia đình chàng Joad cùng cuộc di dân thế kỷ đến nay vẫn không thôi làm chúng ta phải xót thương, đồng thời ngưỡng mộ bản lĩnh kiên cường của những kiếp người “không chốn dung thân” trong một giai đoạn tăm tối của lịch sử nước Mỹ. 

Riêng mặt trận chuyên môn, John Steinbeck xứng đáng là một tượng đài văn học, là bậc thầy ngôn từ mà như Stephen King diễn tả, “có thể nhấn chìm một tác giả non trẻ trong tuyệt vọng và ghen tỵ theo cách khá cổ điển – ‘Mình sẽ không bao giờ có thể viết hay như thế, trừ khi sống đến cả ngàn năm’.”

Ừ thì.. nổi tiếng với người ngoài là thế, nhưng đối với vợ con mà nói, John Steinbeck là một nỗi ác mộng. 

Mặt tối của thiên tài 

Rắc rối đầu tiên là với Carol Hennings, vợ đầu tiên của Steinbeck. Theo các giai thoại kể lại, khi Carol mang thai vào năm 1939, ngay sau khi cuốn Chùm nho thịnh nộ được phát hành, nhà văn đã ép vợ phải chấm dứt thai kỳ, các thủ tục sai sót dẫn tới sự cố đáng tiếc bà phải cắt bỏ tử cung. 

Năm 1942, cặp đôi chính thức ly dị. Chưa đầy một năm sau, Steinbeck tái hôn với nữ ca sĩ Gwyndolin Conger, rồi cũng chia tay sau 7 năm chung sống. Không cho con tim mình ngơi nghỉ, nhà văn kết hôn lần ba với Elaine Scott, sống những năm tháng cuối đời trong dằn vặt, chịu đựng sự hành hạ của chứng trầm cảm và nghiện rượu kéo dài từ thời thanh niên. 

John Steinbeck và người vợ thứ ba, Elaine, vào năm 1954. 
ẢNH: BETTMANN/ GETTY IMAGES 

Trong cuốn hồi ký My Life With John Steinbeck dưới lời tự thuật của Gwyn Conger Steinbeck, người vợ thứ hai của nhà văn, bà gọi ông là “một người đàn ông tàn bạo”. “Cuộc sống hôn nhân của người Mỹ là tấm thảm chùi chân dẫn tới nhà thổ,” Conger chỉ trích thói lăng nhăng của chồng cũ. 

Steinbeck dường như chưa bao giờ là một người cha tốt. Ông thường thu mình trong phòng cả ngày, hay cáu bẩn và có nhiều hành động kỳ dị. Theo lời Conger, ông thích nuôi chuột và thả chúng ra để đuổi khách khứa khỏi nhà, cười khẩy trên vẻ mặt khiếp sợ của mọi người rồi lẻn vào phòng viết tiếp. 

Cuốn hồi ký của người vợ thứ hai của Steinbeck, bà Conger, tiết lộ nhiều góc khuất tăm tối về nhà văn nổi tiếng này. 
ẢNH: DAILY MAIL 

Conger tiết lộ thêm, Steinbeck hiếm khi thể hiện tình cảm với các con, và thậm chí ông còn chưa bao giờ muốn có con cả. Khi bà gặp mang thai, John Jr, Steinbeck nói với bà rằng điều này đã làm “phức tạp hóa” cuộc sống của ông vốn đã bận rộn với việc viết lách. Bà kể lại, Steinbeck chưa bao giờ khóc vì vợ hay các con trai, nhưng lại nước mắt ngắn dài khi một con chuột tên Burgess của ông qua đời. 

Con trai ông, John thường xuyên phải nhập viện vì nghiện chất kích thích, như một hệ quả của việc thiếu sự quan tâm từ cha. Vào những năm cuối đời, anh dính vào rượu và ma túy. Anh qua đời năm 1991, trong cuốn The Other Side of Eden, anh đã viết về ông bố Steinbeck nổi tiếng của mình như sau: 

“Những nghệ sĩ bẩm năng thiên tài lại không phải những ông bố, bà mẹ giỏi giang. Họ coi mình là trung tâm của vũ trụ và đối xử khắc nghiệt, khác thường với con cái. Con cái của những thiên tài thường phải tự mình chăm sóc lấy bản thân.”

Con người John Steinbeck là tiêu biểu cho câu nói “lắm tài nhiều tật”. Sẽ thế nào nếu bạn tới thăm ông để bày tỏ lòng ngưỡng mộ rồi được ông chiêu đãi bằng bầy chuột lắt nhắt chạy láo nháo khắp phòng, khịt khịt mũi dưới ống quần bạn? Nhiều độc giả cho rằng đời tư nhiều tranh cãi chính là cái giá cho sự vĩ đại của nhà văn, vì người nghệ sĩ luôn phải tìm kiếm cái mới mẻ – điều mà Steinbeck sẽ nhận được mỗi lần ông yêu một người phụ nữ mới chăng? Thôi nào, đâu thể lấy đó ra làm cái cớ được, Steinbeck đâu có phải Taylor Swift. 

Tình trường dài đằng đẵng của Pablo Picasso 

Kể cả một người “mù nghệ thuật” ít nhất cũng một lần từng nghe danh Picasso. Các tác phẩm của ông ngày nay nổi tiếng tới nỗi, theo Art Loss Register, Picasso là nghệ sĩ bị đánh cắp nhiều nhất trong lịch sử với hơn 550 tác phẩm hiện đang bị mất tích.

Các nhà khoa học đã làm tính  toán sơ bộ và ước tính rằng, trong suốt cuộc đời, Picasso đã sáng tác gần 50.000 tác phẩm. Một phép tính cơ bản là đủ để bạn biết về thói quen của hoạ sĩ vĩ đại này: ông đã đều đặn cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật mỗi ngày từ những năm 20 cho tới khi qua đời ở tuổi 91. 

Và giống như John Steinbeck, yêu Picasso là một nỗi ác mộng. 

Picasso không nghiện rượu nặng như Steinbeck, nhưng về khoản lăng nhăng thì đúng là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Ở tuổi 45, Picasso bị vợ bắt ngoại tình tại trận với cô gái mười bảy tuổi tên Marie-Therese Walter. Cặp đôi ly thân chứ không ly dị, vì theo luật, Picasso phải chia đôi tài sản với vợ nếu chính thức chấm dứt. 

Pablo Picasso và Francoise Gilot năm 1948. 
ẢNH: MAGNUM PHOTOS 

Picasso có một người con với Walter, nhưng lại ăn vụng vài năm sau đó. Năm 1944, Picasso lúc này đã 63 tuổi, rơi vào lưới tình với cô sinh viên 23 tuổi tên Francoise Gilot. Họ có với nhau hai mụn con, rồi mối quan hệ đâm vào ngõ cụt khi Picasso ngựa quen đường cũ, lần này là với một cô gái kém ông tới 43 tuổi. 

Về cơ bản, cuộc sống ngoài công việc của Picasso là chuỗi ngày rong ruổi kiếm tìm cảm hứng qua những cuộc mây mưa không hồi kết và thói lăng nhăng đã hằn vào bản chất. Số lượng tác phẩm Picasso để lại cho hậu thế nhiều bao nhiêu thì số người tình của ông.. cũng nhiều từng ấy. 

Nhiều học giả còn đi sâu vào đời tư của Picasso tới nỗi, cho rằng mỗi lần yêu một người mới, ông lại nảy ra ý tưởng cho các tác phẩm của mình. Ông khao khát cái mới mẻ, luôn thử nghiệm các phong cách nghệ thuật mới, nhưng thứ khiến ông trở nên vĩ đại với tư cách một nghệ sĩ cũng đồng thời là thứ khiến ông trở thành một người bạn đời khủng khiếp. 

Cái giá phải trả

Chà, bây giờ bạn có thể nghĩ, đâu nhất thiết phải ép vợ phá thai hay lừa dối cô ấy để trở thành một nhà văn hay hoạ sĩ vĩ đại. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. 

Tất nhiên là thế rồi. Những câu chuyện trên chỉ là các ví dụ cực đoan để cho bạn thấy, mọi sự vĩ đại đều có mặt tối. Một số mặt tối được phơi bày, còn lại thì vẫn được giấu kín. Nhưng dứt khoát là phải có mặt tối, phải có đánh đổi. 

Tôi từng đọc được một câu chuyện về Albert Lasker, một trong những nhà quảng cáo được tôn sùng nhất lịch sử, như sau: Lasker, người vốn dĩ rất giàu có nhờ tiền thừa kế, nổi tiếng với sức làm việc đáng kinh ngạc tới 12-13 tiếng mỗi ngày. Chính David Ogilvy, tên tuổi còn nổi danh hơn cả Lasker trong địa hạt quảng cáo, đã lấy tấm gương về Lasker ra để khuyến khích giới trẻ chăm chỉ làm việc. Nhưng bạn có biết vợ Lasker đã nói gì với Ogilvy sau khi chồng qua đời không? Bà ấy nói: “Ông ấy cho tôi tất cả mọi thứ, ngoại trừ bản thân ông ấy.” 

Bất chấp tiền bạc, danh vọng và quyền lực mà bà được hưởng thụ, bà vẫn thấy cô đơn. Bà cảm thấy người chồng đầu gối tay ấp với mình, người thức dậy cạnh bà mỗi sáng, thật gần mà cũng thật xa. Người ngoài nhìn ông Lasker bằng sự ngưỡng mộ và nể vì, cho rằng bà thật quý hoá khi kiếm được tấm chồng như vậy – nhưng bà không hạnh phúc, và cũng chẳng ai biết cách khiến bà hạnh phúc. 

Đó là cái giá bà phải trả, khi chấp nhận cưới một người đàn ông làm việc 13 tiếng một ngày. 

Có thể thành công mà không cần đánh đổi? 

Thành công là một danh từ phức tạp. Chúng ta không thể bê nguyên giải thích của ‘thành công’ trong từ điển ra nói được. Có lẽ sẽ có loại thành công không cần đánh đổi, lẽ vậy, theo cách thật tình cờ thì câu hỏi quan trọng cần trả lời là: bạn muốn thành công loại nào? 

Tôi thường gọi đây là “thước đo thành công”. Hai người cùng học một trường nhạc, một người chăm chỉ hơn sau này trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, người kia thì trở thành giáo viên dạy nhạc tại trường công. Nhưng bạn có chắc là người thứ hai kém thành công hơn người thứ nhất? 

Người trở thành nghệ sĩ đánh đổi thời gian, sức lực, tiền bạc, mối quan hệ, thú vui để đạt tới mục tiêu đó. Người giáo viên dạy nhạc đâu cần phải đánh đổi nhiều thứ tới vậy, nếu ngay từ đầu họ không đoái hoài tới việc trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Họ không phải chịu đựng áp lực dư luận, không phải chắt chiu từng giờ từng phút để dành thời gian cho con cái, họ kiếm đủ tiền trang trải và hài lòng với điều đó. Họ có thể thất bại dưới tư cách một nghệ sĩ, nhưng họ thành công dưới một, hoặc nhiều vai trò khác. 

Giờ thì, có lẽ câu nói “Muốn ngồi vào vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được” của Sơn Tùng MTP mới tới hồi thấm thía. Bạn có muốn thành công như Tùng không? Nếu có, bạn có dám đánh đổi cho sự thành công đó? 

Tác giả James Clear, một cây viết mà tôi hâm mộ, đã tổng kết ý nghĩa của toàn bài này đơn giản như sau: Thành công trong một lĩnh vực thường gắn liền với thất bại trong một lĩnh vực khác. Sự vĩ đại càng cực đoan, cái bóng của nó càng dài. 

Nói cách khác, bạn càng tập trung vào một lĩnh vực, các lĩnh vực khác của cuộc sống sẽ càng bị ảnh hưởng, mà thường là theo cách tiêu cực. Những người vĩ đại như chúng ta thường nói, có thể chỉ vĩ đại khi ta nhìn họ dưới tư cách một bậc thầy đang làm công việc của mình. Ở những lĩnh vực khác, họ có thể còn gặp nhiều rắc rối và khổ đau hơn chúng ta. 

Dù sao đi nữa, đó cũng là cái giá mà những kẻ xuất chúng phải trả, còn những kẻ nghiệp dư, có khi ngu si lại hưởng thái bình..