Dưới đây là những điều mà giới nhà báo không nói với bạn về “các tỷ phú bỏ học giữa chừng thành công nhất” và lý do tại sao bạn không nên bắt chước Bill Gates, Mark Zuckerberg và đặc biệt là Steve Jobs bỏ học đại học. 

Steve Jobs, nhà sáng lập Apple và Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1984 tại New York. ẢNH: ANDY FREEBERG/ GETTY IMAGES

Bill Gates - Tấm gương 'đi lùi về vạch đích'

Có lẽ khi lần đầu tiên được ghi tên trong danh sách Những người giàu nhất thế giới của Forbes năm 1987, Gates cũng không vui sướng mấy vì vốn dĩ gia đình ông đã rất giàu rồi. Bố ông, William Henry Gates Sr. là Chủ tịch Hội luật sư bang Washington; mẹ ông, Mary Maxwell Gates thuộc ban giám đốc của công ty tài chính First Interstate BancSystem và United Way of America; còn ông ngoại ông là chủ tịch một một ngân hàng liên bang. 

Gates ghi danh vào Harvard với số điểm SAT gần như tuyệt đối 1590/1600 vào mùa thu năm 1973 rồi bỏ học sau hai năm vì một lý do rất đơn giản: ông thấy trường học chỉ là phương thức trì hoãn việc ông tham gia vào ngành công nghiệp phần mềm đang sôi sục bấy giờ. 

Điều đáng chú ý là Gates đã đạt được mức độ thành công đáng kể dưới tư cách một lập trình viên trước khi ông thôi học Harvard. Ngày còn học trung học, ông đồng sáng lập ra Traf-O-Data, một công ty tạo phần mềm phân tích giao thông. Tuy kết quả nhận về khá khiêm tốn nhưng như Gates nói trong Smithsonian thì, “chúng tôi kiếm được một ít tiền và thấy vui với nó.” 

Thành công của Bill Gates với Microsoft sau này được tác giả Malcolm Gladwell dành hẳn một chương trong Những kẻ xuất chúng để bàn luận. Về cơ bản, cuốn sách Những kẻ xuất chúng này có thể đổi tên thành Làm việc chăm chỉ. Trong sách, Gladwell liên tục nhấn mạnh vào sự chăm chỉ của Gates (ông đã có ít nhất 10.000 giờ tập lập trình trước khi khai sinh ra Microsoft) và chỉ rõ những ưu thế mà Gates may mắn thụ hưởng. Gladwell ghi rõ, ngoài việc sinh ra trong một gia đình giàu có thì Gates còn tiếp nhận vô số những vận may khác xuyên suốt đường đi. 

Hai nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và Paul Allen năm 1983.
ẢNH: DOUG WILSON/CORBIS/GETTY IMAGES 

Gates, trên hết, hoàn toàn không phải là một tấm gương thành công đi lên từ gian khó. Nếu đọc kỹ tiểu sử của ông, bạn sẽ nhận thấy sự kiện kịch tính nhất quãng đời thanh niên của Gates có lẽ là việc lẻn ra nhà buổi đêm để đi bộ tới một văn phòng cách đó 10 dặm ngồi lập trình. Còn lại, cuộc sống của Gates rất ổn. Khi Gates nói với bố mẹ về chuyện bỏ học, họ chỉ đơn giản gật đầu và hỏi "chi phí lập nghiệp" của ông là bao nhiêu. Nếu không trở thành ông chủ của Microsoft, rất có thể chúng ta sẽ thấy một luật sư Bill Gates, một ông chủ ngân hàng hoặc có khi là Thống đốc cũng nên. Gates dường như có thể thành công ở bất cứ lĩnh vực nào ông muốn. Trở thành lập trình viên và tạo nên Microsoft chỉ là một trong số đó. 

Vậy điều gì sẽ xảy ra với Gates nếu Microsoft thất bại? Ông đã hứa với cha mẹ rằng sẽ quay lại trường nếu dự án Microsoft đổ bể, và thực tế thì chúng ta đều biết, Gates không bao giờ tốt nghiệp cả. Nếu Gates xuất thân từ một gia đình trung lưu, ông sẽ phải rót vốn bằng chính tiền tiết kiệm của bản thân hoặc vay vốn ngân hàng; và nếu công việc kinh doanh phá sản, ông sẽ phải gồng mình vài năm để cố trả cho hết nợ, trong khi chật vật vẫn không kiếm được một kế sinh nhai – vì những công việc lương cao thường dành cho những sinh viên có bằng đại học. 

Nhưng như đã nói, Gates xuất thân trong một gia đình thượng lưu. Tại sao phải vay ngân hàng trong khi ông có thể vay từ chính cha mẹ mình, và cả ông ngoại lẫn mẹ ông đều làm trong ngành ngân hàng? Nếu Microsoft thất bại dù Gates và Allen đã cố gắng hết sức, thì suy cho cùng Gates cũng chỉ mắc nợ cha mẹ, và cha mẹ thì không sát nạt như các chủ nhà băng. 

Gates là một trong số ít những người thành công nhờ theo đuổi đam mê nhưng không rao giảng về việc phải theo đuổi đam mê để trở nên thành công. Ông không hề hối hận khi bỏ học Harvard nhưng vẫn cho rằng tốt nhất bạn nên ở lại trường. Và mặc dù Gates chưa bao giờ học xong, ông nói trong một buổi phỏng vấn với Bloomsberg rằng ông vẫn “thích được là sinh viên”. Ông vẫn thường xuyên tham dự các khoá học đại học và nhân tiện nói về việc đọc sách, ông đọc hơn 50 cuốn mỗi năm – con số này giờ đây cao hơn nhiều vì ông gần như đã nghỉ hưu. Nói đơn giản, Gates bỏ học chứ không hề dừng học. Kết thúc buổi phỏng vấn, ông nói: “Bạn biết đấy, tôi khuyên hầu hết mọi người, có lẽ tốt nhất là nên kiên trì cho xong bốn năm. Tôi thì chỉ có ba thôi.” 

>>> Bill Gates Đã 'Cứu Sống' Apple Như Thế  Nào? 

Mark Zuckerberg - Tỷ phú tình cờ

Gần hai thập kỷ sau câu chuyện khởi nghiệp của Bill Gates – một lập trình viên trẻ tuổi đầu to mắt cận, cũng theo học Harvard – quyết định bỏ học để dồn tâm sức vào nền tảng có tên Facebook, lúc này đã lớn mạnh tới mức thừa sức nuôi sống lại chính người khai sinh ra nó. 

Mark Zuckerberg sinh ra trong một gia đình học thức (cả cha mẹ ông đều làm ngành y), không quá giàu có nhưng nhìn chung là thoải mái đủ để đáp ứng học phí của Harvard cho cậu quý tử. Thêm vào đó, ông bà Zuckerberg còn quan tâm tới sở thích của Mark tới độ thuê hẳn gia sư máy tính riêng đến nhà mỗi tuần một lần để kèm ông. 

Tài năng của Mark bộc lộ từ rất sớm. Khi còn học trung học, độ tuổi mà đa phần chúng ta còn đi học quên thắt khăn quàng đỏ – Mark đã tạo ra phiên bản đầu tiên của phần mềm âm nhạc Pandora, được Microsoft hỏi mua nhưng ngầu tới mức không chịu bán. Tốt nghiệp Exeter, Mark Zuckerberg nộp đơn vào Harvard. Sau hai năm, ông quyết định thôi học như người tiền bối Bill Gates để cống hiến trọn vẹn thời gian cho đứa con Facebook. 

Mark Zuckerberg và các cộng sự dọn từ Harvard tới Palo Alto, California vào tháng 3 năm 2004. 
ẢNH: WIRED/ SCOTT BEALE 

Giống như đàn anh Bill Gates, Mark Zuckerberg bỏ học vì hai lý do: thấy việc học vô bổ và tốn thời gian nhưng quan trọng hơn – tiềm năng của dự án khởi nghiệp là quá lớn. Bắt đầu như một mạng xã hội dành cho giới sinh viên Harvard, chỉ mất độ bốn tháng để tầm ảnh hưởng của Facebook lan rộng ra mọi địa hạt trên khắp nước Mỹ. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ – sốt xình xịch vì nó. Họ có thể kết bạn, đăng tải trạng thái, chia sẻ ảnh và tán tỉnh nhau. Facebook chẳng khác nào thế giới thứ hai. Trước Facebook, Mark đã nổi tiếng là “phù thủy máy tính” của Harvard sau hàng loạt các thành tựu đáng chú ý như CourseMatch, một chương trình giúp sinh viên chọn lớp học dựa trên những thảo luận của người khác và HarvardConnection, một mạng xã hội hẹn hò cho giới thượng lưu Harvard. 

Sáu tháng sau ngày thành lập, Peter Thiel, đồng sáng lập của Paypal, rót 500.000 đô la tiền vốn vào Facebook. Bốn tháng sau, Facebook cán mốc 1 triệu người dùng. Công ty dường như chẳng đi đâu ngoài đi lên. Tới năm 2006, Yahoo! bỏ ra 1 tỷ USD để mua lại Facebook, song Mark đã từ chối thẳng thừng. Ngày nay, giá trị của Facebook rơi vào khoảng vài trăm tỷ đô. 

Chuyện Mark Zuckerberg bỏ học rồi thành công xảy đến như lẽ tất yếu. Mark rất giỏi, điều này không cần bàn cãi. Ông may mắn có (hoặc từng có) những người cộng sự tuyệt vời như Ewardo Saverin, Chris Hughes, Sean Parker. Công ty ông lập ra - Facebook ngay từ khi ra mắt đã là một hiện tượng và không hề có dấu hiệu sẽ dừng lại. Trên tất thảy, Mark Zuckerberg có một tầm nhìn xa phi thường và năng suất làm việc đáng ngưỡng mộ, hai yếu tố phụ trợ cho tài năng thiên bẩm của ông trong vai trò một lập trình viên. 

Nếu bạn hỏi Dr. Google rằng Mark Zuckerberg có hối hận khi bỏ học Harvard hay không, bạn sẽ không nhận về câu trả lời nào thoả đáng cả. Ông không thực hiện bất kỳ buổi phỏng vấn nào như Bill Gates và khuyên các sinh viên cố gắng hoàn thành chương trình đại học. Hoặc có thể chúng ta phải đợi một thời gian nữa, khi Mark đã chán việc điều hành Facebook rồi lui về làm vườn và đi từ thiện như Gates – thì ông mới có thời gian rảnh ngồi hàn huyên tâm sự đôi điều với thế hệ tương lai. 

Đam mê của Steve Jobs

Thật khó để không nhắc nhắc đến Steve Jobs mỗi khi đả động tới Bill Gates và vấn đề “tỷ phú bỏ học”. Hai tượng đài công nghệ Bill Gates – Steve Jobs, Microsoft – Apple thường đi đôi với nhau như hai con búp bê được bán theo cặp. Hành trình tiến tới thành công của họ – dù có nhiều nét tương đồng đáng chú ý nhưng nếu đi sâu vào chi tiết, ta sẽ thấy nó khác xa nhau thế nào. 

Steve Jobs sinh ra cùng trong thập niên 50-60 với Bill Gates. Nếu Gates là người sinh ra đã ngậm thìa vàng, Jobs lại là đứa con bị chối bỏ của một cặp đôi trẻ, sau đó được ông bà Jobs nhận nuôi. Ông Paul, cha dượng Jobs làm nghề thợ máy, thu nhập gia đình do đó chỉ dừng ở mức đủ ăn. Mối quan tâm với cơ khí của Paul đã truyền cho Jobs tình yêu với tấm bảng vi mạch điện tử từ những ngày thơ bé, và đó có thể xem là hành trang đầu tiên của ông để chinh phục đỉnh cao sau này. 

Năm 18 tuổi, Jobs đăng ký vào Stanford, một ngôi trường đại học có mức học phí vượt xa khả năng chi trả của cha mẹ ông. Họ cần kiệm chu cấp từng đồng tiết kiệm cho cậu con trai và sau 6 tháng vất vưởng lết tới giảng đường, ông bỏ học. Jobs không thấy dòng chảy tri thức chảy vào mình, và ông không muốn nướng toàn bộ tiền dưỡng già của cha mẹ vào việc học mà xem chừng chẳng đến đâu. 

ẢNH: NORMAN SEEFF 

Nếu như Gates và Zuckerberg biết rõ mình bỏ học để làm gì, Jobs ngược lại, hoàn toàn không có định hướng rõ ràng về những gì ông sẽ làm với cuộc đời mình. Ông tham dự một lớp dạy viết chữ thư pháp, sau đó sang Ấn Độ để học thiền. Trở về Mỹ, Jobs kiếm tạm vài công việc trong xưởng điện tử làm cần câu cơm, cho tới ngày ông tình cờ đọc được một bài báo trên Popular Electronics số tháng 1 năm 1975 về loại máy tính đời mới mang tên Altair 8800 – cùng một tạp chí mà Paul Allen và Bill Gates đọc được rồi quyết định thành lập nên Microsoft. 

Bản năng nhanh nhạy với xu thế đã giúp Jobs nảy ra ý tưởng tự làm các bảng vi mạch cho loại máy tính trên rồi bán cho các dân chơi công nghệ nghiệp dư để kiếm lời. Ý tưởng kinh doanh bất chợt hoá ra lại thành công ngoài dự kiến và thậm chí còn có người thuê Jobs thiết kế các bảng vi mạch điện tử với số lượng lớn. Vậy là ông mới đánh động cậu bạn Steve Wozniak rồi cùng nhau thành lập nên Apple. Thế nhưng vào năm 2005, Jobs đứng trước hàng ngàn sinh viên của Stanford, dẫn chứng hùng hồn về câu chuyện thành công của ông rồi kết thúc bằng một lời khuyên “xưa như trái đất”: Hãy theo đuổi đam mê. 

Bạn có biết đam mê của Jobs lúc khởi sự Apple là gì không? Ông có lập ra Apple với khát vọng trở thành một đế chế công nghệ và thay đổi thế giới không? Không, đam mê của ông ấy là kiếm tiền. Càng kiếm được nhiều tiền, ông càng có động lực để kiếm nhiều hơn. Nếu Jobs học cùng bạn, có lẽ khi ông bỏ học, bạn hẳn sẽ nghĩ ông bạn này hết thuốc chữa rồi. Trốn học như cơm bữa, không có điểm tựa tài chính, lại còn mông lung không biết định hướng tương lai của mình. Nếu bạn là Jobs, bạn có dám bỏ học không? 

Lời bạt

Chỉ vì những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Steve Jobs bỏ học và đạt được thành công vang dội không có nghĩa là tất cả những người bỏ học cũng sẽ thành công như vậy. Và giống như những bạn học cũ của bạn – những học sinh cá biệt, nghịch ngợm và thành tích kém – cuối cùng lại thành công hơn tất thảy, câu chuyện của những người này là sự pha trộn giữa kỹ năng, tinh thần cật lực, sự may mắn và các mối quan hệ. 

Câu chuyện “tỷ phú bỏ học thành công” cùng các lời khuyên theo dạng “hãy để đam mê dẫn lối” nghe có thể rất vui tai nhưng chỉ nên dừng lại ở màng nhĩ bạn mà thôi. Nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi bỏ học và không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để biến ý tưởng khởi nghiệp thành một công việc kinh doanh béo bở thu lời, cách đơn giản và an toàn nhất là ở lại đại học. 

Đó không phải an phận thủ thường đâu. Đó chỉ là bài toán phân tích lợi – hại cơ bản: bạn được gì và bạn mất gì. Ít nhất là với tấm bằng đại học, nếu việc kinh doanh có lụn bại, bạn vẫn có một phương án dự phòng giúp bạn khỏi thất nghiệp.