Khi H. G. Wells lần đầu xuất bản Người vô hình (The Invisible Man) vào năm 1987, chỉ riêng tựa đề đã đảm bảo cho thành công của nó. Sức hấp dẫn của cuốn sách tới từ một trong những ước mơ muôn thuở của con người – khả năng tàng hình – đồng nghĩa có thể thoát khỏi ánh mắt của người khác theo đúng nghĩa đen, được giải phóng khỏi những áp lực xã hội và có quyền tự do bước vào bất cứ không gian mở nào mà không gặp trở ngại.

Một người vô hình có thể nghe lén những điều thầm kín bạn chia sẻ với đứa bạn thân, có thể lặng lẽ theo dõi hành vi kỳ quặc của bạn lúc một mình và thản nhiên làm bất cứ gì hắn muốn trước hàng trăm chiếc camera. Theo nhiều cách, kẻ vô hình hiển nhiên tự do hơn rất nhiều.

Nhưng sự tự do đó cũng đi kèm một cái giá đắt đỏ mà nhân vật Griffin đã phải chịu, qua đó Wells để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về bài học đằng sau phép ẩn dụ bậc thầy này. 

ẢNH: SASHA BERG/ BEHANCE

Tầm nhìn vượt thời gian của H. G. Wells 

Người vô hình là một trong số vài tác phẩm kinh điển giúp tên tuổi H. G. Wells vút cao trên văn đàn, cùng với Jules Verne và Hugo Gernsback, ba người được xem là “cha đẻ của dòng tiểu thuyết giả tưởng”. Trước hết, hãy cùng nghe qua tựa đề hai cuốn sách đáng chú ý khác của Wells: Chiến tranh giữa các hành tinh, Cỗ máy thời gian.

Giờ thì bạn biết rồi đấy, Wells sống trước George Lucas (chủ nhân của loạt phim sử thi khoa học nổi tiếng Cuộc chiến giữa các vì sao) và Fujiko Fujio (người khai sinh ra chú mèo máy thích ăn bánh rán) tới cả thế kỷ. Chính bởi lẽ đó, nhiều độc giả cho rằng H. G. Wells ngoài danh xưng nhà văn ra, còn có thể gọi ông là một nhà tiên tri đại tài. 

Giờ thì quay lại với Người vô hình, kể từ ngày cuốn sách ra mắt tới nay, bạn nghĩ xem đã có bao nhiêu tác phẩm ăn theo mô típ đó rồi? Bạn còn nhớ chiếc áo choàng vô hình của Harry Potter chứ? Nhưng đó cũng chỉ là tưởng tượng, trên thực tế, làm quái gì có người vô hình. Nếu có, thế giới này sẽ đảo điên mất. Chỉ một tên thôi đã đủ làm xáo trộn hết cả thảy.

 

Tượng tưởng một khẩu súng lơ lửng trên không trung đang chĩa thẳng vào mặt bạn.. 
ẢNH: SASHA BERG/ BEHANCE 

Bạn có thể lĩnh một cú đấm như trời giáng vào giữa mặt mà chẳng thể biết gã nào đã đấm mình. Hắn có thể theo bạn về nhà, tranh thủ lúc bạn để cửa rồi lẻn vào trong, khoắng hết chút của cải bạn tích luỹ bấy lâu. Hắn sẽ đứng sau bạn nhòm xem mật mã ngân hàng của bạn là gì, rồi lẳng lặng ra khỏi nhà, để lại bạn đằng sau với số dư tài khoản bằng không. Chỉ tưởng tượng ra thôi đã khiến bạn rùng mình, và mặc dầu tin là người vô hình không tồn tại, nhưng bạn có để ý bản thân vẫn phòng bị mỗi ngày trước những kẻ vô hình? 

Facebook có lẽ là minh chứng đơn giản nhất. Từ lâu, đứa con của Mark Zuckerberg đã bị tố cáo là bí mật theo dõi người dùng. Mỗi lần bạn có ý định mua thứ gì đó, bạn có để ý chỉ vài tiếng sau bảng tin của bạn đã đầy rẫy quảng cáo mặt hàng đó không? Các nhà tâm lý học đã vào cuộc và cho rằng đây chỉ là một hiệu ứng tâm lý đơn thuần, nhưng chừng đó chưa đủ để người dùng tin rằng Facebook không theo dõi họ.

Nhiều người dán một dải băng dính lên camera laptop của họ – để ngăn chặn tin tặc theo dõi mình. Nếu như nhân vật John Griffin của Wells phải nếm mật nằm gai, ăn cắp tiền của cha để nghiên cứu ra công thức tàng hình, đến cuối phải trả giá bằng cả mạng sống – thì trong thời đại ngày nay, công nghệ khiến việc vô hình dễ dàng như trở bàn tay. Hàng loạt các đoạn camera kín bị tung lên mạng mỗi ngày mà có lẽ chính chủ nhân chúng còn không biết, các thông tin cá nhân của bạn qua tay vô số kẻ mỗi ngày.

Tóm gọn lại, kể cả lúc ở một mình, đôi khi bạn cũng không thực sự một mình đâu. Những gì nhân vật Griffin làm với cha xứ Iping – đột nhập vào nhà và khoắng hết số tiền vàng của ông – chính là tiên đoán cho các vụ lừa đảo qua mạng diễn ra mỗi giờ thời nay. Trước Wells, không phải là không có các câu chuyện mà nhân vật trong đó có khả năng tàng hình, với sự trợ giúp của chiếc mũ hay áo choàng ma thuật, nhưng tuyệt nhiên không có một người đàn ông, bằng xương bằng thịt hẳn hoi, lại sở hữu khả năng tàng hình. 

Sự tha hoá và ý nghĩa cái chết của Griffin 

Điều làm cho Người vô hình tách biệt so với phần đông những câu chuyện giả tưởng khác là ở chủ nghĩa hiện thực và triết lý xã hội của nó. Về gốc rễ, tác phẩm này được H. G. Wells thai nghén dựa trên nghiên cứu của Charles Darwin về xung đột giữa cộng đồng và cá nhân. Griffin – kẻ tàng hình duy nhất trên thế giới này, ít nhất trong câu chuyện của Wells là thế – tự coi mình là cá thể vượt trội hơn so với số đông. Ban đầu, độc giả có thể thông cảm với hoàn cảnh của Griffin, nhưng nhanh chóng thấy ghê sợ trước sự tha hoá tới chóng mặt của gã. 

ẢNH: SASHA BERG/ BEHANCE 

Trước khi có thể tàng hình, Griffin đã là một kẻ thích đặt mình trên người khác. Gã chán ghét, khinh bỉ lũ học sinh dốt nát tại trường đại học nơi gã làm trợ giảng, căm thù tên giảng viên hay tọc mạch vào cách nghiên cứu riêng tư của gã. Nhìn chung, cảm xúc này khá bình thường, có lẽ Griffin chỉ là một chàng thanh niên hơi cực đoan và có thái độ khắc nghiệt với cuộc sống. Nhưng khi trở thành Người Vô Hình, gã mất đi nhân dạng và cũng vứt bỏ luôn bản ngã của mình.

Từ quan điểm của Darwin, Griffin có thể là ẩn dụ cho một chủng tộc bậc cao hơn của con người, nhưng việc gã không sẵn sàng thụ phấn chéo với phần còn lại của nhân loại – để chia sẻ tri thức và giúp cải thiện đời sống xã hội – khiến gã trở thành một kẻ ngoại tộc, đứng ngoài rìa ranh giới nền văn minh; giống như trong vương quốc động vật, những con rời bỏ cộng đồng mặc nhiên được đặt định là để trở thành kẻ thù của bầy đàn. Griffin đã trở thành kẻ thù của loài người y như thế. 

Trong triết lý của Darwin, loài người cũng giống như mọi nhóm động vật có vú khác, đạt được lợi thế tốt nhất từ tập tính bầy đàn, theo đó, cuộc sống con người sẽ bớt nhọc nhằn hơn khi biết hợp tác với cộng đồng. Griffin, như Wells đã miêu tả, là một con sói đơn độc, khiến gã trở thành mối nguy hiểm cho phần còn lại, và giống như bất kỳ kẻ nổi loạn nào khác trong thế giới động vật, hoặc là cộng đồng tiếp tục bị đả thương bởi kẻ đó, hoặc là kẻ đó phải bị tiêu diệt bởi chính đồng loại của mình. Trong Người vô hình, H. G. Wells đã lựa chọn cái kết cho nhân vật của mình theo vế thứ hai. 

Cái chết của Griffin có thể được tiên liệu ngay từ đầu truyện, dễ nhất là qua độ dài vỏn vẹn chưa tới 300 trang của cuốn sách. Khi đã thấy Griffin tung hoành, làm nhiễu loạn xã hội trong phần lớn tác phẩm, dường như không còn lối thoát nào cho gã nữa. Griffin, một trong những phản anh hùng (anti-hero) đời đầu của văn học, vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Tiểu thuyết được Wells bao trùm bởi cảm giác tội lỗi: cộng đồng bảo thủ, kìm hãm cá nhân xuất sắc, và cá nhân xuất sắc bất cần, sẵn sàng nghênh chiến chống lại cả chủng tộc. 

ẢNH: DAVID SHARG

Tất nhiên, H. G. Wells vẫn để lại cho Griffin một chút lương tâm, qua việc gã liên tục bị ám ảnh bởi những giấc mơ về người cha quá cố đã tự vẫn của mình, và thậm chí mơ ước được chôn sống trong đám tang của ông. Ban đầu, gã không chịu xuất bản nghiên cứu chỉ vì sợ có kẻ khác ăn cắp chất xám của mình, nhưng sau cùng, khi nhận ra đám người thấp bé trong mắt hắn kia không chịu phục tùng, hắn quyết định chơi tới cùng: giết bất cứ ai dám cãi lệnh và thiết lập một ách thống trị mới, nơi mà Người Vô Hình sẽ là vua cai trị tất cả.

H. G. Wells không đời nào để viễn cảnh đó xảy ra. Griffin, Người Vô Hình đã chết dữ dội và nhục nhã - bị tất cả người dân túm lại đánh đập - giống như một bầy sói vồ lấy kẻ phản bội mà xâu xé. Khi ấy, chân tay, mặt mũi gã dần hiện ra, và chỉ tới lúc chết, gã mới trở lại và được coi là một con người. 

Lời kết 

Kể từ khi xuất bản, Người vô hình đã cung cấp một cái nhìn hấp dẫn về tâm lý của một kẻ sát nhân và sức mạnh áp đảo của sự kết hợp giữa quyền năng và cơn thịnh nộ. Đơn giản nhất, cuốn sách là một ẩn dụ đi trước thời đại về khoa học viễn tưởng giúp độc giả hình dung ra những mặt tối đáng sợ của công nghệ: khiến con người vừa trở nên mạnh mẽ vừa dễ bị tổn thương. Phức tạp nhất, nó là một dụ ngôn sâu sắc đã khai thác triệt để triết lý xã hội của Darwin: thiên tài kiệt xuất nhưng kiêu ngạo, tự cao tự đại và bay quá cao khỏi tầm với của đồng loại tới mức bị nuốt chửng bởi chính quyền năng của chính mình.

Thứ mà Griffin sở hữu, cuối cùng quay lại sở hữu hắn ta. 

Người vô hình cũng là một bài học về hiện thực hóa khát vọng, một nghiên cứu về sự tự kiểm soát cũng như một lời răn về việc làm chủ quyền lực của bản thân. Cuốn sách của H. G. Wells đến nay vẫn không ngừng mê hoặc chúng ta, khả năng tồn tại như không tồn tại của nó là không tưởng. Nhưng nếu dừng chân và nghĩ chậm lại, ta ngẫm ra quá nhiều nỗi kinh hoàng mà nó có thể mang lại, như chính Griffin cũng tự nghiệm ra khi tâm sự với bác sĩ Kemp:

“Trước khi tiến hành thí nghiệm điên rồ này, tớ mường tượng ra hàng ngàn ích lợi, nhưng đến buổi chiều hôm đó, trong tớ chỉ còn thất vọng mà thôi. Con người thèm khát những thứ chi? Tớ lần lượt điểm lại. Khả năng vô hình chắc chắn sẽ giúp tớ sở hữu những thứ ấy. Có điều cũng chính vì vô hình thành ra tớ có sở hữu chúng cũng như không. Tham vọng ư? Lên đến đỉnh cao để làm gì nếu không thể hiện hình cho thiên hạ thấy?” 

Quyền năng vô hạn của một con người vô hình, đồng thời cũng là nỗi kinh hoàng của chính hắn: vào ra mà không được chú ý, vẻ vang nhưng không được nhìn thấy, vừa tồn tại vừa không tồn tại.