Cuộc sống là 10% những gì xảy đến với bạn là 90% cách bạn phản ứng với nó, chắc hẳn mỗi độc giả ở đây đều từng nghe qua câu nói này. Mọi người hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi người đều khổ theo một kiểu riêng. Trong khi Arthur Schopenhauer khuyến nghị con người kiềm chế ham muốn và thoái lui khỏi cuộc sống thì người tự nhận là học trò của ông, Friedrich Nietzsche cho rằng cứ coi cuộc sống như một vở hài kịch và chấp nhận những bi kịch trong đó.

Phản ứng tốt và dễ dàng nhất, theo lời chủ nhân bài viết gốc, Joshua Foa Dienstag, có thể là một nụ cười thật tự tin. Trong bài dịch dưới đây, tác giả sẽ tường thuật lại từ đầu tới cuối cuộc tranh luận ly kỳ và đáng đọc giữa hai bộ não kiệt xuất mà giới triết học từng chứng kiến về một vấn đề muôn thuở nhưng vẫn chưa được giải đáp thấu đáo: Nếu cuộc đời đầy rẫy đau khổ tới vậy, điều gì khiến cuộc đời này đáng sống? 

Friedrich Nietzsche (1844 - 1900), nhà triết học nổi tiếng người Đức. Ông có lẽ là một trong những người đầu tiên thuyết phục mọi người tin rằng "những gì không thể giết chết bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn."

Trong bài viết Mặt Tối Của Sự Vĩ Đại, tôi có đề cập tới ý tưởng rằng tất cả mọi người, dù khôn ngoan hay khờ dại, phú quý hay nghèo túng, giỏi giang hay vô dụng – đều gặp những rắc rối và khổ đau triền miên trên cuộc đời này. Công nghệ phát triển mặc dù làm thuyên giảm đôi chút, nhưng nhìn chung cũng không khiến con người ta hạnh phúc hơn là bao. Vậy chính xác điều gì giải thích cho sự tuần hoàn của đau khổ và chúng ta nên có thái độ như nào với nó? 

Từ bỏ ham muốn?

Một câu trả lời nổi tiếng được đưa ra bởi triết gia người Đức Arthur Schopenhauer, tác giả cuốn sách “bi quan” nổi tiếng Parerga and Paralipomena xuất bản năm 1851. “Cuộc sống là một công việc kinh doanh không bao hàm chi phí,” ông viết.

Theo Schopenhauer, ham muốn của con người luôn vượt xa tiềm năng thoả mãn của thế giới, khiến mỗi cá nhân rơi vào tình trạng thâm hụt vĩnh viễn. Dịch giả sau khi tìm hiểu rõ về cuốn sách trên, đã tổng hợp lại ý kiến của triết gia một cách đơn giản thế này: lòng tham của con người là không đáy, và nếu coi cuộc sống là thương trường, cầu sẽ luôn vượt cung, hàng hoá luôn luôn thiếu hụt. 

Arthur Schopenhauer (1788 - 1860), nhà triết học lỗi lạc người Đức. 
ẢNH: OPREA NICOLAE/ PIXELS 

Chừng vài chục năm sau đó, Friedrich Nietzsche, người từng tự nhận mình là đệ tử của Schopenhauer, đã lên tiếng đáp trả thầy mình không thương tiếc. Thừa nhận sự triền miên của khổ đau, song Nietzsche tin rằng giải pháp của Schopenhauer không theo kịp thách thức đặt ra ban đầu. 

Trên thực tế, ông nghĩ Schopenhauer khi viết cuốn sách đã quá già và bị suy nhược thần kinh, rao giảng những lời lẽ bi quan cho cả thiên hạ. Trái lại, Nietzsche nghĩ rằng trận đấu không hồi kết giữa chúng ta với đau khổ có thể là chìa khoá để các cá nhân qua đó tự phát triển chính mình – ”một cái búa là dụng cụ mà người ta có thể chế tác cho mình một đôi cánh mới.” 

Quay lại với Schopenhauer, độc giả sẽ cần đọc kỹ hơn về quan điểm của ông. Triết gia này là phật tử trung thành với Phật giáo, qua đó, cho rằng đau khổ là bản chất của cuộc sống. Theo ông, con người phần lớn bị thúc đẩy bởi nỗi đau – ví dụ như khát và đói – và những gì chúng ta gọi là niềm vui phần lớn chỉ là sự giải toả những nhu cầu đó, một cảm giác nhẹ nhõm thoảng qua rồi vụt đi.

 

“Tất cả sự hưởng thụ, thực sự chỉ là tiêu cực, chỉ có tác dụng loại bỏ nỗi đau, trong khi đau đớn hay xấu xa mới là động lực thúc đẩy thực tế.” - Arthur Schopenhauer 

 

Điều này giải thích tại sao chúng ta luôn cảm thấy không hạnh phúc dù đã đạt được mục đích của mình. Chúng ta kiếm tìm sự thỏa mãn vì muốn nó, nhưng thứ ta muốn thì nhiều đếm không xuể. Và cảm giác khoan khoái mà ta nhận về luôn là tạm thời, là quãng giải lao trước khi ta trở lại trận chiến với đau khổ. Hơn nữa, con người liên tục trải nghiệm hiện tượng “thăng cấp”, khi những thứ từng mang lại niềm vui cho ta nay không còn nữa. 

Nhưng đối với Schopenhauer, nguồn gốc thực sự gây ra đau khổ cho con người là chính bản thân loài người, động vật bậc cao có ý thức về thời gian. Một con chó hay con mèo không trải qua cảm giác dằn vặt, hối tiếc về quá khứ hay bất an rằng ngày mai nó sẽ ra sao. Ông lập luận thêm, chính vì ý thức được thời gian, những nỗi đau của con người sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Cha mẹ qua đời, tình yêu phai nhạt, bạn bè xa cách, những thành tựu và tài sản vật chất từng khiến ta tự hào nay không còn thoả mãn được ta nữa. 

Điều duy nhất để đối mặt với quy luật này, theo Schopenhauer, là hạn chế sự đau khổ bằng cách kiềm chế ham muốn của chúng ta. Nói đơn giản, nếu bản thân muốn ít, kỳ vọng ít thì sẽ không phải thất vọng nhiều – tương tự với chủ nghĩa khắc kỷ mà nhiều người noi theo.

Chúng ta càng ít ham muốn, chúng ta càng ít đau khổ vì vốn dĩ đã không trông đợi ngay từ đầu.

Cuộc sống là địa ngục nhưng ta có thể xây dựng “một căn phòng chống cháy” để tránh nạn trong lúc chờ Satan đến đòi nợ. “Nhượng bộ,” ông viết, “giống như tài sản thừa kế. Nó giải phóng chủ nhân của nó khỏi mọi mối quan tâm và lo lắng.” 

Mối quan hệ giữa niềm vui và nỗi đau

Tất cả những điều vừa kể trên trong mắt Nietzsche, không khác nào một toa thuốc không hiệu nghiệm và gây tác dụng phụ không đáng có là cổ suý chủ nghĩa bi quan. Người hậu bối thừa nhận rằng cuộc sống luôn đầy rẫy đau khổ, chấp nhận lý thuyết về ý thức thời gian, con người phải đối mặt với lo âu thường trực nhiều hơn là tận hưởng niềm vui, điều mà không tiến bộ khoa học hay công nghệ nào có thể thay đổi. 

Nhưng “căn phòng chống cháy” của Schopenhauer, theo Nietzsche, là việc làm của một kẻ ngốc. Với ông, sống như vậy thì không đáng sống và không xứng được gọi là cuộc sống. Vấn đề mà ông đặt ra với mọi người, không phải là tìm cách trốn tránh khổ đau mà học cách sống cùng nó và cảm thấy “biết ơn vì đã tồn tại”.

Và Nietzsche đã đưa luôn lời giải cho chúng ta, vạch ra một con đường dẫn đến lòng biết ơn đó, bất chấp những thống khổ dai dẳng đeo bám. 

Nietzsche lấy ví dụ từ bi kịch Hy Lạp và tác phẩm nghệ thuật bi thảm khác, đặc biệt là những tác phẩm của bậc thầy Dostoevsky như Tội ác và Trừng phạt, Anh em nhà Karamazov. Những câu chuyện bi kịch như vậy, theo ông, dạy chúng ta cách nhìn nhận cuộc sống như bản chất vốn có của nó: nỗi đau và niềm vui không nên bị cô lập mà cần được đặt ở vị trí song hành, đôi bên bổ trợ lẫn nhau.

Tất cả niềm vui đều phải gắn liền với đau khổ, một cách sâu sắc. 
ẢNH: KARL BAUER 

Tất cả niềm vui đều phải gắn liền với đau khổ, một cách sâu sắc. Người ta không thể thực sự quý trọng tình yêu nếu chưa từng chịu cảnh cô đơn, vẻ đẹp mà chưa từng xấu xí, giàu sang mà chưa từng bần hàn. Bởi vậy, nỗi đau cần được xem như một phần của niềm vui để niềm vui trở nên có ý nghĩa. 

Trong khi Schopenhauer muốn lảng tránh tính hữu hạn và không thể vãn hồi của thời gian, Nietzsche, ngược lại, đề nghị chúng ta nhìn niềm vui như một phần thưởng chứ không phải sự trì hoãn nỗi đau. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người, nhưng không giống như các loài động vật khác, chúng ta có cơ hội làm phong phú hành trình đó mà không con vật nào có khả năng nhận thức và thực hiện được.

Nghệ thuật bi kịch có thể chỉ cho chúng ta con đường, nhưng người ta không nhất thiết phải là một nghệ sĩ để đạt tới cảnh giới của chân thiện mỹ. Việc cần làm, theo Nietzsche, được trình bày rõ ràng như dưới đây. 

Đau khổ không chỉ là một cái gì đó xảy ra với chúng ta – nó còn quyết định bản ngã của chúng ta. Tất cả đều sẽ trở thành gì đó, qua đó đáp ứng quy luật lớn lên và phát triển. Nỗi đau là chứng từ đảm bảo cho niềm vui trong tương lai.

Nghệ thuật bi kịch dạy chúng ta rằng một cái gì đó đẹp đẽ có thể được dựng lên từ đống hoang tàn của một thảm kịch trước đó. Niềm vui chỉ xoa dịu nỗi đau chứ không xoá nhoà nó, nhưng nỗi đau cần thiết vì nó giúp niềm vui trọn vẹn hơn. 

Đối với Nietzsche, đây là khía cạnh bi quan thực sự mà Schopenhauer, người nổi tiếng theo chủ nghĩa bi quan, không đủ nghị lực để đối mặt. Nietzsche gọi đây là “sự bi quan của những người tràn đầy năng lượng” (nguyên gốc: “The pessimism of the energetic”).

“Bi quan” vì nó không giảm thiểu được những đau khổ triền miên mà con người phải đối mặt; “tràn đầy năng lượng” vì họ không đầu hàng khi đối mặt với nó. 

Cuốn sách vui vẻ nhất mọi thời đại

Nietzsche cũng tiện nói thêm, một nhân vật văn học điển hình cho sự bi quan tràn đầy năng lượng này là Don Quixote. Ông nghĩ chàng quý tộc tài ba xứ Mancha do Cervantes nhào nặn lên là một hiệp sĩ khí phách và có mục đích trong một thế giới tàn bạo, bất công muôn thuở.

Khát vọng của Don Quixote là gì? Cứu vớt trẻ mồ côi, giải thoát người gặp nạn, hào phóng với người nghèo, ra sức rao giảng điều thiện cùng lúc diệt trừ cái ác. Nếu không đả động tới vấn đề hiệp sĩ giang hồ, Don Quixote có khác nào vị Thánh vì thực tế chàng còn biết nhiều hơn cả quỷ Satan.

Don Quijote Illustration by Gustave Dore 

Xuyên suốt pho sách trường thiên của Cervantes, tác phẩm hay nhất mọi thời đại, Don Quixote đã kiên quyết theo đuổi đến cùng sứ mệnh cao cả mà chàng tự đặt ra, bất chấp đau đớn liên tục, thất bại ê chề và kể cả lúc cuốc xẻng báo hiệu ngày tàn của chàng đã đến, chàng chưa từng dừng lại để đếm những niềm vui và nỗi đau của mình.

Dẫu cuốn sách có là một biên niên sử dài hơi về nỗi thống khổ triền miên của Don Quixote, Nietzsche vẫn tin rằng nó là “cuốn sách vui vẻ nhất" – không phải vì nó dạy người ta cách sống lạc quan mà nó thể hiện thái độ đúng đắn mà một con người nên có khi đối mặt với thách thức trong cuộc sống. 

Ông khẳng định thêm, những người cùng thời với Cervantes, đã đúng khi coi nó là một tác phẩm hài. Họ đã khóc rồi cười, cười rồi lại khóc. Vì từng cười, lúc khóc họ khóc rất thảm thiết; nhưng cũng nhờ từng khóc thảm thiết, tiếng cười lại trở nên hồn nhiên, giòn tan như muốn quên hết mọi sự. Đó là cách bi kịch dạy ta về tâm thế trước cuộc đời. 

Biên dịch từ bài viết gốc.