Con đường thành công của Steve Jobs không hề bằng phẳng. Học vấn dở dang, tiền đồ tăm tối mịt mù. Kể cả khi đã khai sinh ra Apple, hội đồng cũng tụm lại đuổi ông thẳng cẳng vì quá bảo thủ. Thế nhưng, những điểm xấu của Jobs như tính cách quá quắt, gàn dở, thái độ cay nghiệt với nhân viên – sau cùng lại càng làm người ta nể phục và tôn sùng ông hơn. Tại sao?
Quay trở lại năm 2005, khi Jobs được mời tới phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của Stanford, ngôi trường mà ông tự nguyện rút hồ sơ chỉ sau vài học kỳ, đã dành vài lời khuyên tới lớp lớp sinh viên ngồi dưới như sau:
“Bạn không thể kết nối các dấu chấm nếu chỉ nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng nếu nhìn về phía sau. Vì vậy, bạn phải tin tưởng rằng các dấu chấm bằng cách nào đó sẽ liên kết lại trong tương lai của bạn. Bạn phải tin tưởng vào một cái gì đó – định mệnh, cuộc sống, nghiệp quả, bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và nó đã tạo ra tất cả sự khác biệt trong cuộc sống của tôi.”
Chúng ta thường được khuyên là phải nhìn về phía trước, phải luôn hướng về ngày mai và đừng ngó ngàng tới những chuyện đã qua. Nhưng như Jobs nói, không nhìn về phía sau, bạn không thể biết bạn hôm nay được hun đúc nên như thế nào. Tinh thần của bạn, ý chí của bạn, kinh nghiệm của bạn, cảm hứng của bạn – đến từ ngày hôm qua. Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng bạn có thể học từ nó.
Khi Jobs bỏ học tại Stanford, ông vô công rồi nghề hết sức. Ông tham dự một lớp thư pháp vì thấy hay ho, rồi sau này chính những gì được dạy trong lớp học đó trở thành nền tảng của bộ phông chữ trên máy tính của Apple. “Nếu tôi không bỏ học thì đã chẳng đi học lớp thư pháp và máy vi tính sẽ không có các bộ chữ ra hồn,” Jobs tự hào nói.
Steve Jobs bỏ học nhưng không hề đoạn tuyệt với giáo dục, ông chỉ muốn chấm dứt chuỗi ngày vác mặt tới giảng đường học những môn vô bổ – và phần lớn là vì chi phí tại Stanford quá đắt, nó sẽ nướng toàn bộ tiền tiết kiệm của cha mẹ ông mà xem chừng khoản đầu tư này chỉ có lỗ chứ không thấy lời. Có thể nói khi Jobs bỏ học, sự nghiệp học hành của ông mới bắt đầu khởi sắc. Từ giây phút rời khỏi nhà trường, ông có thể học bất cứ gì mình thích, đứng ngoài hàng rào của những kiến thức hàn lâm khô khan với câu từ đao to búa lớn được các vị giáo sư thạo đời vắt óc nặn ra nhưng tính thực tiễn thì ngấp ngổm không ngóc đầu lên nổi. Đôi khi ta tới trường để nhận ra những thứ quan trọng nhất lại không được dạy ở trường.
Không còn là sinh viên, Jobs không được ở trong ký túc xá nữa. Do đó việc ông trải thảm ngủ trên sàn nhà bạn bè là chuyện dễ hiểu. Để có tiền mua thức ăn, ông thu lượm vỏ chai. Mỗi chủ nhật, ông cuốc bộ hơn 11 cây số đến một ngôi đền để “ăn ké” thức ăn miễn phí. “Nhưng tôi yêu thích cuộc sống đó,” ông nói. Nếu có đôi lúc nào cảm thấy cuộc đời mình bết bát tạm bợ quá, nghĩ về Jobs thời trẻ tuổi có thể được an ủi đôi chút.
Thế đấy, con đường tuổi trẻ của Jobs đâu có lát đá hoa cương hay trải thảm hoa hồng, mà toàn những vỏ chai với cơm từ thiện..
Xong việc ở lớp thư pháp, muốn kiếm cớ cho chân tay được hoạt động, “cựu sinh viên” Jobs sang tuốt Ấn Độ để tập thiền, một việc mà bất cứ ai thời điểm đó nhìn vào cũng thấy ông kỳ dị hết mức. Nhưng rồi chính mối quan hệ với Phật giáo đã giúp ông duy trì lối sống kỷ luật, không ham đòi vật chất, luôn kiếm tìm sự tối giản và đề cao tính chân thiện mỹ trong từng sản phẩm của Apple sau này.
“Đó là một trong những câu thần chú của tôi – tập trung và đơn giản. Đơn giản thì khó hơn phức tạp; nó ép bạn phải làm việc chăm chỉ để giữ suy nghĩ thật thông suốt. Nhưng cuối cùng công sức bạn bỏ ra xứng đáng vì một khi bạn đã thấu hiểu nó, bạn có thể dời núi.”
Cuối cùng, có lẽ cần nhấn mạnh lại lần nữa và nhiều lần nữa, rằng mẫu số chung lớn nhất giữa thiên tài kiệt xuất như Steve Jobs, Elon Musk hay Bill Gates chỉ đơn giản là sự kiên trì đáng kinh ngạc và tâm thế không khuất phục trước nghịch cảnh. Một người tài năng có thể đi nhanh, nhưng để đi xa, anh ta cần nhiều hơn thế; đó là sự dũng cảm, nghị lực kiên cường đến mức ngoan cố, lì đòn.
Người ta kể rằng trong trận boxing thế kỷ giữa huyền thoại Muhammad Ali và Joe Frazier “độc cô cầu bại”, cả hai đã quần nhau liên tục 15 hiệp dưới cái nóng gần 40 độ C, khốc liệt tới mức vào hiệp cuối, cả hai trở về góc sàn của mình bằng cách bò trên sàn. Mặt mũi Frazier đầy máu, huấn luyện viên thấy thế khiếp đảm lắm, sợ học trò bỏ mạng như chơi, liền ra dấu bỏ cuộc với trọng tài. Khi kết quả được công bố, Ali hết sức ngạc nhiên rồi vỡ oà trong hạnh phúc.
Mãi về sau này ta mới được biết, vào thời điểm Frazier đầu hàng, phía Ali cũng chấp nhận bỏ cuộc rồi. Vấn đề chỉ là, bên Frazier ra dấu đầu hàng trước, vậy nên chiến thắng thuộc về Ali. Thế đấy, trong một trận đấu thể thao toàn những địch thủ sừng sỏ, tài năng không còn là thứ đem ra so kè được nữa, mà là sức bền. Trong cuộc sống cũng vậy, giữa một vàn những kẻ xuất chúng như nhau, kẻ nào lì đòn hơn là kẻ thắng.
Quay trở lại bên Jobs, những ngày tháng sau này nhìn lại thời điểm bản thân bị “đá” khỏi Apple, ông nói: “Bị sa thải khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng của thành công được thay thế bằng sự thư thái của việc trở thành tay mơ một lần nữa. Nó giải phóng tôi để tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời [...] Đó là loại thuốc đắng khủng khiếp, nhưng thuốc đắng mới dã tật. Đôi khi cuộc sống sẽ vùi dập bạn. Nhưng đừng mất niềm tin.”
Thất bại luôn đáng sợ. Không ai muốn thất bại cả. Bất chấp các diễn giả có thét vào tai bạn đến bao nhiêu rằng thất bại là cần thiết, là mầm mống của thành tựu, là chiếc kén của thành công – thì bạn vẫn ghét thất bại. Cảm giác tuyệt vọng, nhục nhã ê chề, dằn vặt như thể cộng dồn lại. Nhưng nếu không có thất bại, câu chuyện sẽ chẳng còn điểm hấp dẫn. Đó là mô típ của cuộc đời, vì một người không thể thực sự hưởng thụ trái ngọt của thành công nếu chưa từng nếm qua trái đắng của thất bại. Đường cao tốc dễ đi nhưng không có nhiều thứ để ngắm nghía, cũng như câu chuyện một người cứ lao vun vút trên đường tới thành công mà chẳng vướng phải trở ngại nào thì không đáng đọc.
Do đó, câu chuyện cuộc đời Steve Jobs hấp dẫn chúng ta vì tính chân thực, gần gũi, chứa nhiều bài học và nhiều chuyện để nói. Nếu kể ra hết đây có chừng mai cũng không hết, vậy nên độc giả hãy đón chờ các bài viết sau, vì tôi chắc chắn đây không phải lần đầu cũng chẳng phải lần cuối chúng ta bàn luận về Steve Jobs, người ngốn không ít giấy mực của giới báo chí, phê bình, và của tôi nữa.