Mỗi người chúng ta đều có ít nhất một người bạn với cái dạ dày không đáy, mỗi lần đi ăn buffet là chủ quán chỉ có lỗ chứ chẳng thấy lời. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều chỉ ăn ở mức vừa đủ, vì nếu bạn cố ăn cho đẫy, bạn sẽ va phải thứ mà các nhà kinh tế học gọi là Quy luật lợi ích cận biên giảm dần. 

Những miếng thịt đầu tiên ngon tuyệt cú mèo, nhưng đến miếng thứ hai mươi, cảm giác thỏa mãn sẽ được thay bằng chướng bụng, ngán ngẩm. Một ông chủ quán buffet sẽ không giờ thiệt nhờ vào quy luật đó, rằng mỗi chúng ta đều biết bất cứ thứ gì dư thừa quá sẽ đem lại khổ đau – ngay cả những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. 

Và đó cũng chính là nền tảng của triết lý Lagom từ Thuỵ Điển – chủ đề của bài viết hôm nay. Nó có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống của mình một cách tích cực hơn, tất nhiên là với một cái giá nho nhỏ – mà đọc dưới đây sẽ rõ. 

ẢNH: CHANGING PAGES

Hai cách hiểu Lagom 

Có hai cách riêng biệt để hiểu rõ triết lý Lagom. 

Đầu tiên, nếu coi Lagom như một loại nhận thức xã hội, tức là những gì chúng ta làm sẽ ảnh hưởng tới người khác. Người ta truyền tai nhau câu chuyện từ thời Viking rằng, vào thời đó, các chiến binh thường quây quần bên ánh lửa hồng và truyền tay nhau chiếc sừng trâu đựng đầy rượu. Để giữ danh dự, mỗi người chỉ uống vừa đủ lượng rượu để chiếc sừng có thể được truyền tay nhau lâu hơn và ai cũng có phần. Cụm từ “laget om” ra đời để chỉ sự vừa đủ đó, dần dần nó được thu gọn lại thành Lagom nhưng ý nghĩa thì không đổi. 

Thứ hai, sâu sắc hơn, Lagom là đạt tới cảnh giới hài lòng với những gì mình có. Thời đại nào cũng vậy, luôn có những người tin rằng thừa còn hơn thiếu. Nhưng Lagom, ngược lại, là tận hưởng sự vừa phải. Nó không chỉ đơn giản là học cách tận hưởng những gì mình có, mà đôi khi còn cho rằng ít hơn thực sự là nhiều hơn. Khi bạn muốn ít hơn, bạn sẽ tự trân trọng những thứ mình đang có, ít bị ràng buộc bởi ham muốn và dục vọng ngày càng gia tăng một khi được đáp ứng. 

Áp dụng Lagom vào cuộc sống của bạn 

Dưới đây là vài ví dụ. 

Vật chất vừa đủ 

Lagom dịch ra là “số tiền vừa đủ”. Nó có nghĩa là biết thế nào là đủ, và cố gắng kiếm tìm sự cân bằng, điều độ thay vì liên tục trèo cao hơn. Lagom là cảm giác hài lòng khi sở hữu tất cả những gì mình cần để sống thoải mái. Không cần thừa mứa tới mức đem nướng tiền vào các sòng bạc, hộp đêm, tiệc tùng liên miên; cũng không phải là co ro trong đêm đông giá lạnh như cô bé bán diêm.

Triết lý Lagom nghĩa là bạn có một mái nhà trên đầu, thức ăn trong bụng, bạn bè sau lưng và tiền trong túi – chỉ vừa đủ – để bạn không bị áp lực bởi gánh nặng tài chính. 

Tôi từng đọc được một câu rất hay ngụ ý như sau: Sự giàu có của một người được đếm bằng những thứ anh ta không phải bận tâm đến. Vâng, Lagom hướng bạn tới điều đó. 

Nói vừa đủ

Nhiều người đã nói rằng cú sốc văn hóa đầu tiên của họ khi tới Thụy Điển là người dân ở đây có vẻ lạnh lùng, ít nói. Người Thụy Điển không thích sự vòng vo nhưng lại tìm kiếm sự thỏa hiệp và tránh đối đầu, căng thẳng. Họ vừa tôn thờ chủ nghĩa cá nhân nhưng cũng lại tuyên bố rằng “Đừng nghĩ bạn là người đặc biệt”.

Người Bắc Âu nói chung lưu truyền bộ quy tắc Jante về hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, nơi sự khiêm tốn và tôn trọng người khác luôn được đánh giá cao. Và chủ nghĩa Lagom càng giúp hiện thực hóa bộ quy tắc ứng xử này. Người Thụy Điển ít nói và không dùng những từ mạnh mẽ mang sắc thái biểu cảm nhiều bởi họ không muốn trở nên nổi bật hay thể hiện quá nhiều về con người mình, cũng như không muốn đưa ra những kết luận, đánh giá thiếu căn cứ có thể ảnh hưởng tới người khác.

Sự vừa đủ trong lời nói sẽ khiến bạn giảm thiểu nguy cơ sa vào những hiểu lầm và tranh cãi không cần thiết, cũng đồng nghĩa với việc bạn có ít nguy cơ bị ràng buộc bởi những phiền hà không đáng có, hay nói cách khác, giúp tâm trí mình tự do.

Cảm xúc cũng vừa đủ

Người Thụy Điển nổi tiếng với phương châm bình đẳng, bác ái. Với họ, bày tỏ lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc thái quá là một sự phân biệt chủng tộc. Họ sợ rằng sẽ gây ra sự mặc cảm và gián cách đối với người nước ngoài sinh sống tại đất nước mình. Họ đã chứng minh được rằng lưu giữ những truyền thống lâu đời và những giá trị tinh thần tốt đẹp mới là cách bảo vệ dân tộc của mình một cách tốt nhất, chứ không nhất thiết phải giơ cao khẩu hiệu, kích động tinh thần dân tộc một cách trái với Lagom. 

Đó chính là sự rộng lượng và kiểm soát cảm xúc, khi mọi thứ đều được tiết chế vừa đủ thì sẽ khó có cơ hội cho những kích động tiêu cực và lệch lạc cực đoan, xã hội sẽ ổn định và hài hòa mà không cần tới những chế tài cứng nhắc. Và sự vừa đủ một lần nữa lại đem lại tự do cho con người và xã hội.

Ăn uống vừa đủ 

Lagom trong ẩm thực của người Thụy Điển chính là việc lên kế hoạch nấu nướng và mua sắm cho cả tuần, bạn sẽ không phải mất công nghĩ ngợi về việc làm bếp mỗi ngày. Họ cũng không chế biến những món ăn quá phức tạp mà thiên về việc tận hưởng hương vị tự nhiên nhất của thực phẩm.

Việc để thừa thức ăn và lưu cữu trong tủ lạnh là điều tối kỵ, bởi biết vừa đủ sẽ khiến bạn luôn kiểm soát được việc không lãng phí đồ ăn nói riêng và những thứ phục vụ cuộc sống của bạn nói chung. Bạn sẽ không phải lo tái chế đồ thừa như thế nào, vứt chúng đi với tâm trạng áy náy ra sao, và thế là bạn lại đạt được sự tự do ở phương diện này.

Tôi có phải đánh đổi gì không? 

Có lẽ bạn đã thấy ngờ ngợ ở lưng chừng bài viết này vì câu hỏi trên rồi. Tôi sẽ trả lời thẳng luôn là có, bạn có phải đánh đổi. 

Vì Lagom hướng tới lối sống trọn vẹn, cân bằng nhiều khía cạnh của cuộc sống nên mối bận tâm của bạn chắc chắn sẽ bị dàn trải. Nói cách khác, bạn không thể trở nên đặc biệt xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó vì bạn ôm đồm quá nhiều. Nếu bạn muốn thực hành Lagom, phải chấp nhận rằng bạn sẽ chỉ dừng ở mức vừa đủ trong mọi khía cạnh. Tôi gọi đây là “cái giá của cân bằng cuộc sống”, vấn đề tôi đã nói rất kỹ trong bài viết về Lý thuyết Bốn lò lửa. 

Trong bộ phim kinh điển The Third Man, nhân vật Harry Lime của Orson Welles đã nói thế này:

“Ở Ý trong 30 năm dưới thời Borgias, họ có chiến tranh, khủng bố, giết chóc và đổ máu, nhưng họ sản sinh ra Michelangelo, Leonardo da Vinci và thời Phục hưng. Ở Thuỵ Sĩ, họ có tình cảm anh em, có 500 năm dân chủ và hoà bình, rồi họ đóng góp cho nhân loại cái gì? Chiếc đồng hồ cúc cu.”

Sau khi bộ phim ra rạp, người Thuỵ Sĩ đã lên tiếng phản bác rõ ràng rằng họ chưa bao giờ làm bất cứ chiếc đồng hồ cúc cu nào cả – tất cả đều đến từ Bavaria! 

Tất nhiên là với lối sống hài lòng với hiện tại nên những người theo chủ nghĩa Lagom cũng không tham vọng nhiều, do vậy họ hiếm tạo nên kỳ tích. Chính vì lối sống thanh bạch tới vậy nên dân Mỹ từng đánh giá chủ nghĩa Lagom là chiếc rào ngăn cách đất nước này với thế giới hiện đại.

Thế rồi cho đến khi chủ nghĩa tiêu dùng đạt cực điểm, con người ta thừa thãi vật chất, những trò giải trí vô bổ và bị hành hạ bởi các chứng bệnh tâm thần, họ lại bắt đầu tìm tới Lagom, như một bến đỗ để sống an nhàn tĩnh tại - một chiếc mỏ neo giữ ta khỏi cuốn theo những cám dỗ cuộc đời.