Ý Tưởng Khởi Nguồn Cho Bài Viết Này
Giả sử ông bác sĩ bước tới bạn và bắt bạn chọn muốn nghe tin tốt hay tin xấu trước. Một nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện và con số lên tới 78% người muốn nhận tin xấu trước.
Người tiêu dùng nhìn chung thường thích những dịch vụ thanh toán trọn gói hơn là trả từng phần, vì nỗi đau mất tiền sẽ được giải quyết trong một lần duy nhất chứ không dai dẳng lắt nhắt như phương thức trả định kỳ.
Những người làm trong khối ngành dịch vụ như luật sư, bác sĩ, môi giới bất động sản,... đã nắm thóp tâm lý này từ lâu. Họ luôn bắt đầu bằng tin xấu và chốt hạ bằng tin tốt. Ví dụ, ngôi nhà có vẻ cách xa chỗ làm việc nhưng lại cực kỳ hợp phong thủy, có sân chơi cho lũ trẻ, hiên nhà luôn đón nắng. Họ mào đầu bằng một nốt trầm và cứ tăng dần những điều tích cực. Thay vì bắt đầu thật mạnh mẽ để rồi chết chìm trong chính những viễn cảnh mình đặt ra.
Những ý tưởng này dẫn lối tôi tới một câu hỏi: Liệu chúng ta có thể dùng chính tâm lý này để đánh lừa chính mình, và qua đó có một cuộc đời hạnh phúc hơn hay không?
Nỗi Đau Của Bạn Là Gì?
Trong mảng truyền thông — marketing, thuật ngữ pain point nghĩa là ‘điểm đau’, nói đơn giản là những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Và nhiệm vụ của những marketer là tìm cho ra chúng và giải quyết. Tuy nhiên, với một vài chỉ dẫn dưới đây, bạn có thể tự tìm ra pain point của mình:
Một ví dụ đơn giản sau sẽ minh họa rõ nét cho ý tưởng trên:
Giả sử bạn dự định khi lĩnh lương xong sẽ cần làm 2 việc trước tiên: mua quần áo mới và thanh toán dư nợ. Nếu bạn mua quần áo trước và thanh toán dư nợ sau, cảm giác vui vẻ vì được mua quần áo mới sẽ sớm bị thay thế bởi nỗi đau đáu phải trả tiền nợ. Đó rõ ràng là điều bạn không mong muốn khi cảm xúc của bạn đi theo chiều hướng giảm dần.
Ngược lại, thay vì quyết định như vậy, bạn thanh toán hết sạch dư nợ ngay khi vừa nhận được tiền lương. Cảm giác đau đớn chắc chắn vẫn còn, nhưng tâm trạng của bạn sẽ sớm được cải thiện vì bạn được đi mua quần áo mới. Như vậy hẳn là sẽ dễ chịu hơn với bạn vì trải nghiệm của bạn tốt dần lên theo thời gian.
Tương tự như ví dụ trên, bạn có thể bắt đầu áp dụng chiến lược này vào các khía cạnh các của cuộc sống để trở nên hạnh phúc hơn:
- Khi bạn có quá nhiều việc phải làm mà không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy khởi động bằng việc bạn thấy ghét nhất. Bằng cách đó, trải nghiệm làm việc của bạn sẽ cải thiện theo thời gian và bạn sẽ hài lòng với tiến độ của mình hơn.
- Ít nhiều lần bạn đã từng nghĩ tới chuyện dậy sớm chạy bộ nhưng đều không thể duy trì được lâu. Điều cần làm là xác định rõ nỗi đau của bạn là việc chạy bộ hay việc dậy sớm (dậy sớm, hẳn vậy). Nói đơn giản, ta tách dậy sớm chạy bộ thành 2 cụm ‘dậy sớm’ và ‘chạy bộ’, và bạn phải giải quyết lần lượt từng thứ một. Muốn rèn luyện thói quen chạy bộ buổi sáng, bạn trước hết phải dậy sớm được đã.
- Khi tới phòng gym, hãy bắt đầu buổi tập bằng bài tập mà bạn ghét nhất. Bài tập đó có thể ngốn hơi nhiều thời gian, nhưng phong độ của bạn sẽ tăng dần với các bài tập sau. Khi thực hiện xong set cuối cùng, bạn hẳn sẽ hài lòng vì chất lượng buổi tập ngày hôm đó, vì trải nghiệm của bạn được cải thiện tích cực. Và nếu nó tích cực, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục xuất hiện ở phòng gym ngày hôm sau.
Vạn Sự Khởi Đầu Nan
Với một vài chuyện trong cuộc sống như giảm cân, kinh doanh hay đơn giản như bắt đầu một thói quen mới, mọi thứ đều tệ hại ở khâu khởi đầu. Để đạt được những mục tiêu dài hạn, bạn buộc phải chấp nhận đánh đổi sự thoải mái bạn đang tận hưởng ở hiện tại, mà thông thường động thái của bạn là né tránh chúng.
Để giảm cân, bạn buộc phải thắt lưng buộc bụng, ăn thật ít mà tập lại thật nhiều. Vì bạn đã quen với việc ăn ngày 3 bữa và thi thoảng còn chiến thêm bữa ăn đêm, vậy nên bỗng dưng phải ăn ít lại hẳn là trải nghiệm khó chịu. Bộ não bạn không thích điều đó, nó muốn bạn quay trở về với lề thói cũ hơn. Nhưng rồi bạn sẽ dần quen với chế độ ăn kiêng đó sau 2-3 tuần áp dụng, và bạn sẽ òa lên vui sướng vào ngày bạn giảm được 1 kg đầu tiên, rồi cứ thế cứ thế.
Để kinh doanh, bạn chẳng thể nào xác định rõ tiềm năng của mặt hàng cho tới khi chịu chôn vốn vào nó. Những năm đầu luôn là quãng thời gian khổ cực, bạn phải làm khối lượng công việc tương đương 3 người cộng lại và còn không có đủ tiền để tự trả lương cho mình nữa. Nhưng rồi khi việc kinh doanh phát đạt, bạn kiếm được 100 đồng đầu tiên, rồi 100 đồng tiếp theo, bạn sẽ nhìn lại và thầm mỉm cười vì những ngày tháng khổ cực đó đã thúc đẩy bạn đi xa tới nhường nào.
Đi Đâu Từ Đây?
Thưa bạn đọc, thủy thủ giỏi không trưởng thành từ vùng biển lặng, và một chiếc thuyền hẳn nom đẹp đẽ nhất khi nó cứ nằm im lìm ở cảng — nhưng đó không phải lý do mà nó được tạo ra.
Cho dù bạn đang khao khát khởi nghiệp, giảm cân hay học thêm một kỹ năng mới, luôn nhớ rằng nỗi đau là một phần của quá trình. Ban đầu, bạn sai nhiều hơn đúng. Nhưng rồi một tháng, hai tháng nữa trôi qua, bạn sẽ đúng nhiều hơn sai.
Và khi nhìn lại, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mọi thứ cải thiện theo thời gian; vì bạn đã đớn đau thật nhiều, gục ngã thật nhiều và đứng dậy cũng nhiều như thế; vì bạn đã tiếp tục tiến những bước thật vĩ đại, mắc những sai lầm thật vĩ đại và trên tất thảy, vì bạn đã thu về những bài học thật vĩ đại.