Thành Rome đã được tạo nên như thế nào?
John Heywood là một nhà viết kịch người Anh thời Elizabeth, ông sống trong khoảng nửa đầu thế kỷ 16. Sinh thời, Heywood đã phát triển một nhận thức sâu sắc về thế giới này và ông để lại cho hậu thế một kho tàng những lời lẽ triết lý mà chúng ta ít nhiều đã nghe qua chúng đâu đó, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là câu nói “Rome wasn’t built in a day.”
Thành Rome không được xây trong 1 ngày, ý chỉ mọi thành tựu lớn đều không thể đạt được trong ngày một ngày hai, qua đó khuyên chúng ta không nên nóng vội, mọi sự đều cần có thời gian và sự kiên nhẫn để gặt hái những thành quả vĩ đại.
Tuy nhiên, bạn, tôi, cũng như phần lớn mọi người đều vô tình bỏ qua vế sau của câu nói kinh điển này. Nguyên văn của nó là:
“Rome wasn't built in a day, but they were laying bricks every hour.”
- John Heywood
Ban đầu, Rome chỉ gồm một thôn xóm, sau đó trở thành một thành phố, và cuối cùng là một đế chế rộng lớn. Đế chế đó là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều thế kỷ của người dân thành phố. Người La Mã biết chắc công trình họ đang xây dựng không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, vì vậy họ kiên trì xếp từng viên gạch nhỏ mỗi giờ, mỗi ngày. Ngày gom thành tuần, tuần thành tháng và tháng thành năm. Mỗi ngày thức dậy, họ tự nhủ hôm nay sẽ phải xếp cho xong bao nhiêu viên gạch. Đời cha chết đi, đời con tiếp nối. Thành Rome đã được hình thành nên như thế.
Như lời nhà báo Malcolm Gladwell từng nói “những ý tưởng phức tạp đôi lúc lại bị đơn giản hóa trong quá trình diễn đạt lại” — thật dễ hiểu khi câu nói sâu sắc của Heywood đã méo mó sau khi người ta bỏ quên vế sau của nó.
Rome không được xây trong một ngày, nói nôm na theo tiếng Việt ta là ‘dục tốc bất đạt’. Làm việc mà cứ nóng vội thì chẳng tới đâu. Nhưng khi bỏ đi vế sau của câu nói, nhiều người hiểu sai ý của Heywood là chúng ta không nên quá nôn nóng làm gì, mọi sự cứ từ từ rồi sẽ đâu vào đấy.
Thật không may, chính cách hiểu sai đó sẽ gieo hạt mầm cho sự trì hoãn sinh sôi, và dưới đây là những gì bạn có thể thực hiện ngay để chấm dứt điều đó.
Đầu tư vào quá trình thay vì kết quả
Lần cuối bạn đặt mục tiêu là khi nào? Các bậc thầy self-help vẫn thường rao giảng ‘lý thuyết đặt mục tiêu’ như sau: viết những điều bạn muốn đạt được trong 3, 6 tháng tới — và thật kỳ diệu, 6 tháng trôi qua vùn vụt, tôi đã đạt được mục tiêu mình đề ra — mà thậm chí tôi còn quên khuấy rằng mình đã viết chúng. Ôi trời, bạn lại ngủ quên giữa ban ngày nữa rồi!
Người La Mã khi đặt viên gạch đầu tiên, bạn nghĩ mục tiêu của họ là gì? Xây thành Rome, chắc chắn rồi. Nhưng nếu họ cứ tự nhủ thành Rome không được xây trong 1 ngày, và hôm sau họ lại nói với nhau như vậy, thì có lẽ thành Rome mãi chỉ tồn tại trong tưởng tượng rồi theo chân họ xuống mồ.
Vấn đề là: chúng ta thường chỉ tập trung vào mục tiêu mà quên mất đầu tư vào quá trình.
Mọi vận động viên Olympic đều bước vào đường chạy với khát vọng đạt được huy chương vàng. Mọi diễn viên tới buổi thử vai đều mong muốn mình là người được nhận. Mọi ứng cử viên tới dự buổi phỏng vấn đều tin rằng mình là mảnh ghép phù hợp với tổ chức. Nhưng chỉ có một phần nhỏ, rất nhỏ — với mức độ cạnh tranh khốc liệt — là những kẻ chiến thắng sau cùng.
Nếu người thất bại và người thành công cùng có chung một mục tiêu, vậy thì mục tiêu không thể là thứ quyết định sự khác biệt giữa họ được. Thứ tách biệt những người xuất chúng và kẻ nghiệp dư là người xuất chúng tập luyện rất, rất nhiều, hơn hẳn so với kẻ nghiệp dư.
Họ có thể tài năng hơn (trong phần lớn trường hợp) và may mắn hơn (Bill Gates chẳng hạn — ông cố làm chủ hãng luật lớn còn mẹ sở hữu cả một đế chế ngân hàng).
Nhưng quan trọng nhất, những kẻ xuất chúng thức dậy và làm việc — cho dù có thích hay không — còn mấy tên nghiệp dư chỉ nằm đó chờ đợi cảm hứng, mà xui nỗi cảm hứng là cô nàng đỏng đảnh hiếm khi chủ động tìm tới ta bao giờ.
Đừng mơ lớn
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Đúng, bước đầu tiên rất dễ, thật đấy, nhưng vạn dặm tức là bạn phải bước xuyên ngày rộng tháng dài, tức là càng về sau các bước chân càng nặng nhọc hơn, cơ bắp bạn càng tê nhức hơn, động lực trong bạn thì cứ dần cạn kiệt.
Tôi khá ngạc nhiên vì mọi người thường tìm cách để bắt đầu một thói quen mới. Họ lên mạng đọc các bài về cách bắt đầu thói quen chạy bộ, tập yoga, thiền định. Họ bỏ tiền cho mấy gã PT, hào hứng được vài buổi đầu sau đó coi việc đến phòng tập là cực hình.
Điều quan trọng là, bắt đầu một thói quen không hề khó, cái khó là làm thế nào để duy trì thói quen đó. Nếu bạn muốn chạy, bạn cứ xách giày lên mà chạy thôi. Nếu bạn muốn giảm cân, bạn cứ ăn kiêng rồi tập luyện như người ta vẫn làm. Nhưng vì bạn muốn biến chạy thành thói quen, vì thói quen là sự lặp lại, bạn phải chạy mỗi ngày. Tôi chẳng quan tâm bạn chạy nhiều hay ít, tôi chỉ quan tâm bạn có chạy hay không. Chẳng có nghĩa lý gì khi bạn tự hào mình chạy được 10km trong buổi đầu và buổi sau… à quên mất, không có buổi sau nào cả!
Khi bắt đầu một thói quen mới, việc chúng ta thường làm trước tiên là đặt ra mục tiêu mà ta muốn đạt được. Dù đã đả kích chuyện này ở phần trên, song tôi không hề có ý nói việc đặt mục tiêu là không cần thiết. Đối với tôi, đặt mục tiêu chỉ thực sự vô dụng khi bạn không cam kết với mục tiêu ấy.
Lời khuyên của tôi tới những tay mơ là: đừng mơ lớn. Đặt mục tiêu chạy 30 phút mỗi ngày thay vì chạy 10km mỗi ngày. Đặt mục tiêu đọc sách 30 phút mỗi ngày thay vì đọc 5 cuốn sách mỗi tháng. Bạn không nhất thiết phải trở thành người chạy bộ dẻo dai nhất, hãy trở thành người chạy bộ hằng ngày. Bạn không cần phải tự áp lực mình bằng “KPI số sách cần đọc”, chỉ cần đọc sách mỗi ngày thôi là đủ rồi.
Rome không được xây trong một ngày, nhưng vấn đề là ngày nào họ cũng xây. Bất kể nhiều hay ít, họ vẫn xây. Đời cha ông chú bác qua đi, đời con cháu lại tiếp tục xây. Hơn cả sự kiên trì, câu nói này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thói quen khi được tuân thủ nghiêm ngặt.
Sự lặp lại tạo nên thói quen, thói quen được duy trì nhờ kỷ luật, kỷ luật tạo nên sức mạnh, và sức mạnh sẽ tiếp thêm động lực giúp bạn trung thành với thói quen đó.
Quy tắc 2 ngày
Bạn có thể search ‘quy tắc 2 ngày’ trên Google và thứ bạn nhận về là… không gì cả. Tất nhiên là thế rồi, vì quy tắc do đích thân tôi tự nghĩ ra.
Quy tắc 2 ngày ngụ ý rằng khi bạn đang theo đuổi một thói quen nào đó, bạn không được phép ‘nghỉ phép’ 2 ngày liên tiếp. Ví dụ, nếu bạn chạy bộ 5 ngày và nghỉ 2 ngày trong một tuần, thì 2 ngày nghỉ đó phải cách xa nhau chứ không thể là 2 ngày nối tiếp.
Mục đích của quy tắc này là giúp bạn ngăn chặn những mầm mống của sự trì hoãn. Ngựa quen đường cũ, chúng ta có thể nói vậy. Có một câu nói rất hay thế này: Chuyện xảy ra một lần có thể không xảy ra lần nào nữa, nhưng chuyện xảy ra hai lần chắc chắn sẽ có lần thứ ba.
Kỷ luật là một danh từ cao xa mà phần lớn chúng ta chỉ nghe để lấy cảm hứng chứ hiếm khi tìm cách đạt được nó, và vì không có khả năng tự đặt ra kỷ luật và tuân thủ nó nghiêm ngặt, bạn buộc phải sử dụng tới vài mánh khóe.
Quy tắc 2 ngày là mánh khóe của ngày hôm nay. Cảm ơn bạn đã đọc!