Câu chuyện đằng sau giai thoại Victor Hugo sai gia nhân giấu hết quần áo của mình trong một tủ khoá để có thể chuyên tâm viết lách. 

Vào mùa hè năm 1830, Victor Hugo đang đối mặt với một hạn chót không tưởng. Mười hai tháng trước đó, nhà văn Pháp đã hứa hẹn với nhà xuất bản về một cuốn sách. Nhưng thay vì viết, ông lại dành thì giờ để theo đuổi những dự án khác, đãi rượu khách khứa, và trì hoãn công việc của mình. Quá nản lòng, nhà xuất bản của Hugo đã phản hồi bằng cách đặt ra một thời hạn dưới sáu tháng: Cuốn sách muộn nhất phải được hoàn thành vào tháng Hai năm 1831. 

Hugo đã nảy ra một kế hoạch lạ lùng nhằm đánh bại sự trì hoãn của bản thân. Ông gom tất cả quần áo lại và sai gia nhân đem khóa trong một cái tủ lớn. Ông không còn gì để mặc ngoại trừ một cái khăn choàng. Không có quần áo để ra ngoài, ông dành cả ngày nghiên cứu và viết điên cuồng giữa khoảng thu đông năm 1830. 

Nhà thờ Đức Bà Paris được xuất bản sớm hơn hạn chót hai tuần, vào 14 tháng Hai năm 1831. 

Vấn đề cổ xưa của Akrasia 

Con người đã trì hoãn qua hàng thế kỉ. Kể cả những nghệ sĩ kiệt xuất như Victor Hugo cũng không thể miễn dịch với những xao nhãng trong cuộc sống thường nhật. Vấn đề này là chuyện muôn thuở, trên thực tế, các triết gia Hy Lạp cổ đại như Socrates và Aristotle đã dành riêng một từ để diễn tả tình trạng này: Akrasia. 

Akrasia là trạng thái hành động đi ngược với lý trí. Đó là khi bạn làm một điều dù bạn biết bạn nên làm một điều khác. Hiểu nôm na, bạn có thể nói akrasia là tính trì hoãn hoặc thiếu kiểm soát bản thân. Akrasia là thứ ngăn cản bạn bám sát với những dự định bạn đã đặt ra. 

Vậy nhưng tại sao Victor Hugo cam kết viết một cuốn sách rồi lại gác nó sang bên tới hơn năm trời? Tại sao chúng ta cứ lập ra các kế hoạch, đặt ra những thời hạn, và cam kết theo đuổi mục tiêu, nhưng rồi lại thất bại trong việc theo sát chúng? 

Tại sao chúng ta lập kế hoạch nhưng không hành động? 

Một cách giải thích cho việc tại sao akrasia thống trị cuộc sống của chúng ta và tính trì hoãn có tương quan mật thiết với một thuật ngữ trong kinh tế học hành vi được gọi là “tính thiếu nhất quán của thời gian.” Thuật ngữ này ngụ ý não bộ con người có xu hướng đánh giá cao những phần thưởng tức thời hơn là những phần thưởng trong tương lai. 

Khi bạn lập các kế hoạch cho bản thân — như kế hoạch giảm cân hoặc viết một cuốn sách hay học một ngôn ngữ — bạn thực ra đang lập kế hoạch cho bạn của tương lai. Tuy nhiên, khi đứng trước một quyết định, bạn không đang đưa ra quyết định cho bạn của tương lai. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tất cả đều thích những sự thỏa mãn tức thời chứ không phải những thành quả lâu dài. Đây là lý do tại sao bạn có thể lên giường trong cảm giác động lực tràn trề để thay đổi cuộc sống, nhưng khi thức dậy bạn thấy mình lại rơi vào những lề thói cũ. Não của bạn đánh giá cao những lợi ích dài hạn khi nó nghĩ về tương lai, nhưng nó chuộng những thỏa mãn tức thời hơn khi nó đang ở hiện tại. 

Đây là lý do tại sao khả năng trì hoãn sự thỏa mãn tức thời quả thực là một minh chứng tuyệt vời về thành công trong cuộc sống. Việc hiểu rõ cách để chống lại cám dỗ tức thời có thể giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa vị trí của bạn hiện tại và vị trí mà bạn muốn tiến tới. 

Chương trình đánh bại sự trì hoãn 

Dưới đây là 3 cách để vượt qua akrasia, đánh bại tính trì hoãn, và bám đuổi những mục tiêu bạn đã đề ra. 

Chiến lược 1: Lập trình hành động của bạn trong tương lai. 

Khi Victor Hugo cho khóa tất cả quần áo lại để có thể chuyên tâm viết lách, ông ấy đang tạo ra cái mà các nhà tâm lý học nhắc đến như “dụng cụ cam kết.” Một dụng cụ cam kết là một lựa chọn mà bạn đề ra ở hiện tại để kiểm soát hành động của bản thân trong tương lai. Nó là một cách để rập khuôn những hành vi tương lai, hướng bạn tới những thói quen tốt, và giúp bạn tránh xa những thói xấu. 

Có nhiều cách để tạo ra một dụng cụ cam kết. Bạn có thể giảm thói ăn uống quá độ bằng việc mua thực phẩm đóng trong bao bì cỡ nhỏ thay vì cỡ khổng lồ. Tôi đã từng nghe rất nhiều vận động viên, những người phải “giữ dáng” cho một cuộc thi — đã chọn cách vứt ví của họ ở nhà vào tuần trước kì kiểm tra cân nặng để họ không bị cám dỗ mà mua thức ăn nhanh. 

Các tình huống có thể khác nhau, nhưng thông điệp vẫn là một: các dụng cụ cam kết có thể giúp bạn định hình hành động của bạn trong tương lai. Tìm những cách để tự động hóa hành vi của bạn ngay từ trước thay vì dựa dẫm vào năng lực ý chí khi đối mặt cám dỗ. Hãy trở thành kiến trúc sư của những hành động trong tương lai của bạn, chứ không phải nạn nhân của chúng. 

Chiến lược 2: Giảm thiểu gánh nặng của việc bắt đầu. 

Cảm giác tội lỗi và nản chí của việc trì hoãn thường tệ hơn nỗi đau khi bắt tay vào làm việc. Theo lời Eliezer Yedkowsky, “Trong từng khoảnh khắc, việc đang làm dở một công việc thì ít đau đớn hơn việc tiếp tục trì hoãn công việc đó.” 

Thế rồi tại sao ta vẫn cứ ngần ngừ? Bởi cái khó không nằm ở làm việc, mà là làm sao để bắt đầu. Đây thường là khâu gây nản chí nhất. Một khi bạn bắt đầu, nỗi đau thường sẽ suy suyển. Đó là lý do tại sao việc xây dựng thói quen bắt đầu thì quan trọng hơn nhiều so với việc lo lắng liệu bạn có thành công với thói quen mới này hay không. 

Bạn phải liên tục giảm thiểu kích cỡ của những thói quen của bạn. Xây dựng một nghi thức và biến thói quen thành một cơ chế tự động khiến việc bắt đầu trở nên thật suôn sẻ. Đừng lo lắng về kết quả cho tới khi bạn đã thuần thục nghệ thuật của việc khởi động. 

Chiến lược 3: Tận dụng ý định thực thi. 

Một ý định thực thi là khi bạn làm rõ chủ ý để tiến hành một hành vi cụ thể vào một thời gian cụ thể trong tương lai. Ví dụ, “Tôi sẽ tập thể dục ít nhất 30 phút vào ngày ...”

Có hàng trăm nghiên cứu thành công đã và đang cho thấy những ý định thực thi tác động tích cực tới mọi thứ ra sao, từ thói quen tập thể dục tới việc tiêm vaccine cúm. Trong nghiên cứu về vaccine cúm, các nhà nghiên cứu tiếp cận một nhóm gồm 3.272 nhân viên tại công ty Midwestern và thấy rằng những nhân viên viết ra ngày tháng cụ thể mà họ dự tính đi tiêm phòng cúm nhiều khả năng sẽ làm đúng cam kết vào những tuần sau đó. 

Nó có vẻ dễ dàng để nói rằng việc sắp xếp thời gian trước cho mọi thứ có thể tạo ra một thay đổi, nhưng như tôi đã đề cập trước đây, việc áp dụng ý định thực thi có thể nâng cao hiệu suất thể hiện của bạn lên gấp hai hoặc ba lần trong tương lai. 

Đánh bại Akrasia 

Não bộ của chúng ta ưa những phần thưởng ngắn hạn hơn dài hạn. Nó đơn giản là một cơ chế hoạt động của tâm trí. Bởi khuynh hướng này, ta thường phải dựa vào những chiến lược kỳ quặc để hoàn thành công việc—như cách Victor Hugo khóa tất cả quần áo lại để có thể chuyên tâm viết sách. Nhưng tôi tin rằng rất đáng để dành thời gian xây dựng những dụng cụ cam kết nếu các mục tiêu của bạn quan trọng với bạn. 

Aristotle đặt ra thuật ngữ enkrateia như là từ trái nghĩa của akrasia. Trong khi akrasia đề cập đến xu hướng trở thành nạn nhân của tính trì hoãn, thì enkrateia có nghĩa là “nắm quyền kiểm soát chính mình.” Thiết kế các hành động trong tương lai của bạn, giảm bớt trở ngại khi bắt đầu và sử dụng những ý định thực thi là những bước đơn giản mà bạn có thể áp dụng để bạn sống một cuộc đời enkrateia hơn là akrasia. 

Theo James Clear