Khi nói đến hạnh phúc, những ảo ảnh của tâm trí đánh lừa chúng ta hết lần này đến lần khác. 

Chúng ta hướng tới sự hoàn hảo như mơ, về viễn cảnh đời sống thơ mộng đáng mong ước, và bất chấp mọi nỗ lực để san bằng mọi cách trở, để rồi nhận thức ảo mộng kia chẳng khác nào hồ nước trên sa mạc. 

Tại sao ta mải mê kiếm tìm hạnh phúc, gán hạnh phúc vào những mục tiêu rồi khi đạt được mục tiêu đó, ta lại không hề thấy thỏa mãn hay vui sướng? 

Điều này được coi là nghịch lý hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy nhiều cách để theo đuổi hạnh phúc một cách đúng đắn, nhưng trước tiên ta cần hiểu rõ tại sao việc theo đuổi hạnh phúc lại phản tác dụng tới vậy. 

Tìm hạnh phúc nhưng chỉ thấy khổ đau 

Vào năm 2014, Brett Ford và Iris Mauss, các nhà nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Sức khỏe Cảm xúc của Đại học Toronto và Phòng thí nghiệm Điều chỉnh Cảm xúc của UC Berkeley, đã khảo sát về đánh giá hạnh phúc. Dựa trên kết quả thu về, họ đề xuất ba cơ chế trong đó việc đánh giá và theo đuổi hạnh phúc cuối cùng lại phản tác dụng. 

Đầu tiên, mọi người có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn cao về hạnh phúc. 

Họ có thể khao khát mức độ hạnh phúc mãnh liệt hoặc muốn thấy hạnh phúc hơn mức thực tế. Dù thế nào thì những kỳ vọng vô lý đó cũng dẫn đến sự thất vọng, cả về bản thân họ cũng như cuộc sống của họ. 

Ví dụ, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã hỏi các đối tượng về kế hoạch của họ cho đêm giao thừa năm 2000. Hai tháng sau, họ theo dõi để xem lễ kỷ niệm của những người đó đã diễn ra thế nào. Họ phát hiện rằng hầu hết mọi người đều không hài lòng. Những người lên kế hoạch cho bữa tiệc lớn nhất, chuẩn bị kỳ công nhất và nghĩ rằng họ sẽ tận hưởng nhất lại là những người kém vui nhất. 

Ford và Mauss đã viết: “Nghiên cứu này minh họa những gì có thể xảy ra khi mọi người cố gắng tối đa hóa hạnh phúc của mình trong bối cảnh mà hạnh phúc được cho là có thể đạt được: sự thất vọng có thể xảy ra ngay sau đó, và bởi vậy, hạnh phúc ít có khả năng đạt được.” 

Cơ chế thứ hai là con người không có khả năng dự đoán chính xác điều gì sẽ khiến họ hạnh phúc - do một loạt các thiên kiến sai lầm. 

Tiêu biểu là quan niệm cho rằng hạnh phúc nằm ở mục đích chứ không trong quá trình. Ví dụ, nhiều người áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhằm giảm cân. Nhưng những thói quen như vậy có cảm giác như cực hình nên chúng nhanh chóng bị bỏ rơi. Kết quả cuối cùng là cân nặng vẫn nguyên si và còn tặng kèm thêm cảm giác chán nản, thất vọng về bản thân. 

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là cho rằng sự hạnh phúc nằm ở việc nuông chiều bản thân. Mọi người mua điện thoại mới, làm việc chăm chỉ để kiếm nhiều tiền, rồi dùng tiền đó sắm sửa các thứ. Mặc dù những mục tiêu này khiến con người có động lực phấn đấu và nó quả thực khiến người ta hạnh phúc hơn - nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, tất cả nhanh chóng quay trở lại mức thỏa mãn cơ bản và lại bắt đầu một guồng quay. 

Cơ chế cuối cùng là tự giám sát. 

Những người để tâm quá nhiều tới hạnh phúc thường có xu hướng theo dõi trải nghiệm của họ quá mức, điều này dẫn đến sự thỏa mãn bị giảm thiểu về tổng thể. Ford và Mauss trích dẫn các nghiên cứu cho thấy những đối tượng tham gia được yêu cầu giải thích lý do tại sao họ thích một bài nhạc cho biết họ cảm thấy ít hạnh phúc hơn những đối tượng chỉ đơn giản là thưởng thức bài nhạc đó. Nói đơn giản, việc suy nghĩ quá nhiều về hạnh phúc ngăn cản con người có những trải nghiệm trọn vẹn. 

Theo đuổi hạnh phúc một cách gián tiếp 

Ba cơ chế sai lầm phía trên có một điểm chung: Chúng nhấn mạnh việc theo đuổi hạnh phúc như một mục tiêu trực tiếp. Cách giải quyết vấn đề này, theo Tal Ben-Shahar, một nhà tâm lý học và đồng sáng lập Happiness Studies Academy, là tiếp cận hạnh phúc một cách gián tiếp. 

 

“Nếu tôi thức dậy vào mỗi sáng và tự nhủ rằng mình muốn hạnh phúc hơn, mình phải hạnh phúc hơn, thì đó là tôi đang trực tiếp theo đuổi hạnh phúc. Điều này nhấn mạnh việc cảm thấy hạnh phúc là cực kỳ quan trọng đối với tôi – rằng tôi rất coi trọng nó – và do đó nó làm tôi đau nhiều hơn là nâng đỡ tôi.” 

 

Trong nghiên cứu của mình, Ben-Shahar phát hiện một phương tiện mới để theo đuổi hạnh phúc một cách gián tiếp, gọi là phương pháp SPIRE, trong đó: 

S (Spiritual): Tinh thần

P (Physical): Thể chất

I (Intellectual): Trí tuệ 

R (Relational): Mối quan hệ 

E (Emotional): Cảm xúc 

Năm chữ cái trên biểu thị năm thành tố trong cuộc sống mà ta nên theo đuổi để trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.  

Đi đâu từ đây? 

Như thường lệ, dưới đây là vài ý tưởng để bạn bắt đầu: 

Học cách tận hưởng những trải nghiệm.

Chúng ta dành quá nhiều thời gian để tiếc nuối những điều đã qua, lo lắng những điều sắp tới và bất an ở hiện tại. Nghiên cứu cho thấy rằng khi tâm trí chúng ta lang thang đến những vùng trời khác ngoài trải nghiệm hiện tại, chúng ta thường ít hạnh phúc hơn. Một cách để nâng cao nhận thức và sự hài lòng với thực tại là tiếp cận sự việc với lòng biết ơn. Khi chúng ta nhận ra giá trị của những gì mình làm, ta sẽ gắn kết hơn và có động lực để tiếp tục làm việc đó trong tương lai - ngay cả những hoạt động nhỏ bé như rửa bát hay phơi quần áo. Lời khen là chìa khóa. Nếu bạn muốn nhận về nhiều lời khen, bạn phải tích cực cho đi những lời khen. Viết nhật ký cũng là một cách rất hữu dụng, được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. 

Tập trung vào người khác.

Những người có mối quan hệ bền chặt chắc chắn sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người không có. Sự nghiệp, thành tích, danh hiệu, của cải vật chất không khiến con người mãn nguyện như kết nối xã hội. Đó là tình bạn, mối quan hệ gia đình, mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác hay thậm chí là những mối quan hệ xã giao vụn vặt. Đó là nhu cầu được công nhận, cảm thấy bản thân đang hiện diện và được coi trọng.

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng bạn không nhất thiết phải chè chén tiệc tùng để kết giao, mà đơn giản là một buổi cà phê với những người bạn chí thiết, hoặc đơn giản là gọi điện hỏi thăm tình hình một người thân ở xa. Những nỗ lực nhỏ này sẽ mang lại kết quả lớn cho các mối quan hệ và hạnh phúc của bạn. 

Hãy tiêu tiền một cách khôn ngoan.

Tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể nuôi dưỡng hạnh phúc nếu được chi tiêu khôn ngoan. Thay vì tiêu xài hoang phí cho những trò giải trí vô bổ và thiết bị công nghệ đời mới nhất, hãy dành tiền đó cho các hoạt động mang tính đeo đuổi như thể thao, sở thích, giáo dục và khám phá - những thứ cung cấp cho SPIRE của Ben-Shahar. 

Đừng nhầm lẫn niềm vui với hạnh phúc.

Đồ nội thất mới, những ly cocktail thơm ngon và những đêm dạo phố có thể rất hấp dẫn, nhưng ta không nên đánh đồng chúng với hạnh phúc. Cảm giác thoáng qua khi sở hữu những thứ đó chỉ là niềm vui ngắn hạn, nó phụ thuộc vào những điều kiện ngoại vi. Ngược lại, hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện nội tại, có thể giúp ta vượt qua những thử thách và nỗi đau trong cuộc sống. 

Đọc thêm: Vì Sao Ta Hết Thích Những Thứ Ta Từng Thích?